Hoàng Văn Bổn - Sống và viết từ Hà Nội

Ngô Vĩnh Bình| 18/09/2021 15:44

Hoàng Văn Bổn - Sống và viết từ Hà Nội
Nhà văn Hoàng Văn Bổn (Ảnh chụp năm 1962 tại Điện ảnh Quân đội.
Đồng Nai, không chỉ là một vùng đất nặng tình đất đỏ, cửa ngõ chiến khu Đ. anh hùng trong kháng chiến chống thực dân Pháp… mà còn là nơi sản sinh, chỗ tao ngộ của nhiều thế hệ cầm bút tài danh. Có dịp về đây, bạn sẽ được gặp lại, đọc lại một Lý Văn Sâm với những cánh rừng âm u, chim kêu vượn hót, cò trắng rừng xanh; một Huỳnh Văn Nghệ với những câu thơ bất hủ:

Ai về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

Rồi nữa, là Bình Nguyên Lộc với Đò dọc, Trần Bạch Đằng với Bác Sáu Rồng, Chân dung một quản đốc, Hoàng Văn Bổn với Bông hường bông cúc, Tướng Lâm Kỳ Đạt… mà ở trong đó những sự kiện, những cảnh, những người hiện lên một cách chân thực và sống động, đồng thời cũng… rất Đồng Nai!

Hoàng Văn Bổn tên khai sinh là Hoàng Văn Bản, sinh năm 1928 tại Bình Lợi, xã Bình Long, huyện Tân Uyên, tỉnh Thủ Biên nay thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Cuộc đời 79 mùa xuân của ông gắn liền với cây súng và ngọn bút. Là cán bộ cao cấp của quân đội trưởng thành từ chiến sĩ, đi qua trọn hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc; là nhà văn, nhà biên kịch tài năng và có “đẳng cấp” của văn học, của điện ảnh cách mạng, ông thực sự là niềm hãnh diện của quê hương Đồng Nai. Ông đồng thời cũng là nhà văn có nhiều gắn bó với Thủ đô, với Hà Nội!

Có một điều rất thú vị là, trong số những nhà văn mà tên tuổi văn nghiệp gắn với miền đất này có rất nhiều người đã từng ở, từng công tác, là công dân một thời của “phố nhà binh” - phố Lý Nam Đế, Hà Nội như: Tướng quân thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ, nhà văn liệt sĩ anh hùng Nguyễn Thi, nhạc sĩ liệt sĩ anh hùng Hoàng Việt, nhà văn Hoàng Văn Bổn, nhà văn Nam Hà, nhà thơ Xuân Sách… Trong số văn tài này, có hai người con của đất Đồng Nai “thứ thiệt” cùng một thời khoác áo nhà binh; đồng thời là “láng giềng” của nhau giữa đất Thủ đô là tướng quân - thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ và nhà văn Hoàng Văn Bổn (Tướng quân ở số 10, nhà văn ở số 17 cùng phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

Hoàng Văn Bổn có tiểu thuyết Vỡ đất được Giải thưởng hạng Nhất của Hội Văn nghệ kháng chiến Nam Bộ từ năm 1951. Và nếu tính từ khi ấy đến khi mất (năm 2006), ông đã có hơn 50 năm cầm bút với hơn bốn chục cuốn sách. Trong đó có những tác phẩm được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật (năm 2007) như: Trên mảnh đất này, Mùa mưa, Hàm Rồng; có nhiều bộ tiểu thuyết đồ sộ như: Bông hường bông cúc, Khắc nghiệt - 4 tập, Nước mắt giã biệt - 4 tập, Miền đất ven sông - 3 tập... và tập tiểu luận Lượm cái hoa rơi cùng nhiều cuốn khác được giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Quốc phòng và Giải thưởng VHNT tỉnh Đồng Nai...

Văn nghiệp của ông cũng như cuộc đời ông luôn luôn đi sát, đi liền với kháng chiến, với quân đội và quê hương yêu dấu. Sẽ là không đầy đủ nếu nói về nhà văn Hoàng Văn Bổn chỉ có thế, chỉ như thế bởi ông còn là nhà văn nặng lòng và tha thiết với quê hương “Đồng Nai khoai củ”. Ông có câu thơ: 

Ơi Đồng Nai quê hương ta đó
Đâu bốn mùa nước đỏ trào sôi
Còn đâu thuở mẹ ta ngồi
Đãi vàng trong cát
Lở, bồi tháng năm?
Đồng Nai sông hỡi sông hời!

Ông còn là nhà văn rất quen thuộc của thiếu nhi những năm 1960, 1970 với những cuốn sách như: Lũ chúng tôi, Tuổi thơ trong làng, Theo dấu chân người xưa, đặc biệt là cuốn Tướng Lâm Kỳ Đạt.

Hoàng Văn Bổn - Sống và viết từ Hà Nội
Nhà văn Hoàng Văn Bổn trên bìa cuốn sách “Hoàng Văn Bổn - người của miền đất ven sông”, Nxb Đồng Nai, 2016.
Cho đến nay Tướng Lâm Kỳ Đạt đã được tái bản tới cả chục lần với hàng vạn bản và rất nhiều lần được đọc trong chương trình văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đó còn là cuốn sách được bạn đọc nhỏ tuổi ưa thích nhất trong quãng thời gian từ năm 1962 đến năm 1965 (theo điều tra xã hội học thời bấy giờ) và cho đến nay đọc lại vẫn còn rất thú vị.

Cuốn sách này được Hoàng Văn Bổn viết một cách thật ngẫu hứng. Hồi ấy, ông chơi thân với nhà văn Phù Thăng - người cùng cơ quan Điện ảnh Quân đội, cùng là “dân” phố nhà binh. Một hôm, Phù Thăng bảo: “Tôi thách ông viết một cái gì cho các em; phần tôi, tôi sẽ có Con nuôi trung đoàn!”. Hoàng Văn Bổn nhận lời và xin “giao ước thi đua” với bạn. Đúng bảy đêm sau, cuốn truyện Tướng Lâm Kỳ Đạt hoàn thành dày hơn trăm trang. Theo tác giả thì tướng Lâm Kỳ Đạt, nhân vật chính của cuốn sách là nhân vật có thật ở một trường tiểu học thuộc phân khu Tây - Nam Bộ những năm 1953 - 1954. Đó là một cậu bé 10 -12 tuổi nghịch ngợm, gan lì và “khó trị” nhất của bộ phận liên lạc, giao thông mà ngay sau ngày tập kết ra Bắc, tác giả còn gặp lại trong một quán cóc ngay bên bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Trong truyện, Đạt được xây dựng khác hẳn trong đời thường. Đó là một nhân vật “chỉ huy” nhỏ tuổi, gan góc, mưu lược nhưng cũng đầy tình thương bạn bè, quê hương.

Cũng như Lâm Kỳ Đạt, hầu hết các nhân vật nhỏ tuổi trong tác phẩm của Hoàng Văn Bổn… đều là những nhân vật có thật hoặc gần như thật mà tác giả đã cùng vui chơi, cùng lao động, cùng chiến đấu và cùng học tập ở quê nhà, trong chiến khu Đ., trong rừng U Minh những năm ông còn đang tuổi thiếu niên. 

Nói về Hoàng Văn Bổn, tìm hiểu văn nghiệp của ông, không thể không nhắc tới những đóng góp trong lĩnh vực điện ảnh. Ông có 25 kịch bản phim đã được dựng chiếu, trong đó: Trận đầu đánh thắng, Theo bước chân chiến sĩ, Trên mảnh đất miền tây Tổ quốc, Chiến đấu giữ đảo quê hương, Trận địa bên sông Cấm, Hàm Rồng, Những cô gái C.3 Quân Giải phóng, Lịch sử không lặp lại, Chiến thắng Xuân 75 lịch sử (viết chung),... là những tác phẩm từng đoạt giải lớn, giải cao trong những liên hoan phim trong nước và quốc tế. 

Bằng 50 đầu sách, Hoàng Văn Bổn đã đưa bạn đọc về một vùng quê, về một xứ sở phương Nam xa xôi nhưng kỳ diệu, về những năm tháng chiến tranh chưa xa. Bắt đầu từ làng Bình Long, tỉnh Đồng Nai trù phú và yên ả nằm ngay sát con sông Đồng Nai nhưng cũng rất gần với rừng già, với miền đất chiến khu Đ. lừng danh với những sự tích và những chiến công anh hùng như câu ca dao mà có lẽ không mấy ai không biết:

Chiến khu Đ đi dễ khó về 
Quân giặc đi mất mạng, tướng giặc về mấy lon.

Ở đó có danh văn Lý Văn Sâm, gần đó là quê hương những tên tuổi Huỳnh Văn Nghệ (tướng quân thi sĩ), Bình Nguyên Lộc (văn sĩ, khoa học gia); ở đó có ngôi nhà thân yêu của tám, chín anh chị em, có anh Năm, anh Tám liệt sĩ... Và nhiều hơn, ở đó có những cuộc đời, những kiếp người, những tuổi thơ...

Hoàng Văn Bổn đã rất am hiểu tuổi trẻ thế hệ của ông, rất hiểu thời cuộc và thái độ nhập cuộc của một lớp người đi kháng chiến. Ông ví những cuộc “lên ngàn”, “nhảy núi” như là những cuộc lên chiến khu, những cuộc “Tây tiến” ngoài Bắc. Những cuộc đi đày gian khổ, hi sinh mà cũng nhiều thú vị, đầy niềm tin như câu thơ ông viết trong bài Sông Đồng Nai chín khúc nhân dịp kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai (1998): 

Một khăn rằn, một quần xà lỏn
Một ngọn tầm vông, một mụt măng rừng, 
một gùi khoai củ
Dọc ngang trời đất, tứ hải đệ huynh
Anh hùng tử chí hùng nào tử
Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng 
“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhìn lên mả mẹ chín chiều ruột đau”

Và, đến hôm nay đọc lại Hoàng Văn Bổn còn như thấy hơi thở nóng hổi của chiến tranh, ngồn ngộn chất sử thi, đâu đó thấy thấp thoáng một miền quê “gian lao và anh dũng”, thơ mộng mà rất đỗi anh hùng...

Và, kia còn chưa phai bóng hình một nhà văn - chiến sĩ từng sống cảnh “ngày Bắc, đêm Nam” trên phố nhà binh Hà Nội - Hà Nội suốt một thời thanh xuân sôi nổi! 
(0) Bình luận
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Ra mắt hai cuốn sách văn hóa Việt tại Trung Quốc
    Trong khuôn khổ của Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 được tổ chức tại Thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) đã tổ chức lễ ra mắt sách “Vắt qua những ngàn mây” và “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” ấn bản tiếng Trung vào chiều 16/11. Đây là lần đầu tiên sách Văn hóa Việt được dịch ra tiếng Trung và được xuất bản chính thức tại Trung Quốc. Sự kiện do Công ty Cổ phần Văn hóa Chi và NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây đồng tổ chức.
  • Họa sĩ Xu Man trở thành nguyên mẫu trong tác phẩm của nhà văn Trung Trung Đỉnh
    Lấy cảm hứng từ cuộc đời thực của họa sĩ người Bahnar Xu Man, trên phông nền là một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc, nhà văn Trung Trung Đỉnh đã viết tác phẩm “Con thiêng của rừng”. Sách thuộc tủ sách Văn học thiếu nhi của NXB Trẻ, hướng đến bạn đọc từ 12 tuổi trở lên, nhưng đây cũng là một tác phẩm thú vị đối với người lớn.
  • Ra mắt cuốn sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
    Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Cuốn sách do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc chỉ đạo biên soạn.
  • “Vang danh nghề cổ” - series tranh truyện độc đáo về làng nghề thủ công Việt Nam
    NXB Kim Đồng vừa ra mắt bộ sách “Vang danh nghề cổ” - series tranh truyện độc đáo giới thiệu về các làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam dành cho bạn đọc nhỏ tuổi.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Hoàng Văn Bổn - Sống và viết từ Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO