Tôi cũng chưa một lần xuất ngoại đến trời Âu để có được cái cảm giác sống xa Tổ quốc, thèm cồn cào một bát phở gánh bên đường. Nhưng tôi cũng có được sự đồng cảm để hình dung được tâm trạng thèm quay quắt một bát phở quê hương, giống như ông Nguyễn Tuân thời điểm đang đi công tác ở Phần Lan vậy. Vâng, tôi muốn nói đến nỗi thèm nhớ phở trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách toàn xã hội. Và đương nhiên rồi, trong những ngày ấy, làm gì có hàng quán ăn uống nào được mở cửa, quán phở không là ngoại lệ.
Khi con người ta bị đẩy vào những hoàn cảnh thiếu thốn, hoặc bị buộc phải từ bỏ những thói quen của mình, lúc đó mới thấy trân quý những gì mình có. Cũng như chúng ta khi phải tạm xa gia đình một thời gian, bỗng nhớ da diết giọng nói của những thành viên trong ngôi nhà của mình. Một lời mắng mỏ của cha mẹ trước đây làm cho ta khó chịu, thì nay lại thèm lắm một sự răn dạy như thế để tự ta kiềm chế bản thân khỏi sự tự do phóng khoáng quá đà của mình. Đó chính là cảm giác thiếu thốn tình cảm, cần được ai đó quan tâm.
Nếu bạn yêu phở Hà Nội, yêu nhịp sống bình thường trên từng con phố nơi đây, bạn cũng có một cảm giác tương tự, sự so sánh là khập khiễng, nhưng cảm nhận về sự thiếu thốn một cái gì đó thân quen thì gần giống. Đó là cảm giác thiếu thốn thèm được ăn một bát phở như mỗi sáng bình thường vậy; cho dù trong ngăn tủ bếp kia đầy chặt những gói phở ăn liền, nhưng làm sao có thể thay thế được bát phở quán với những hương vị tinh tế của nó; có cả cái “hương vị" đông đúc, chật cứng người, ồn ã trong cái quán phở thân thuộc ấy. Để rồi vừa ăn, vừa hàn huyên với lũ bạn đi tập thể dục về bên bát phở nóng hổi...
Hà Nội bỏ giãn cách, việc đầu tiên tôi làm buổi sáng hôm đó là phóng xe máy tới quán phở quen thuộc. Quán phở mặc dù đang phải hạn chế bởi những qui định "5k" nhưng khá đông. Ôi, sao hôm nay bát phở ăn ngon lành đến thế, một cảm giác thư thái không hề nhẹ bên bát phở như bị dồn nén nay vỡ oà cảm xúc. Chính vì cái cảm xúc "vỡ oà" ấy mà nhiều thực khách quên đi nồi nước dùng hôm nay không được đậm đà, thanh ngọt; không có cái vị béo gây gây mùi xương bò ninh kĩ như mọi ngày. Cũng phải thôi, chỉ thị cho phép được ăn tại chỗ ở quán còn chưa "khô mực", làm sao có nồi nước dùng ưng ý được. Nhưng chả sao, chả ai chê về nồi nước dùng thiếu sót đó. Tâm trạng họ đang vui vì điều bình thường đang trở lại, thế là đủ để ăn trọn, ngon lành một bát phở đầy rồi.
Viết tới đây, tôi chợt nhớ đến cảm giác thiếu thốn và thèm được ăn phở thời bao cấp, cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Ngày ấy, phở là món ăn xa xỉ, thi thoảng mới được mẹ tôi mang cặp lồng ra cửa hàng ăn uống mậu dịch, để xếp hàng mua 2 bát phở bò. Nhưng bà năn nỉ cô bán hàng xin thêm đầy cặp lồng nước phở. Mua về, bà đổ phở ra cái tô to tráng men Trung Quốc, cho thêm mỳ chính, thêm nước sôi vào. Nhà tôi có 4 anh em trai, mỗi đứa một bát cơm nguội chan nước, thêm tý bánh phở trộn lẫn húp xì xoẹt ngon lành. Đó là những hôm được ăn sang, còn thường thì ăn cơm nguội hoặc cơm rang là tốt rồi.
Tôi còn nhớ, một bận bị ốm, sốt cao, cũng chẳng cần đi khám, uống thuốc làm gì. Ngày đó trẻ con ốm sốt là bình thường, sốt cao thì đắp cái khăn ướt lên trán, vài ngày rồi tự khỏi, chứ không phải như bây giờ, hơi tý là đi khám, tống một nắm thuốc vào người. Cơm hôm đó nhà tôi không có thức ăn gì. Thấy tôi ốm, ăn uể oải, mẹ tôi hỏi: "Có ăn phở không, mẹ mua cho một bát". Mắt tôi sáng lên thay câu trả lời.
Thế là, mẹ tôi mang cặp lồng mua một bát phở cho tôi. Bát phở đầy mà tôi húp sạch bong cả nước trong sự thòm thèm của mấy ông anh. Ăn xong, mồ hôi tôi túa ra, người nhẹ nhõm hẳn. Tôi nói với mẹ: "Mẹ ơi, ăn phở xong con khỏi ốm rồi". Mẹ tôi sờ đầu tôi gật gù: "Ờ cũng mát thật rồi này". Vậy là, chỉ cần ăn một bát phở đầy, tôi đã khỏi ốm, chẳng cần phải đi khám, xét nghiệm, siêu âm, chụp phim... như đi khám bệnh thời nay. Chính vì câu chuyện này, mà sau đó, mỗi lần tôi ốm, mấy ông anh lại trêu: "Nó giả vờ ốm để đòi ăn phở đấy mẹ ạ". Hơi oan cho tôi, dù biết đó chỉ là câu đùa vui, vì trẻ con hồi ấy đâu dám mè nheo đòi hỏi gì, bố mẹ mua cho thì ăn, không mua thì cũng phải chịu, vì biết bố mẹ làm gì có tiền.
Câu chuyện tản mạn về bát phở cho tôi một suy nghĩ rằng, đôi lúc, trong cuộc sống này, sự đủ đầy khiến ta tưởng như mọi thứ xung quanh trở nên rất đỗi bình thường, nhưng khi ta thiếu thốn thì mới nhận ra được nó quý giá và cần thiết đến chừng nào. Cần thiết đến mức, nếu không có nó, cuộc sống thật nhàm chán và vô vị biết bao. Vì thế, hãy vui và bằng lòng với những gì mình đang có, hãy hạnh phúc, tận hưởng nó theo cách mà bạn đang làm, vì biết đâu, ngay cả những điều bình thường ấy sẽ trở nên xa xỉ trong cuộc sống đầy biến động này?!
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Trần Minh. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.