Hơn 200 năm tiếp nhận Cung oán ngâm khúc

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn| 14/11/2022 09:47

Bậc thi bá Nguyễn Gia Thiều (1741 - 1898), quê xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) nổi tiếng hay chữ, sáng tác rất nhiều, có tập thơ chữ Hán “Ôn Như thi tập” (Tập thơ Ôn Như) - tiền và hậu tập - gồm hàng ngàn bài.

cung-oan-ngam-khuc(1).jpg
Thi phẩm Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều

Tiếc thay, hiện tại không thể tìm thấy chút dấu vết gì. Ngoài ra còn có “Tây Hồ thi tập” (Tập thơ làm ở Hồ Tây), có thơ trong “Tứ Trai thi tập” (Tập thơ Tứ Trai) của bốn anh em, hai tập này cũng tàn khuyết hầu hết, chỉ còn vài bài chép trong Tạp ký (Ghi chép tản mạn) của Lý Văn Phức (1785 - 1849) và khoảng mươi khổ thơ trích dẫn lẻ tẻ trong Nguyễn Gia phả ký (Ghi chép thế phả họ Nguyễn Gia). Chính vì vậy mà thư mục Nguyễn Gia Thiều trong kho sách Hán Nôm hiện tại khá đơn giản. Và cho dù tài thơ của Nguyễn Gia Thiều được Lý Văn Phức đánh giá: “Thiên đoàn bách luyện, ngữ ngữ kinh nhân” (Trăm nghìn lần tôi luyện, từng lời khiến người ta phải kinh sợ) thì nay cũng chỉ biết chủ yếu về tác phẩm bất hủ “Cung oán ngâm khúc”. Mà lịch sử giới thiệu, nghiên cứu tác phẩm này cũng trải qua nhiều thăng trầm, khen chê lúc có vẻ “công bằng”, khi thiên lệch.


Tác phẩm “Cung oán ngâm khúc” hiện còn 9 bản chép tay và khắc in khác nhau và bản in chữ Quốc ngữ sớm nhất có nhan đề “Cung oán ngâm khúc diễn ca quốc ngữ và chú giải các điển tích” do Nguyễn Văn Vĩnh thực hiện (1911), sau này được tái bản và dịch ra nhiều ngôn ngữ như Pháp, Nga, Đức, Anh,… Tuy nhiên có một nghịch lý, trước năm 1954, việc giới thiệu, xuất bản, giảng dạy “Cung oán ngâm khúc” được tiến hành khá rộng rãi. Năm 1943, sách giáo khoa “Việt Nam văn học sử yếu” của Dương Quảng Hàm đã giới thiệu và nhận xét: “Lời văn thì rõ là của bậc túc nho uẩn súc: đặt câu thì gọt giũa, cao kỳ; diễn ý thì dùng nhiều chữ bóng bẩy và nhiều điển cố. Thứ nhất là trong những đoạn tả nỗi buồn rầu của người cung phi thì giọng văn réo rắt, thật tả hết nỗi đau khổ, bực dọc của một người đàn bà còn trẻ mà bị giam hãm trong cảnh lẻ loi lạnh lùng. Văn Nôm trong cuốn ấy thật đã tới một trình độ rất cao” (1943)…
Từ sau 1954, tình hình có khác. Ở đô thị miền Nam, “Cung oán ngâm khúc” được giảng dạy ở hầu khắp các bậc phổ thông và đại học nên việc xuất bản và nghiên cứu tác phẩm cũng dễ dàng, với tên tuổi những  Nguyễn Văn Diêu, Phạm Thế Ngũ, Bùi Đức Tịnh, Trần Cửu Chấn, Lê Tâm, Thuần Phong… Ở miền Bắc, trong một thời gian dài tác phẩm này cũng chịu số phận là “có vấn đề”, nhiều “độc tố”, nhân sinh quan, vũ trụ quan yếm thế, tiêu cực và đề cập đến nhiều khía cạnh nhục cảm - một phương diện được coi là cấm kỵ, cho nên tác phẩm và tác giả bị loại ra khỏi sách giáo khoa, thậm chí ngay ở bậc đại học cũng chỉ được giới thiệu sơ lược. Từ khoảng thập niên tám mươi lại đây, tình hình có khác, thơ ông được giới thiệu, giảng dạy trong cấp PTTH (lớp 10) và cao đẳng, đại học với quan điểm tiếp cận khoa học hơn.

img-0798.jpg
cung-oan-ngam-khuc-2.jpg
cung-oan-ngam-khuc-3.jpg


Trên thực tế, phải đến năm 1991, nhân kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Gia Thiều, một lễ kỷ niệm và hội thảo khoa học đã được tổ chức tại quê hương nhà thơ là một sự kiện văn hóa lớn, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong phương hướng tiếp nhận tác phẩm “Cung oán ngâm khúc” cũng như tìm hiểu con người xã hội và nghệ sĩ Nguyễn Gia Thiều. Kết quả nghiên cứu được đúc kết theo ba chủ đề lớn: Môi trường địa - văn hóa và thời đại lịch sử “đã sản sinh ra Nguyễn Gia Thiều, tạo nên tầm vóc tư tưởng cũng như cốt cách văn hóa đặc biệt”; Tìm hiểu ý nghĩa đích thực của thông điệp nghệ thuật Nguyễn Gia Thiều gửi gắm qua cách hiểu hình tượng người cung nữ trong “Cung oán ngâm khúc”; Xem xét những sáng tạo mới mẻ của Nguyễn Gia Thiều về mặt thể loại, phong cách và ngôn ngữ nghệ thuật qua khúc ngâm…


Đề tài cung nữ là đề tài có truyền thống lâu đời ở Trung Hoa và ngay ở Việt Nam, Nguyễn Gia Thiều cũng không phải là người đầu tiên khám phá, khai thác nhưng với “Cung oán ngâm khúc”, ông thực sự là nhà thơ vượt lên trên tất cả, đến mức mỗi khi nhắc đến đề tài này, văn giới nghĩ ngay đến tác phẩm của ông. Có hai loại ý kiến: Nhà thơ không gửi gắm tâm sự về thời cuộc và ngược lại. Quan điểm thứ nhất cho rằng Nguyễn Gia Thiều viết “Cung oán ngâm khúc” thuần túy nói về số phận người cung nữ, không nhằm gửi gắm tâm sự gì (Dương Quảng Hàm, Thuần Phong… Dương Quảng Hàm viết: “Đề mục ấy có lẽ không liên lạc gì với thân thế tác giả và các việc xảy ra trong nước hồi bấy giờ. Duy ta nhận thấy có nhiều thi sĩ đương thời cũng đem đề mục ấy ra ngâm vịnh” (1943). Thứ hai, theo dòng chủ lưu, có thể nói nhận thức ý nghĩa hình tượng người cung nữ trong “Cung oán ngâm khúc” mới là vấn đề có lịch sử nghiên cứu vào loại lâu đời nhất. Các nhà nghiên cứu lâu nay đều đứng trước một hiện tượng rất khó lý giải: Nhân vật nàng cung nữ của Nguyễn Gia Thiều triết lý quá cao siêu, lời lẽ quá già so với tuổi, cũng như tác giả đã để cho cung nữ có những hành vi vượt ra khỏi khung qui chuẩn người phụ nữ phương Đông đã trở thành “những ước lệ nghiêm ngặt của nghệ thuật phong kiến” và được gói gọn trong bốn chữ “công - dung - ngôn - hạnh”. Tiêu biểu cho khuynh hướng này là các tác giả Tôn Thất Lương, Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Quang Khải, Trần Thị Băng Thanh, Đặng Thanh Lê, Nguyễn Duy Kha… Các công trình nghiên cứu đều cố gắng tập trung lý giải nguyên nhân Nguyễn Gia Thiều để cho chủ thể trữ tình “lấn sân” sang ranh giới của nhân vật. Đặng Thanh Lê xác định “Cung oán ngâm khúc” có tính chất nhiều chủ đề, không chỉ có một dòng cảm xúc chủ đạo mà có hai dòng cảm xúc trữ tình đan xen nhau. Đó là ông vừa có phong cách triết học trong cảm hứng văn học và phong cách văn học trong nhận thức triết học. Và do hai dòng cảm xúc cùng “điều khiển” ngòi bút của Nguyễn Gia Thiều nên tác phẩm có một nội dung phản ánh luôn luôn phát triển theo hướng “mở”, phản ánh được chiều sâu số phận con người và nhiều vấn đề của hiện thực xã hội rộng lớn...


Xác định “Cung oán ngâm khúc” đặt trong mối quan hệ với sự hình thành, phát triển thể loại song thất lục bát - một trong số các thể loại nội sinh, mang tính chất dân tộc đậm nét cũng là một hướng nghiên cứu có nhiều kết quả sắc nét. Từ hướng tiếp cận, lý giải tác phẩm trong chính hình thức thể loại sẽ cho thấy một “Cung oán ngâm khúc” với những giá trị vĩnh cửu, đạt tới sự ổn định của thể ngâm khúc và có vị trí quan trọng trong lịch sử thể loại. Đặng Thanh Lê đúc kết: “Một thời đại đầy biến động, kinh thiên động địa. Một thân thế đắc thất, nổi chìm đa dạng. Một tài năng văn võ kiêm toàn. Một tài hoa phong phú, văn thơ nhạc, họa, kiến trúc. Và những tâm tư phức tạp đối diện cuộc sống đương thời… Tất cả kết tinh thành cảm hứng sáng tác mang màu sắc, phong cách độc đáo Nguyễn Gia Thiều ở qui mô dung lượng đề tài, chủ đề, ở tính tổng hợp của hình tượng trữ tình và ở phong cách ngôn ngữ giàu sức biểu hiện mạnh mẽ” (1991).


Với các hướng nghiên cứu được đúc kết như trên, vậy thì ý nghĩa vị trí Nguyễn Gia Thiều trong sự nghiệp thi ca thế kỷ XVIII được đánh giá ra sao? Lâu nay các nhà nghiên cứu đều thống nhất trong xác định giá trị nội dung của “Cung oán ngâm khúc” không chỉ nói lên thân phận hẩm hiu, cay đắng của người cung nữ mà nổi trên trên hết là “một tiếng nói tố cáo xã hội” (Phạm Thế Ngũ). Các vấn đề phản ánh trong tác phẩm đều ít nhiều có liên quan đến “một trạng thái xã hội lúc bấy giờ”, nhà thơ đã nói hộ người cung nữ “cái tâm sự oán hận sầu tủi” và qua người cung nữ, “kêu lên giùm người phụ nữ trong xã hội phong kiến tiếng kêu đả đảo một chế độ vô nhân đạo đối với nhân phẩm và tình cảm con người” (Nguyễn Lộc). Các nhà nghiên cứu còn tìm thấy sự “liên thông tâm trạng” khá rõ trong các bài thơ như “Bảo cam ra hái hoa” với “Cung oán ngâm khúc”. Trên phương diện nghệ thuật, từ các nhà Hán Nôm đầu thế kỷ XX như Đinh Xuân Hội, Trúc Khê, Dương Quảng Hàm, Vân Bình Tôn Thất Lương, Lê Văn Hòe, Thuần Phong, Hà Như Chi… và nhiều nhà nghiên cứu đương đại cũng đều rất chú trọng khảo sát tư tưởng nghệ thuật của Nguyễn Gia Thiều và thống nhất cao trong nhận định giá trị nghệ thuật đặc sắc của “Cung oán ngâm khúc”. Khảo sát các phương diện thể thơ, kết cấu, chương pháp và tự pháp tác phẩm, Thuần Phong nhấn mạnh: “Sở dĩ áng văn có sức lôi cuốn như thế là nhờ ở nghệ thuật của tác giả đạt đến mức tuyệt vời, tác giả đã áp dụng các phương pháp hành văn một cách tuyệt xảo” (1956). Nguyễn Lộc cũng đặc biệt đề cao ngòi bút Nguyễn Gia Thiều ở tính chất “quý tộc” cao sang: “Đọc Cung oán ngâm khúc người ta dễ có cảm tưởng như đi vào một ngôi đền vàng son lộng lẫy, có phượng múa rồng bay, chạm trổ cực kỳ tinh vi, khéo léo. Trong đền lúc nào cũng thoang thoảng vị hương trầm… Nguyễn Gia Thiều đã thể hiện đầy đủ nhất, đậm nét nhất những đặc trưng của một nghệ thuật có tính chất quý tộc” (1976)… Thậm chí vấn đề nhục cảm trong “Cung oán ngâm khúc” lâu nay còn gây tranh cãi thì tác giả Nguyễn Ngọc Bích với bài viết Đạo Phật, tính dục và âm nhạc tính trong “Cung oán ngâm khúc” lại đưa đến một cách nhìn mới mẻ, thẳng thắn, khoa học và khẳng định vị trí “vô tiền khoáng hậu” của những đoạn miêu tả cái đẹp của dục tính trong “Cung oán ngâm khúc”, “chỉ có thể sánh với văn học Phật giáo Mật tông Tây Tạng mà thôi”. Ngoài ra, ông còn khảo sát các thể thơ Việt Nam và ngôn ngữ sử dụng trong tác phẩm, nhà nghiên cứu đã “tìm ra manh mối và cấu trúc của thi phẩm” - đó là “một bản nhạc giao hưởng, một tác phẩm mà ta có thể tả được bằng cách gọi tiếng Pháp là “poème symphonique” chứ không phải chỉ thuần thúy là một bài thơ” (2005). Trần Thị Băng Thanh lại có phát hiện mới mẻ khi cho rằng kết cấu đảo ngược trật tự thời gian với sự tham gia của hồi ức đã khiến cho “Cung oán ngâm khúc” có dáng vẻ của thủ pháp đồng hiện trong văn học phương Tây… Các ý kiến trên cơ bản đã được tích hợp trong sách “Nguyễn Gia Thiều - Tác gia và tác phẩm” (Nguyễn Hữu Sơn - Đặng Thị Hảo tuyển chọn, giới thiệu. NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2019, 462 trang) có ý nghĩa như một sự tổng kết về lịch trình hai trăm nghiên cứu Nguyễn Gia Thiều và thi phẩm “Cung oán ngâm khúc”.

Bài liên quan
  • 10 cuốn sách về nghề thầy
    Nhân dịp 20/11/2022, Nxb Phụ nữ Việt Nam lựa chọn và giới thiệu 10 đầu sách nói về nghề giáo và sự ảnh hưởng của giáo dục đối với xã hội. Người Hà Nội xin gửi tới độc giả thông tin về 10 đầu sách này với hi vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích cho độc giả trong tuần lễ mà cả nước hướng tới ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).
(0) Bình luận
  • “Bay qua Hồ Gươm” - trò chuyện cùng Hà Nội, về Hà Nội
    “Mơ là bồ câu trắng/ Bay qua Hồ Gươm xanh”, tác giả Huỳnh Mai Liên đã bật lên khao khát muốn được trở thành cánh chim nhẹ nhàng và tự do khám phá bầu trời Hà Nội ở cuối bài thơ Bay qua Hồ Gươm (cũng là tên tập thơ). Dường như cũng từ giấc mơ này, nhà thơ đã viết ra những vần thơ kể chuyện dẫn lối người đọc ngắm nhìn Hà Nội từ cao đến thấp, từ xa đến gần.
  • Thơ truyền thống trong thời đại số
    Thơ truyền thống là loại thơ viết theo đúng niêm luật, thường bó buộc trong các thể loại: Lục bát, Đường luật (Nhất, tam ngũ bất luận), song thất lục bát, thơ (bốn, năm, sáu, bẩy, tám) chữ… phải có vần điệu, cấu tứ rõ ràng và ngôn từ là phương tiện để nhà thơ biểu đạt, giãi bày tình cảm, tư tưởng tinh thần của tác giả. Trong thời đại số, thơ truyền thống vẫn được nhiều tác giả tiếp nối nhưng theo một hình thức mới, nội dung mới và nhà thơ không bị giới hạn bởi bất kỳ khuôn phép nào.
  • 50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế
    Hội nghị Lý luận, phê bình Văn học lần thứ V diễn ra ngày 27/11 tại Hà Nội, quy tụ những nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ và nhà phê bình hàng đầu. Với chủ đề “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế”, hội nghị đã làm nổi bật bức tranh toàn cảnh văn học Việt Nam...
  • Thị trường nghệ thuật Việt Nam: Chuyên nghiệp để bứt phá
    Nghệ thuật Việt Nam gần đây thu hút sự chú ý đáng kể trên thị trường trong và ngoài nước. Các tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam không chỉ được công nhận về mặt giá trị nghệ thuật mà còn đạt được mức giá cao, phản ánh sự gia tăng sức hút và quan tâm của các nhà sưu tầm, người yêu mỹ thuật, cũng như các hãng đấu giá quốc tế.
  • “Bóng của hoa” trên những trang thơ trữ tình đậm chất Hà Nội
    Sau hai tập thơ “Lửa lá” (2009) và “Vườn tôi nở đóa vàng bông” (2013), nhà thơ Đặng Minh Kính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc tập thơ “Bóng của hoa” (NXB Hội Nhà văn, 2024). Tôi cứ ngỡ rằng, trên những trang thơ trữ tình giàu cảm xúc tinh tế của nữ tính, đậm chất Hà Nội nơi chị đang chập chờn, ẩn hiện những “Bóng của hoa” đầy thi vị với những suy tưởng khá lắng đọng.
  • Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại
    Quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, một “Paris thu nhỏ” của chính quyền thực dân vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã được nhà nghiên cứu Đào Thị Diến phản ánh chi tiết trong cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)”. Với nguồn tư liệu quý từ hồ sơ lưu trữ, cuốn sách không chỉ phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại mà còn góp phần giải mã sự thật lịch sử.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • Thêm một cuốn sách về tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam
    Để giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ hơn về các tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp” của tác giả Nguyễn Thái Bình và Đỗ Thị Thanh Hương.
  • Quận Hai Bà Trưng: Hứa hẹn chương trình “Lưu giữ nét xưa, phát huy bản sắc mới”
    Thông tin từ UBND quận Hai Bà Trưng (TP. Hà Nội) vừa cho biết, từ ngày 13 - 15/12/2024 tại Phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận sẽ diễn ra Chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc trưng, các điểm di tích lịch sử và du lịch trên địa bàn quận với chủ đề “Lưu giữ nét xưa, phát huy bản sắc mới”.
  • [Podcast] Dẻo thơm hương vị bánh gai làng Giá
    Nhắc tới bánh gai có lẽ nhiều người sẽ nghĩ tới bánh gai Ninh Giang (Hải Dương), bánh gai bà Thi (Nam Định) hay bánh gai tứ Trụ (Thanh Hóa), nhưng nếu một lần được thưởng thức bánh gai làng Giá - Xứ Đoài của Thủ đô Hà Nội tại huyện Hoài Đức bạn sẽ nhớ mãi. Theo quan niệm của người dân làng Giá (xã Yên Sở, H. Hoài Đức), bánh gai là thể hiện cho con người giao hòa với trời đất, âm dương, vì thế, công đoạn làm bánh phải thật công phu.
Đừng bỏ lỡ
Hơn 200 năm tiếp nhận Cung oán ngâm khúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO