Thừa Thiên Huế: Lấy ý kiến các dự án luật Di sản văn hóa
Những góp ý các dự án luật Di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn phát triển và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tổng hợp, có ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Ngày 15/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị góp ý các dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Luật Di sản văn hoá (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế gợi mở các vấn đề cần góp ý phát huy giá trị di sản, quá trình vận động và biến đổi không ngừng từ thực tiễn đã bộc lộ nhiều vấn đề mới phát sinh, mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển cần sớm được xử lý hài hòa trên cơ sở sửa đổi, bổ sung kịp thời một số “khoảng trống”, nội dung còn chồng chéo với các quy định khác do vậy các đại biểu cho rằng dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã bổ sung nhiều nội dung quan trọng.
Góp ý vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), các đại biểu tập trung đề nghị điều chỉnh một số thuật ngữ liên quan trong thực thi và áp dụng pháp luật (Điều 3), Quyền sở hữu, quyền khác đối với di sản văn hóa (Điều 4), Quy định chuyển nhượng thông qua mua bán dân sự, trao đổi, tặng cho, thừa kế ở trong nước để gia tăng giá trị của di sản, chỉ cấm kinh doanh mua bán bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Cấm kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật liên quan đến Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại Chương II, các đại biểu tập trung cho ý kiến về cơ chế xác lập cơ chế ghi danh, công nhận, thực thi các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có phạm vi phân bố liên tỉnh, liên quốc gia (từ Điều 11 đến Điều 17), chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể (Điều 13), Bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa (tư Điều 14 đến Điều 19)...
Các đại biểu tập trung cho ý kiến về cơ chế xác lập cơ chế ghi danh, công nhận, thực thi các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có phạm vi phân bố liên tỉnh, liên quốc gia, chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể, bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa… Dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) có một số chương được quy định mới, cụ thể Chương IV về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu là chương mới, được đưa vào dự thảo Luật để đảm bảo sự thống nhất quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Chương V về Bảo tàng cũng là chương mới, được tách ra từ Mục 3 Chương IV Luật Di sản văn hóa hiện hành. Các nội dung có kế thừa, điều chỉnh, bổ sung cụ thể hơn hoặc quy định mới, qua đó hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bảo tàng…
Tại hội nghị, các đại biểu còn góp ý, có ý kiến về Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) và Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Kết luận tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu ghi nhận và đánh giá cao những góp ý của lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị cho các dự án luật. Những góp ý Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Di sản văn hoá (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) và Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) phù hợp với thực tiễn phát triển hiện nay của Thừa Thiên Huế, đặc biệt là trên lĩnh vực văn hóa di sản.
Theo bà Nguyễn Thị Sửu, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sắp tới sẽ xem xét số lượng dự án luật cao nhất từ trước đến nay. Những góp ý của các đại biểu sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế tổng hợp và có ý kiến tại kỳ họp Quốc hội sắp tới nhằm tránh mất mát di sản văn hóa ra nước ngoài (các Điều 4,5,6,7,8)./.