Xúc động và ám ảnh

Hồng Thinh| 24/05/2017 08:23

Kịch về chiến tranh lâu nay vẫn được sân khấu dàn dựng và thường rất thành công. Tiếp nối thành công ấy, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng vừa công diễn vở kịch “Bão tố Trường Sơn” bằng cách kể mới với góc nhìn mới cùng những lay động mới.

“Bão tố Trường Sơn” đưa khán giả trở lại với những gian khổ, ác liệt nơi chiến trường xưa và những mối quan hệ giữa con người với con người cùng chiến tuyến. Đó là tình yêu trong sáng, không vụ lợi của nữ bác sĩ Diễm Lệ và Đại đội trưởng Vũ Bông. Những tưởng tình yêu ấy sẽ đơm hoa kết trái đầy thi vị giữa chiến trường khốc liệt. Nhưng chỉ vì niềm hãnh tiến của con người đầy cơ hội mà Vũ Bông đã phản bội niềm tin của bác sĩ Diễm Lệ... 

Những bão tố nơi chiến trường cứ thế tiếp nối đến cả cuộc sống thời hậu chiến khi ngày ngày ta vẫn gặp đâu đó hình ảnh những người mẹ vò võ ngóng tin con trở về, những cựu chiến binh sống trong bao nỗi dằn vặt vì những ích kỷ cá nhân... Ở đó là những bão tố trong lòng người: sự hận thù, niềm tin bị đánh mất… nhưng cuối cùng, bằng tình yêu thương và sự chân thành, họ cũng đã vượt qua…

Xúc động và ám ảnh

Vở kịch “Bão tố Trường Sơn” góp thêm một cách nhìn về tình người trong và sau cuộc chiến. Ảnh: HT

Vở kịch đẫm chất bi tráng này được trích từ tuyển tập kịch của của cố nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương. Sinh thời, nhà viết kịch Trương Minh Phương là một nghệ sĩ đa tài, ông sống ở mảnh đất Bình Trị Thiên gần như trọn đời qua hai cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông có một khối lượng tác phẩm đồ sộ gồm: 128 ca khúc, gần 20 ca cảnh, kịch múa hát, 60 tác phẩm từ kịch ngắn, kịch dài và 6 công trình nghiên cứu văn nghệ dân gian, tiêu biểu trong đó phải kể đến tuyển tập tác phẩm đồ sộ mang tên “Rừng hát”. 

Đạo diễn, NSND Anh Tú đã có một bản dựng cho “Bão tố Trường Sơn” đầy ấn tượng. Ví như vở kịch có những lời thoại gieo bao suy ngẫm, khi câu chuyện không chỉ là của hôm qua mà của cả hôm nay: “Đây là vấn đề của tư tưởng mà tư tưởng thuộc về trách nhiệm của đồng chí”- Vũ Bông, “1/2 cây lương khô thì vẫn là lương khô nhưng một phần của sự thật chưa chắc là sự thật đâu” – Hoàng Minh, “…Tôi đi thăm họ hàng người thân các người cũng phải chờ, việc của các người là chờ…”- Vũ Bông.

NSND Anh Tú đã sắp xếp bố cục vở diễn với những phân cảnh ngắn gọn mà đắt giá, đủ để khán giả cùng hỉ, nộ, ái, ố... Chẳng hạn, phân cảnh Vũ Bông cố tình đội trùm dù, che tai trong cuộc họp về cái thai trong bụng Diễm Lệ; anh nuôi Lê Ái không ngại điều tiếng quyết bảo vệ người con gái mình yêu; người mẹ dân tộc Pako chết cháy vì bom B52 nhưng vẫn gửi gắm con thơ; mẹ Diễm Lệ đẩy xe lăn, mang bằng khen ngày ngày ngóng hai con trai (đã hy sinh) về ăn cơm cùng bà; chính trị viên Hoàng Minh cả đời sống cô đơn vì nỗi đau da cam nhưng dám tự thú về sự ích kỷ trong tình yêu của mình; người con trai dân tộc Pako tìm được nguồn cội của mình; vợ Vũ Bông đau đớn trước sự thật nhưng vẫn khéo giúp Vũ Bông gặp con để giữ tình yêu ở mãi bên mình…

Thêm nữa, sân khấu được thiết kế gọn ghẽ với những “chuyển vai” đầy linh hoạt của những bục bệ khi là dốc đồi Trường Sơn, khi là hầm chữ A, khi lại là những ngôi nhà thời hậu chiến... Và giữa những biến hóa ấy, hình ảnh của tấm phông hậu với vòng xoáy bão tố 3D nhuốm sắc đỏ, xanh, tím… có sức gợi mạnh mẽ.

Và còn một yếu tố quan trọng không thể không nhắc đến là các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam đã khá tròn vai cho nhân vật của mình. Nghệ sĩ Quỳnh Hoa đã hóa thân thành công vai nữ bác sĩ Diễm Lệ luôn cháy bỏng cùng tình yêu nhưng không chịu khuất phục trước bất kỳ hoàn cảnh nào. Nghệ sĩ Tô Dũng thì khiến khán giả vừa giận vừa thương khi anh vào vai Đại đội trưởng Vũ Bông dù dũng cảm, xông xáo nhưng lại quá hãnh tiến, cơ hội. Nghệ sĩ Thanh Hương chỉ xuất hiện ở hai phân cảnh nhưng làm người xem ám ảnh với vai bà Nhân (mẹ Diễm Lệ). Nhất là NSƯT Xuân Bắc khiến khán giả cười trong nước mắt khi anh thể hiện xuất sắc vai anh nuôi Lê Ái dám làm, dám chịu, dám yêu.

…Ta đã có những ngày vui sướng nhất 

Đã uống cả men nồng và rượu chát 

Đã đi qua cùng tận của con đường 

Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên: 

Buồm đã tới và lúa đồng đã gặt.

Vở kịch “Bão tố Trường Sơn” khép lại cùng với những câu thơ cuối cùng ấy trong bài thơ “Bài hát ấy còn là dang dở” của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Những câu thơ mang tính chiêm nghiệm sâu sắc ấy càng gợi cho khán giả biết bao suy tư, ám ảnh về cuộc đời những người lính Trường Sơn năm xưa đã đi qua bao bão tố, đắng cay từ những nhỏ nhoi, ích kỷ cá nhân… song bến đỗ cuối cùng của họ không phải là hận thù mà tất cả đều được tha thứ để yêu thương.

Vở kịch “Bão tố Trường Sơn” sẽ được tiếp tục công diễn đến khán giả vào tối 23/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội để sau đó biểu diễn phục vụ các cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ. 

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khai mạc triển lãm "Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ”
    Sáng 17/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm "Tấm lòng của hoạ sĩ Việt kiều với Bác Hồ”. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Hội Thái Việt tại tỉnh Nakhon Phanom Thái Lan phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890 – 19/5/2024.
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • “Âm vang Việt Nam” hào hùng qua từng khúc hát
    Hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tối 16/5 tại Không gian biểu diễn Nghệ thuật - Ẩm thực đường phố quận Tây Hồ tiếp tục diễn ra Chung khảo “Liên hoan Tiếng hát cựu Thanh niên xung phong (TNXP) Hà Nội 2024” (cụm 2), với những phần trình diễn đặc sắc, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân Thủ đô.
  • Bộ Y tế lần đầu cấp phép lưu hành vaccine sốt xuất huyết
    Ông Vũ Tuấn Cường, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa ký ban hành công văn về việc Cục này cấp phép cho 40 vaccine, sinh phẩm y tế, trong đó có vaccine sốt xuất huyết do Takeda sản xuất. Vaccine sốt xuất huyết sử dụng cho người từ 4 tuổi trở lên, bất kể đã hoặc chưa từng mắc bệnh. Đây là vaccine sốt xuất huyết đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam.
  • Nestlé tăng cường áp dụng nông nghiệp tái sinh, giảm phát thải khí nhà kính
    NESCAFÉ – nhãn hiệu cà phê lớn nhất của Tập đoàn Nestlé và là một trong những nhãn hiệu cà phê được yêu thích trên thế giới, vừa công bố Báo cáo tiến độ Chương trình NESCAFÉ Plan năm 2030 lần thứ hai. Báo cáo cho thấy việc tăng cường áp dụng các phương pháp canh tác nông nghiệp tái sinh giúp cải thiện năng suất và giảm phát thải khí nhà kính (KNK).
Đừng bỏ lỡ
Xúc động và ám ảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO