Phong tục và lệ kiêng tên húy ở làng Triều Khúc
Theo hương phả, làng Triều Khúc trước kia ở khu vực Giếng Liên, bây giờ là Học viện An ninh (C500), sau làng thiên di về nơi ở như hiện nay. Năm 766, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng dẫn quân đến đánh thành Tống Bình (Hà Nội), ngài đã đóng quân ở làng Triều Khúc để thao luyện binh sĩ trước khi hạ thành. Đến thời hậu Lê, Vũ Uy đã đem nhiều nghề thủ công mà cụ học được khi đi sứ nước ngoài về truyền dạy cho dân làng Triều Khúc.
Sau này, Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu đã phát động phong trào “Chấn hưng công nghệ Hà Đông” nên các làng nghề thủ công trong tỉnh và đặc biệt là các nghề thủ công ở làng Triều Khúc càng phát triển rực rỡ như: Nghề làm chổi lông gà, nghề làm độn tóc, nghề làm den, nghề dệt thảm, nghề dệt khăn mặt, nghề làm bấc đèn, dây giày, nghề dệt tua cờ, nghề làm chân chỉ hạt bột… Và nhất là nghề làm quai thao cho nón thúng, bởi vậy làng Triều Khúc còn có tên là làng Đơ Thao. Ai làm nón thúng quai thao/ Để cho anh thấy cô nào cũng xinh (ca dao cổ).
Nhờ có nhiều nghề thủ công nên kinh tế trong làng có phần dư dả, bởi vậy làng có nhiều phong tục như tục tôn tuổi, tục đóng cổng ngõ của nhà gái trong đám cưới, tục ăn cỗ nhất tề. Ba tục lệ độc đáo này vẫn được dân làng gìn giữ cho đến ngày nay.
Nói về tục tôn tuổi có một truyền thuyết còn được dân làng lưu giữ đến nay. Thời đó có một vị quan về làng Triều Khúc vi hành. Thấy những người đi đón quan toàn là những thanh niên và những người trung tuổi, quan bèn hỏi các vị cao niên đâu sao không đi đón quan. Dân làng trả lời: “Bẩm quan, đây là những người cao tuổi nhất làng vì làng chúng tôi thường thọ yểu.” Sau chuyến đi khảo sát kinh lý đó, vị quan thấy đúng như lời dân làng trình bẩm. Ông liền thảo sớ, tâu với triều đình xin vua cho làng Triều Khúc được đặc ân cứ 48 tuổi được gọi là 50 vì tuổi 50 là hết tuổi phu phen tạp dịch. Nhà vua chuẩn tấu, theo đó cứ đến 48 tuổi được gọi là 50 (lên bô), 68 tuổi được gọi là 70 (cụ thất) được mặc lễ phục khăn áo màu lam, đến 78 tuổi được gọi là 80 (cụ bát) được mặc khăn áo màu đỏ, tới tuổi 88 được gọi là 90 (cụ cửu) khăn áo màu đỏ thêm cái mũ ni và cây gậy càng cua bằng trúc… Bởi vậy mỗi khi làng có lễ hội hay nhà nào có việc tân gia, cưới hỏi thì rất dễ nhận ra đâu là cụ thất, cụ bát, cụ cửu…
Nói đến tục đóng cổng ngõ trong đám cưới. Khi đoàn nhà trai đến trước cổng nhà gái thì cổng đã được đóng chặt, quan viên họ nhà trai phải đứng ngoài, trả lời những câu hỏi dí dỏm và hóc búa của nhà gái. Cuộc đối đáp vui vẻ này diễn ra chừng nửa tiếng đồng hồ. Sau đó nhà gái mới mở toang cánh cổng để nhà trai vào làm các thủ tục đón dâu trong sự phấn khích của quan viên hai họ.
Khác với các làng xung quanh, mỗi khi nhà có việc cỗ bàn, các khách mời cứ đủ 6 người là tự động ngồi vào mâm, còn ở Triều Khúc thì được sắp xếp theo thứ tự các cụ cao tuổi ngồi mâm trên ở gian giữa, sau đó mới đến mâm của các trung niên và thanh niên, các cụ bà và phụ nữ ngồi riêng ở gian bên cạnh. Khi đã yên vị, đại diện chủ nhà đi từng mâm để mời chào, người cao tuổi nhất trong mâm đáp lời cảm tạ, sau đó mới nâng ly nhập tiệc.
Để nhớ ơn cụ Vũ Uy, dân làng đã lập đền thờ gọi là đền Thánh Tổ. Để ghi nhớ công ơn của Tổng đốc Hoàng Trọng Phu, dân làng Triều Khúc đã xây dựng khu nhà bia khá đẹp (tiếc rằng khu nhà bia này đã bị phá trong cải cách ruộng đất). Làng cũng xây đình thờ Thành hoàng là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và từ đây có tục kiêng tên húy. Dân làng không gọi cha là “bố” và kiêng không đặt tên con là “Hưng”. Dân làng Triều Khúc gọi là “thày u”, “thày đẻ” hoặc “cậu mợ” (một số gia đình sống ở Hà Nội cũ). Sau năm 1975, ngày đất nước thống nhất có một số người từ chiến trường trở về học theo cách gọi của người miền Nam gọi là Ba Mẹ. Tất cả chữ “Bố” đều phải đọc chệch đi là Bá, chữ “Hưng” gọi là Hương. Trong các cuộc họp hành, mỗi khi bắt đầu dù to, dù nhỏ, từ đồng chí chủ tịch, bí thư đều nói: “Tôi xin tuyên bá lý do”… Ngay từ nhỏ chúng tôi đã được cha mẹ răn dạy: “Đứa nào nói tên húy sẽ bị chặt ngón tay!”. Nhiều gia đình từ nơi khác đến nhập cư, người ta cũng dạy con cái không được nói tên húy theo phong tục của làng Triều Khúc./.