Lý luận - phê bình

Vũ Quần Phương với thơ hay

PGS.TS Vũ Nho 11:33 28/10/2024

Quan sát các nhà thơ viết phê bình tôi thấy rằng vì có sáng tác, nên phê bình của họ thường giàu cảm xúc, thuyết phục bạn đọc bởi sự tinh tế, thành thục của người có nghề, cùng làm nghề với tác giả được bình. Mặt khác, là người cũng từng thai nghén, mang nặng đẻ đau tác phẩm, nên nhà thơ bình thơ thường có sự cảm thông, trân trọng và sẻ chia. Các nhà thơ bình thơ thành công trước đây phải kể đến Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Lớp kế tiếp có Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn...

nha-tho-vu-quan-phuong.jpg
Nhà thơ Vũ Quần Phương

Trong số những nhà thơ kể trên, Vũ Quần Phương là người viết nhiều lời bình hơn cả, bao gồm cả bình tác giả, bình tập thơ và đặc biệt là bình các bài thơ hay. Các bài bình thơ của Vũ Quần Phương được viết rải theo suốt chặng đường sáng tạo bền bỉ của nhà thơ. Những bài viết sớm nhất in trong tập bình thơ đầu tiên “Đọc thơ Hương Tích” in năm 1986, các bài tiếp theo in trong “Thơ với lời bình” in năm 1990; tiếp đó là các bài viết in trong “Ba mươi tác giả văn chương” in năm 2009. Năm 2012, ông có tập “Bình thơ” do NXB Dân Trí ấn hành.

Nguyên nhân đầu tiên làm cho Vũ Quần Phương thành công chính là anh đã có con mắt xanh, chọn ra những bài thơ hay để bình và thuyết phục bạn đọc. Bài thơ hay mới có đất cho người bình dụng văn. Bài thơ càng hay thì mảnh đất càng rộng, càng dễ cho người bình trổ hết tài năng, ngón nghề của mình. Đây cũng chính là chỗ đóng góp quan trọng của người bình với tư cách là một người phát hiện.

Cũng có không ít trường hợp không đợi đến con mắt xanh tinh tường của nhà phê bình. Ấy là khi bạn đọc, các nhà phê bình khác đều chúng khẩu đồng từ rằng đó là bài thơ hay. Trong trường hợp này, Vũ Quần Phương đóng góp bằng cách tạo ra một lối cảm thụ riêng, phát triển, bổ sung vào những cảm thụ mà người khác chưa nói, hoặc nói chưa đủ độ. Chính vì điều này mà nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định: “…ta gặp không ít những phát hiện mới mẻ của Vũ Quần Phương ở những tác giả đã quá quen thuộc, tưởng như không còn có gì để nói thêm nữa. Nhiều bài thơ tôi thuộc đã lâu, nhưng qua cái nhìn của Vũ Quần Phương, tôi ngỡ ngàng như mới thấy nó lần đầu”. Mấy lời mở sách trong “Bình thơ”.

bia-sach-binh-tho..jpg

Có thể lấy ví dụ trường hợp viết về “Hoàng Hạc Lâu”, “Muốn làm thằng Cuội”, “Mẹ ốm”… Tôi đã đọc nhiều bài viết về bài thơ nổi tiếng này, nhưng hình như chưa có ai đặt vấn đề và hoài nghi như Vũ Quần Phương: Ở bài “Hoàng Hạc Lâu”, Vũ Quần Phương phân tích: “Khi nhìn vào toàn cục bài thơ, mới thấy mất cân đối. Kích thước nỗi buồn phần đầu bài thơ mở vào rộng xa, ở tầm vũ trụ đầy uẩn, dằng dặc những kiếp đời mà đến cuối bài thơ lại chỉ còn là nỗi buồn trong tương quan mặt đất. “Quê hương khuất bóng hoàng hôn” làm sao tương ứng với nỗi lòng “Bạch vân thiên tải không du du”. Quả là “chân đế” bài thơ bị thu hẹp, nếu cảm xúc phần cuối chỉ là nỗi nhớ nhà. Nhà thơ đã lý giải thuyết phục rằng bài thơ không nói nỗi buồn nhớ quê, nhớ nhà như người ta vẫn hiểu, mà nói nỗi buồn thân phận hữu hạn mong manh của kiếp người”.

Phân tích bài thơ “Mẹ ốm” của Trần Đăng Khoa, người bình thơ đã thật tinh tế khi chỉ ra vai thứ tư mà chú bé Khoa đang “sống” chứ không phải là “đóng”: “Chú đã nhận đóng cả ba vai chèo. Thật ra còn một vai nữa mà chú không kể. Vai này chú không đóng mà chú sống, vai đứa con chăm mẹ, để ý từng diễn biến trên khuôn mặt mẹ:“Vì con mẹ khổ đủ điều/ Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn”. Chú đang đóng hỉ nộ ái lạc, đang hát trống quân, cò lả trên sân khấu, nhưng lòng chú đang sống với những nếp nhăn quanh mắt mẹ và chú thầm hiểu nỗi vất vả, già nua in trên gương mặt mẹ là vì con”.

Với đơn vị bài thơ, Vũ Quần Phương nắm được cái thần, cái hồn của bài. Rồi ông chẻ cái hình ảnh đắt, câu thơ hay, thậm chí đến dùng từ đắc địa. Các nhà thơ đã lao tâm khổ tứ để tìm chữ hay, từ mắt (nhãn tự). Kỳ công như Đỗ Phủ: “Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu” (lời không làm kinh người thì chết không yên). Bởi vậy mà nếu nhà bình thơ bỏ qua hay không để ý gì đến nhãn tự thì sẽ phụ lòng người viết biết bao. Vũ Quần Phương là người làm thơ nên ông rất hiểu giá trị của từ ngữ. Vì thế khi bình thơ, ông không bao giờ bỏ qua việc bình từ. Rất nhiều những từ đắt đã được Vũ Quần Phương bình thỏa đáng, đem lại khoái cảm cho người đọc. Chỉ xin lấy ra mấy ví dụ về phân tích, bình từ:

Từ “gọi” trong thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi” của Tố Hữu : “Phút giây thiêng anh gọi Bác ba lần”. “Tố Hữu hạ một chữ “gọi” làm rung chuyển tâm trí người đọc. Khẩu hiệu thành tiếng trăng trối của lòng người”.

Hay như từ “mài mòn” trong câu thơ “Trăng mài mòn guốc võng” của Bằng Việt: “Trăng mài mòn guốc võng nói cái ý bền bỉ của thời gian và có một điểm xuyết rất lạ về hình tượng. Câu thơ này là một thâu tóm rất tài. Từ tiếng võng kẽo kẹt những đêm trăng quen thuộc của làng quê ta, tác giả tạo mối liên hệ giữa trăng và võng qua động từ “mài mòn”, ý thơ nổi hẳn lên, tỏa sáng hai câu thơ bên cạnh. Ở đây, kỹ thuật kết cấu khéo léo không hề gây một cảm giác “sắp đặt, bố trí” nào, được như vậy là nhờ sự rung động thật sự của người viết đối với các chất liệu được dùng trong bài thơ”...
Từ “giật” trong câu thơ “Giật lấy miếng ăn bằng bàn tay lương thiện” trong bài thơ “Ba rưỡi sáng” của Trúc Thông: “Nếu tính cả tựa đề bài “Ba rưỡi sáng” thì thấy việc giật lấy miếng ăn vất vả quá, khốc liệt quá. Tác giả khẳng định thêm sự khốc liệt bằng động từ “giật”. Nghe thật “đao búa”. Nhưng không. Câu thơ dưới làm ta yên tâm: Giật, nhưng giật bằng bàn tay lương thiện. Trong bối cảnh khốc liệt, còn mất ấy mà giữ được lương thiện, vẫn cứ lương thiện thì quả là bản lĩnh. Tác giả ca ngợi người lao động lam lũ quật cường không bằng lời mà bằng bản thân của hành động, trong sự tương phản giữa giật lấy và lương thiện”.

image111.jpg
Nhà thơ Vũ Quần Phương - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Người Hà Nội.

Từ “lớn” trong “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm; từ “còn” trong câu thơ “Hai năm còn mộng toát mồ hôi/ Ba năm còn nhớ một con thạch thùng/ Mười năm còn quen ngồi một mình trong tối” trong bài “Người về” của Hoàng Hưng; từ “nhớn nhác” trong bài thơ “Tìm người” của Hữu Thỉnh; từ “vui chơi” trong câu thơ “Mọi ngày mẹ thích vui chơi” trong bài “Mẹ ốm” của Trần Đăng Khoa… Còn nhiều những ví dụ khác về việc bình từ tinh tế của Vũ Quần Phương. Đây là những cái “rất nhỏ” trong bếp núc bình thơ, những “cái nhỏ” đó làm nên phẩm chất lớn của người bình.

Các thao tác bình thơ nó cũng tựa như thao tác của một bác sĩ phẫu thuật vậy. Trước hết là phải giỏi chuyên môn ban đầu. Thứ hai là phải làm nhiều, vừa làm vừa học, học để làm hiệu quả hơn, tinh tế hơn. Đây không phải là thuần túy lý thuyết, mà là thực hành trên cơ sở nắm vững lý thuyết.

Đã có bao nhiêu người viết, viết rất thành công về “Nhật kí trong tù”. Đến lượt mình, Vũ Quần Phương chọn “những cuộc vượt ngục trong thơ tù” để phân tích. Không chỉ dừng ở tập thơ, ông khái quát: “Nếu nhìn một cách khái quát hơn thì lời đề từ này không chỉ là linh hồn tư tưởng quán xuyến toàn bộ tập nhật kí của Bác Hồ, mà còn là phương châm sống trong bất kỳ cảnh ngộ nào khác”. Với tinh thần ấy, nhà bình thơ lần lượt điểm các cuộc vượt ngục của Bác qua các bài “Trên đường đi”, “Trời hửng”, “Chiều tối”, “Mới đến nhà lao Thiên Bảo”, và “Ngắm trăng”, “ở đây sự “vượt ngục” đã hoàn thành một cách thần kỳ”.

Đấy là nói về cái nhìn toàn cục. Cũng có khi, người bình chỉ đi vào một khía cạnh nhỏ, để chứng minh “cốt cách lớn qua mấy vần thơ nhỏ”. Phải tinh tường mới chọn ra 3 bài nói về sự “làm ơn” và sự “tạ ơn” để nói về cốt cách lớn của lãnh tụ tin yêu con người và tin yêu cuộc đời.

Trong khi bình thơ, vốn liếng của người bình được huy động đến mức tối đa. Và cần lưu ý đây không phải là chỗ khoe vốn liếng, mà cái chính là đưa được những liên tưởng, những so sánh ấy đúng chỗ, đúng lúc, tạo nên sự thú vị và sức thuyết phục lớn.
Viết về thơ sáng tác trong tù của Bác, nhà thơ liên hệ đến tình yêu thiên nhiên của Người với tình yêu thiên nhiên của Tô Đông Pha đời Tống bị tể tướng Chương Đôn đày xuống phía Nam. Viết về Trần Đăng Khoa, người bình liên hệ với hai thi nhân nổi tiếng đời Đường là Lý Bạch và Đỗ Phủ. Viết về bài thơ “Muốn làm thằng cuội của Tản Đà”, nhà phê bình liên hệ với các bài thơ khác của cùng một tác giả. Viết về “Nhớ rừng” của Thế Lữ, người bình hai lần viện dẫn thơ Xuân Diệu để phân tích, so sánh, một lần viện dẫn ý kiến của một nhà nghiên cứu để trao đổi, phản biện… Viết về “Chợ đồng” của Nguyễn Khuyến, người bình liên hệ với các bài khác của cùng tác giả, với thơ Nguyễn Trãi, rồi lại so sánh với “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ; đặc biệt là kỳ khu tìm hiểu tục lệ “nếm rượu tường đền” của làng cụ Tam Nguyên.

Một điều khó tránh với người bình thơ là phải luôn bám sát văn bản. Với nhiều bài thơ có độ dài trung bình, cái cách thông thường nhất, dễ làm nhất và hiệu quả nhất là chia khổ để dễ bình, làm cho người đọc, người nghe dễ theo dõi. Vũ Quần Phương ưa chọn cách này. Như vậy sẽ có một công thức được hình thành một cách tự nhiên: Khổ thơ đầu… Các khổ tiếp theo… Khổ thơ cuối… Để người đọc không cảm thấy nhàm chán chính là nhờ ở sự phân tích tinh tế, sâu sắc và thú vị của người bình.

Trần Đăng Khoa nói đúng: “ông (VQP) rất giỏi khi đi vào những tiểu tiết tinh vi của bếp núc nhà nghề”. Nhưng nếu chỉ giỏi đi vào tiểu tiết thì liệu người bình có đủ sức lôi cuốn độc giả? Vũ Quần Phương ngoài việc giỏi đi vào tiểu tiết, còn giỏi nắm bắt cái hay, cái lạ, cái độc đáo của bài thơ, khổ thơ, hình tượng thơ. Chọn bình một bài thơ, Vũ Quần Phương không ít lần dẫn ra những đặc điểm, ưu điểm cả tập thơ của tác giả. Ví dụ viết về bài “Tìm người”, nói về tập “Thư mùa đông” của Hữu Thỉnh; viết về bài thơ “Những đứa trẻ chơi trước cửa đền”, nói về “nét duyên riêng mới mẻ” của Thi Hoàng trong tập thơ “Bóng ai gió tạt”; viết về bài “Ngược núi Thiên Thai” của Vũ Từ Trang, Vũ Quần Phương khái quát thơ ba thời kỳ ở nước ta: “Cách viết hàm súc làm mạnh ý và tạo thẩm mỹ ở đoạn thơ này là ưu điểm của thơ hôm nay. Đậm đặc hơn thơ thời bao cấp (ham kể việc), hơn cả thơ thời Thơ Mới (ham trữ tình à ơi)”.

Là người bình phẩm, Vũ Quần Phương cũng như bất kỳ người bình thơ nào phải thuyết phục được người đọc, người nghe tại sao lại chọn bài thơ đó mà không phải bài thơ khác? Bài thơ đó hay, độc đáo ở chỗ nào về nội dung và nghệ thuật? Sau khi đã phân tích xong, tóm lại, hoặc nói ngay từ đầu để căn cứ vào đó triển khai, bao giờ Vũ Quần Phương cũng khẳng định và thường chỉ ra đúng giá trị của bài thơ được bình. Ví dụ, khen trực tiếp bài thơ hay khi bình bài “Dọc theo bến cảng”, “Hai bài thơ hái sen của Nguyễn Hạ Huệ”, “Mẹ Suốt”, “Dịu và nhẹ”, “Đò Lèn”, “Sang thu”, “Đường lưng Đèo Gió”… Ví dụ chỉ ra nét đặc sắc của bài khi viết về “Cảnh Hương Sơn”, “Vịnh Hương Sơn”, “Gửi bác Trần Nhuận Minh”, “Dặn con”… (trong cuốn “Bình thơ”).

Là một nhà thơ có ý thức cao về nghề nghiệp, mỗi khi bình Vũ Quần Phương không chỉ nói toàn cái hay, cái đẹp của đối tượng mà còn nói ra cả những điều bất cập hoặc còn non lép. Có điều cách nói của người bình là cách nói chân thành, không phải cao ngạo hay “bới lông tìm vết” nên dễ được đồng tình, cảm thông. Việc chỉ ra những hạn chế, những “tì vết” trên viên ngọc cũng góp phần vào nâng cao thị hiếu thẩm mĩ và năng lực thưởng thức của bạn đọc. Đây cũng là một công lao cần ghi nhận ở nhà bình thơ Vũ Quần Phương.
Bình thơ của Bà Huyện Thanh Quan, ông không ngại bị cho là “ngạo ngược” khi dám chê thơ tiền nhân. Nhà bình thơ cũng chỉ ra nhược điểm của bậc đàn anh, bậc thầy Huy Cận, của nữ sĩ Xuân Quỳnh, của Lưu Quang Vũ… (trong cuốn “Bình thơ”).

Có thể nói cái giọng thủ thỉ, tâm tình kết hợp với sự duyên thầm, hóm hỉnh, hài hước của Vũ Quần Phương cũng làm cho các bài bình thơ có sức hấp dẫn riêng. Không ít lần nhà bình thơ tranh luận về cách hiểu câu thơ, bài thơ với đồng nghiệp, nhưng cách tranh luận của Vũ Quần Phương không hề cao giọng, cũng không hiếu thắng. Người viết thường nhẹ nhàng, khiêm tốn nói về một cách hiểu khác, rồi lướt qua. Việc còn lại tùy người đọc quyết định.
Tất nhiên Vũ Quần Phương cũng có một vài nhược điểm như bất kỳ người viết nào. Tuy nhiên, dù đánh giá thế nào, tôi vẫn cho rằng thành tựu bình thơ của Vũ Quần Phương là thành tựu lớn, rất đáng ghi nhận. Nhà thơ đã giúp cho các thầy cô giáo và các em học sinh tiếp cận những áng thơ hay một cách lý thú. Và sau hết, nhờ những bài bình cần mẫn, tài hoa, sâu sắc của Vũ Quần Phương, đông đảo bạn đọc đã có cơ hội để thưởng thức những viên ngọc trong kho tàng thơ ca. Nếu không có Vũ Quần Phương, tôi tin, những bài thơ hay sẽ vắng thiếu một cơ hội, hay không có dịp tỏa sáng trong bầu trời thi ca đất nước./.

Bài liên quan
  • Lý luận, phê bình sân khấu: Thực trạng và giải pháp
    Lý luận, phê bình sân khấu là một chuyên ngành khoa học mang trong mình cả lý luận lẫn phê bình. Tức là, phê bình bằng lý luận và lý luận để phê bình. Lý luận là kết quả của quá trình mà con người đúc kết ra kinh nghiệm sáng tạo nghệ thuật sân khấu, mang tri thức khách quan về những quy luật vận động, phát triển của hiện thực nghệ thuật sân khấu.
(0) Bình luận
  • “Bóng của hoa” trên những trang thơ trữ tình đậm chất Hà Nội
    Sau hai tập thơ “Lửa lá” (2009) và “Vườn tôi nở đóa vàng bông” (2013), nhà thơ Đặng Minh Kính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc tập thơ “Bóng của hoa” (NXB Hội Nhà văn, 2024). Tôi cứ ngỡ rằng, trên những trang thơ trữ tình giàu cảm xúc tinh tế của nữ tính, đậm chất Hà Nội nơi chị đang chập chờn, ẩn hiện những “Bóng của hoa” đầy thi vị với những suy tưởng khá lắng đọng.
  • Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại
    Quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, một “Paris thu nhỏ” của chính quyền thực dân vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã được nhà nghiên cứu Đào Thị Diến phản ánh chi tiết trong cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)”. Với nguồn tư liệu quý từ hồ sơ lưu trữ, cuốn sách không chỉ phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại mà còn góp phần giải mã sự thật lịch sử.
  • Một số gợi mở trong thẩm định thơ
    Nhìn chung đánh giá về việc đọc sách văn học của công chúng, có thể theo nhiều khía cạnh, đồng sáng tạo, kích thích người viết sáng tác, bồi bổ thẩm mĩ, tích lũy tri thức, phát triển đời sống văn hóa… với những hiệu quả tích cực. Nhưng còn có những tồn tại theo chiều hướng ngược lại, mang tính nguy cơ hơn là cơ hội tốt, phản ánh sự trì trệ hơn là phát triển. Đó là sự dễ dãi trong việc đọc, thẩm định thơ từ cả người đọc lẫn người sáng tác, truyền tải.
  • Chi tiết trong sáng tạo của nhà văn
    Chúng ta đều từng quen câu nói của văn hào Nga Macxim Gorki: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Quả vậy! Chi tiết trong văn xuôi chỉ là một thứ nhỏ, rất nhỏ so với cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật,…
  • Văn nghệ sĩ trong Hà Nội tạm chiếm
    Sống trong Hà Nội tạm chiếm những năm 1947-1954, đời sống văn nghệ sĩ hết sức khó khăn. Nguyễn Minh Lang, Hoài Việt, Minh Tân, Thùy Linh, Nguyễn Quốc Trinh, Song Nhất Nữ, Tô Kiều Ngân, Thy Ngọc... đều sống bằng nghề dạy học ở trường tư. Nhà thơ Giang Quân trông nom một hiệu sách mang tên Quốc Việt ở 274 phố Khâm Thiên.
  • Thơ về chiến tranh cách mạng 1946 - 1954 từ hướng nhìn Thủ đô Hà Nội
    Lịch sử thi ca chiến tranh cách mạng Việt Nam đã xác nhận có một khu vực tác phẩm oai hùng, chói sáng, đó là một di sản văn hóa quý báu: thơ viết về Thủ đô Hà Nội, trái tim của Tổ quốc, ở giai đoạn kháng chiến chống Pháp 1946 - 1954. Thơ ca kháng chiến giai đoạn này bao gồm cả thơ viết về Hà Nội hoặc thơ liên quan đến Thủ đô. Số lượng tác phẩm phải đến hàng trăm. Nhiều tác phẩm đạt tới hiệu quả nghệ thuật nhất định, để lại giá trị lịch sử - văn hóa từ đó cho đến hôm nay và mai sau.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Vũ Quần Phương với thơ hay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO