Văn hóa – Di sản

Vũ Tông Phan – nhà giáo, nhà thơ xuất sắc

Lê Văn Lan 12/11/2023 15:06

Ông Nghè Tự Tháp Vũ Tông Phan (1800-1851), đỗ Tiến sĩ (ông Nghè) từ năm 1826, chỉ ra làm quan “nhật xuất” một thời gian sáu, bảy năm ngắn ngủi thôi, Vũ Tông Phan đã “cáo bệnh quy” (lấy cớ ốm đau để về) bên mạn hồ Hoàn Kiếm, mở ngôi trường “Hồ Đình” (trường ven hồ) của mình, trên đất thôn Tự Tháp, cùng huyện Thọ Xương đương thời.

vu-tong-phan.jpg
Danh nhân Vũ Tông Phan.

Mùa xuân năm 1834, ở nơi có giáp “Giang Nguyên” đầu nguồn sông Tô giao nước với sông Hồng - thuộc làng Cổ Lương, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội - danh sĩ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu mở tiệc rượu khánh thành ngôi trường hình vuông - “phương đình” - của mình, và làm câu thơ nổi tiếng, vừa để giải thích nghĩa lý của hình thù ngôi trường, vừa để bày tỏ chí hướng của một lớp người Hà Nội thời bấy giờ: Cố tri viên thị trí, nguyện thủ phương vi hình (Vẫn biết “tròn” là khôn, nhưng nguyện giữ “vuông” làm mẫu). Đó là lời hoạ lại bài thơ của một vị khách - còn nổi tiếng hơn cả chủ nhân đương thời - đến dự tiệc, và được trân trọng mời làm bài xướng Vịnh phương đình (Vịnh ngôi trường hình vuông) còn lưu truyền đến nay. Ông Nghè Tự Tháp Vũ Tông Phan (1800-1851), đỗ Tiến sĩ (ông Nghè) từ năm 1826, chỉ ra làm quan “nhật xuất” một thời gian sáu, bảy năm ngắn ngủi thôi, Vũ Tông Phan đã “cáo bệnh quy” (lấy cớ ốm đau để về) bên mạn hồ Hoàn Kiếm, mở ngôi trường “Hồ Đình” (trường ven hồ) của mình, trên đất thôn Tự Tháp, cùng huyện Thọ Xương đương thời. Đó là vào năm 1833 và chỉ một năm sau - năm vừa mới ra đời trường “Phương Đình” - thì trường “Hồ Đình” đã cho “ra lò” ngay hai cử nhân, trong đó có ông cử Vũ Duy Ninh - sau đấy vào làm Hộ đốc thành Gia Định, và năm 1859, quyết liệt đánh Tây xâm lược, đã dũng cảm tử tiết theo thành!

Những học trò trường Hồ Đình như thế, năm rồi lại năm, nối nhau đến ngôi trường năm gian nhà lá, đông đến cả ngàn, bên cây đa mỗi năm mỗi lớn, nay đã thành đại cổ thụ, giữa sân toà báo Nhân Dân, phố Hàng Trống, trông ra hồ Trả Gươm. Một tấm bia đá cổ, cũng đã được họ chung nhau dựng lên ở đấy, vào ngày mồng một tháng tư năm Quý Dậu (1873) - đứng tên Toàn bản môn (“tất cả các thế hệ học trò trường ta”, gồm các tiến sĩ, cát sĩ, nhã sĩ, phó bảng, cử nhân, tú tài, giám sinh, sĩ nhân, cùng lạy dựng), nhưng có kèm danh sách cụ thể của mấy môn sinh: người “lạy soạn” (viết văn bia), đồng thời là trưởng tràng Nguyễn Tư Giản “Tiến sĩ khoa Giáp Thìn, cáo thụ Trung Phụng đại phu, quyền lĩnh Thượng thư Bộ Lại, sung làm phó Tổng tài ở Quốc sử quán, người Đông Ngàn”; người “lạy nhuận” (sửa sang) văn bia Lê Đình Diên - “Đệ nhị giáp Tiến sĩ ân khoa năm Kỷ Dậu, nguyên Đốc học Hà Nội, người Nhân Mục; người “lạy kiểm” (soát lại) văn bia: Nguyễn Gia Kiểm - “Cử nhân khoa Quý Mão, nguyên Đốc học Thanh Hoá, người Gia Thụy”... Và, cẩn trọng như thế, chính là để: “Tỏ lòng cảm nhớ đức cao, hạnh tốt, lưu vào bia đá của thầy ta (là Vũ Tông Phan) vậy”.

Vị thầy ở và của ngôi trường Hồ Đình như thế, có và được những học trò lừng danh như thế kính yêu, quả là người có nhiều duyên nợ với miền đất ven hồ này. Ngôi nhà của ông, trước và ngay cả khi mở mang thêm, thành năm gian trường Hồ Đình, đã nhiều lần vào trong kho tàng di sản thơ văn của danh sĩ Nguyễn Văn Siêu, bằng hình ảnh của một chốn “u cư” (ngôi nhà u tịch):

U cư hữu Kiếm Hồ,

Tứ thần xuân thuỷ hoạt.

Nhất phiến Ngọc Sơn cô,

Đệ tử tứ phương mãn.

(Chốn ở u tịch có hồ Gươm,

Bốn mùa đều dào dạt nước xuân.

(Vỗ quanh) ngọn núi Ngọc trơ trọi,

Học trò bốn phương đến đầy nhà)

Và:

Trắc kính thông âu xứ,

Hồ thôn sổ lu.

Yên hoa không vãng tích,

Quy bệnh đắc tân cư.

(Một con đường nhỏ hẹp dẫn đến nơi u tịch,

Thôn ven hồ rải rác vài nếp nhà tranh tồi tàn.

Những di tích thời qua trơ trọi trong khói sương hoa lá,

Người cáo bệnh trở về lại được sửa sang chỗ ở mới)

Chỉ hiện hình và lưu ảnh trong thơ, nhưng ngôi nhà và ngôi trường ven hồ Gươm của Vũ Tông Phan, cũng đủ khiến mọi người và mọi thời nhận ra nhân cách và bản lĩnh của chủ nhân chốn “u cư” này. Chưa biết lúc bấy giờ - nửa đầu thế kỷ XIX - Hà Nội đã có câu ca nổi tiếng về bông hoa nhài và người Tràng An hay chưa, nhưng hoàn toàn có thể vẫn cứ lấy đúng hai chữ Thanh và Lịch ở đấy, mà nói về nét đẹp lớn nhất và chung nhất của và từ con người tiêu biểu nhất ở nơi chỗ nổi tiếng nhất đương thời, của miền đất và người Long Thành - Hà Thành địa linh nhân kiệt này.

Từ thời cụ tổ ba đời - do được làm “Thị nội văn chức” cho chúa Trịnh - dòng họ Vũ Tông đã mua đất làm nhà ở nơi có con hồ chầu về phủ chúa từ mạn trái - “Tả vọng hồ” - này. Ngọn tháp chùa Sùng Khánh Báo Thiên từ đời Lý đến lúc này, chỉ còn là phế tích, nhưng vẫn để lại tên cho chỗ đất ven hồ, từng in bóng cây “Kình thiên trụ” (Cột chống trời) của kinh thành Thăng Long nghìn xưa: phường “Báo Thiên”, thôn “Tự Tháp”. Cậu học trò Vũ Tông Phan, sinh năm 1800, mười năm theo cha - tú tài Vũ Tông Cửu - đi dạy học và học với cha mình, hết ở Vân Đình lại ở Mậu Hoà (Hà Đông), nhưng vẫn hằng không quên nơi cư chốn ngụ đã ba đời của dòng họ ở chỗ ven hồ có ngọn tháp chùa lừng danh này. Vì thế, 19 tuổi thi đỗ tú tài. 25 tuổi - đỗ Cử nhân, 26 tuổi - đỗ Tiến sĩ khai khoa triều Nguyễn cho đất cựu kinh Thăng Long, ở tờ khai đi thi, Vũ Tông Phan đều xưng “quán tại Thọ Xương, Tự Tháp”. Và thực sự, một năm sau khi đỗ tú tài, ông đồ trẻ họ Vũ Tông - vừa chỉ một thời gian ngắn lên Hạ Hoa (Hạ Hoà, Phú Thọ ngày nay) thử ngồi dạy học - đã quay ngay trở về nơi bản quán ven hồ Hoàn Kiếm.

Quãng thời gian năm sáu năm đầu thập kỷ hai mươi của thế kỷ XIX sống yên bên hồ Trả Gươm ấy, chắc chắn là những năm tháng đáng nhớ trong cuộc đời Vũ Tông Phan. Vì đây chính là thời gian mà những kiến thức uyên bác rồi sẽ phải huy động để “vượt Vũ Môn” (ở các kỳ thi Hội - thi Đình nghiệt ngã sau đấy) và tài năng để rồi sẽ làm nên những Kiếm Hồ thập vịnh, Thăng Long hoài cổ thập tứ thủ; những quan hệ xã hội rồi sẽ khiến sự tín nhiệm một vị hội chủ đầu tiên của “Hội Hướng thiện” được xác lập; và nhất là những phẩm chất của một vị thầy rồi sẽ xứng đáng được vua Tự Đức ban tặng bốn chữ “Đào thục hậu tiến” (có công đào tạo rèn luyện cho lớp hậu sinh tiến lên) được hình thành. Đó, không gì khác hơn, mà chính là Thanh và Lịch.

Dĩ nhiên, Thanh và Lịch là phẩm chất và bản lĩnh cả cuộc đời, nhưng ở thời gian rèn tạo chủ yếu (trong những năm 1820-1825) này, có một sự thể hiển nhiên đã ảnh hưởng rất lớn đến những thành tựu của cả cuộc đời mà chàng thanh niên họ Vũ Tông khi ấy đã thâu hoá được, chính là: ngôi trường, vị thầy, và những người bạn đồng môn, cũng ở ngay nơi ven hồ, trên đất thôn Tự Tháp này. Đó là ngôi trường được gọi theo tên làng sở tại - Tự Tháp - của thầy Hoa Đường Lập Trai Phạm Quý Thích. Quê gốc ở làng Hoa Đường (Lương Ngọc) huyện Đường An (Bình Giang - Hải Dương ngày nay) hiệu là Lập Trai tiên sinh, tiến sĩ Phạm Quý Thích đã vinh dự được ghi tên vào bảng vàng bia đá từ triều Lê, ngay khi mới 19 tuổi, và làm quan tới chức “Tri công phiên” bên phủ chúa thời Lê - Trịnh, rồi đến thời đầu Nguyễn lại được trao chức lớn “Thị trung học sĩ” ở Huế, nhưng chỉ nhận làm “Đốc học phủ Phụng Thiên”, vừa trông coi việc học hành ở nơi cựu đô nghìn năm văn hiến này, vừa mở giảng đường riêng, dạy học cho hàng trăm, nghìn người nên danh, thành tài. Vũ Tông Cửu thân phụ của Vũ Tông Phan cũng từng là học trò của ông Nghè Lập Trai, hơn thế nữa, còn được thầy Phạm Quý Thích gả em gái - Phạm Thị Đôi - cho làm vợ. Vì thế tuy thuộc lớp học trò cuối cùng của vị thầy “được các học giả suy tôn như đỉnh Thái Sơn, như chòm Bắc Đẩu” nhưng Vũ Tông Phan lại còn có cái may mắn khác người trong quan hệ với ông Nghè Lập Trai, là - vẫn lời văn bia: Cữu sanh nhi sư sinh dã (Vừa là cậu (bác ruột bên mẹ) cháu, vừa là thầy trò vậy)! Và còn điều quan trọng nữa - vì “học thầy không tầy học bạn” - là: còn có cả một lớp bạn đồng môn “đồng anh tuấn” (đều là những anh tài - chữ của Vũ Tông Phan trong bài thơ Vịnh Phương Đình là những tiến sĩ, cử nhân Nguyễn Văn Lý, Ngô Thế Vinh, Lê Duy Trung, Nguyễn Văn Siêu, Trần Văn Vi... quây quần xung quanh, để giao tiếp kết thân, dần dà thành như tiền thân của một “chiếu” (hình thức hội đoàn) mà hạt nhân là cái chiếu bạn học tâm giao (“Nhất nghiễn tịch chi giao” - lời Tiến sĩ Ngô Thế Vinh) gồm 4 người tài danh nổi tiếng giữa thế kỷ XIX, Phan, Siêu, Trung, Vinh!

Vũ Tông Phan là người đỗ đại khoa trước nhất trong số họ, vì thế, cũng “nhật xuất” (đi làm quan) sớm. Ngay trong năm đầu đậu đạt (1826) đã phải rời ngôi nhà cha mẹ và ngôi trường của thầy cũ ở Tự Tháp ven hồ, vào kinh đô Huế tùng sự tại Viện Hàn lâm. Rồi đó, hết Bình Hoà (Khánh Hoà), lại Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, trong vòng sáu bảy năm lận đận di chuyển và thăng giáng chốn quan trường, nếm và trả món nợ làm quan - “hoạn trái” (Vũ Tông Phan thường hay dùng chữ “trái” (nợ) trong và cho văn chương của mình: hết “hoạn trái” (nợ làm quan), lại “tiền trái” (nợ tiền bạc) và đặc biệt là “học trái” (nợ việc học - việc mà ông cho là “trả suốt đời cũng không hết”) - khắp đó đây, nhưng ông không lúc nào vơi nỗi nhớ về nơi bản quán ven hồ Hoàn Kiếm, ở giữa chốn “phồn hoa thứ nhất Long Thành” của mình:

Ngàn dặm Long Thành trăng toả sáng,

Thấu chăng tình ý kẻ đi xa?

(Vũ Thế Khôi dịch)

đấy là lời thơ “Thiên lý Long Thành kim dạ nguyệt – Hữu tri ưng chiếu viễn du tình”, mà Vũ Tông Phan, vừa tới Huế trong đêm hưởng trung thu lần thứ hai ở tận đô xa Thăng Long (năm 1831) đã “độc toạ đê hồi ngâm” (một mình ngồi bồi hồi ngẫm nghĩ mà ngâm nga)!

Vì thế, ngay từ mùa học năm 1833 - mới chỉ được triều đình cho nghỉ dưỡng bệnh với nguyên chức vụ cuối cùng: Đốc học Bắc Ninh, 5 năm trước khi được chuẩn y cho hưu hẳn (vào năm 1838) - Vũ Tông Phan đã xăng xái trở về Tự Tháp, sửa lại căn nhà xưa, định cư lâu dài ở nơi bờ nước cũ:

Hồ Gươm vườn nước đầy thanh hứng,

Nghĩ dựng thư phòng gửi sớm hôm.

(Vũ Thế Khôi dịch)

như đã tự viết trong Thục xá ngẫu hứng (Ngẫu hứng ở nhà dạy học): Kiếm hồ viên thuỷ đa thanh hứngNghĩ trúc thư lâu ký hiểu hôn. Để cho từ đấy, không chỉ ngẫu hứng mà cả những khi nhìn ngắm, suy nghĩ, giao tiếp, thù tạc... Hồ Gươm luôn luôn và mãi mãi vào đầy men say trong thơ văn Vũ Tông Phan, kể cả khi làm thơ tiễn bạn Nguyễn Văn Siêu một thuở đi Huế làm quan:

Biệt ly soi tấc dạ này,

Trăng thu Tô Lịch, men say Kiếm Hồ!

(Vũ Thế Khôi dịch)

Mái trường Hồ Đình của ông Nghè Tự Tháp cũng từ đấy phát sáng và nức danh cho vùng “tụ thuỷ như tụ nhân” (tụ nước cũng như tụ người tài) Kiếm Hồ, cũng như là cho cả miền “địa linh nhân kiệt” (đất thiêng người tài) Thăng Long - Hà Nội.

Nối tiếp hiện tượng ngay sau năm đầu mở trường đã cho “ra lò” hai cử nhân ở khoa thi năm 1834, đến kỳ thi năm 1837, bảy cử nhân nữa lại đã được lấy đỗ từ trường Hồ Đình của thầy Vũ Tông Phan và năm sau một trong số đó - Nguyễn Hữu Độ - đã thành tiến sĩ phó bảng, để từ đấy về sau liên tiếp “lò đào tạo cử nhân, tiến sĩ” này thành nơi xuất thân của hàng loạt Thượng thư, Đốc học, như Nguyễn Tư Giản, Lê Đình Diên; phó bảng và thầy học, như Phạm Hy Lượng, Dương Danh Lập, Ngô Văn Dạng, Nguyễn Huy Đức...

Ung dung tự tại ở Hồ Đình, với danh vị là thầy của cả đám học trò đại khoa và đại quan như thế, Vũ Tông Phan còn là trung tâm hội tụ của hàng loạt danh tài, danh sĩ Long Thành - Hà Thành buổi đương thời. Nếu nổi tiếng nhờ sớm đỗ đạt cao, là do:

Khoa mục khởi năng hoàn học trái,

Thi thư thiết kỷ kế gia thanh.

(Tự thuật)

(Thi cử thành công là để trả nợ học,

Vui mừng vì nối được truyền thống chữ nghĩa nghiệp nhà)

và được trọng vọng, vì mãi luôn có tấm lòng và lời lẽ biết ơn của các học trò thành đạt: “Ơn tác thành của tiên sinh bao la như nước hồ long lanh, tựa khói trăng bàng bạc” (lời trưởng tràng Nguyễn Tư Giản viết vào bia thờ thầy) thì, sức thu hút, hội tụ được nhiều người “bằng vai phải lứa” với mình - những “Thần Siêu” (Nguyễn Văn Siêu) và cả “Thánh Quát” (Cao Bá Quát) là “bạn vong niên” nữa - của Vũ Tông Phan, còn chính là nhờ ở nhân cách và tài năng, tâm hồn và đạo đức, tức: phẩm chất Thanh và Lịch của một người Thăng Long - Hà Nội tiêu biểu, điển hình lúc bấy giờ.

Danh sĩ Hà Thành Cao Bá Quát, trong một bài hoạ thơ Vũ Tông Phan, có câu:

Tu tín thử ông thái điềm đạm

(Nghe đồn rằng ông này rất là điềm đạm)

Và “Điềm thả hoà” (Điềm đạm và hoà nhã) cũng là những chữ của Nguyễn Văn Siêu dành cho phẩm chất tinh thần của Vũ Tông Phan. Trong khi đó, con người nổi tiếng điềm đạm, hoà nhã này, lại chỉ thường khiêm tốn và hóm hỉnh tự đánh giá mình:

Học vô đa nhật, thiên năng phận,

Xảo bất như nhân, khước tự lao.

(Học không được mấy ngày, song cũng biết phận mình,

Khéo không sao bằng người, nên đành phải tự khó nhọc)

Và còn tự “xếp hạng” mình nữa:

Vị trí ư đề diệc vị cao,

Vị lưu ư tục diệc phi hào.

(Rằng: thấp thì không, cũng chẳng cao,

Chẳng phường tục tử, chẳng anh hào)

(Vũ Thế Khôi dịch)

Nhưng chính là với bản lĩnh của một bậc đại khoa, đã Thanh lại Lịch như vậy, mà Vũ Tông Phan không những được bè bạn quý mến, mà còn được cả mọi quan dân trong miền tin phục. Và, vị thầy đầy uy tín ở trường Hồ Đình đã nhanh chóng huy động và khai thác vị thế cùng lợi thế ấy của mình, trở thành một người tiên phong trong việc mở rộng và khơi sâu những hoạt động giáo dục và văn hoá, cho và trên đất Thượng Kinh, để thành một phong trào xã hội - có tổ chức - mạnh mẽ, vào những năm 30 và 40 của thế kỷ XIX, “Văn hội Thọ Xương” và “Hội Hướng thiện” là hai tổ chức trong phong trào đó. Ở “Hội viên sổ” - ghi danh những văn thân trong “Văn hội Thọ Xương”, hoạt động theo tôn chỉ: “Trên thì noi theo phong độ và ý chí của tiên hiền, dưới thì khuyến khích thế hệ mai sau trau dồi tiến tới” được nêu rõ trong “Thọ Xương tiên hiền từ vũ bi lý” (Bài ký trên bia đền thờ tiên hiền (huyện) Thọ Xương) do ông Nghè Đông Tác, tiến sĩ Nguyễn Văn Lý soạn - có tên “Tiến sĩ khoa Bính Tuất, người thôn Tự Tháp là Vũ Hoán Phủ (Tông Phan)” ở hàng đầu tiên. Còn, ở “Hội Hướng thiện” thì, từ sự “cố gắng làm những việc đem lại lợi ích cho người”, như tổ chức biên tập và khắc in sách, chẳng những kinh kệ tôn giáo, mà còn cả sách tiểu học, sách vệ sinh thai nghén, nuôi con, v.v. và nhiều nhất là sách dạy đạo lý làm người như “Tâm pháp chân kinh”. Đến việc tiến hành đều đặn những buổi “giảng thiện” vào các ngày 2 và 16 (âm lịch) hàng tháng, đặc biệt là chuyển xây chùa Ngọc Sơn thành đền Ngọc Sơn vào năm 1842 trên đảo Ngọc trong hồ Gươm, để cho “sĩ phu kết bạn với nhau, yêu cảnh này, mến danh này, mà trong hội, việc tàng khí, tu thân, du ngoạn, nghỉ ngơi, đều có nơi chốn... giúp cho những người lấy điều thiện tu thân được nhiều” (như lời văn bia “Ngọc Sơn đế quân từ ký” do chính Vũ Tông Phan soạn năm 1843), người ta đều thấy có vai trò hàng đầu của vị hội chủ (Phả trưởng) đầu tiên: Vũ Tông Phan!

Bằng những công việc như thế, vị thầy khả kính và tài danh ở trường Hồ Đình - nhà giáo dục Vũ Tông Phan - đã trở thành nhà hoạt động văn hoá - xã hội không biết mệt mỏi của và ở Hà Nội. Đương thời người ta thấy ông được trọng vọng, mời mọc đi khắp nơi trên đất Long Thành - Hà Thành, để cho đến ngày nay thấy ông tạo dựng và để lại được: ở đền Đồng Nhân, tấm bia “Trưng Vương sự tích bia ký” (tháng năm, 1840); ở làng Yên Nội (nay là phố Hàng Điếu), tấm bia “Trùng tu Hoả thần miếu” (tháng bảy, 1841); ở đền Ngọc Sơn, tấm bia “Ngọc Sơn đế quân từ ký” (tháng bảy, 1843); ở đền Tam Nguyên (phố Phất Lộc bây giờ) tấm bia “Trùng tân Tam Nguyên từ bi ký” (tháng hai, 1848)... với những lời lẽ và ý tứ xuất sắc, mãi không phai mờ, như câu đánh giá công lao sự nghiệp của những nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc: “Việc làm của kẻ trượng phu, không thể lấy thành hay bại mà bàn luận. Việc làm của Hai Bà càng không nên lấy thành, bại mà luận bàn. Nghìn đời sau, đọc sử xưa khiến càng tăng thêm khí phách”, hoặc như câu nói về “trung với dân”, về trách nhiệm phòng hoả và lo cho dân của các quan chức: “Để lửa phát hoả hoạn hay không, có quan hệ đến mừng lo của dân. Lo liệu cho một phương, là trách nhiệm của quan coi giữ địa phương ấy”...

Những lời hay ý đẹp như thế, còn thấy có vô vàn trong di sản văn thơ của Vũ Tông Phan. Trong lời tựa cho tập thơ “Tô Khê tuỳ bút” (Tuỳ bút sông Tô Lịch) của mình (viết năm 1847), vị thầy trường Hồ Đình tự nhận: “Tôi thuở nhỏ lười học, chỉ thích làm thơ”. Đấy chỉ là cái cách để người có bản lĩnh văn học nói về sự nghiệp thơ văn đồ sộ của mình. Vì, chỉ trong Lỗ Am di cảo thi tập đã thấy chép đến 359 bài thơ. Vũ Tông Phan làm thơ khi đi học và đi đường, khi “độc toạ” (ngồi một mình) cũng như khi ngồi giữa “nghiễn tịch chỉ giao” (chiếu bè bạn bút nghiên), làm thơ khi “ngẫu hứng” cũng như lúc “nhàn du”, làm thơ để “vịnh cảnh” cũng như muốn “tả tình”... Một đề tài được quán xuyến đặc biệt trong thơ ông, chính là Hà Nội và trước hết là hồ Gươm - nơi có chốn “u cư” và ngôi trường “Hồ Đình” của ông, cũng như là công trình tâm huyết dựng xây đắp bồi của ông: đền Ngọc Sơn và hội Hướng thiện. Ngoài chùm thơ 10 bài Kiếm Hồ thập vịnh nổi tiếng, ông còn có thêm con số ngần ấy nữa, những bài thơ nổi tiếng khác cũng về vùng “tụ thuỷ như tụ nhân” này, chưa kể đến Thăng Long hoài cổ thập tứ thủ (14 bài thơ hoài cổ về Thăng Long).

Hồ Trả Gươm, vào nhiều trong sự nghiệp thơ văn của bậc trí giả đại khoa, vị thầy khả kính, nhà hoạt động văn hoá tài danh: Vũ Tông Phan, biết đâu đây lại chẳng là một môi trường rèn tạo và nền cảnh động lực, của và cho con người có phẩm cách thanh lịch tiêu biểu và điển hình này, trên miền “địa linh nhân kiệt” Thăng Long - Hà Nội này, ở nửa đầu thế kỷ lịch sử thứ XIX./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Trần Khánh Dư – danh tướng thủy binh
    Trần Khánh Dư người huyện Chí Linh (Hải Dương), chưa rõ năm sinh, mất năm 1339, dòng dõi tôn thất nên được phong tước Nhân Huệ vương. Khi quân Nguyên mới sang xâm lược nước ta, ông thường nhằm chỗ sơ hở đánh úp, Trần Thánh Tông khen là có chí lược, lập làm thiên tử nghĩa nam (con nuôi vua). Khi đánh dẹp ở miền núi thắng lớn, được phong chức Phiêu kỵ đại tướng quân. Rồi từ tước hầu, do được vua yêu, thăng mãi lên Thượng vị hầu áo tía, giữ chức phán thủ. Sau vì tư thông với công chúa Thiên Thụy, con dâu của Trần Quốc Tuấn nên bị cách hết quan tước, tịch thu sản nghiệp, phải lui về ở Chí Linh làm nghề bán than.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thiên anh hùng ca Điện Biên Phủ: Nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật
    Chiến thắng Điện Biên Phủ “là một mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử”. Góp vào chiến công vang dội ấy không thể không nhắc đến các văn nghệ sĩ - những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Nhìn lại thắng lợi vẻ vang của cuộc chiến tranh toàn dân này từ điểm nhìn 70 năm sau chiến thắng, có thể thấy rõ dấu ấn của văn học nghệ thuật viết về đề tài Điện Biên Phủ trải đều trên khắp các loại hình văn học nghệ thuật, từ văn chương cho đến âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, kiến trúc, điện ảnh…
  • Báo chí, văn nghệ sỹ đã thông tin, tuyên truyền sâu đậm về các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên, cho biết, trong thời gian qua, các phóng viên, biên tập viên báo chí, văn nghệ sỹ đã phối hợp với tỉnh Điện Biên thực hiện rất tốt công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
  • "Hoa ban đỏ" mở màn Tuần phim kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Cùng với các hoạt động diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), thực hiện chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ quốc phòng và Tổng cục Chính trị, Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức Tuần phim chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024).
  • Tỉnh Điện Biên đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực
    Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh Điện Biên đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị và gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật.
  • Nguyễn Thị Oanh giành Huy chương vàng giải điền kinh Hồng Kông mở rộng
    Thi đấu xuất sắc, vận động viên Nguyễn Thị Oanh đã giành được chiến thắng ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật, ẵm tấm Huy chương Vàng (HCV) tại Giải điền kinh quốc tế Hồng Kông (Hong Kong Athletics Championships) năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Vũ Tông Phan – nhà giáo, nhà thơ xuất sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO