Văn hóa – Di sản

Phong tục và lệ kiêng tên húy ở làng Triều Khúc

Họa sĩ Giang Nguyên Thái 30/12/2024 09:21

Theo hương phả, làng Triều Khúc trước kia ở khu vực Giếng Liên, bây giờ là Học viện An ninh (C500), sau làng thiên di về nơi ở như hiện nay. Năm 766, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng dẫn quân đến đánh thành Tống Bình (Hà Nội), ngài đã đóng quân ở làng Triều Khúc để thao luyện binh sĩ trước khi hạ thành. Đến thời hậu Lê, Vũ Uy đã đem nhiều nghề thủ công mà cụ học được khi đi sứ nước ngoài về truyền dạy cho dân làng Triều Khúc.

dai-dinh-trieu-khuc-tho-bo-cai-dai-vuong-noi-giu-gin-nhieu-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-cua-lang-trieu-khuc.jpg
Đại đình Triều Khúc thờ Bố Cái Đại Vương - nơi giữ gìn nhiều giá trị văn hóa truyền thống của làng Triều Khúc.

Sau này, Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu đã phát động phong trào “Chấn hưng công nghệ Hà Đông” nên các làng nghề thủ công trong tỉnh và đặc biệt là các nghề thủ công ở làng Triều Khúc càng phát triển rực rỡ như: Nghề làm chổi lông gà, nghề làm độn tóc, nghề làm den, nghề dệt thảm, nghề dệt khăn mặt, nghề làm bấc đèn, dây giày, nghề dệt tua cờ, nghề làm chân chỉ hạt bột… Và nhất là nghề làm quai thao cho nón thúng, bởi vậy làng Triều Khúc còn có tên là làng Đơ Thao. Ai làm nón thúng quai thao/ Để cho anh thấy cô nào cũng xinh (ca dao cổ).

Nhờ có nhiều nghề thủ công nên kinh tế trong làng có phần dư dả, bởi vậy làng có nhiều phong tục như tục tôn tuổi, tục đóng cổng ngõ của nhà gái trong đám cưới, tục ăn cỗ nhất tề. Ba tục lệ độc đáo này vẫn được dân làng gìn giữ cho đến ngày nay.

Nói về tục tôn tuổi có một truyền thuyết còn được dân làng lưu giữ đến nay. Thời đó có một vị quan về làng Triều Khúc vi hành. Thấy những người đi đón quan toàn là những thanh niên và những người trung tuổi, quan bèn hỏi các vị cao niên đâu sao không đi đón quan. Dân làng trả lời: “Bẩm quan, đây là những người cao tuổi nhất làng vì làng chúng tôi thường thọ yểu.” Sau chuyến đi khảo sát kinh lý đó, vị quan thấy đúng như lời dân làng trình bẩm. Ông liền thảo sớ, tâu với triều đình xin vua cho làng Triều Khúc được đặc ân cứ 48 tuổi được gọi là 50 vì tuổi 50 là hết tuổi phu phen tạp dịch. Nhà vua chuẩn tấu, theo đó cứ đến 48 tuổi được gọi là 50 (lên bô), 68 tuổi được gọi là 70 (cụ thất) được mặc lễ phục khăn áo màu lam, đến 78 tuổi được gọi là 80 (cụ bát) được mặc khăn áo màu đỏ, tới tuổi 88 được gọi là 90 (cụ cửu) khăn áo màu đỏ thêm cái mũ ni và cây gậy càng cua bằng trúc… Bởi vậy mỗi khi làng có lễ hội hay nhà nào có việc tân gia, cưới hỏi thì rất dễ nhận ra đâu là cụ thất, cụ bát, cụ cửu…

dinh-lang-van-giu-duoc-ve-co-kinh-trang-nghiem.jpg
Đình làng Triều Khúc vẫn giữ được vẻ cổ kính, trang nghiêm.

Nói đến tục đóng cổng ngõ trong đám cưới. Khi đoàn nhà trai đến trước cổng nhà gái thì cổng đã được đóng chặt, quan viên họ nhà trai phải đứng ngoài, trả lời những câu hỏi dí dỏm và hóc búa của nhà gái. Cuộc đối đáp vui vẻ này diễn ra chừng nửa tiếng đồng hồ. Sau đó nhà gái mới mở toang cánh cổng để nhà trai vào làm các thủ tục đón dâu trong sự phấn khích của quan viên hai họ.

Khác với các làng xung quanh, mỗi khi nhà có việc cỗ bàn, các khách mời cứ đủ 6 người là tự động ngồi vào mâm, còn ở Triều Khúc thì được sắp xếp theo thứ tự các cụ cao tuổi ngồi mâm trên ở gian giữa, sau đó mới đến mâm của các trung niên và thanh niên, các cụ bà và phụ nữ ngồi riêng ở gian bên cạnh. Khi đã yên vị, đại diện chủ nhà đi từng mâm để mời chào, người cao tuổi nhất trong mâm đáp lời cảm tạ, sau đó mới nâng ly nhập tiệc.

Để nhớ ơn cụ Vũ Uy, dân làng đã lập đền thờ gọi là đền Thánh Tổ. Để ghi nhớ công ơn của Tổng đốc Hoàng Trọng Phu, dân làng Triều Khúc đã xây dựng khu nhà bia khá đẹp (tiếc rằng khu nhà bia này đã bị phá trong cải cách ruộng đất). Làng cũng xây đình thờ Thành hoàng là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và từ đây có tục kiêng tên húy. Dân làng không gọi cha là “bố” và kiêng không đặt tên con là “Hưng”. Dân làng Triều Khúc gọi là “thày u”, “thày đẻ” hoặc “cậu mợ” (một số gia đình sống ở Hà Nội cũ). Sau năm 1975, ngày đất nước thống nhất có một số người từ chiến trường trở về học theo cách gọi của người miền Nam gọi là Ba Mẹ. Tất cả chữ “Bố” đều phải đọc chệch đi là Bá, chữ “Hưng” gọi là Hương. Trong các cuộc họp hành, mỗi khi bắt đầu dù to, dù nhỏ, từ đồng chí chủ tịch, bí thư đều nói: “Tôi xin tuyên bá lý do”… Ngay từ nhỏ chúng tôi đã được cha mẹ răn dạy: “Đứa nào nói tên húy sẽ bị chặt ngón tay!”. Nhiều gia đình từ nơi khác đến nhập cư, người ta cũng dạy con cái không được nói tên húy theo phong tục của làng Triều Khúc./.

Bài liên quan
  • Ký ức Hà Nội thời bao cấp qua di sản kiến trúc
    Lịch sử đô thị Hà Nội có tầng tầng, lớp lớp các công trình kiến trúc được chia thành nhiều giai đoạn. Nếu như các công trình kiến trúc Pháp là minh chứng cho bước đầu du nhập văn minh phương Tây thì những công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương lại là sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Những công trình kiến trúc thời kì 1954 - 1986 đã thể hiện một tiếng nói mới, có sự kế thừa, học hỏi và sáng tạo, mang bản sắc kiến trúc Việt Nam, góp phần kiến tạo xã hội trong tâm thế một dân tộc được làm chủ vận mệnh của mình.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Hồn Việt” và “dặm đời” trong thơ Lê Cảnh Nhạc
    Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc từng đảm nhiệm chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số, Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Anh đã in bốn tập truyện và truyện kí cùng nhiều tập thơ như: “Khúc giao mùa” (2005), “Không bao giờ trăng khuyết” (2010), “Khúc thiên thai” (2015), “Non nước đàn trời” (2015). Tập thơ thứ 5 của anh có tên là “Đi về phía mặt trời”, do cơ duyên mà đến tay tôi. Tôi đọc và không khỏi ngạc nhiên, khâm phục trước sức cảm, sức viết của anh. Nhan đề của tập thơ giàu tính biểu tượng, thể hiện khái quát nội hàm hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng.
  • Hương hoa mùa xuân tụ trong chén trà
    Năm nay mọi thứ dường như trôi qua chậm hơn, Lập Xuân rồi mà vẫn cứ rét ngọt và nắng hanh hao mãi. Phải đến qua Nguyên tiêu mới thấy lác đác mưa phùn cùng gió nồm ẩm thổi vào Giêng hai Bắc bộ. Chiều nay trà thất của tôi đón khách quý từ phương xa ghé thăm.
  • Trao 15 giải thưởng cuộc vận động sáng tác “Bài ca thống nhất”
    Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Ban Tổ chức Cuộc vận động sáng tác “Bài ca thống nhất” vừa tổ chức trao 15 giải thưởng cho các tác giả – tác phẩm xuất sắc nhất tham gia cuộc vận động.
  • Khởi động Chương trình truyền thông "Những cống hiến thầm lặng" năm 2025
    Ngày 31/3, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid Việt Nam), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức Lễ khởi động chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2025 và Tọa đàm “Giải pháp đảm bảo sinh kế cho người lao động sau thiên tai”.
  • Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ra chỉ thị giao các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, đột phá để Hà Nội tăng trưởng GRDP 8% trở lên
    Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc giao các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, đột phá để quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 của Thành phố đạt 8% trở lên.
Đừng bỏ lỡ
Phong tục và lệ kiêng tên húy ở làng Triều Khúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO