Tiềm năng cho trung tâm công nghiệp văn hóa Hà Nội phát triển
Dự thảo Nghị quyết về quy định tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa (thực hiện khoản 7 Điều 21 Luật Thủ đô), Điều 18 của dự thảo đã nêu rõ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa. Những chính sách này được kỳ vọng sẽ sớm được triển khai trên thực tế, mở ra cơ hội cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, đồng thời góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.

Theo dự thảo Nghị quyết, các lĩnh vực hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa được mở rộng từ thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, đến các ngành công nghiệp sáng tạo mới như phần mềm và trò chơi giải trí, quảng cáo, thời trang. Điều này hứa hẹn không chỉ tạo ra các sản phẩm văn hóa đặc sắc mà còn thúc đẩy sự kết nối, hợp tác giữa các ngành công nghiệp văn hóa và các doanh nghiệp sáng tạo trong và ngoài nước.
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong dự thảo Nghị quyết là các chính sách ưu đãi và hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là việc dành ưu tiên trong quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng như hỗ trợ nguồn lực cho các dự án đầu tư mới vào ngành công nghiệp văn hóa.
Cụ thể, theo Khoản 2, Điều 18 của dự thảo Nghị quyết: Trung tâm công nghiệp văn hóa, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong trung tâm công nghiệp văn hóa được hưởng chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư mới vào các ngành công nghiệp văn hóa theo quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 43 Luật Thủ đô. Trường hợp thuê công trình tài sản công để thành lập trung tâm công nghiệp văn hóa, nhà đầu tư được miễn tiền thuê trong 3 năm đầu thành lập, giảm 50% tiền thuê công trình trong 3 năm tiếp theo.
Trung tâm công nghiệp văn hóa, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong trung tâm công nghiệp văn hóa được ngân sách nhà nước các cấp của Thành phố hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghiệp văn hóa; hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của Thành phố.
Thêm vào đó, Dự thảo Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến việc hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thông qua các chương trình tài trợ và vườn ươm doanh nghiệp, cũng như khuyến khích hợp tác công tư trong phát triển công nghiệp văn hóa. Đây là một chính sách quan trọng giúp các sáng kiến sáng tạo có cơ hội được hiện thực hóa và phát triển bền vững.
Về Dự thảo Nghị quyết này, các chuyên gia và người dân kỳ vọng với những chính sách đột phá này nếu áp dụng vào thực tiễn sẽ tạo đà cho công nghiệp văn hóa Thủ đô bứt phá trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Đức Thể - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm cho rằng: Nếu Thành phố Hà Nội thành lập trung tâm công nghiệp văn hoá sẽ đem lại lợi ích to lớn cho sự phát triển kinh tế - văn hóa của Thủ đô. Trung tâm sẽ thu hút các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo như nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, truyền hình, âm nhạc, thời trang, thiết kế, thủ công mỹ nghệ, xuất bản, trò chơi điện tử... tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Các hoạt động của trung tâm nghiệp văn hóa sẽ góp phần bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của Thủ đô, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong lĩnh vực văn hoá; cung cấp không gian, cơ hội cho người dân tiếp cận và tham gia vào các hoạt động văn hoá nghệ thuật, làm phong phú thêm đời sống tinh thần và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Anh Đỗ Hoài Nam, cư trú tại quận Nam Từ Liên bày tỏ quan điểm: Việc dự thảo Nghị quyết đề xuất các chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy công nghiệp văn hóa là vô cùng cần thiết. Tôi kỳ vọng trong thời gian tới, Thủ đô sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động như hội chợ sách, triển lãm nghệ thuật… Những sự kiện này không chỉ lan tỏa giá trị văn hóa mà còn là cầu nối giúp người dân giao lưu, gắn kết, từ đó hình thành một cộng đồng văn hóa ngày càng vững mạnh.
Đồng quan điểm, anh Trần Văn Định - hoạt động trong lĩnh lực nghệ thuật cho biết: Chính sách ưu đãi là rất kịp thời và thiết thực đối với những người làm nghệ thuật như chúng tôi. Nó không chỉ giúp giảm bớt áp lực tài chính mà còn mở ra cơ hội để phát triển các dự án văn hóa một cách bền vững. Tôi mong rằng Nghị quyết sẽ sớm được thông qua để chúng tôi có thể nhanh chóng triển khai các kế hoạch đang ấp ủ.
Dự thảo Nghị quyết không chỉ thể hiện sự quan tâm của Thành phố đối với ngành công nghiệp văn hóa mà còn là cơ hội vàng để Hà Nội phát triển mạnh mẽ. Khi các chính sách ưu đãi được triển khai hiệu quả, trung tâm công nghiệp văn hóa sẽ không chỉ trở thành điểm tựa cho sáng tạo nghệ thuật, còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần, góp phần xây dựng một Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” và giàu bản sắc văn hóa./.