Vì sao xứng đáng?
Theo những tài liệu còn ghi chép lại, Võ cổ truyền Bình Định xuất hiện từ rất sớm, khoảng năm 1471, vua Lê Thánh Tông cho lập phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn, từ đó, người Việt bắt đầu tiến vào sinh sống trên vùng đất Bình Định ngày nay. Vua Lê Thánh Tông đã cử các võ tướng, võ quan tài giỏi về võ nghệ của triều đình vào trấn giữ, nhà Lê muốn bình định vùng đất này lâu dài để nhân dân có cuộc sống yên ổn, phát triển mọi mặt. Các võ tướng, võ quan của triều đình đã ở lại đây sinh sống và truyền lại võ nghệ cho con cháu, cho dân làng và người bản địa, từ đó vùng đất Bình Định trở thành nơi có nhiều người tinh thông võ thuật.
Đến thời Tây Sơn ở thế kỷ XVIII, Võ cổ truyền Bình Định chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn biến đổi về chất, nhằm đáp ứng nhu cầu chiến đấu của cuộc khởi nghĩa với phạm vi và quy mô chưa từng có. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn là môi trường, là điều kiện thúc đẩy và hình thành diện mạo mới của Võ cổ truyền Bình Định. Võ cổ truyền Bình Định thời Tây Sơn là sự kết tinh và hòa quyện cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau và quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều võ quan, võ sư nổi tiếng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đã hun đúc nên dòng võ đậm nét tinh hoa của dân tộc, bổ sung vào kho tàng di sản võ học chân truyền của dân tộc. Từ thời Tây Sơn, di sản Võ cổ truyền Bình Định luôn được gìn giữ, bồi đắp và phát huy.
Võ cổ truyền Bình Định đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
Ngày nay, để giữ gìn và phát huy nét văn hóa quý báu của dân tộc, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Võ cổ truyền Bình Định luôn được tỉnh Bình Định đặc biệt quan tâm. Tỉnh này đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều đề tài, đề án bảo tồn và phát huy giá trị Võ cổ truyền Bình Định. Trong đó, việc đưa vào hoạt động Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định năm 2013 là một trong những bước đi hết sức quan trọng, nhằm tập trung nguồn lực, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, võ sư, huấn luyện viên… xây dựng Võ cổ truyền Bình Định phát triển toàn diện. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ võ sư, huấn luyện viên để truyền dạy cho thế hệ kế cận được chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 2 đại võ sư quốc tế, 26 đại võ sư quốc gia, 12 võ sư cao cấp, 73 võ sư, 57 chuẩn võ sư, 415 huấn luyện viên, đây là lực lượng quan trọng để giữ gìn và phát huy Võ cổ truyền Bình Định. Tỉnh Bình Định đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các võ đường, câu lạc bộ phát triển để thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tập luyện Võ cổ truyền Bình Định trong các tầng lớp nhân dân.
Đến nay, trên toàn tỉnh Bình Định có 177 võ đường, câu lạc bộ Võ cổ truyền Bình Định, với hơn 12.000 võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên; trên địa bàn tỉnh có hàng chục làng võ nổi tiếng gắn với địa danh đã tồn tại trong lịch sử nhiều thế kỷ như: Làng võ An Vinh, Thuận Truyền, Phủ Thiện (huyện Tây Sơn); làng võ An Thái, Phương Danh (thị xã An Nhơn); làng võ An Hòa, Kỳ Sơn, Đại Lễ (huyện Tuy Phước)… Việc đưa Võ cổ truyền Bình Định vào trường học trên địa bàn tỉnh cũng được thực hiện từ năm 2016 và được đưa vào nội dung thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng các cấp, nhờ đó đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tập luyện trong học sinh. Hàng năm, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều giải đấu, nhiều chương trình biểu diễn võ cổ truyền, thu hút đông đảo các võ đường, câu lạc bộ tham gia. Đặc biệt, Võ cổ truyền Bình Định đã trở thành hoạt động không thể thiếu, mang đậm nét truyền thống văn hóa và góp phần làm trang trọng các ngày lễ, Tết, các sự kiện trọng đại của tỉnh.
Cùng với đó, công tác quảng bá Võ cổ truyền Bình Định được đẩy mạnh thông qua các chương trình, giải đấu trong nước và quốc tế. Từ năm 2016 đến nay, Chương trình “Đêm Võ đài Bình Định” được tổ chức vào các dịp lễ, mùa du lịch tại thành phố Quy Nhơn đã trở thành giải đấu uy tín, là nơi giao lưu, cọ xát của các võ đường trong và ngoài tỉnh. Giải Võ cổ truyền các võ đường Bình Định tranh cúp Hoàng đế Quang Trung được tổ chức hằng năm thu hút đông đảo các câu lạc bộ, võ đường tham gia thi đấu, giới thiệu những nét đặc trưng của môn phái đến với công chúng. Đặc biệt, Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam được tổ chức định kỳ 2 năm một lần tại Bình Định là nơi giao lưu võ cổ truyền giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với Võ cổ truyền Bình Định, qua đó đã góp phần quảng bá rộng rãi Võ cổ truyền Bình Định đến với bạn bè khu vực và quốc tế. Tại các giải đấu khu vực và quốc tế, Võ cổ truyền Bình Định đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng. Đến nay, đã có nhiều võ đường Võ cổ truyền Bình Định được thành lập, thực hành và truyền dạy ở nhiều nước trên thế giới…
Nhằm tôn vinh những giá trị về khoa học, lịch sử và văn hóa của Võ cổ truyền Bình Định, năm 2012, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai lập hồ sơ Võ cổ truyền Bình Định, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đây là tín hiệu hết sức đáng mừng cho Võ cổ truyền Bình Định, đó không chỉ là niềm tự hào, tạo đà đưa di sản quốc gia lên tầm quốc tế, mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc.
Và bây giờ, tỉnh Bình Định đã thành lập Ban xây dựng bộ hồ sơ quốc gia "Võ cổ truyền Bình Định" để trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một bước tiến quan trọng để Võ cổ truyền Bình Đinh sớm được vinh danh trên toàn thế giới.
Trước đó, vào tháng 6/2022, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt đề cương kế hoạch tổng thể xây dựng hồ sơ khoa học "Võ cổ truyền Bình Định" đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, với mốc thời gian thực hiện từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023.