Buổi giao lưu có sự tham dự 3 vị khách mời là: Tiến sĩ Văn học Nguyễn Thị Năm Hoàng: Phó trưởng Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); nhà báo, nhà văn Yên Ba - tác giả của cuốn sách trinh thám “Răng sư tử”; nhà văn Di Li – tác giả nổi tiếng với dòng văn học trinh thám kinh dị, chủ nhân của hơn 20 cuốn sách trong đó có 2 tác phẩm đã được chuyển thể thành phim là “Trại Hoa Đỏ” và “Câu lạc bộ số 7”.
Theo nhà văn, nhà báo Yên Ba, thể loại truyện kinh dị kì ảo ở Việt Nam được lấy cảm hứng từ nhiều nền văn học nước ngoài như Trung Quốc với “Liêu Trai chí dị”, Mĩ với nhà văn Edgar Alan Poe. Khởi nguồn từ mục truyện nhiều kì trên các tờ báo đầu thế kỉ 20 với những đặc điểm gay cấn, hấp dẫn nhằm thu hút độc giả, truyện kỳ ảo đã có một chỗ đứng trong nền văn học đương đại Việt Nam.
Từ những trải nghiệm tuổi thơ, TS. Nguyễn Thị Năm Hoàng cho rằng những tác phẩm kinh dị kì ảo rất gần gũi với tuổi thơ của hầu hết mọi người, đặc biệt là người lớn lên ở nông thôn. Để sáng tác được một câu chuyện kinh dị kì ảo, nhà văn phải tham dự sâu vào đời sống của nhân dân, tìm hiểu về phong tục tập quán, nếp sống, cách nghĩ của họ. Bởi thế tác phẩm của họ luôn đậm chất phong tục, mở ra một thế giới hoang đường cùng với bức tranh cuộc sống vô cùng sinh động.
“Nói về một thế giới kì ảo chính là nói về thế giới hiện thực. Và điều này đã thể hiện rõ trong series truyện kinh dị kì ảo của 3 tác giả Thế Lữ, Lan Khai và TchyA vừa được NXB Kim Đồng tái bản. Trong mỗi tác phẩm mỗi một nhà văn lại mang đến cho độc giả những trải nghiệm khác nhau với phong cách kể chuyện khác nhau: Lan Khai sử dụng thủ pháp truyện lồng trong truyện; TchyA cung cấp nhiều tư liệu, tính triết lý cao; Thế Lữ đem đến vẻ đẹp văn chương với sự miêu tả tỉ mỉ, kỹ lưỡng...”, TS. Nguyễn Thị Năm Hoàng nhận định.
Việc NXB Kim Đồng tái bản bộ sách này, theo TS. Nguyễn Thị Năm Hoàng chính là một cách để khám phá di sản văn học của thế hệ trước đồng thời góp phần mang đến phân chia, định nghĩa lại thể loại văn học theo một đề tài đã luôn nuôi dưỡng đời sống tinh thần người Việt.
Nhà văn Di Li cho rằng series “Truyện đường rừng” là đặc sản của giai đoạn 1930 – 1945. Đằng sau câu chuyện kỳ ảo kinh dị, bộ sách còn mang lại ý nghĩa về văn hóa, sinh thái. Và đây cũng chính là một sự gợi mở cho các cây bút đương đại khi đến với dòng văn học kì ảo kinh dị.