Dễ nhận thấy những cây bút nòng cốt từng là tác giả trong 2 tập sách trước, nay vẫn đóng góp nhiều bài vở chất lượng cho tập sách này. Đó là các tác giả Phạm Tâm Dung, Phạm Thường Dân, Nguyễn Ánh Tuyết, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Đình Bắc, Dương Đoàn Trọng, Đoàn Thịnh, Đặng Thành Tô, Lê Hà, Lê Tiến Vượng, Vũ Nho, Đỗ Quyết, Đỗ Lâm Hà… Bên cạnh đó, tập sách còn quy tụ thêm khá nhiều cây bút mới, lần đầu tiên xuất hiện trong tập sách. Đó là các tác giả: Bùi Kim Anh, Đặng Quế Anh, Nguyễn Đình Bình, Vũ Cần, Trương Lan Dung, Tạ Hữu Đảng, Phi Điện, Nguyễn Thúy Hằng, Minh Hoàn, Vũ Hường, Nguyễn Thị Thanh Lâm, Kim Liên, Lê Minh, Trà My, Lê Đức Nghinh, Vũ Khắc Nhu, Vũ Kim Nhung, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thanh Tài, Phạm Văn Thính, Bùi Cao Thế, Hạ Thơ, Trương Anh Việt, Thanh Tùng, Phạm Minh Giang, Hà Kim Quy, Nguyễn Đức Viên, Trần Thị Trâm, Võ Thị Xuân Hà, Bùi Thanh Minh, Hà Hưng, Ngô Đình Trí, Nguyễn Mạnh Chu, Lê Quang Hà, Nguyễn Văn Thái. Có nhiều nhà văn, nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, Hội Nhà văn Việt Nam tham gia, làm cho tập sách thêm chất lượng.
Chiếm phần đa số trang và nhiều tác giả nhất là mảng thơ. Chủ đề thơ rất đa dạng, thể loại cũng phong phú, phần lớn thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào là công dân Việt Nam. Thơ nói nỗi lòng người cao tuổi, nói tình bạn, tình thi hữu. Một số bài dành cho thuyền thơ, Câu lạc bộ Thi nhân miền cổ tích, dành cho Thái Bình, miền quê có huyện Kiến Xương, có xã Thượng Hiền mà các nhà thơ đã một hay nhiều lần ghé thăm, giao lưu thân ái.
Có thể nói “Thi nhân miền cổ tích” tập 3 là một tập sách nhiều tác giả, phong phú về đề tài, chủ đề, lại có cả một số bài thơ chống dịch Covid-19, có 12 bản nhạc phổ thơ phần lớn các thi nhân của câu lạc bộ.
Một điểm sáng của tập sách này là những bài thơ chung tay chống dịch Covid-19 mà Câu lạc bộ Thi nhân miền cổ tích đã phát động và tổng kết. Một số bài thơ được giải đã được in trong tập này như một kỉ niệm khó quên. Điều đó thể hiện ý thức chính trị của các cây bút. Cuộc vận động “Thi nhân miền cổ tích chung tay chống dịch” đã nhận được 250 tác phẩm của 45 tác giả dự thi từ nhiều miền, có cả kiều bào ở nước ngoài. Các thể loại khá đa dạng, gồm thơ, trường ca, truyện ngắn, tản văn… đủ để in một cuốn sách dày 450 trang. Ban biên tập đã giới thiệu tản văn của Phạm Tâm Dung, thơ của Phạm Phương Thảo, Nguyễn Đình Bắc, Lê Tiến Vượng, Bành Phương Lan, Nguyễn Đăng Bích, Nguyễn Phi Điện, Phạm Bá Hà, Lê Minh, Đoàn Thịnh, Đặng Thành Tô, Dương Đoàn Trọng, Thanh Tùng, Cần Vũ và bài “Đại cáo bình Covid” của Bùi Cao Thế.
Đáng chú ý, trong tập này, số lượng tác giả và tác phẩm văn xuôi tăng rõ rệt. Nếu trong tập 2 chỉ có 12 cây bút văn xuôi, thì tập 3 đã có 19 tác giả viết truyện ngắn, bút kí, tản văn, phê bình văn học… Một sự bổ sung tích cực, góp phần làm cân đối giữa thơ và văn xuôi.
Một số cây bút từng tham gia tập 1 và 2, nay do điều kiện sức khỏe và một số nguyên nhân riêng tư, không góp bài. Cũng có một vài tác giả đã mãi mãi đi xa như Tô Diệp, Nguyễn Văn Thưởng… Nhà giáo, nhà văn Nguyễn Xuân Nhuận có góp bài, nhưng anh không kịp mừng ngày sách ra.
Các cây bút văn xuôi cũng đóng góp những truyện ngắn đặc sắc. Truyện ngắn hài của Nguyễn Đình Bắc “Thế mà khôn phết” nói chuyện tiêm vắc xin phòng Covid của lão Bưởi. Truyện ngắn “Vào chùa gặp lại” của nhà văn Minh Chuyên kể về các nữ chiến sĩ chống Mĩ ngày xưa giờ về tu trong các chùa. Đặc biệt là mối tình cảm động năm xưa của sư thầy Đàm Thân với người yêu là Quân. Phạm Tâm Dung có trích truyện “Dòng xoáy” in trong tập truyện kí “Đàn bà nông nổi” viết về thời kì cải cách ruộng đất ở nông thôn. Tác giả Tú Đào góp 3 truyện ngắn “Những giọt nước mắt màu tím”, “Ngọn đèn của mẹ”, “Người cha trầm mặc”. Cả ba truyện đều liên quan đến tuổi thơ tác giả và những kỉ niệm với đấng sinh thành. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà góp 2 truyện ngắn “Đêm ở hồ Hỏa Tước” và “Lối rẽ khiêm nhường”. Nhà văn Bùi Thanh Minh có truyện ngắn “Lòng mẹ”. Nhà văn Y Mùi có truyện “Lão Chí thi nhân”. Hà Kim Quy có truyện ngắn “Chiếc roi mây của nội”. Ánh Tuyết có truyện ngắn “Cơn giông”. Trần Văn Thước có truyện ngắn “Mười năm xa xót”.
Về tản văn cũng khá phong phú với các tác phẩm “Trăng ngâu mùa Covid” của Phạm Tâm Dung; “Bánh khúc ngày xuân”, “Cây Kơ nia” của Phạm Minh Giang; “Hoa miệng” của Bùi Thanh Minh; “Bây giờ là cuối mùa thu” của Hà Kim Quy; “ Nhớ người câu gió, câu mưa”, “Sa Pa xưa có còn đâu” của Phạm Thị Phương Thảo. Bút kí có “Nỗi nhớ Cát Bà” của Đức Viên.
Phê bình nghiên cứu có bài của các tác giả: “Truyện Kiều dưới cái nhìn thiền quán” của Đỗ Lâm Hà, “Thời thanh xuân như thế” của nhà văn Lê Hoài Nam, “Cây thơ của miền cổ tích” của Vũ Nho, “Người nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh trên nẻo đường của nhiếp ảnh nghệ thuật” của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, “Văn học dân gian thời Covid” của PGS.TS Trần Thị Trâm, “Cảm nhận về truyện Má Lành” của Thanh Tùng.
Một câu lạc bộ văn chương ban đầu chỉ gồm các thi sĩ đồng quê ở xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, sau lan rộng ra toàn tỉnh Thái Bình rồi thu hút các cây bút Thủ đô Hà Nội và nhiều vùng miền cả nước. Một câu lạc bộ gồm những người yêu văn chương tự nguyện, không phải đóng góp kinh phí, tạo nên một sân chơi bổ ích, thú vị cho mọi thành viên. Tập sách càng có ý nghĩa khi năm 2022 cũng chính là năm kỉ niệm 10 năm hoạt động của thuyền thơ và Câu lạc bộ Thi nhân miền cổ tích. Một dấu ấn tự hào của các thi nhân và bè bạn.