Kiến trúc Thủ đô (1954 - nay): Dấu ấn qua mỗi chặng đường
Sau ngày tiếp quản (10/10/1954), từ một thành phố nhỏ bé, với lượng dân số ít, Hà Nội đã vươn tầm trở thành thành phố lớn trong khu vực và thế giới với không gian kiến trúc đô thị đa hệ, giàu bản sắc và phát triển theo hướng văn minh hiện đại. Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, có thể thấy ngành kiến trúc quy hoạch xây dựng đã có những đóng góp đáng kể và để lại nhiều dấu ấn. Đây chính là những bước đệm, tạo đà cho sự phát triển của đô thị Hà Nội trong tương lai.
Một thời đạn bom, một thời hòa bình
Đi qua những năm tháng đạn bom, sau ngày Thủ đô giải phóng, Hà Nội bước vào thời kỳ mới với công cuộc kiến thiết xây dựng lại thành phố. Một trong những vấn đề được Chính phủ và thành phố hết sức chú trọng là khôi phục kinh tế, xây dựng và quy hoạch đô thị. Để có thêm nhiều chỗ ở cho cán bộ và gia đình trở về tiếp quản Thủ đô, các khu ở một tầng mái ngói như An Dương, Phúc Xá, Mai Hương, Đại La, Hàm Tử Quan (khu tập thể Bờ Sông) được nhanh chóng xây dựng.
Năm 1956, đoàn chuyên gia Liên Xô cũ được mời sang giúp nghiên cứu đồ án quy hoạch Thủ đô phát triển trong thời gian 25 năm cho quy mô 1 triệu dân. Những công việc xây dựng Thủ đô được quan tâm chuẩn bị đầu tiên là xây dựng nhà ở và phát triển các cơ sở sản xuất. Một loạt khu nhà ở theo phương pháp lắp ghép công nghiệp hóa đã được thiết kế xây dựng như các tiểu khu: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Nguyễn Công Trứ, Trần Quốc Toản… phần nào đáp ứng nhu cầu về nhà ở của cán bộ công nhân viên Thủ đô. Cùng với đó các công trình lợi ích công cộng như trường học, nhà trẻ, trạm xá được quan tâm, tăng cường.
Không lâu sau, các khu công nghiệp Thượng Đình, Minh Khai, Đức Giang, Đông Anh… cũng được hình thành kèm theo các khu nhà ở và phúc lợi công cộng cho công nhân. Một số trường đại học như: Bách khoa, Tổng hợp, Kinh tế, Thủy lợi… và nhiều công trình khác: Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, lễ đài Ba Đình, hội trường Ba Đình, trụ sở Liên cơ Vân Hồ, trụ sở nhà Quốc hội, sân vận động Hàng Đẫy, công viên Thống Nhất… cũng đã được xây dựng.
Tuy số lượng các công trình trong mười năm đầu giải phóng không lớn nhưng theo đánh giá của giới chuyên môn đó là những công trình “nhiều bản sắc, đầy tính hoành tráng và đi vào lịch sử kiến trúc như những dấu ấn thật đậm nét”.
Ngay trong giai đoạn này, Trung ương và thành phố đã xác định cần phải xây dựng theo quy hoạch và sớm có quy hoạch chung Thủ đô để định hướng cho việc xây dựng. Ngày 16/11/1959, khi xét quy hoạch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Trong thiết kế phải đồng bộ đường sá, hệ thống thoát nước và lưới điện tránh cản trở đi lại của người dân”. Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa II diễn ra vào tháng 4/1961, nghị quyết phê chuẩn quy hoạch mở rộng đồng tâm Thành phố Hà Nội về 4 hướng và phân vạch địa giới mới của Hà Nội mở rộng đã được thông qua. Theo đó, diện tích Hà Nội được điều chỉnh lên tới 586 km², với dân số 91 vạn người.
Cũng năm 1961, Quy hoạch chung Thủ đô với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô được phê duyệt với quy mô dân số 1 triệu dân trên khoảng 20.000ha đất xây dựng. Hướng phát triển không gian thành phố chủ yếu về phía Nam và phía Tây, một phần phía Đông Bắc (khu vực huyện Gia Lâm). Đây là cơ sở, động lực để Hà Nội vươn lên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô.
Bước sang giai đoạn mới của sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước (1965 - 1975), dù phải tập trung sức người sức của cho tiền tuyến, việc xây dựng Thủ đô vẫn được phát triển. Sau cuộc chiến tranh phá hoại, nhiều xí nghiệp của Trung ương và địa phương bị đánh phá đã được xây dựng lại. Ngoài những công trình xây dựng mới, thành phố đã sửa chữa mở rộng gần 100 xí nghiệp, hoàn thành và đưa vào sử dụng một số công trình giao thông quan trọng như: Cầu Đuống, cảng Phà Đen, sân bay quốc tế Nội Bài, cầu Thăng Long. Nhiều khu nhà mới, nhiều công trình công cộng: (nhà triển lãm, bể bơi, cung thiếu nhi rồi trường học, bệnh viện tiếp tục được mọc lên, không chỉ đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách của Thủ đô mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của kiến trúc Hà Nội.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lân - nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội nhớ lại: “Sau khi Mỹ chấm dứt đánh phá Hà Nội, kiến trúc Thủ đô lại tiếp tục ghi dấu ấn với những công trình mới. Chỉ trong vòng 3 năm (1973 - 1975), tất cả các loại hình kiến trúc đều đồng loạt triển khai, nhiều công trình được tiếp tục thi công sau ngày hòa bình thống nhất. Có thể kể tới các công trình: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà văn hóa thiếu thi Hà Nội, Cung Văn hóa lao động Thủ đô, Bể bơi câu lạc bộ quốc tế, Khách sạn Thắng Lợi, Nhà khách Chính phủ, Bệnh viện Nhi… Đáng chú ý, giai đoạn này lần đầu tiên Hà Nội phát triển các kiểu nhà ở lắp ghép đơn giản và triển khai hàng loạt tại Trung Tự, Khương Thượng, Giảng Võ, Vĩnh Hồ. Các xí nghiệp cũng được nhanh chóng xây dựng…”.
Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng, đất nước thống nhất đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển thành phố. Một luồng không khí mới bao phủ toàn bộ quy hoạch kiến trúc Thủ đô nhất là khi Chính phủ có Quyết định số 163/CP ngày 17/7/1976 phê duyệt Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2000 với quy mô dân số là 1,5 triệu dân. Và đặc biệt, vào cuối năm 1978, Chính phủ đã có quyết định mở rộng địa giới Hà Nội lần 2, sáp nhập thêm Ba Vì, Phú Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, thị xã Sơn Tây, Hà Đông và 1 số xã của tỉnh Hà Sơn Bình… đưa diện tích đất tự nhiên Hà Nội lên 2.136km2 với dân số 3,5 triệu người.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, ở giai đoạn này, dẫu có những khó khăn nhất định song đây cũng là thời kỳ tốc độ xây dựng đô thị cao, nhất là nhà ở có những thành quả đáng kể. Với lợi thế vượt trội về thời gian lắp ghép nhanh, hợp lý trong huy động nhân lực, giai đoạn 1975-1986, tốc độ xây dựng nhà ở, đặc biệt là nhà tập thể (xây dựng bằng kĩ thuật lắp ghép tấm lớn và khép kín) tại Hà Nội tăng mạnh. 200 dự án phát triển nhà ở, 74 khu tập thể với hơn 20 triệu m2 nhà ở của thành phố được xây dựng. Điều này giúp giải quyết nhanh chóng nhu cầu về chỗ ở tăng cao của Thủ đô thời kỳ trước đổi mới.
Tiếp theo những khu nhà ở lắp ghép được triển khai từ năm 1971, ở giai đoạn này, Hà Nội có thêm một số khu nhà ở 2 tầng mới như Mai Động, Kim Giang, Trại Găng, Mai Dịch, Lương Quy, Sài Đồng… Đồng bộ với các khu nhà ở là các hạ tầng xã hội cần thiết như nhà trẻ, trường học, cửa hàng cũng được xây dựng.
Bước chuyển trong thời kỳ mở cửa, đổi mới và hội nhập
Kể từ năm 1986 khi đất nước xóa bỏ bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, kiến trúc Thủ đô cũng bước sang giai đoạn mới. Theo kiến trúc sư Lê Văn Lân, “hơn mười năm đầu của mở cửa, nhờ “nhà nước và nhân dân cùng làm” rồi nhờ “bung ra” mà tình trạng thiếu nhà ở đã cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, kiến trúc thời kỳ này cũng để lại những lộn xộn, nhếch nhác và tốn kém đáng tiếc. Đây đó cũng có những ngôi nhà ở khang trang, xử lý tinh tế, phong cách mới mẻ… nhưng không khỏi chìm lấp trong bộn bề những phục cổ, vay mượn của hàng xóm. Cho tới khi sự xuất hiện của những khu đô thị mới, chấm dứt hình thức cấp đất chia lô, công cuộc mở cửa xây dựng nhà ở cũng dần sang một trang mới”.
Sau năm 2000, thay đổi rõ nét nhất với Hà Nội đó là sự phát triển của cơ sở hạ tầng. Cùng với giao thông, thành phố bắt đầu “vươn mình” ra các vùng ngoại ô với hàng loạt các dự án, khu đô thị. Thời kỳ này, song song với sự gia tăng số lượng là sự đa dạng của các công trình, từ kiến trúc công sở, văn phòng, dịch vụ thương mại và công cộng, công trình văn hóa đến kiến trúc của các khu đô thị mới, chung cư cao tầng, nhà ở nhỏ lẻ do nhân dân tự xây dựng.
Có thể kể tới một số công trình tiêu biểu và có ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị được xây dựng trong quãng thời gian từ năm 2000 cho đến nay như: Trụ sở UBND Thành phố Hà Nội, Khu nhà ở Ngoại giao đoàn, Nhà khách Bộ Năng lượng, Khách sạn Hà Nội, Rạp xiếc Trung ương, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Hà Nội…; tiếp đó là Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Sân vận động Mỹ Đình, các khách sạn (Daewoo, Nikko, Melia, Horison) và một số công trình dịch vụ thương mại văn phòng. Ngoài ra, còn có các khu đô thị mới như Làng quốc tế Thăng Long, khu đô thị Linh Đàm, khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Trung Yên, Trung Kính, Mỹ Đình…
Ở vùng ngoại thành, cơn bão đô thị hóa cũng đã mang đến cho kiến trúc nông thôn Thủ đô những bước chuyển mới. Đáng chú ý, sau năm 2008, khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, nâng quy mô diện tích từ 924 km2 lên 3.344 km2, diện mạo kiến trúc Thủ đô lại có một sự thay đổi đáng kể. Từ trung tâm đến các vùng ngoại vi, nhiều khu đô thị được đầu tư đồng bộ, nông thôn mới được triển khai rộng khắp. Phố phường Hà Nội ngày một khang trang, hiện đại với những tuyến đường nhiều làn xe, đường vành đai, cao tốc trên cao, nút giao thông lập thể ngầm - nổi, tích hợp cùng hệ thống vận chuyển hành khách công cộng hiện đại như đường sắt đô thị, xe buýt, BRT… Các công trình giao thông quy mô, hiện đại như: Đại lộ Thăng Long, đường Vành đai 3 trên cao, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì, cầu Nhật Tân... đã góp phần đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.
Nhìn lại chặng đường 70 năm đã đi qua của kiến trúc quy hoạch Thủ đô có thể thấy rõ những bước chuyển mình đáng tự hào. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu thì vẫn còn nhiều “khoảng trống” trong bức tranh đô thị hôm nay cần phải giải quyết. Đó là tình trạng quá tải hạ tầng, ùn tắc giao thông; tình trạng xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo trái phép và không phép; nhiều di sản kiến trúc chưa được quan tâm giữ gìn, bảo vệ đúng mức; một số không gian công cộng, không gian xanh bị lấn chiếm, sử dụng không đúng chức năng; tiến độ cải tạo, xây dựng các khu chung cư cũ còn chậm; việc di dời các cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường đại học trong khu nội đô để dành quỹ đất phục vụ cho phát triển gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ chế, nguồn lực…
Với tầm nhìn xa hơn về thời gian, rộng hơn về không gian, thời gian qua thành phố đã nỗ lực triển khai đồng thời nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây chính là cơ sở để Hà Nội hiện thực hóa khát vọng vươn tầm, tiếp nối thành quả vẻ vang của kiến trúc Thủ đô chặng đường 70 năm qua./.