Đô thị sinh thái Thăng Long - Hà Nội là cơ sở hình thành văn hóa thanh lịch, giá trị sống hướng tới sự an bình
GS-TS. Đặng Cảnh Khanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển, nhận định, đô thị sinh thái Thăng Long - Hà Nội chính là cơ sở cho sự hình thành văn hóa thanh lịch và giá trị sống hướng tới sự an bình. Sự thanh lịch của con người đô thị Thăng Long, trước hết có lẽ được bắt đầu hình thành từ chính cảnh sắc của Thăng Long – Hà Nội.
1. Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển Đặng Cảnh Khanh phân tích, người Tràng An sở dĩ thanh lịch cũng chính là bởi họ đã tiếp thu được sự thanh lịch từ những điều kiện thiên nhiên hài hòa, từ cuộc sông thanh bình trù phú của chính mảnh đất này. Trải qua nhiều dâu bể, những cuộc binh biến, chiến tranh nhưng Thăng Long - Hà Nội chưa bao giờ thay đổi nguyên tắc phát triển “đô thị sinh thái” đó.
Ngay tại một khu vực buôn bán sầm uất nhất của Thăng Long khi đó, không khí “sinh thái” cũng được Phạm Đình Hổ miêu tả: “Nhà ta ở phường Hà Khẩu huyện Thọ Xương (khu phố Hàng buồm bây giờ), trước nhà tiền đường có trồng một cây lê, cao vài mươi trượng, lúc nở hoa trắng xóa, thơm lừng, trước nhà trung đường cũng trồng hai cây lựu trắng, lựu đỏ, lúc ra quả trông rất đẹp”.
Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút cũng đã miêu tả kinh thành Thăng Long thời đại của ông như sau : “Kinh thành Thăng Long chia ra 36 phường, mỗi phường đặt một người phường trưởng. Lại đặt ra phủ Phụng Thiên có quan Phủ doãn, quan Thiếu doãn kiêm coi cả việc Tuần phủ và việc Liêm sát, đốc suất hai huyện Thọ Xương và Quảng Đức, mỗi huyện có quan huyện ủy cai trị. Toàn thành thì cử một quan trọng thần sung chức Đề lĩnh tứ thành quân vụ, phân ra chánh phó hai dinh, chuyên coi việc cấm phòng, xét hỏi…”.
Ông cũng miêu tả rõ cảnh đô thị phồn hoa: “đất kinh thành đông đúc, nhà ở liền nhau, thường có hỏa hoạn…” cảnh buôn bán nhộn nhịp của các phường Thái Cực (nay là Hàng Đào), phường Đông Hà (Hàng Chiếu), phường Đông Các (Hàng Bạc) nhà ở san sát kéo dài cho tới đến các vạn hàng Mắm, vạn hàng Bè, Bến Tây Long (nay là khu vực Nhà hát Lớn)…
Người Thăng Long - Hà Nội từ vua chúa đến các tầng lớp bình dân đều yêu quý thiên nhiên. Phạm Đình Hổ đã miêu tả về việc yêu cây cỏ thiên nhiên của một vị chúa cùng với cận thần và những người Thăng Long - Hà Nội: “Buổi ấy bao nhiêu những loài trân cầm, dị thú, cổ mộc, quái thạch và chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian, chúa đều sức thu lấy, không thiếu một thứ gì. Có khi lấy cả cây đa to, cành lá rườm rà từ bên bắc chở qua sông đem về. Nó giống như một cây cổ thụ mọc trên đầu non hốc đá, rễ dài đến vài trượng, phải một cơ binh mới khiêng nổi, lại bốn người đi kèm, đều cầm gươm, đánh thanh la đốc thúc quân lính khiêng đi cho đều tay. Trong phủ điểm xuyết, bày vẽ ra hình núi non bộ trông như bến bể đầu non”. Bởi vậy ở Thăng Long khi ấy “mỗi khi đêm thanh cảnh vắng, tiếng chim kêu vượn hót ran khắp bốn bề, hoặc nửa đêm ồn ào như trận mưa sa gió táp, vỡ tổ, tan đàn”.
“Sự thanh lịch của con người đô thị Thăng Long, trước hết có lẽ phải được bắt đầu hình thành từ chính cảnh sắc của Thăng Long, cái cảnh sắc đã khiến cho đến một trong những vị sư tổ nổi tiếng về Thiền của Phật giáo là Huyền Quang đã phải thốt lên: Khai nhãn túy mang mang (vừa mở mắt ra mà đã thấy mình như say choáng váng). Chính cuộc sống hàng ngày, từ thế hệ này sang thế hệ khác, gắn bó với cái cảnh sắc luôn làm cho người ta “say choáng váng” đó, đã khiến cho người ta mê đắm. Say trở thành mê, mê trở thành tình yêu và cuối cùng người ta có thể tạo nên một lối sống tương xứng với cảnh sắc đó - lối sống luôn đòi hỏi sự thanh cao, lịch lãm”, GS-TS. Đặng Cảnh Khanh, cho biết.
Khi nói đến sự thanh lịch của người Thăng Long, GS-TS. Đặng Cảnh Khanh đồng thời cho rằng, chúng ta không thể nói tới sự thanh lịch từ chính cảnh quan của Tây Hồ, bởi vì theo Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, sự ra đời của Hồ Tây gắn liền với tính cách và sự cảm thụ cuộc sống của người Thăng Long - Hà Nội. Cảnh quan Tây Hồ dường như đã là những cảm xúc sáng tạo cho tình yêu nghệ thuật đầu tiên đối với người Hà Nội.
Tây Hồ không chỉ là một tấm gương trời nước mênh mang dễ làm ngây ngất lòng người mà còn là tấm gương soi chiếu tâm tư, tình cảm của người Hà Nội: Chàng về thiếp cũng xin về/Chàng về Hồ Bắc, thiếp về Hồ Tây. Câu ca dao trên là nói về tình yêu quê hương của nàng Trịnh Vân Trúc quyết ở lại Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội và đã gieo mình tự vẫn ở Hồ Tây chứ nhất quyết không theo chồng là Trần Đông Sơ bỏ theo Hồ Hán Thương về phương Bắc.
2. Đọc những câu ca dao về Thăng Long xưa, chúng ta thấy ngay không khí của một đô thị Thăng Long yên bình, có cả lũy tre xanh với những dòng sông và đàn cá bơi lội tung tăng... cái tung tăng của một xã hội hiền hòa, ấm cúng. Các tác giả đã mượn thiên nhiên trong sáng để nói về con người, ca ngợi một cuộc sống yên bình gắn với tình yêu thương của con người, cái không gian đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ những con người trở thành thanh lịch.
Cái chí khí của người Thăng Long muốn chiếm cả dòng sông để mài mực viết thơ theo cách của Phạm Sư Mạnh rất trẻ trung, mạnh mẽ và đầy sức sống. Tuy nhiên trên thực tế, trong những áng thơ cổ, các nhà thơ Thăng Long - Hà Nội nhìn chung ít tìm đến với phong cách mạnh mẽ kiểu như Phạm Sư Mạnh khi diễn tả tình cảm với thiên nhiên. Họ thường dùng những lời lẽ dịu dàng trìu mến, giữ lấy sự lịch lãm theo kiểu của Lê Thánh Tông và hội Tao Đàn như: Đầu nhà khói tỏa lồng sương bạc/Sườn núi chim gù ẩn lá xanh.
GS-TS. Đặng Cảnh Khanh nhấn mạnh: tính chất “đô thị sinh thái”, gắn liền cuộc sống thị thành với thiên nhiên, núi non, sông nước, cỏ hoa cũng làm con người trở nên phóng khoáng hơn trong các mối quan hệ xã hội. Có thể nói về phương diện này, chính môi trường cảnh quan đô thị Thăng Long - Hà Nội đã làm nên tính thanh lịch của người Hà Nội.
“Cư dân Hà Nội hòa đồng với thiên nhiên, yêu quý thiên nhiên như thế nào thì họ cũng hòa đồng với cộng đồng, tôn trọng cộng đồng và tôn trọng con người trong cộng đồng như vậy. Phong thái giao tiếp của người Hà Nội chính là phong thái mà họ ứng xử với thiên nhiên, phong thái “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Chính thiên nhiên hài hòa đã dạy cho người Thăng Long - Hà Nội sự hài hòa và tính tế trong giao tiếp, ứng xử” - GS-TS. Đặng Cảnh Khanh đánh giá.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc dịch một bài thơ rất hay về phong cảnh xuân Thăng Long của Phạm Đình Hổ, bài Tân Hợi du xuân, được làm khi ông mới ngoài hai mươi tuổi: Xuân du hà sở kiến/ Hồ thượng tiểu đào khai/ Nhất trận điều phong quá/ Thiên hồng phất tụ lai (dịch: Chơi xuân nào thấy gì nào/Bên hồ mấy dãy hoa đào nở tung/ Thoảng đưa làn gió ngại ngùng/ Hoa vương tay áo nghìn hồng ngời tươi).
Câu thơ cho thấy, cái thanh lịch của chàng thư sinh Thăng Long - Hà Nội chính là cái thanh lịch của việc bên cạnh một cuộc sống bộn bề những học vấn và tri thức vẫn luôn cảm nhận được muôn nghìn cánh hồng vương vào tay áo…/.