Ngày xuân vãng cảnh đình So

Phan Anh| 08/02/2023 16:23

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất xứ Đoài. Thời thơ ấu từng được vỡ lòng vỡ dạ ở các lớp học nhờ, học tạm trong những mái đình, mái chùa cổ kính. Thời ấy, vào những năm bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước, khi đó còn bao cấp, tôi còn nhớ đình, chùa quê tôi không chỉ dùng làm lớp học mà còn được trưng dụng làm nơi sản xuất của hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp.

dinh-so-nhin-vao-tu-de-song-day-copy.jpg
Đình So nhìn vào từ đê sông Đáy

Bởi thế, sau mỗi buổi học, chốn ấy rất dễ ra vào nên đó cũng là một sân chơi cho trẻ con chúng tôi tụ tập, nô đùa. Cứ thế, cùng với những con số, cái chữ thì hình ảnh của tượng phật, tượng thánh, tượng thần cùng các đồ tế khí và những cái kèo, cái cột, bức cốn, mái ngói, đầu đao duyên dáng… lặng lẽ in hình và hằn sâu trong trí nhớ. Bởi vậy, khi lớn lên tôi mê mẩn với mùi trầm hương trong không gian của những thánh thần ở các chốn danh lam cổ tự hay đình, đền di tích. Và ngay cả giờ đây mỗi khi có cơ hội hay có thời gian nhàn rỗi, nhất là những ngày đầu xuân tôi thường thích rủ người thân đến vãng cảnh, thăm thú ở những nơi này; đặc biệt là những đình, đền còn giữ được nhiều nét dáng như thể lúc nguyên sơ. Đến những chốn ấy tôi không chỉ có được cái cảm giác thư thái, nhẹ nhàng, khoan khoái mà tâm trí như còn được mở mang ra thêm nhiều điều mới lạ với những khám phá về cuộc sống, con người của một thời đã qua và cũng như thể được trở về với năm tháng của những ngày thơ ấu.

Năm nào cũng vậy, ngày đầu xuân, vẫn theo cái thói quen đã trở thành sở thích, chúng tôi rủ nhau xuôi theo tuyến đê bên hữu sông Đáy vãng cảnh. Con đê uốn lượn đưa chúng tôi đi qua một miền cổ tích với những núi Thầy, động Hoàng Xá, chùa Trăm gian, Tử Trầm San… vốn đã quen thuộc và nức tiếng bao đời nhưng rồi cuối cùng vẫn phải ngỡ ngàng, mê mải với đình So (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai), vốn đã từng nghe mà lần đầu mới đến. Trong ngỡ ngàng, thích thú xen lẫn sự “ân hận” (vì đã bỏ quên, suýt nữa thì lại trở thành một “Bến quê” như tác phẩm của Nguyễn Minh Châu) nhưng chưa đến nỗi muộn màng với đình So khiến cho tôi có một chiều xuân đắm chìm trong mê mải để ngắm nhìn, chiêm bái. Càng ngắm càng thấy thiên hạ bao đời đồn đại không ngoa: “Đẹp đình So to đình Cấn”, “Xứ Đoài đẹp nhất đình So”, “Đình So đệ nhất xứ Đoài”… Rồi bất chợt nhận ra mình hãy còn may. May là bởi còn được chiêm ngưỡng, chụp choẹt một ngôi đình dường như vẫn giữ được cơ bản nguyên vẹn những nét nguyên sơ của tiền nhân bao đời để lại. Ngôi đình cổ mộc mạc, rêu phong này để lại trong tôi một ấn tượng thích thú viên mãn khác hẳn với không ít ngôi đình, mái chùa mới được trùng tu mà chúng tôi đã từng được trải nghiệm. Hình như những dấu ấn thời gian bao đời vẫn còn đang được lưu phong trên từng dáng nét thân thương, giản dị của ngôi đình mái ngói thâm nâu. Nó vẫn còn nguyên vẹn những nét tích cổ xưa dẫu có bị mưa nắng làm cho hao hư ít nhiều, chứ không phải là những đồ giả cổ như bao đình, đền đã từng được tân trang đẹp đến lộng lẫy, tráng lệ, nguy nga nhưng vô hồn, vô duyên sừng sững ở bao nơi sau mỗi lần trùng tu khiến cho không ít người vãng cảnh phải thốt lên những lời ngán ngẩm với bao nỗi niềm luyến tiếc, xót xa.

tac-gia-truoc-tam-quan-cong-chinh-vao-dinh-copy.jpg
Tác giả trước Tam quan - cổng chính vào đình

Đình So còn giữ gìn được khá nguyên vẹn cho đến tận bây giờ là một điều may mắn cho không chỉ riêng người dân phủ Quốc mà cả xứ Đoài. Ít ra cũng để cho thiên hạ biết rằng thế nào là “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”. Hẳn là, quanh vùng đã có không ít chùa chiền, đình đền đã từng bị tháo dỡ trùng tu theo kiểu làm mới, đẹp đến nguy nga, tráng lệ nhưng kéo liền theo đó có biết bao kiệt tác của tiền nhân đã một đi không trở lại, những dấu tích hàng trăm năm của đôi bàn tay khéo léo, tài hoa mà cha ông để lại cũng trở về theo cát bụi. Người ta bảo hồi chiến tranh đình So là nơi nhà nước mượn làm kho chứa quân nhu cho bộ đội nên được bảo vệ, giữ gìn cẩn thận nên thoát được sự kiện “giải mê tín dị đoan” của một thời đã qua. Nhưng đa phần bảo rằng đình So linh thiêng nên không ai dám động đến. Tôi thì tôi tin theo ý kiến số đông, ý kiến thứ hai. Cái sự linh thiêng ấy người ta dễ thấy trong dáng điệu, thần thái uy nghi vượt trội của ngôi đình; trong niềm tin tâm thức của bao đời đã được ứng nghiệm. Cứ đứng từ ngoài đê mà ngắm nhìn ngôi đình bề thế, cổ kính hẳn mọi người sẽ thấy. Có lẽ, cũng bởi thế mà ngôi đình đâu chỉ là nơi thờ tự. Nó còn là một bảo tàng về mỹ thuật, về kiến trúc cho các thế hệ hậu sinh khám phá và cũng là một nơi thực hành đắc địa cho bộ môn phong thủy.

Đình So nằm trên một thế đất rất đẹp (đắc địa) theo con mắt của các thầy phong thủy. Không biết thủa tìm đất đặt đình thầy nào đã có đôi mắt tinh tường đến vậy. Tòa đình tọa trên thế đất cao, hình con rùa nhìn về phương Đông. Sau đình có núi Vĩ Quy cây cối xanh mướt, phía trước có hồ bán nguyệt làm minh đường, xa hơn chút nữa là sông Đáy để làm thành cái thế tựa sơn đạp thủy, tụ thủy tụ phúc. Hai bên đình có núi Long và núi Phượng tựa như tay ngai tạo thành thanh long, bạch hổ. Từ trên cao nhìn xuống, ngôi đình bề thế được làm khép kín theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Đình có Tam quan, Nghi môn, Đại bái, Hậu cung, Tả vu, Hữu vu. Ấn tượng nhất là tòa Tam quan với mười tám bậc đá, hai bên có lan can bằng đá chạm khắc vân mây rất đẹp. Tam quan có ba cửa, hai tầng mái, mỗi tầng bốn mái thanh thoát, trên nóc có hình lưỡng long chầu nguyệt. Đại bái khá dài và rộng gồm bảy gian hai trái, phía trước có đôi rồng đá rất đẹp, uy nghi. Các mái đình có các đầu đao uốn cong dáng rồng dáng phượng mềm mại, duyên dáng. Toàn bộ tòa ngang dãy dọc của đình có hơn năm mươi gian trên một diện tích khoảng một nghìn một trăm mét vuông. Chất liệu làm đình, ngoài gạch, ngói mũi hài bằng đất nung thì chủ yếu là gỗ lim và đá (đá ong, đá vôi tự nhiên). Sàn đình làm bằng gỗ lim, xung quanh đại đình là hệ thống cửa bức bàn trấn song con tiện, giúp cho đình thoáng mát. Nghệ thuật chạm khắc là một trong những điểm nổi bật của ngôi đình với cách trang trí trên các bức cốn, ván dong, nghi môn… rất tinh xảo. Đó là các bức tranh đục, chạm hình tứ linh, tứ quý… Ngoài ra đình cũng còn lưu giữ được hơn bốn mươi đạo sắc phong của các triều đại phong kiến, đạo sắc phong sớm nhất là năm Hoằng Định thứ hai, triều Lê Kính Tông (1601). Đình thờ tam vị Nguyên soái Đại vương họ Cao, người có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn mười hai sứ quân. Tục truyền, hàng năm người làng So tổ chức lễ hội vào mùa xuân (mùng tám tháng hai – ngày Thánh sinh), mùa thu (ngày mùng mười tháng bảy – ngày Thánh thắng trận) và ngày Thánh hóa (ngày mùng mười tháng Chạp). Lễ hội rất to; kéo dài hai, ba ngày để tưởng nhớ ân đức của ba vị Đại vương được suy tôn làm thành hoàng làng.

Thưa thốt đôi điều về ngôi đình đệ nhất xứ Đoài mà trực quan trông thấy như vậy để như thế mọi người có thể hình dung hành trình trên ba trăm năm mươi năm, vắt qua năm thế kỷ của một công trình kiến trúc tâm linh còn lại đến ngày nay hẳn không phải là điều dễ dàng. Ngôi đình linh thiêng chân quê mộc mạc ấy cũng có thể coi là một chứng nhân lịch sử gắn liền với biết bao thăng trầm của quê hương xứ sở và cũng đã từng che chở linh phù cho biết bao kiếp nạn. Lặng ngắm ngôi đình thâm nâu trong nắng xuân vàng tươi ấm áp rồi đưa mắt ra xa, nhìn về phía bờ bãi mênh mông uốn lượn theo dòng sông từng được ví von “sông trăng hay sông lụa” ta không chỉ thấy mà dường như còn nghe được cả những chồi non lộc biếc đang tí tách cựa mình trỗi dậy trong từng thân cành có vẻ như đang xơ xác bởi những ngày đông khô, rét, hanh hao. Giữa đất trời thoáng đãng, mênh mông; trong hương xuân nồng nàn và sắc xuân tươi thắm, đình So linh thiêng, uy nghiêm sừng sững giữa thanh thiên gợi lên trong bao người một niềm tin tâm linh bất diệt về sự linh phù hiển ứng. Sự tối linh và vẻ đẹp thâm trầm, duyên dáng, độc đáo của đình So hẳn sẽ là một bức gấm hoa bên dòng sông thơ mộng cùng những ngôi làng thanh bình, yên ả sẽ lưu lại trong ký ức đẹp đẽ của bao khách hành hương. Chẳng thế, cuối năm 2018, đình So đã được Chính phủ ký quyết định xếp hạng di tích (kiến trúc nghệ thuật) lịch sử quốc gia đặc biệt.

Thế đấy, lặng lẽ và khiêm nhường, đình So - một báu vật của Hà Nội nằm bên dòng sông Đáy. Hãy đến đó một lần để rồi lại đến và nhớ mãi. Hãy giữ gìn báu vật ấy như bao đời nay người dân làng So đã từng nâng niu, gìn giữ!

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Phan Anh. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Bài liên quan
  • Hà Nội và nỗi nhớ
    “Hà nội ơi, mong được bình an/ Hơn nửa đời tôi nợ người nhiều lắm/ Dẫu chẳng sinh ra nhưng là nơi tôi sống/ Và mỗi khi xa lại nhớ giống quê mình”.
(0) Bình luận
  • Nhớ gì khi xa Hà Nội
    Thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi gắn bó cùng Hà Nội. Đó là quãng đời sinh viên tươi vui, hồn nhiên được cùng các bạn đồng trang lứa sinh sống và học tập giữa lòng Thủ đô, dưới mái trường Học viện hành chính Quốc gia. Lần đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa an toàn của gia đình, Hà Nội đã hiếu khách đón nhận, ôm tôi vào lòng, gieo vào tâm hồn thật nhiều kỉ niệm đặc biệt. Để rồi sau khi ra trường, trở về quê hương công tác, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến mỗi khi nhớ về Hà Nội với những hồi tưởng xuyến xao về quãng đời sinh viên.
  • Tô thắm Hà Nội bốn mùa hoa
    Có lẽ hiếm có Thủ đô của đất nước nào trên thế giới lại có đủ thời tiết đặc trưng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng với đó là thiên nhiên tuần hoàn luân chuyển quay vòng bốn mùa như Hà Nội. Để tạo nên diện mạo của Thủ đô, ngoài các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh… thì còn có cả hệ thống cây xanh và hoa cỏ được trồng khắp các nẻo đường của Hà Nội.
  • Một thoáng Thủ đô, một đời vương vấn
    Tôi đến Thủ đô vào một ngày hè chói chang nắng lửa. Cảm giác nóng nực không ngăn nổi sự hiếu kì trong tôi về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về những con người tao nhã, văn minh. Tôi thả hồn phiêu diêu qua từng con phố, lắng tai nghe nhịp thở của Hà thành mà nao nao hồi tưởng về những điều mình đã đọc, đã biết về lịch sử, con người nhân kiệt nơi đây.
  • Giai nhân trong bức ảnh Hà thành bất tử
    Nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô xin được dâng truyện ngắn này như một nén nhang thơm để tưởng nhớ những nghĩa sĩ anh hùng đã dâng hiến đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô. Trong đó có vợ chồng ông Hai Hiên. Hai Hiên - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa “Hà thành đầu độc” năm 1908. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã làm chấn động 3 cõi Đông Dương khiến Paris phải run sợ. Ông Hai Hiên lúc đó mới ngoài 30 tuổi, bị thực dân Pháp xử tử chặt đầu, rồi treo thủ cấp ở Cửa Đông thành, nhằm uy hiếp tinh th
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
  • Cả nhà ước năm mới
    Đêm 30, sau khi tôi và Thạo (con cả của tôi) chuẩn bị xong mâm cúng giao thừa, như đã thống nhất, cả nhà quây quần bên bàn trà để cùng nhau mơ ước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • Thêm một cuốn sách về tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam
    Để giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ hơn về các tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp” của tác giả Nguyễn Thái Bình và Đỗ Thị Thanh Hương.
  • Quận Hai Bà Trưng: Hứa hẹn chương trình “Lưu giữ nét xưa, phát huy bản sắc mới”
    Thông tin từ UBND quận Hai Bà Trưng (TP. Hà Nội) vừa cho biết, từ ngày 13 - 15/12/2024 tại Phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận sẽ diễn ra Chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc trưng, các điểm di tích lịch sử và du lịch trên địa bàn quận với chủ đề “Lưu giữ nét xưa, phát huy bản sắc mới”.
  • [Podcast] Dẻo thơm hương vị bánh gai làng Giá
    Nhắc tới bánh gai có lẽ nhiều người sẽ nghĩ tới bánh gai Ninh Giang (Hải Dương), bánh gai bà Thi (Nam Định) hay bánh gai tứ Trụ (Thanh Hóa), nhưng nếu một lần được thưởng thức bánh gai làng Giá - Xứ Đoài của Thủ đô Hà Nội tại huyện Hoài Đức bạn sẽ nhớ mãi. Theo quan niệm của người dân làng Giá (xã Yên Sở, H. Hoài Đức), bánh gai là thể hiện cho con người giao hòa với trời đất, âm dương, vì thế, công đoạn làm bánh phải thật công phu.
Đừng bỏ lỡ
Ngày xuân vãng cảnh đình So
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO