Se sẽ chứ, Xuân Quỳnh !

Hà Thái| 14/11/2022 10:55

Mùa thứ 6 của “Se sẽ chứ” - Ơ kìa Hà Nội - kỷ niệm sinh nhật tuổi 80 của cố nhà thơ Xuân Quỳnh được trải dài trong tháng 10 đã góp thêm sắc yêu, sắc nhớ lung linh, dịu dàng mà nồng nàn của thu Hà Nội. Từ đây, thêm một lần độc giả hôm nay được trở lại và khám phá thế giới thi ca mãi mãi tươi xanh của nữ sĩ tài hoa.

se-se-chu(1).jpg
Nhà thơ Xuân Quỳnh - Tranh: Từ “Se sẽ chứ”

Sóng thơ - sóng nhạc
“Se sẽ chứ” được mở ra bằng đêm thơ, nhạc, kịch mang tên “Hoa cúc xanh” tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Bốn bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Xuân Quỳnh được ê kíp sáng tạo sử dụng để đặt tên cho 4 chương của chương trình, lần lượt: “Bầu trời trong quả trứng”; “Sóng”, “Tự hát” và “Hoa cúc xanh”. Mỗi một chương là một câu chuyện được cất lên từ chính những tác phẩm thi ca, mỗi nỗi niềm, khát vọng, ước mơ của Xuân Quỳnh.
Ở “Bầu trời trong quả trứng” có đồng ca thơ “Con yêu mẹ bằng con dế” và “Chuyện cổ tích về loài người”; có ca khúc “Mí và Mẹ” được nhạc sĩ Lưu Quang Minh sáng tác bằng cảm xúc khởi nguồn đầy lay động để kết nối, phổ nhạc ca từ từ các bài thơ của Xuân Quỳnh. Khi đó, một góc nhìn của Mí với mẹ Quỳnh về bầu trời thật đáng yêu mà cũng đầy tính triết lý. Góc nhìn ấy được bắt đầu từ những điều lớn lao, rộng mở: “Trời sinh ra trước nhất/ Chỉ toàn là trẻ con” và mong ước “Bầu trời trong quả trứng/ Không có bão có mưa/ Không biết đói biết no/ Không bao giờ biết sợ…”. Từ đó, các em trở về với những điều nhỏ bé, yêu thương: “Và mẹ ơi con dế/ Trong bao diêm con đây/ Mở ra con thấy ngay/ Con yêu mẹ bằng con dế…” để cuối cùng sáng tỏ: “Thì làm sao con biết/ Là trời ở những đâu/ Trời rất rộng lại rất cao/ Mẹ mong bao giờ con tới…”


Từ nhịp cảm xúc trong trẻo, hồn nhiên ấy, khán giả bước vào “Sóng” cùng bao bồi hồi, đắm say khi yêu trong những ca khúc được phổ nhạc từ các thi phẩm: “Thuyền và biển”, “Hoa quỳnh” và nhất là: “Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đâu?/ Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau” (Sóng). Rồi thì, tất cả lắng lại cùng những phút phim tài liệu “Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gửi lại” của đạo diễn, NSND Nguyễn Thước. Cùng với chuyện đời, chuyện nghề chân thực, xúc động của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh được kể, bộ phim bất ngờ mở ra cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa khán giả với Xuân Quỳnh khi phát lại giọng nói mộc mạc lúc nữ sĩ đọc bài thơ “Hát với con tàu” (từ băng tư liệu của Đài Tiếng nói Việt Nam): “Này anh, em hát anh nghe/ Dẫu không hay cũng đừng chê đừng cười/ Mùa xuân tôi hát với người/ Với con tàu hát những lời thương yêu…”.

se-se-chu-1.jpg
Ca khúc “Mí và Mẹ” của nhạc sĩ Lưu Quang Minh biểu diễn trong đêm thơ, nhạc, kịch “Hoa cúc xanh”


Đến “Tự hát” vẫn là những ca khúc lắng lại từ bao sự chiêm nghiệm của người phụ nữ đã đi qua giông bão cuộc đời, với “Thư tình cuối mùa thu”, “Anh là hạnh phúc của đời em” và “Tình yêu ở lại” để nối tiếp vào cuộc trình diễn thơ, trích đọc những lá thư của các nghệ sĩ nổi tiếng đã từng gắn bó với Xuân Quỳnh như: NSND Lê Khanh, NSƯT Minh Trang. Riêng vợ chồng nghệ sĩ NSND Lan Hương và NSƯT Đỗ Kỷ tái hiện lại những cảm xúc của một tình yêu xa thổn thức Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. Dù rằng đây không phải là lần đầu tiên những bức thư tình của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ được công bố nhưng bao rưng rưng thương nhớ trộn hòa cùng không ít xót xa vẫn ùa về trong lòng mỗi người…


Đặc biệt, khép lại đêm thơ, nhạc, kịch kỷ niệm sinh nhật tuổi 80 của Xuân Quỳnh là vở kịch ngắn “Ai đã lấp cái đầm lầy Mãi Mãi” (kịch bản: Nguyễn Hoàng Điệp, đạo diễn: NSƯT Trần Lực). Ở đây có sự kết nối giữa bài thơ Hoa cúc xanh của Xuân Quỳnh và kịch bản “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” của Lưu Quang Vũ - hai tâm hồn cùng hướng về một niềm tin để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Có hay không “hoa cúc xanh”?”. Nếu như Lưu Quang Vũ xây dựng một vở kịch với những nhân vật đặc biệt, được nhân đôi bản thể để đối thoại thì Xuân Quỳnh vẫn luôn hy vọng: “Anh đã nghĩ chắc là hoa đã có/ Mọc xanh đầy thung lũng của ta xưa”.

Đọc và “nhìn khác”

Cùng với việc trình diễn, diễn xướng tình thơ tha thiết của Xuân Quỳnh, “Se sẽ chứ” - Ơ kìa Hà Nội còn tổ chức buổi hội thảo “Thơ Xuân Quỳnh - Một cách nhìn khác”. Có thể nói, đây là một gợi mở có phần mạo hiểm của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và các cộng sự. Bởi lẽ, suốt hơn nửa thế kỷ qua, thơ Xuân Quỳnh luôn được tôn vinh trong chiếc áo nữ tính bền chắc. Đó là một hồn thơ rất đỗi nhân hậu, dịu dàng, luôn chan chứa tình yêu con trẻ và bao dung, nâng niu hạnh phúc lứa đôi. Vậy nhưng, đề tài này của hội thảo đã thực sự thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có những người không quản xa xôi, bay từ miền Nam ra tham dự. Hơn 10 tham luận được gửi đến buổi tọa đàm như: “Bản tiểu sử văn học tự khai của Xuân Quỳnh” của nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân, “Nữ sĩ Xuân Quỳnh - độc lập và cô đơn cùng cuối” của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, “Xuân Quỳnh - cuộc đời để lại trong thơ” của PGS.TS Lưu Khánh Thơ, “Ẩn dụ ý niệm về “đôi bàn tay” trong thơ Xuân Quỳnh” của TS Phạm Hương Quỳnh, “Đọc lại tính nữ (femininity) trong thơ Xuân Quỳnh: Ai khiến Quỳnh nữ tính?” của TS Hồ Khánh Vân, “Xuân Quỳnh và Marina Tsvetaeva: Nữ tính là dám thành thật sống với cảm xúc của chính mình” của TS Hà Thanh Vân, “Thơ tình Xuân Quỳnh từ góc nhìn tâm lý học” của Ths Đào Diễm Trang, “Tình mẫu tử trong thơ Xuân Quỳnh - nhìn từ góc độ giới” của Nguyễn Thúy Hạnh… Mỗi tham luận là một gợi ý, một đề xuất, một khuyến khích từ các diễn giả tới độc giả hôm nay, nhất là các độc giả trẻ về việc cùng đọc và “nhìn khác” di sản thi ca của Xuân Quỳnh. Tất nhiên, sự “nhìn khác” này không phải để phủ định những giá trị cũ mà là sự tiếp nối, mở rộng, bổ sung những giá trị còn ẩn sâu, cần được tìm kiếm, minh định trong thế giới thi ca hoàn toàn độc lập của Xuân Quỳnh. “Các nhà nghiên cứu đã thực sự góp phần mở một cánh cửa, thêm một khả thể, thêm những cách đọc khác không chỉ với Xuân Quỳnh mà có ích khi đọc các tác giả khác. Từ đây, việc tạo đà cho diễn ngôn mới xuất hiện - không còn quá xa vời”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - người sáng lập Ơ kìa Hà Nội và vẫn đang dốc sức, dốc lòng cho “Se sẽ chứ” - một sự kiện dành riêng cho cặp đôi tài hoa Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh trong suốt 6 mùa qua, đã ghi lại cảm xúc khi buổi hội thảo, không chỉ dành riêng cho tham luận mà còn là những đối thoại khá hấp dẫn, khá gay cấn của người nghe với các diễn giả, khép lại.

se-se-chu-2.jpg
Một cảnh trong kịch ngắn “Ai đã lấp cái đầm lầy Mãi Mãi”


Còn ông Lưu Tuấn Anh - con trai nhà thơ Xuân Quỳnh thì bày tỏ sự thích thú về tinh thần của buổi tọa đàm - đưa ra những góc nhìn khác về thơ Xuân Quỳnh như việc phân tích tính nữ của bà trong thơ ca được đặt trong phạm vi nữ quyền có phổ rộng và bao quát hơn rất nhiều. Ông Tuấn Anh cũng rất vui mừng khi: “Những giá trị về thơ văn mà mẹ tôi đã tạo ra trước đây dường như vẫn có ích cho những thế hệ độc giả hôm nay. Tôi mong muốn có thêm nhiều thời gian để đối thoại giữa khán giả và các nhà nghiên cứu vì cái quan trọng thơ của mẹ tôi bây giờ làm được gì cho thế hệ trẻ hôm nay, những người trẻ mới bắt đầu hành trình tạo ra giá trị sống thì hãy để họ nói và họ đưa ra cách nhìn của họ”.

Từ đêm thơ, nhạc, kịch “Hoa cúc xanh” hay buổi tọa đàm “Thơ Xuân Quỳnh - Một cách nhìn khác”, “Se sẽ chứ” 2022 của Ơ kìa Hà Nội không còn giới hạn với Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh mà còn bắt đầu khéo léo mở rộng biên độ mời gọi mọi người bước vào lễ hội thi ca tại Bảo tàng Văn học Việt Nam. Tại đây, cả khách mời và công chúng không chỉ đọc thơ, trình diễn thơ Xuân Quỳnh, thơ Lưu Quang Vũ mà còn đọc thơ và trình diễn thơ của những nhà thơ mà mỗi người yêu mến theo cách của riêng mình. “Tôi mong chuyển giao bản quyền tổ chức “Se sẽ chứ” cho cộng đồng và lễ hội thi ca thường niên sẽ bền bỉ với thời gian”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp bày tỏ sự mong muốn về một diện mạo, tương lai mới của “Se sẽ chứ” ở những mùa sau.

(0) Bình luận
  • Tình đất đai xứ sở ngả bóng trong văn chương
    Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền và 21 năm sau (năm 1975) mới tái thống nhất. Tình cảm ấy ngả bóng vào văn chương tạo nên một không gian cảm xúc trùng điệp nỗi nhớ thương đất đai sông núi, chưa từng có trong tiến trình văn chương nước nhà, cả văn xuôi lẫn thơ.
  • Thế hệ nhà văn 1975 trong không gian văn học đương đại
    Lớp nhà văn sinh từ 1975, chúng tôi gọi là “Thế hệ 1975”, một lực lượng đông đảo (sinh ra trong vòng 20 năm, sau giải phóng miền Nam), các tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hoặc những cây bút nhiều triển vọng.
  • Thơ ca giải phóng miền Nam: Một hình thái đặc thù trên tiến trình văn học 1954 - 1975
    Trong bức tranh toàn cảnh thơ ca giai đoạn 1954 - 1975 không thể không kể đến thơ ca giải phóng miền Nam, một bộ phận thơ ở tuyến đầu chống Mỹ ngụy, với một đội ngũ nhà thơ triệt để và đầy bản lĩnh trong quan niệm nghệ thuật: lấy thơ ca làm vũ khí chiến đấu “Thơ là súng là gươm” (Lê Anh Xuân). Có thể nói, đây là quan niệm chung chi phối cảm hứng và tư thế diễn ngôn của văn nghệ sĩ trong văn học giai đoạn chiến tranh và cách mạng.
  • Văn học thiếu nhi Việt Nam: Những bước chuyển mình sau ngày đất nước thống nhất
    Sau 21 năm bị chia cắt, hai miền Nam - Bắc Việt Nam được nối liền một dải nhờ chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975. Hòa chung niềm vui lớn của đất nước là niềm vui của sách văn học thiếu nhi khi được phát hành suốt từ Bắc tới Nam.
  • Hình ảnh người mẹ qua các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay
    Trong thơ ca Việt Nam, hình tượng người mẹ không chỉ mang ý nghĩa sinh thành, dưỡng dục mà còn là biểu tượng của sự hi sinh thầm lặng, lòng bao dung vô hạn và những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
  • Cây bút nữ với đề tài chiến tranh
    Trong lịch sử văn học, khi đề cập đến đề tài chiến tranh, phần lớn những gương mặt được ghi dấu trên văn đàn thường là nam giới.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tuần phim kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Tuần phim diễn ra từ ngày 12 đến 15/5 tại nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đây là dịp đặc biệt để tôn vinh những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời khẳng định vai trò của điện ảnh trong việc lan tỏa di sản văn hóa và giáo dục lý tưởng sống cho thế hệ trẻ trong thời đại mới.
  • “Lính thời bình” - những trang ký sự ấm nóng, đượm nghĩa tình
    Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa cho ra mắt cuốn ký sự “Lính thời bình” của Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng – một cây bút đã gắn bó trọn ba thập kỷ với nghiệp lính và nghiệp báo. Đây là tập sách ký sự độc lập thứ 3 của anh trong vòng hai năm trở lại đây, tiếp tục khẳng định sức bền lao động nghệ thuật và chiều sâu vốn sống quân ngũ.
  • Truyện tranh: Khi văn hóa - lịch sử “kết duyên” cùng hội họa
    Sáng 11/5, tọa đàm "Truyện tranh: Khi văn hóa – lịch sử “kết duyên” cùng hội họa" do NXB Kim Đồng phối hợp với Viện Pháp tổ chức đã diễn trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của dự án phát triển truyện tranh tại Việt Nam và Những ngày văn học châu Âu 2025. Sự kiện được tổ chức nhân dịp ra mắt hai cuốn truyện tranh "Ký ức kiều bào: Lính thợ – Lao động Việt tại Pháp giữa Thế chiến II" và "Ký ức kiều bào: Chân đăng – Phu mỏ người Việt ở Tân Thế giới". Hai tác phẩm như lát cắt lịch sử sinh động, tái hiện bằng hình họa và màu sắc số phận những người Việt tha hương giữa thế kỷ XX đầy biến động.
  • Kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh: Tổ chức diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Ba Đình
    Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính vừa có ý kiến chỉ đạo các Bộ, Ngành, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam… về việc chuẩn bị triển khai tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025).
  • Hà Nội phân luồng giao thông từ ngày 13-21/5 phục vụ Đại lễ Phật đản Vesak 2025
    Từ 18 giờ 30 đến 21 giờ ngày 13/5, hạn chế các loại phương tiện hoạt động trên tuyến Lý Thường Kiệt (đoạn từ Lý Thường Kiệt-Phan Bội Châu đến Lý Thường Kiệt-Hàng Bài), Hàng Bài,...
Đừng bỏ lỡ
Se sẽ chứ, Xuân Quỳnh !
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO