Chính sách & Quản lý

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Văn Thiện 20:50 09/04/2024

Các ý kiến tại phiên họp đều đánh giá, dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) do Bộ VHTTDL là cơ quan chủ trì soạn thảo đã được chuẩn bị rất chi tiết, công phu, đảm bảo quy định Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đủ chất lượng để báo cáo Quốc hội.

y89lh863.png
Cột cờ Hà Nội – Kỳ đài cao nhất còn lại tại Hoàng thành (Ảnh: Sưu tầm)

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức Phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Các Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng dự Phiên họp. Dự phiên họp còn có đại diện một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện một số bộ, ngành Trung ương.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật DSVH (sửa đổi). Mục tiêu của việc sửa đổi Luật DSVH nhằm thể chế các quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quy định của luật và thực tiễn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá; thể hiện rõ việc tăng cường đầu tư, huy động nguồn lực xã hội, phân cấp phân quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ hội nhập, phát triển trong tình hình mới.

Để phục vụ việc thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tổ chức khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; họp tổ thẩm tra; họp tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện Luật và các nội dung của dự án Luật. Thường trực Ủy ban cũng đã gửi hồ sơ dự án Luật xin ý kiến phối hợp thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, VCCI và một số chuyên gia.

Với mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng cũng như tính khả thi của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết hôm nay, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ đối với hồ sơ dự án Luật này.

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Chính phủ đã xây dựng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định về các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong hoạt động bảo vệ đối với di sản văn hóa ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Di sản văn hóa quy định tại Luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và di sản tư liệu, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

"Việc sửa đổi Luật cũng nhằm kiến tạo hành lang pháp lý để gìn giữ, phát huy các giá trị của di sản trở thành tài sản, dựa trên cơ sở tài nguyên thiên nhiên phong phú để thấy được trí sáng tạo, nét đẹp văn hoá ngàn đời mà cha ông ta đã dày công gây dựng nên. Dù đây là dự án Luật khó nhưng không thể không làm, cho tới thời điểm này, Bộ VHTTDL đã hoàn thành hồ sơ dự án Luật”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

Về sự cần thiết phải sửa đổi Luật, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, do dự án Luật đã có “tuổi thọ” 23 năm, nhiều quy định giờ đã không phù hợp với thực tiễn; một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được quy định trong luật; do Luật Di sản có liên quan đến nhiều Luật khác trong khi nhiều Luật khác đã sửa đổi thì Luật Di sản vẫn “đứng im” nên cần phải sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật...

Bố cục của dự thảo gồm 09 chương 102 điều, tăng 02 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (07 chương 73 điều), cụ thể: Chương I. Những quy định chung, gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8); Chương II. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, gồm 11 điều (từ Điều 9 đến Điều 19); Chương III. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, gồm 30 điều (từ Điều 20 đến Điều 49); Chương IV. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu gồm 11 điều (từ Điều 50 đến Điều 60); Chương V. Bảo tàng, gồm 14 điều (từ Điều 61 đến Điều 74); Chương VI. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ di sản văn hóa, gồm 04 Điều (từ Điều 75 đến Điều 78); Chương VII. Điều kiện đảm bảo hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, gồm 12 điều (từ Điều 79 đến Điều 90); Chương VIII. Quản lý nhà nước về di sản văn hóa, gồm 09 điều (từ Điều 91 đến 99); Chương IX. Điều khoản thi hành, gồm 03 điều (từ Điều 100 đến Điều 102).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ và Quốc hội thông qua tại hồ sơ lập đề nghị Luật.

Trong đó hoàn thiện các quy định về chính sách của nhà nước về bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa, vấn đề về sở hữu và quyền sở hữu đối với DSVH, quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực DSVH phi vật thể, DSVH vật thể gồm di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, bảo tàng, về trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành địa phương.

Để bảo đảm đồng bộ với các Luật liên quan, Bộ VHTTDL đã rà soát tất cả các luật có quy định trực tiếp đến DSVH như bộ luật Dân sự, các Luật: Xây dựng, Bảo vệ môi trường, Đầu tư, Đầu tư công, Đất đai, Lâm nghiệp, Luật Tín ngưỡng tôn giáo... bổ sung vào quy định trong Dự thảo Luật DSVH (sửa đổi) để đảm bảo thống nhất, không giao thoa giữa các Luật như quy định về sở hữu, về dự án đầu tư, công trình kinh tế-xã hội, xây dựng nhà ở riêng lẻ ở trong và ngoài khu vực di tích, quy định công trình bảo quản, tu bổ phục hồi di tích thuộc nhóm công trình xây dựng có tính chất chuyên ngành, quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện liên quan đến di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia...

Các ý kiến tại phiên họp cũng bày tỏ thống nhất với tính cấp thiết của việc sửa đổi luật và cho rằng, trước những yêu cầu thực tế, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Để hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu cũng cho rằng, cơ quan soạn thảo cần đưa ra thêm lý lẽ đối với những quy định cấm; điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để thi hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm chính sách dân tộc, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản, quy định về di sản tư liệu...

Phát biểu kết luận tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, hồ sơ dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu từ rất sớm, đủ chất lượng để có thể báo cáo trình ra Quốc hội.

Nhấn mạnh dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là một dự án luật lớn, liên quan đến rất nhiều luật khác, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh lưu ý, cơ quan soạn thảo trong quá trình hoàn thiện dự án luật, cần đối chiếu, rà soát thật kỹ các nội dung có liên quan để tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nhà văn hoá Nguyễn Đình Thi - người nghệ sĩ tài hoa của Thủ đô và đất nước
    Chiều 12/12/2024, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024). Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi.
  • Trao giải, triển lãm 62 tác phẩm ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản”
    62/561 tác phẩm ảnh chất lượng trong cuộc thi ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản” được đưa ra triển lãm và trong đó có 11 tác phẩm của 8 tác giả xuất sắc đạt giải.
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND TP Hà Nội
    Bà Nguyễn Thị Tuyến, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội và ông Nguyễn Quang Đức, nguyên Trưởng ban Nội chính, được cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND thành phố do được phân công công tác khác.
  • Cơ hội tăng trưởng cho ngành rau, hoa, quả Việt Nam
    Ngày 12/12, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế chuyên ngành Công nghệ sản xuất và Chế biến rau, hoa, quả lần thứ 7 (HortEx Vietnam 2025).
Đừng bỏ lỡ
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO