Tạo đột phá trong xây dựng phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô
Theo Luật Thủ đô năm 2024, Thành phố Hà Nội được xây dựng Trung tâm Công nghiệp Văn hóa tại bãi sông, bãi nổi ven sông Hồng và những khu vực có lợi thế về vị trí, không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. Đây được xem là một chính sách mang tính đột phá, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Hiện nay, các khu vực bãi nổi sông Hồng và bãi sông trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng. Thực tế cho thấy, nhiều khu vực vẫn còn hoang hóa, thiếu quy hoạch cụ thể và chưa được sử dụng một cách hiệu quả.
Tình trạng này không chỉ gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai mà còn dẫn đến việc sử dụng đất không đúng mục đích, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sai phạm. Do đó, dự thảo Nghị quyết đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư công để xây dựng Trung tâm Công nghiệp Văn hóa tại khu vực này. Đây không chỉ là giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có, mà còn giúp ngăn chặn tình trạng lãng phí và sai phạm trong quản lý đất đai.
Theo Dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Công nghiệp Văn hóa (thực hiện khoản 7, Điều 21 Luật Thủ đô) đang được Thành phố Hà Nội lấy ý kiến Nhân dân. Trong đó nêu rõ, nguyên tắc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm Công nghiệp Văn hóa nhằm đảm bảo hài hòa giữa bảo vệ và phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô.
Việc lập quy hoạch Trung tâm Công nghiệp Văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phải phù hợp với quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch đê điều và các quy hoạch khác có liên quan.
Cùng với đó, kết hợp giữa yếu tố văn hóa truyền thống và công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm độc đáo phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hà Nội trở thành "Thành phố sáng tạo", quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới.
Trung tâm Công nghiệp Văn hóa phải tạo môi trường để các nghệ sĩ, nhà sáng tạo thể hiện ý tưởng đổi mới, sáng tạo và phát triển sản phẩm văn hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất và phân phối sản phẩm văn hóa.
Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, kết hợp nguồn lực Nhà nước và tư nhân để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và sản phẩm văn hóa; kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Đầu tư cho phát triển công nghiệp văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững. Hiệu quả đầu tư được tính toán hài hòa, dài hạn trên tổng thể lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và lợi ích của toàn xã hội.
Cũng theo dự thảo, lĩnh vực hoạt động của Trung tâm Công nghiệp Văn hóa bao gồm: Du lịch văn hóa; thủ công mỹ nghệ; nghệ thuật biểu diễn; thiết kế; phần mềm và trò chơi giải trí; quảng cáo; kiến trúc; điện ảnh; truyền hình và phát thanh; xuất bản; thời trang; các lĩnh vực khác liên quan đến công nghiệp văn hóa.
Hoạt động của Trung tâm Công nghiệp Văn hóa gồm các dịch vụ: Tư vấn, hỗ trợ sáng tạo và sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa; hỗ trợ phân phối và tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ văn hóa; tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm văn hóa; xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm văn hóa trong nước và nước ngoài;
Ngoài ra, Trung tâm sẽ cung cấp dịch vụ về hạ tầng, cơ sở vật chất; dịch vụ tổ chức hoạt động trưng bày, biểu diễn, triển lãm và sự kiện văn hóa khác; đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ hợp tác và phát triển; hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; hợp tác quốc tế về công nghiệp văn hóa cùng các hoạt động hợp pháp khác…
Đồng tình và ủng hộ việc thực hiện dự án xây dựng Trung tâm Công nghiệp Văn hóa, TS Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hoá (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) cho biết, với sự ra đời của Trung tâm Công nghiệp Văn hóa sẽ giúp hình thành được những không gian văn hóa có quy mô hoặc ngay từ những không gian nhỏ, từ đó sẽ khái quát lên để có những chính sách phù hợp cho không gian lớn hơn.
“Hy vọng những mô hình và ưu đãi như vậy sẽ giúp việc hình thành Trung tâm Công nghiệp Văn hóa Thủ đô cho từng nhóm ngành cụ thể, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tốt hơn” - TS Phạm Thị Lan Anh chia sẻ.
Bày tỏ ý kiến, bà Nguyễn Thị Hương, cư dân quận Hoàn Kiếm, việc phát triển Trung tâm Công nghiệp Văn hóa trên khu vực bãi sông Hồng sẽ góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của Thủ đô, đồng thời tạo sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế. Tôi mong rằng dự án sẽ được thực hiện một cách minh bạch, hiệu quả, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Hơn hết, tôi kỳ vọng các công trình văn hóa được xây dựng sẽ thực sự phát huy được giá trị lâu dài.
Dự thảo Nghị quyết về quy định này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa mà Thủ đô có nhiều thế mạnh; hiện thực hóa chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; đồng thời gắn kết mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa với xây dựng Thành phố sáng tạo để Thủ đô xứng tầm là thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước./.