Thông reo bóng nắng

Xoan Vương| 07/12/2020 08:28

Thông reo bóng nắng

Dù là thời gian nào trong ngày đi chăng nữa, khi bước chân ra khỏi rặng tre vùng nương mạ là tôi lại hướng mắt nhìn về phía Đông. Nơi ấy là ngọn núi Quỳ Sơn sừng sững, uy nghiêm và bạt ngàn thông, xanh ngát một màu. Thông reo trong nắng. Thông vui trong mưa. Thông kiên cường trong bão. Rừng thông quê gắn với tôi suốt dọc đường đời...

Đồi thông núi Quỳ là nơi tôi chất chứa cả một trời kỉ niệm. Tuổi lên năm, lên bảy theo bước cha lên Động Bằng, thông đã um tùm tỏa bóng. Nói là Động Bằng nhưng đó là một vùng đất bằng phẳng hơn so với sườn núi dốc mà thôi. Đi một chốc chúng tôi phải dừng lại vì chân như rũ ra. Mỏi, thở dốc nhưng vẫn hăng hái leo lên tiếp. Nơi đây những tán thông vươn cao tỏa bóng ôm ấp cố can, ông bà chúng tôi khi đã rời xa cõi tạm. Thông tỏa bóng ru người yên giấc ngàn thu! Thật là kì lạ, lúc nào đến nơi đây tôi cũng nhẩm đọc câu thơ của bác Vương Đình Trâm: 

Rừng thông xanh thấp thoáng
Như xa lại như gần
Giữa vô cùng huyền ảo
Bước bước lại dừng chân.

Ngàn vạn búp thông xanh
Như những bàn tay Phật
Nối thăm thẳm cao dày
Với linh hồn của đất. 
 (Ngày xuân thăm núi Quỳ)

Những câu thơ vẫn còn đây vậy mà bác đã đi về phía cuối trời. Thông núi Quỳ vẫn dang rộng vòng tay.
Đỉnh núi Quỳ in dấu bước chân tôi cùng bạn bè thuở ấu thơ. Lên núi hái sim trưa hè nắng cháy. Thông cất tiếng reo vui đón chờ và trò chuyện với chúng tôi. Bè bạn chúng tôi bao lần leo núi vơ lá thông về làm chất đốt. Lá thông cháy đượm, thơm nồng suốt cả mùa đông. Chúng tôi có một thú vui đi tìm những ụ nhựa thông ứa trên thân cây. Nhựa đem về ngâm vào xăng hoặc dầu hỏa để quét vào chiếc nón mẹ vừa mua trong phiên chợ trước. Nón trắng lấp lánh trong nắng mai, thông theo bước chân chúng tôi đến lớp, đến trường. Mùi thơm phảng phất trong gió nhẹ. Thông giữ chiếc nón được bền lâu hơn cho những đứa trẻ nghèo.

Trên đỉnh Quỳ Sơn, chúng tôi thường đưa mắt nhìn bốn hướng. Xa xa kia là làng tôi trông uốn lượn. Kia là Đồng Côi ngô lúa bạt ngàn xanh. Ngoảnh lại phía sau là dòng Lam giang êm đềm nước chảy, bãi bồi phù sa lắng đọng giúp dân làng.

Nhớ có lần tôi cùng người thương men theo những cây thông. Thông đỡ bước chân chúng tôi qua khe Điếc, khe Thung, khe Động Lều, khe Lò Rèn, khe Nhà Vàng,... để đến một vùng đá rộng. Đá xếp lên nhau, sừng sững, uy nghiêm mà bao dung đón người ngơi nghỉ. Trên là tán thông xanh mát, dưới tím ngát hoa mua, hoa sim khoe sắc. Cành bông trang màu đỏ tươi đang gọi bướm ong về. Nắng nhảy nhót trên cành lá. Mấy con chim đang ríu rít chuyền cành, cất bản nhạc véo von. Khe nước róc ra róc rách. Cảnh non nước hữu tình.

Bất chợt người ấy tặng tôi chùm hoa sim vừa hái rồi thì thầm với tôi về ước mơ có một gia đình nhỏ và ríu rít tiếng nói cười và ánh mắt trẻ thơ. Rừng thông xanh sáng đầu xuân năm ấy ghi dấu phút giây ngọt ngào! 
Giờ đây, con của chúng tôi cũng đã bao lần theo chân bố mẹ về với núi Quỳ Sơn. Về nơi đây để thắp nén nhang tỏ lòng biết ơn những người đã khuất. Các con đến với đồi thông để biết yêu hơn cảnh sắc quê mình. Nhìn những bát nhựa thông công nhân đang thu hoạch để các con biết ơn những người lao động vất vả sớm hôm. 

Thông xanh vẫn um tùm tỏa bóng. Thông ngăn chặn dòng nước mùa mưa lũ để cuộc sống người dân vẫn bình yên. Xôn xao thông reo vui trong chiều gió thổi. Vươn thẳng lên trời thông kiêu hãnh vượt qua nắng táp gió dông. Trên đỉnh Quỳ Sơn, đồi thông núi Quỳ mãi cất tiếng hoan ca. 
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • 18 tỉnh, thành phố tham gia Hội chợ trái cây, nông sản an toàn tại Hà Nội
    Tối 22/11, Sở Công thương Hà Nội chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì tổ chức Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Thông reo bóng nắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO