Di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được UNESCO ghi danh

Hải Truyền| 01/12/2022 08:54

Với Di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào ngày 29/11/2022, đến nay, Việt Nam đã có 15 Di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh.

Dưới đây là 15 Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh.

1. Nhã nhạc cung đình Huế - năm 2003

z3922993440618_2e9b24864cbe33db2d27a4da04328e6e.jpg
Nhã nhạc cung đình Huế được biểu diễn trên Sông Hương.

Nhã nhạc là âm nhạc cung đình thời phong kiến, được trình diễn trong các dịp triều hội, tế lễ hoặc các sự kiện trọng đại (lễ đăng quang của nhà vua, tiếp đón sứ thần…).

Được phát triển từ thế kỷ XIII ở Việt Nam, đến thời nhà Nguyễn, nhã nhạc cung đình Huế phát triển rực rỡ và đạt đến trình độ hoàn chỉnh nhất.

Ngày 7/11/2003, nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo đánh giá của UNESCO, trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia.

Đặc trưng của Nhạc cung đình là tính bao trùm đối với tất cả các bộ môn âm nhạc khác, từ Lễ nhạc (dùng vào các cuộc tế lễ lớn nhỏ của cung đình, trong các chùa miếu), nhạc thính phòng, sân khấu, kể cả các vũ điệu, mà mỗi bộ môn đều có những nghệ sĩ thượng thặng chuyên sáng tạo và biểu diễn. Các quy định về quy mô dàn nhạc, cách thức diễn xướng, nội dung bài bản... của Nhã nhạc đều rất chặt chẽ, phản ánh tính quy củ qua các định chế thẩm mỹ rất cao, có khả năng phản ánh tư tưởng, quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời.

2. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - năm 2005

Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên trải rộng trên địa bàn năm tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao gồm các bộ phận cấu thành như: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng, những địa điểm tổ chức các lễ hội đó…

Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Tây Nguyên, như một phần không thể thiếu trong suốt vòng đời mỗi con người và trong hầu như tất cả các sự kiện quan trọng của cộng đồng: từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, lễ cưới xin, lễ tiễn đưa người chết, lễ đâm trâu trong ngày bỏ mả cho đến lễ cúng máng nước, lễ mừng lúa mới, lễ đóng cửa kho, lễ mừng nhà Rông mới…

Ngày 25/11/2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã chính thức được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

3. Dân ca quan họ Bắc Ninh - năm 2009

Quan họ là những làn điệu dân ca của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, tập trung chủ yếu ở vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang). Đây là hình thức hát đối đáp giữa nam và nữ để biểu lộ tâm tình, ca tụng tình yêu thông qua những câu ca mộc mạc, đằm thắm. Hầu hết các bài Quan họ đều theo thể lục bát hay lục bát biến thể.

Quan họ được thực hành trong các hoạt động văn hóa, xã hội của cộng đồng; được cộng đồng lưu giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ, trở thành bản sắc của địa phương và lan tỏa trở thành không gian văn hóa đặc thù.

Ngày 30/9/2009, dân ca quan họ Bắc Ninh chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

4. Ca trù - năm 2009

Ca trù (hay còn gọi là hát ả đào) có vị trí đặc biệt trong kho tàng âm nhạc truyền thống của Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, tư tưởng và triết lý sống của người Việt. Loại hình nghệ thuật này rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX trở về trước.

Trong lịch sử, ca trù thường được trình diễn ở các đình làng, đền thờ thần, nhà thờ tổ nghề, ca quán và dinh thự của quan lại, trí thức… Bởi vậy, ca trù có nhiều hình thức thể hiện như: hát thờ, hát thi, hát tế tiên sư…

Ngày 1/10/2009, ca trù đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

5. Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc - năm 2010

Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội) gắn với truyền thuyết về một cậu bé được mẹ sinh ra một cách kỳ lạ ở làng Phù Đổng.

Hội Gióng ở đền Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm - nơi Thánh Gióng sinh ra) diễn ra từ ngày 7/9 tháng tư Âm lịch. Hội Gióng ở đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn nơi Thánh hóa, cưỡi ngựa về trời) diễn ra từ ngày 6/8 tháng Giêng Âm lịch.

Ngày 16/11/2010, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc chính thức được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

6. Hát Xoan - năm 2011 và năm 2017

Hát Xoan còn có tên gọi khác là Hát Lãi Lèn, Hát Đúm, Hát Thờ, Hát Cửa đình, bắt nguồn từ hình thức hát thờ các Vua Hùng. Đây là một trong những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của nhân dân Phú Thọ.

Nghệ thuật Hát Xoan khi được trình diễn đầy đủ sẽ diễn ra theo các chặng sau: Hát Thờ (tưởng nhớ các Vua Hùng, các vị thần, những người có công với dân, với nước và tổ tiên của các dòng họ), Hát Nghi lễ (ca ngợi thiên nhiên, con người, đời sống sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng), Hát Hội (bày tỏ khát vọng trong cuộc sống, tình yêu nam nữ với những làn điệu đậm chất trữ tình, vui nhộn, được thể hiện qua hình thức hát đối đáp giữa trai, gái làng sở tại và các đào, kép của phường Xoan…).

Ngày 24/11/2011, Hát Xoan được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Và ngày 8/12/2017, Hát Xoan được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

7. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - năm 2012

z3922967948020_8ec55bd4d8ca3429b180545c320c559c.jpg
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt.

Theo truyền thuyết, Hùng Vương là con của cha Lạc Long Quân (giống Rồng) và mẹ Âu Cơ (giống Tiên), đã có công dựng nên nhà nước Văn Lang cổ đại. Đối với cộng đồng dân cư xung quanh khu vực Đền Hùng (Phú Thọ), Hùng Vương còn là thần tổ gắn với nghề nông, dạy dân cày ruộng, cấy lúa, ban linh khí cho đất đai, nhà cửa, cây trồng, vật nuôi sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu.

Với niềm tin thành kính này, từ hàng nghìn năm qua, người Việt Nam đã sáng tạo, thực hành, vun đắp và lưu truyền Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để thể hiện sự biết ơn với vị thủy tổ. Biểu hiện tiêu biểu nhất cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương ở Phú Thọ là lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, được thực hiện vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Ngày 6/12/2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

8. Đờn ca tài tử Nam Bộ - năm 2013

Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX trên cơ sở của nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ không ngừng được sáng tạo nhờ tính ngẫu hứng và sự biến hóa theo cảm xúc của người thực hành trên cơ sở của 20 bài gốc (bài Tổ) và 72 bản nhạc cổ.

Nhạc cụ tham gia trình diễn bao gồm: đàn kìm, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn bầu, đàn cò, sáo, tiêu, song loan và hai nhạc cụ của phương Tây (violon và guitar đã được cải tiến: violon được lên dây quãng 4, còn guitar được khoét phím lõm, để tăng sự nhấn nhá trong điệu đàn).

Ngày 5/12/2013, Đờn ca tài tử Nam Bộ chính thức được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

9. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh - năm 2014

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là hai lối hát dân ca không có nhạc đệm, do cộng đồng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo, lưu truyền trong quá trình lao động sản xuất và gắn bó chặt chẽ với đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư xứ Nghệ.

Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ thường được thực hành trong cuộc sống: lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa… Bởi vậy, những lối hát này được gọi tên theo các hình thức lao động và sinh hoạt như: Ví phường vải, Ví phường đan, Ví phường nón, Ví phường củi, Ví trèo non, Ví đò đưa, Giặm ru, Giặm kể, Giặm khuyên…

Ngày 27/11/2014, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

10. Nghi lễ và trò chơi kéo co - năm 2015

Nghi lễ và trò chơi kéo co được thực hành rộng rãi trong văn hóa trồng lúa ở nhiều nước Đông Á với ý nghĩa cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu hay những tiên đoán liên quan đến sự thành công hay thất bại của nỗ lực trồng cấy.

Tại Việt Nam, nghi lễ và trò chơi kéo co tập trung ở vùng trung du, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ với trung tâm là các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, di sản còn được thực hành thường xuyên bởi các tộc người ở miền núi phía Bắc như người Tày, người Thái và người Giáy (Lào Cai) - vốn là những cư dân trồng lúa sớm trong lịch sử.

Ngày 2/12/2015, Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc và Philippines chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

11. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - năm 2016

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo.

Từ thế kỷ XVI, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân Việt Nam.

Ngày 1/12/2016, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

12. Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ - năm 2017

Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam (ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng) ra đời từ nhu cầu liên lạc với nhau giữa các chòi canh trên nương rẫy.

Đây vừa là loại hình nghệ thuật diễn xướng mang tính sáng tạo ngẫu hứng vừa là trò chơi dân gian vui nhộn, đầy trí tuệ (kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học). Bài Chòi có hai hình thức chính: "Chơi Bài Chòi" và "Trình diễn Bài Chòi".

Ngày 7/12/2017, Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

13. Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái - năm 2019

Hát Then là một loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp gồm: ca, nhạc, múa và diễn trò. Thực hành Then là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái, phản ánh quan niệm của họ về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ.

Thực hành nghi lễ then được dùng trong những sự kiện trọng đại, chúc mừng năm mới hay trong lễ cầu an, giải hạn, cầu mùa, xuống đồng, chúc phúc…

Ngày 13/12/2019, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

14. Nghệ thuật Xòe Thái - năm 2021

z3922977462075_c8143de7fabff8a246b1660e713feaa6.jpg
Nghệ thuật Xòe Thái - Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO vinh danh năm 2021.

Nghệ thuật Xòe Thái là loại hình múa truyền thống đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của cộng đồng người Thái ở 4 tỉnh Tây Bắc của Việt Nam là: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái.

Động tác cơ bản của Xòe là tay giơ lên cao, mở tay ra, hạ tay xuống, nắm lấy tay người bên cạnh rồi cùng bước chân nhịp nhàng, ngực hơi ưỡn, lưng ngả về phía sau. Âm nhạc cho múa Xòe cũng thể hiện quan điểm về thế giới quan, nhân sinh quan của người xưa.

Điệu xòe giúp con người quên đi những mệt nhọc của cuộc sống, các đôi trai gái có cơ hội gần nhau hơn để thể hiện tình cảm riêng tư của mình…

Trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 13 đến 18/12/2021) tại Paris (Pháp), hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO ghi danh là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

15. Nghệ thuật làm gốm của người Chăm - năm 2022

Nghệ thuật làm gốm độc đáo của đồng bào Chăm tại làng Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận) tồn tại từ khoảng cuối thế kỷ XII. Đến nay, Bàu Trúc được xem là một trong số rất ít những làng gốm cổ ở Đông Nam Á còn giữ lại cách sản xuất gốm thô sơ từ ngàn xưa. Thay vì sử dụng bàn xoay, người phụ nữ Chăm di chuyển giật lùi quanh khối nguyên liệu để tạo hình sản phẩm. Gốm không tráng men và được phơi khô, nung ở ngoài trời bằng củi và rơm trong 7 đến 8 giờ… Toàn bộ quy trình làm gốm của đồng bào Chăm toát lên một giá trị nghệ thuật đặc trưng. Chính nhờ vậy, dù trải qua bao thăng trầm trong tiến trình phát triển, gốm truyền thống của người Chăm vẫn giữ được hồn cốt tinh túy và vẻ đẹp hoang sơ của gốm cổ cách đây hàng trăm năm, tạo nên giá trị độc đáo. Không chỉ là nguồn thu nhập của gia đình, nghề làm gốm còn giúp bảo lưu thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của người Chăm ở Việt Nam. Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực bảo vệ, song nghề gốm của người Chăm đang đứng trước nguy cơ mai một.

z3922959429816_f4766291229a3391e5b3c1b7ee67124c.jpg
Nghệ thuật làm gốm của người Chăm - Di sản văn hóa phi vật thể mới nhất của Việt Nam được UNESCO vinh danh.

Ngày 29/11/2022, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Theo Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật làm gốm của người Chăm đáp ứng nhiều tiêu chí. Nổi bật là, di sản này liên quan đến nghề thủ công truyền thống làm gốm Chăm bằng tay và sử dụng các công cụ đơn giản. Chủ thể văn hóa và người thực hành chủ yếu là phụ nữ Chăm. Tri thức và kỹ năng làm nghề được trao truyền trong gia đình, dòng họ và cộng đồng. Việc trao truyền được thực hiện bằng biện pháp kể chuyện và thực hành hàng ngày. Di sản thu hút sự trao đổi và tương tác giữa những người thực hành nghề, các sinh hoạt xã hội và nâng cao vai trò của người phụ nữ Chăm trong xã hội hiện đại; giúp tăng thu nhập gia đình; bảo lưu thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của người Chăm ở Việt Nam.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Huế đề nghị công nhận 4 hiện vật quý thời Nguyễn là Bảo vật Quốc gia
    Chuông Ngọ Môn, Ngai hoàng đế Duy Tân, Phù điêu bằng đá thời Minh Mạng và Tượng rồng thời Thiệu Trị đã được lập hồ sơ trình cơ quan chuyên môn thẩm định để công nhận bảo vật Quốc gia.
  • 45 cây trăm tuổi vừa được công nhận cây di sản Việt Nam
    Hội đồng Cây di sản Việt Nam (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) vừa tổ chức họp và xét duyệt 45 cây lâu năm của 6 tỉnh, thành phố đủ điều kiện được công nhận là cây di sản Việt Nam.
  • Giới thiệu gần 200 hình ảnh, tài liệu lưu trữ gốc về tiếp quản Thủ đô
    Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), sáng 24/9 tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức sự kiện “Giới thiệu tài liệu lưu trữ quốc gia và Tiếp quản Thủ đô”. Đây là minh chứng góp phần tái hiện những thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc và Thủ đô từ khi Hiệp định Geneva năm 1954 được ký kết.
  • Từ ngôi đình làng Vạn Phúc
    Họa sĩ Nguyễn Nghiêm thật có lý, khi chọn tấm ảnh đình làng Vạn Phúc, như một biểu tượng, để trình bày bìa cuốn “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Vạn Phúc”. Xưởng in Viện Điều tra - Quy hoạch rừng, với máy ốp - sét hiện đại đã thể hiện được gần như trọn vẹn, đường nét và màu sắc, hơn thế nữa, tôn lên vẻ đẹp vốn có của ngôi đình, từ búp bàng non đến lớp rêu phong cổ kính...
  • Nghệ thuật trang trí, chạm khắc ở bảo vật Quốc gia “Thần Oai Vô địch Thượng tướng quân”
    “Cửu vị thần công” được đúc bằng đồng tại Kinh đô Phú Xuân (TP Huế ngày nay) dưới thời vua Gia Long (1762 - 1820) với nghệ thuật trang trí và chạm khắc đỉnh cao thời Nguyễn.
  • Làng gốm cổ Kim Lan - điểm du lịch mới của Thủ đô
    Đầu tháng 8 vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội có quyết định về việc công nhận điểm du lịch xã Kim Lan, huyện Gia Lâm. Đây là bước cộng hưởng tuyệt vời trong nỗ lực không mệt mỏi của người dân, nghệ nhân làng nghề gốm cổ, các nhà khoa học, chính quyền địa phương với mục tiêu phát triển bền vững làng nghề nhờ tài nguyên văn hóa độc đáo ở Kim Lan.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • [Podcast] Truyện ngắn: Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Ứng dụng công nghệ số bảo tồn, phát huy giá trị di sản, văn hóa Huế đạt giải Chuyển đổi số Việt Nam
    Ứng dụng công nghệ số bảo tồn, phát huy giá trị di sản, văn hóa Huế của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2024.
  • Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình: Tái hiện một Hà Nội hào hùng, văn hiến
    "Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình" là sự kiện trọng điểm trong chuỗi các hoạt động văn hóa đặc sắc, được chỉ đạo bởi Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội. Chương trình mang ý nghĩa sâu sắc trong việc tôn vinh giá trị lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô.
  • Quận Long Biên: Gắn biển tuyến đường nối Nguyễn Văn Cừ - Ngọc Thụy
    Ngày 5/10, quận Long Biên tổ chức khánh thành và gắn biển dự án “Xây dựng tuyến đường 40m nối từ đường Nguyễn Văn Cừ đến hết khu tái định cư Ngọc Thụy” với tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng.
  • [Video] Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội: tái hiện hình ảnh Thủ đô 70 năm lịch sử
    Nằm trong chuỗi các hoạt động cao điểm chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), tối 4/10 tại Trung tâm Di sản văn hóa Thế thế giới Hoàng thành Thăng Long, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 chủ đề “Hà Nội - Tinh hoa áo dài”. Chương trình nghệ thuật đem đến cho các đại biểu, người dân và du khách quốc tế các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu, tái hiện hình ảnh Thủ đô 70 năm lịch sử.
  • Những hình ảnh ấn tượng trong buổi tổng duyệt "Ngày hội văn hoá vì hoà bình"
    Để chuẩn bị cho "Ngày hội văn hoá vì hoà bình" trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), các đơn vị tham gia chương trình đã có buổi tổng duyệt vào chiều 4/10.
  • Tây Hồ gắn biển 2 công trình chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
    Ngày 5/10, UBND quận Tây Hồ đã tổ chức gắn biển 2 công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp trường Tiểu học Xuân La; Dự án cải tạo, nâng cấp Trung tâm GDNN - GDTX quận Tây Hồ (cơ sở 2).
  • Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình - Kỷ Niệm 70 năm Giải Phóng Thủ Đô và 25 năm danh hiệu Thành phố vì hòa bình
    Chương trình sẽ diễn ra từ 7h00 – 10h00 sáng ngày 6/10/2024 tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm, mở đầu với nghi lễ dâng hương tại Tượng đài vua Lý Thái Tổ, tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng Thủ đô...
  • "Bay qua Hồ Gươm": Khắc họa Hà Nội qua những vần thơ
    Tập thơ “Bay qua Hồ Gươm” của tác giả Huỳnh Mai Liên ra mắt ngày 4/10, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, giống như bức “ký họa” về Hà Nội xưa và nay ở nhiều sắc độ, phong vị.
  • Ký ức phía sau bức ảnh “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản”
    Thời khắc các cánh quân của Đại đoàn quân tiên phong từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô năm 1954 mãi mãi đi vào lịch sử và in đậm trong ký ức của bao người Hà Nội. Đã có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh ghi dấu thời khắc hào hùng “đoàn quân kéo về mùa thu ấy/ nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường” ấy trong đó có tác phẩm “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản” của ông Lê Sửu (một người dân Hà Nội). Bức ảnh giản dị, chân thực, có ý nghĩa lịch sử không chỉ với riêng gia đình ông mà còn là khoảnh khắc vô cùng đặc biệt của Thủ đô Hà Nội.
Di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được UNESCO ghi danh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO