Hà Nội xưa - nay

Đêm hồ Gươm kỳ diệu

Vũ Thị Tuyết Nhung 15:07 15/10/2024

Sáng rực, lung linh, huyền ảo, thơ mộng - những vòm cây ven hồ sẫm tối nhả ra muôn ngàn trái quả nhấp nhánh như trong một đêm địa đàng, một vườn cổ tích. Ấy chính là quang cảnh hồ Gươm những ngày lễ Tết trong ký ức tuổi thơ tôi.

img_9856.jpg

Ngày tôi còn thơ bé, ngôi nhà tôi ở nằm trên phố Nguyễn Hữu Huân, cách hồ Gươm không xa. Nếu từ nhà tôi đi thẳng đến hết phố rồi rẽ sang Hàng Dầu là chạm đến bóng cây đa đền Bà Kiệu (đối diện với Tháp Bút đền Ngọc Sơn). Hoặc nếu từ cổng sau ngõ Phất Lộc, đi xuyên phố Hàng Mắm, sang phố Hàng Dầu, ngoặt qua khúc cuối phố Lò Sũ và chạy vọt sang đường Đinh Tiên Hoàng là đã chạm tới làn nước hồ Gươm xanh biếc lặng yên soi bóng cầu Thê Húc đỏ như son.

Thời tôi học cấp 1 ở trường Nguyễn Du (nay là trường Tiểu học Trưng Vương) trên phố Lý Thái Tổ, cứ đến giờ tan trường, chị em tôi lại tìm cách lượn một vòng ra hồ Gươm, tha thẩn nhặt búp đa ở gốc cây đa đền Bà Kiệu hoặc cây đa bên bên hồ. Hai đứa trẻ thi nhau bóc chiếc màng búp đa bằng những ngón tay bé xinh, khéo léo và chu miệng thổi lên thành những quả bóng nho nhỏ làm đồ chơi. Thời ấy đâu biết chỉ nửa thế kỷ sau đó, hiếm có đứa trẻ Hà Nội nào biết đến trò chơi bóng búp đa như bấy giờ…

Nhưng vào những dịp sắp đến những kỳ lễ Tết, như ngày Quốc tế Lao động 1/5, Quốc khánh 2/9, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, những thảm cỏ xanh mướt và những bồn hoa mới trồng tươi tắn bên hồ nổi lên đung đưa những chùm bóng bay cỡ lớn như quả dưa hấu Nga Sơn cổ truyền hay quả dưa hấu Nam bộ trưng Tết ngày nay. Trên những trái bóng đủ màu ngũ sắc nổi lên những dòng chữ xanh đỏ như “hòa bình”, “thống nhất”, “độc lập”, “tự do”…

Tôi thích nhất những lá cờ đuôi nheo xanh đỏ in hình chim bồ câu trắng, cũng ghi hàng chữ “hòa bình”, tung bay cùng những chùm bóng nhiều màu trên hàng cột điện ven hồ… Những dòng chữ thể hiện khát vọng của cả dân tộc khi đất nước còn đang cảnh chiến tranh, chia cắt đôi miền Nam - Bắc.

Trời về tối, những hàng bóng điện nhiều màu sắc được giăng lên trên những vòm cây. Không phải cây nào cũng sáng đèn mà cứ cách một vài cụm mới đến một cây được giăng đèn. Ngày ấy, thành phố còn nghèo, những kiến trúc sư thiết kế hẳn cũng “nát óc” chuyện tính toán để trang trí giăng đèn kết hoa quanh Bờ Hồ… Niềm háo hức được ngắm cảnh hồ Gươm ban đêm mỗi dịp lễ Tết đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm thế những lớp người Hà Nội thủa ấy. Đám trẻ con chỉ đi học ngày một buổi, còn được nghỉ học cả ngày thứ Năm và Chủ nhật, rỗi rãi thời gian nên ngày nào cũng có thể lượn ra Bờ Hồ chơi. Vừa thi nhau nhặt búp đa, chúng tôi vừa ngẩng cổ ngắm những chú thợ điện bắc thang giăng đèn. Cả đám còn tranh nhau đánh cược xem cây nào năm nay được lắp đèn, cây nào không được lắp, có đứa còn láu lỉnh chạy đến bên các chú thợ điện mạnh dạn hỏi tình hình. Các chú thường bận rộn làm việc, ít khi trả lời đám trẻ nhưng lại gây tò mò cho đám trẻ bằng cách cười cười, giơ tay chỉ bất kỳ: “Cây kia, cây kia!”.

Chưa đến phần “kết quả xổ số” xem đứa nào đoán đúng nhất đã đến giờ cơm trưa hay cơm chiều, cả lũ phải thi nhau chạy về nhà vì sợ đói. Hiếm đứa có tiền để ăn kem Bờ Hồ hay mua gói lạc rang húng lìu, gói “bi ron ron bi ròn ròn” hay chùm dâu da đất, xâu bồ quân của những ông bà bán hàng rong thường dạo quanh. Nhưng năm nào cũng vậy, một là cây lộc vừng chín gốc tán cành xòa rợp trên Bờ Hồ, hai là cây phượng vĩ nằm kế cầu Thê Húc, ba là cây hoa vông bên cạnh Tháp Bút - thể nào cũng được dăng đèn, không năm nào trượt hết.

Buổi tối, muốn ra xem Bờ Hồ như mong ước không phải là chuyện dễ với đám trẻ vì sợ mải chơi, bị lạc mất giữa chốn đông người tứ xứ đổ dồn về Hà Nội dịp lễ Tết. Phải có bố mẹ, anh chị lớn trong nhà dắt đi, đám trẻ - đã tắm rửa sạch sẽ, mặc những bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất mới được đi ngắm đèn hoa và ăn kem que ở hiệu kem Long Vân - Hồng Vân phía bên kia hồ.

Bấy giờ, chị trưởng gia đình tôi là chị Sâm. Chị Sâm học chung lớp cấp 3, (nay gọi là lớp trung học phổ thông) với chị Thu, con gái một gia đình tư sản Hà Nội cũ. Gia đình chị Thu sống trong một căn nhà thông từ phố Cầu Gỗ sang phố Đinh Tiên Hoàng. Mỗi dịp như thế, chị tôi cho cả lũ em lên nhà chị Thu chơi để có dịp ra ban công tầng 3 ngắm quang cảnh Bờ Hồ đêm hội. Cả đám, tay cầm que kem còn nguyên bột tuyết trắng, chạy ầm ầm lên gác làm rung bần bật cả cây cầu thang gỗ cũ kỹ, may sao bố mẹ chị Thu không mắng mỏ câu nào.

Chao ôi là đẹp! Kia là cầu Thê Húc như cô dâu mới cài lược bằng những chùm đèn lấp lánh. Kia là cây lộc vừng với những chùm bóng điện long lanh soi sáng một góc hồ! Xa xa là Tháp Rùa treo cờ đỏ thắm, phố Hàng Khay trầm mặc, êm ả sau dãy đèn nhấp nhoáng. Ánh điện từ những chùm đèn pha lớn đặt dưới thảm cỏ ven Tháp Rùa hắt lên tạo một vầng sáng rạng rỡ. Đám trẻ chả còn tranh cãi thách đố nhau đoán chỗ nào, cây nào, cột nào nhiều đèn nhất nữa, chỉ thi nhau nhoài người qua ban công, ngây ngô lặng ngắm… thiên đường. Que kem mút dở có khi chảy nước tong tong xuống đường phố, rơi cả vào đoàn người đi lại thong dong phía dưới. Nhưng dù vui thế nào, cứ gần 9 giờ tối, chị Sâm luôn nhớ lời cha mẹ đưa các em về sớm. Đám trẻ dùng dằng đòi về lối cửa trước để có dịp lượn thêm một vòng hồ Gươm, lưu luyến chia tay với khung cảnh hồ đêm hội mỗi năm chỉ có thể gặp lại đôi ba lần.
Khi chúng tôi lớn thêm một chút, chiến tranh ác liệt hơn, người Hà Nội phải đi sơ tán về các vùng thôn quê xa xôi hẻo lánh. Ngày ấy, vùng ngoại ô không có đường dây điện mở đến. Nhiều lúc chong đèn dầu học bài trong tiếng ếch nhái kêu uôm uôm ngoài ao chuôm, tôi ngủ gục bên song cửa tre. Và trong cơn mơ màng thức tỉnh, khung trời đêm hồ Gươm cổ tích huyền diệu, lung linh lại hiện về.

Sau này, trong quãng thời gian hơn 40 năm làm báo, tôi có dịp đặt chân tới nhiều vùng miền của đất nước và trên thế giới. Khi đến những vùng núi cao không có điện lưới, không có nước sạch, không có cả sóng điện thoại mà trao quà cho người dân và trẻ em nghèo trong ánh sáng bập bùng của những cây đuốc nứa, lòng tôi như chùng lại. Những thời khắc đối lập như bước chân trên đại lộ Champs-Elysées tráng lệ, hòa mình trong dòng người nô nức tại quảng trường Thời đại chói chang hay đứng trên núi cao ngắm thành phố Lệ Giang lộng lẫy với ngàn vạn chiếc đèn lồng đỏ rực… trong tâm trí tôi vẫn thấp thoáng bóng hình của hồ Gươm. Tôi vẫn thấy Thủ đô mình như một nàng tiên diễm kiều trong những ngày lễ Tết. Thân thương và diệu huyền biết mấy!

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Ký ức Hà Nội thời bao cấp qua di sản kiến trúc
    Lịch sử đô thị Hà Nội có tầng tầng, lớp lớp các công trình kiến trúc được chia thành nhiều giai đoạn. Nếu như các công trình kiến trúc Pháp là minh chứng cho bước đầu du nhập văn minh phương Tây thì những công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương lại là sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Những công trình kiến trúc thời kì 1954 - 1986 đã thể hiện một tiếng nói mới, có sự kế thừa, học hỏi và sáng tạo, mang bản sắc kiến trúc Việt Nam, góp phần kiến tạo xã hội trong tâm thế một dân tộc được làm chủ vận mệnh của mình.
  • Đô thị sinh thái Thăng Long - Hà Nội là cơ sở hình thành văn hóa thanh lịch, giá trị sống hướng tới sự an bình
    GS-TS. Đặng Cảnh Khanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển, nhận định, đô thị sinh thái Thăng Long - Hà Nội chính là cơ sở cho sự hình thành văn hóa thanh lịch và giá trị sống hướng tới sự an bình. Sự thanh lịch của con người đô thị Thăng Long, trước hết có lẽ được bắt đầu hình thành từ chính cảnh sắc của Thăng Long – Hà Nội.
  • Văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa
    Theo GS.TS. Đặng Cảnh Khanh (Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thống và phát triển), tính chất thanh cao, tôn trọng sự hài hòa và an bình khiến cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa. Bởi vậy, UNESCO phong tặng danh hiệu “Thành phố hòa bình” cho Hà Nội là đúng đắn.
  • Chuyện ở hàng nước mắm
    Những năm 1958 - 1959, Hà Nội chưa bước vào nền kinh tế bao cấp, các cửa hàng tư nhân lâu đời vẫn hoạt động buôn bán ở khắp các phố phường. Dạo ấy, tôi đã bảy, tám tuổi nên thường được bà ngoại và mẹ sai đi mua những đồ lặt vặt cho gia đình.
  • Kiến trúc Thủ đô (1954 - nay): Dấu ấn qua mỗi chặng đường
    Sau ngày tiếp quản (10/10/1954), từ một thành phố nhỏ bé, với lượng dân số ít, Hà Nội đã vươn tầm trở thành thành phố lớn trong khu vực và thế giới với không gian kiến trúc đô thị đa hệ, giàu bản sắc và phát triển theo hướng văn minh hiện đại. Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, có thể thấy ngành kiến trúc quy hoạch xây dựng đã có những đóng góp đáng kể và để lại nhiều dấu ấn. Đây chính là những bước đệm, tạo đà cho sự phát triển của đô thị Hà Nội trong tương lai.
  • Giới thiệu 150 bức ảnh quý về “Hà Nội ngày tiếp quản”
    150 bức ảnh quý về ngày đoàn quân tiến về Hà Nội, giải phóng Thủ đô (ngày 10/10/1954) vừa được giới thiệu với công chúng trong triển lãm ảnh “Hà Nội ngày tiếp quản” tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm - số 2 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm Hà Nội.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Trăng thơm
    Thoan ngồi giặt ở cầu ao. Trăng nhấp nhoáng dưới làn nước. Hoa bèo tím thẫm một mảng bồng bềnh trong âm thanh rền rã của bầy ve kêu trên cây nhãn già. Cây nhãn này mấy năm trước đứt hoa, mùa xuân năm nay bung lại, hoa kết từng chùm vàng nhạt, li ti, đậu quả bện trĩu cành. Ngang trưa nay, chị Hà đi lấy hàng về sớm, thấy thằng cu Minh đánh quần đùi, áo ba lỗ, mũ lưỡi trai đội ngược, cầm sào đi bắt ve qua ngõ, bèn vẫy lại: “Cu Minh, trèo cây vặt nhãn hộ cô”.
  • Liên hoan ẩm thực “Trải nghiệm xứ Trà, đậm đà bản sắc” năm 2024
    Vào ngày 16/12 tới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên sẽ tổ chức Liên hoan ẩm thực “Trải nghiệm xứ Trà, đậm đà bản sắc” năm 2024.
  • Hà Nội bước tới kỷ nguyên mới từ tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm
    Thủ đô Hà Nội đã, đang rất quyết tâm thực hiện định hướng, chỉ đạo chiến lược của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Điều này đã được chứng minh bởi Hà Nội đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm...
Đừng bỏ lỡ
Đêm hồ Gươm kỳ diệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO