Chương trình hội thảo là một trong các hoạt động trọng điểm của Ban chủ nhiệm Đề án nghiên cứu khoa học cấp Bộ mang tên: "Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng lực lượng cán bộ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay".
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, yêu cầu đặt ra đối với người làm công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật là sự không lặp lại, luôn tìm kiếm sự mới mẻ, có cách thể hiện giàu chất văn học, tạo được sự hấp dẫn bằng tài năng, xúc cảm, khả năng tư duy trong việc viết lý luận, phê bình. Còn Phó giáo sư Trần Khánh Thành cho rằng: Cần khảo sát những vấn đề văn nghệ đương thời, tạo môi trường phát triển nghề, trang bị phương pháp luận. Hiện tại, hoạt động điểm tin, điểm sách trên truyền thông khá phong phú, nhưng còn thiếu sự phê bình có chiều sâu.
Nhà phê bình âm nhạc, điện ảnh Nguyễn Thị Nam bày tỏ quan điểm: "Hiện nay, cả hai vấn đề lý luận rút ra từ thực tiễn và sự tiếp nhận lý luận phê bình của nước ngoài ở ta đều chưa được chú ý. Hạn chế về ngoại ngữ khiến nhiều người làm công tác lý luận không tiếp cận được các lý luận mới từ nước ngoài". Còn nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan nêu yêu cầu phát huy hiệu quả các khóa đào tạo về lý luận, phê bình văn học nghệ thuật do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương chủ trì, mặt khác, cần sớm tiến hành điều tra một cách bài bản, thống kê chính xác, cập nhật về đội ngũ lý luận phê bình văn học nghệ thuật hiện nay.
Rất nhiều ý kiến tâm huyết được các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học nghệ thuật đưa ra. Nhìn chung, các ý kiến đều cho rằng cần sớm giải quyết mâu thuẫn giữa vai trò quan trọng của lý luận, phê bình văn học nghệ thuật với tình trạng ít được quan tâm đào tạo, phát triển đội ngũ trên thực tế; nâng cao trình độ của đội ngũ quản lý văn học nghệ thuật ở các địa phương... Bên cạnh đó, các đại biểu thống nhất rằng, cần tạo không khí tranh luận mang đậm chất học thuật trong khuôn khổ pháp luật cho phép, tạo được đối trọng cần thiết đối với nguồn thông tin rất khó kiểm soát từ mạng xã hội, bảo đảm tính định hướng trong công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật.