Theo đó, có thêm 05 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, các di tích được xếp hạng đợt này, gồm:
1. Phức hợp di tích khảo cổ sơ kỳ đá cũ Rộc Tưng - Gò Đá (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai).
Di tích Gò Đá được các nhà khảo cổ học lần đầu tiên phát hiện năm 2014 khi triển khai đề tài “Lịch sử Gia Lai từ nguồn gốc đến nay” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai chủ trì.
Từ phát hiện ban đầu này, tháng 6/2014, Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã triển khai đề tài nghiên cứu và phát hiện 5 di tích thời đại Đá cũ ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.
Cuối năm 2014, các di tích được thẩm định và đưa vào Chương trình hợp tác quốc tế Nghiên cứu quá khứ xa xưa của Việt Nam giữa Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Viện Khảo cổ học-Dân tộc học Novosibirsk (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) giai đoạn 2015-2019.
Tháng 11/ 2015, di tích Gò Đá được các nhà khảo cổ học Việt-Nga khai quật lần đầu tiên.
Song song với quá trình khai quật Gò Đá, các nhà khảo cổ học tiến hành điều tra, đào thám sát di tích Rộc Tưng 1 (xã Xuân An) vào tháng 11/2015, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 12 điểm có dấu tích văn hóa của người nguyên thủy ở Rộc Tưng (xã Xuân An, thị xã An Khê)
Kết quả khai quật các di tích Gò Đá–Rộc Tưng đã thu được hàng trăm mảnh tectit và hàng ngàn di vật đá với các loại hình như: Công cụ mũi nhọn, công cụ ghè hai mặt, công cụ chặt thô, công cụ mũi nhọn tam diện... Đặc biệt là 4 rìu tay thu được trong quá trình điều tra, khảo sát.
Với phát hiện di tích đá cũ An Khê, chúng ta có thêm cơ sở khoa học kéo dài hơn lịch sử Việt Nam về quá khứ. Cụ thể, có 2 mẫu niên đại ở 2 điểm Đá cũ vùng An Khê đã được Phòng thí nghiệm đồng vị hóa và niên đại địa chất Igem Ran (Viện Địa chất trầm tích quặng, thạch học, khoáng vật và địa hóa thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga) phân tích cuối năm 2017.
Theo phân tích bằng phương pháp K/Ar, kết quả cho thấy niên đại ở di tích Gò Đá là khoảng 806.000 năm và Rộc Tưng I là khoảng 782.000 năm trước.
Phát hiện kỹ nghệ Đá cũ An Khê cũng đã làm thay đổi nhận thức về lịch sử vùng đất và đời sống của tổ tiên chúng ta, lâu nay cho rằng, người sơ kỳ Đá cũ chỉ chế tác công cụ đá khi nào cực kỳ cần thiết, và công cụ họ làm ra đều mang tính vạn năng.
Thực tế cho thấy, kỹ nghệ đá ở An Khê có nhiều loại, có sự chọn lựa chất liệu đá và cách tạo dáng phù hợp với chức năng công cụ. Có thể chúng đã được sử dụng chặt tre, gỗ, xẻ thịt thú rừng, nạo da, đào đất tìm con mồi để kiếm sống.
Tháng 11/ 2016, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ nhất về kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ An Khê được tổ chức tại thành phố Pleiku thu hút hàng trăm nhà khoa học trong nước và quốc tế đến tham dự.
Tại hội thảo, các nhà khoa học khẳng định việc phát hiện các di tích khảo cổ học thuộc giai đoạn sơ kỳ Đá cũ ở An Khê có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu giai đoạn bình minh lịch sử của nhân loại.
Giá trị của di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá ở chỗ, những bí ẩn sâu thẳm trong lòng đất cuối cùng dần lộ diện qua những cuộc khai quật, hé mở một cách chân thực, sinh động về cuộc sống của tổ tiên chúng ta.
2. Di tích khảo cổ Văn hoá Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi).
Di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt gồm có 6 điểm di tích ở thị xã Đức Phổ gồm: Di tích Long Thạnh (còn gọi là Gò Ma Vương), Di tích Thạnh Đức, Di tích Phú Khương, Quần thể di tích Champa trong không gian Sa Huỳnh, Đầm An Khê và Lạch An Khê - sông Cửa Lỗ. Văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ học người Pháp M. Vinet phát hiện năm 1909, tại Sa Huỳnh Quảng Ngãi và được lấy tên địa danh Sa Huỳnh đặt tên cho nền văn hóa khảo cổ này là “Văn hóa Sa Huỳnh”. Năm 1997, Di tích khảo cổ học văn hóa Sa Huỳnh đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp quốc gia với 2 khu vực bảo vệ là địa điểm Phú Khương và địa điểm Gò Ma Vương, xã Phổ Khánh. Di tích được phân bố chủ yếu ở phường Phổ Thạnh và xã Phổ Khánh. Từ khu mộ chum Sa Huỳnh, qua các đợt khai quật, các nhà khảo cổ đã liên tục phát hiện các dấu vết của một nền văn hóa thời tiền sử. Từ những hiện vật phát hiện trong quá trình khai quật khảo cổ tại các tỉnh Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên cho thấy Quảng Ngãi được xem là cái nôi của văn hóa Sa Huỳnh. Không gian di tích văn hóa Sa Huỳnh các giá trị về cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp như đầm nước ngọt An Khê, biển Sa Huỳnh với bãi cát, rừng dương, vũng vịnh còn nguyên sơ. Các giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh, Chăm pa, Đại Việt vẫn còn giữ nguyên vẹn với tính xác thực cao. Các chuyên gia nghiên cứu văn hóa nhận định, sự hiện diện của nền văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi là thế mạnh không phải nơi nào cũng có. Đây là vốn quý để Quảng Ngãi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tham quan, nghiên cứu, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
3. Di tích kiến trúc nghệ thuật Cụm đình Hương Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc).
Cụm di tích Đình Hương Canh gồm: Đình Hương Canh, Đình Tiên Canh và Đình Ngọc Canh là những ngôi đình cổ tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc đình làng Bắc bộ được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ XVII và đầu thế kỷ thứ XVIII. Cả 3 đình đều thờ 6 vị Thành Hoàng Làng gắn với các nhân vật lịch sử triều Ngô thế kỷ thứ X có công đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước.
Các đình ở Hương Canh đều có kiến trúc rất độc đáo theo kiểu chữ Vương đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian với kỹ thuật chạm trổ hết sức tinh vi, điêu luyện là hình ảnh thu nhỏ phản ánh đời sống sinh hoạt của xã hội thời đó.
Cụm Đình Hương Canh là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội cùng các trò diễn dân gian địa phương. Hằng năm, dân làng thường tổ chức lễ hội để tưởng niệm về các vị tướng tài cùng cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn Đại Việt. Khi cụm đình được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt người dân địa phương rất vui mừng và phấn khởi.
Di tích kiến trúc nghệ thuật Cụm Đình Hương Canh được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt không chỉ là niềm tự hào của người dân thị trấn Hương Canh nói riêng và người dân Vĩnh Phúc nói chung mà còn có ý nghĩa to lớn trong hoạt động giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam.
4. Di tích lịch sử Đền thờ Vua Mai Hắc Đế (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Đền thờ Vua Mai Hắc Đế ở thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), là nơi duy nhất trên địa bàn cả nước tôn thờ, tưởng niệm Mai Hắc Đế - vị hoàng đế thứ 2 (sau Lý Nam Đế) trong lịch sử nghìn năm Bắc thuộc dám xưng “đế” - ngang hàng với các vị vua ở phương Bắc.
Theo lịch sử ghi lại thì nơi thờ vua Mai Hắc Đế vốn là một ngôi đền nhỏ, khá đơn giản. Đến năm Minh Mạng thứ hai mới được xây dựng khang trang hơn, theo kiểu chồng diềm tám mái. Năm 2005, ngôi đền được trùng tu gồm ba phần: Thượng điện thờ vua và gia quyến; Trung điện thờ tướng sĩ có công; Hạ điện là nơi hành lễ, thờ cúng công đồng và lưu giữ nhiều cổ vật còn lại như long ngai, bài vị, câu đối.
Cách đền khoảng 3km về phía Tây là khu mộ của vua Mai Hắc Đế. Khu lăng mộ này được xây dựng ngay trên khu đất an táng. Ngôi mộ được xây dựng theo phong cách miếu ở trên, mộ ở dưới. Hiện nay, khu mộ đã được trùng tu lại với qui mô bề thế và trang trí rất công phu.
Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, sinh ra và lớn lên tại làng Ngọc Trừng, xã Đông Liệt, nay là xã Nam Thái. Năm 713, Mai Thúc Loan đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoan Châu lật đổ ách đô hộ của nhà Đường lập nên nhà nước Vạn An (713 - 722).
Ông chính là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có ý tưởng và thực hiện thành công chủ trương liên minh với các nước láng giềng trong cuộc chiến chống xâm lược, bảo vệ chủ quyền đất nước, tạo nên bước ngoặt to lớn trong lịch sử nghìn năm Bắc thuộc.
Việc Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Vua Mai Hắc Đế là sự ghi nhận và tôn vinh xứng đáng cho những giá trị đang được lưu giữ tại di tích.
5. Di tích lịch sử Chiến thắng Ấp Bắc (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).
Đây là nơi diễn ra trận đánh lớn nhất miền Nam kể từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ vào ngày 2/1/1963, báo hiệu sự sụp đổ của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" mà Mỹ áp dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Do thất bại nặng nề trong trận đánh, giặc cho pháo và máy bay ném bom vào trận địa Ấp Bắc, làm cháy nhiều nhà dân. Mặc dù vậy, các mẹ, các chị vẫn nấu cơm tiếp tế cho bộ đội. Từ đấy đã vang lên những câu ca dao ca ngợi tấm lòng của người dân Ấp Bắc:
"Bom rơi thì mặc bom rơi
Chị em Ấp Bắc vẫn khơi bếp hồng
Thổi nồi cơm dẻo thơm nồng
Giúp anh bộ đội no lòng đánh hăng"
Di tích là quần thể rộng lớn với 2 phân khu chức năng. Khu vực 1 gồm có tượng đài, nhà mộ 3 chiến sĩ gang thép, 3 hồ sen lớn, nhà trưng bày xe tăng, máy bay, công viên với nhiều loại cây kiểng.
Khu vực 2 gồm có nhà trưng bày hiện vật, phía dưới là hồ sen, bên trái là quảng trường và công viên được trồng cây cảnh; phía sau là những mô hình được phục chế tái hiện cảnh dân quân tải thương, nấu cơm, trảng xê, hầm bí mật. Xa xa ngoài cánh đồng rộng lớn là những biểu tượng máy bay, xe tăng địch bị bốc cháy.
Ngày 2/1 hàng năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương long trọng tổ chức lễ kỷ niệm tại khu di tích này.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 129 di tích được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.