Văn hóa – Di sản

Huyện Đông Anh khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp nhà lưu niệm Bác Hồ

Quỳnh Chi 18/05/2024 15:08

Nhân dịp Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), 60 năm ngày Bác Hồ về thăm thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà (1964 - 2024); Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Liên Hà (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đã khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Nhà lưu niệm bác Hồ tại thôn Lỗ Khê.

Sinh thời, Bác Hồ từng có 6 lần về thăm Đảng bộ, nhân dân tại huyện Đông Anh, TP. Hà Nội (các năm Bác về thăm huyện Đông Anh là 1957, 1958, 1963, 1964 và 1965). Mỗi lần về thăm, Bác đều để lại trong lòng cán bộ, nhân dân huyện Đông Anh nhiều kỷ niệm sâu sắc, với những lời dạy bảo ân cần, chia sẻ, động viên; đó cũng là niềm vinh dự, tự hào của người dân Đông Anh.

bac-ho.jpg
Ngày 13/2/1964 (mùng 1 Tết Giáp Thìn), Bác Hồ thăm và chúc Tết dân làng thôn Lỗ Khê.

Trong đó, ngày 13/2/1964 (mùng 1 Tết Giáp Thìn), Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết cơ quan Huyện ủy - Ủy ban hành chính huyện Đông Anh, tiếp đó, Người thăm và chúc Tết cán bộ công nhân trạm biến thế điện và hợp tác xã nông nghiệp thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà - một hợp tác xã nông nghiệp có nhiều thành tích trong phong trào sản xuất và tiết kiệm. Tại thôn Lỗ Khê, Bác Hồ đã đến thăm một số gia đình và nói chuyện với nhân dân tại đình làng. Trong thời gian hơn 1 giờ đồng hồ Bác đến thăm đã để lại nhiều kỷ niệm không thể nào quên với dân làng Lỗ Khê.

Theo tư liệu của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mùng 1 Tết năm 1964, mới hơn 6 giờ sáng, Bác Hồ đã đặt chân trên đường làng Lỗ Khê. Tin Bác về lan rất nhanh đến các ngõ, xóm. Bác vào thăm nhà bà Nga, ông Tục... rồi ra đình làng. Trẻ già trai gái của gần 300 hộ vây quanh Bác. Người nào cũng dán đôi mắt vào bộ quần áo kaki quen thuộc, chòm râu bạc của Bác. Ai cũng vui khi thấy Bác hồng hào khỏe mạnh.

Cả mấy trăm người đều ngồi im, lắng tai nghe giọng nói ấm áp của Bác. Bác khen cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, xã viên và thiếu nhi đã làm một việc tốt, ích nước lợi nhà là tiết kiệm (phong trào tiết kiệm của Lỗ Khê đã được nhiều nơi trên miền Bắc học tập và làm theo). Bác ân cần căn dặn: “Đã có phong trào tốt, phải giữ lấy phong trào. Bên cạnh mặt tiết kiệm, hợp tác xã cần đẩy mạnh hơn nữa việc chăn nuôi, trồng cây, trồng hoa màu. Chú ý đến việc giáo dục thiếu nhi và giữ gìn vệ sinh thôn xóm…”.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Ngày Bác về, đồng ruộng Lỗ Khê còn úng, hạn, cây lúa chưa to, gié thóc chưa nhiều hạt, mọi nhà chưa nuôi nhiều lợn, đường quanh làng chưa có cây xanh, cơ sở vật chất còn ít ỏi. Từ đầu Xuân lịch sử ấy, cán bộ, xã viên Lỗ Khê đã nghe theo lời dạy của Người, chung lòng hiệp sức làm giàu quê hương.

Con đường Bác đi về thăm Lỗ Khê ngày ấy chỉ là một lối mòn chạy giữa hai hàng cỏ dại. Giờ, đường xung quanh làng và các bờ vùng lớn rợp bóng cây xanh. Sản lượng thịt của bà con xã viên bán cho Nhà nước có năm lên tới 8 tấn. Nhà ngói sân gạch đã mọc lên san sát. Câu thơ Xuân được kẻ trên tường đình làng năm ấy, câu thơ đã được Bác khen ngợi: “Đón Xuân mở hội làm giàu/ Mừng Xuân cần kiệm lúa màu tốt tươi” đã được người dân Lỗ Khê lưu truyền, thực hiện mãi...

bac-ho-4.jpg
bac-ho-2.jpg
Lãnh đạo huyện Đông Anh và xã Liên Hà cắt băng khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Nhà lưu niệm Bác Hồ tại thôn Lỗ Khê. (Ảnh: BTC).

Để ghi nhớ công ơn của Người, năm 2007, Đảng bộ và nhân dân xã Liên Hà, thôn Lỗ Khê đã xây dựng Nhà lưu niệm Bác Hồ với nhân dân Lỗ Khê ngay tại khu vực đình làng. Hàng năm, nhân dân tổ chức dâng hương tưởng niệm trước tượng Bác nhân ngày sinh và ngày mất của Người; tổ chức cho thanh thiếu niên sinh hoạt truyền thống tại nhà lưu niệm. Tuy nhiên, qua năm tháng, một số hạng mục công trình Nhà lưu niệm Bác Hồ đã xuống cấp, hư hỏng cần được cải tạo, nâng cấp. Sau 3 tháng thi công, công trình cải tạo, nâng cấp Nhà lưu niệm Bác Hồ tại thôn Lỗ Khê đã hoàn thành đảm bảo tiến độ, chất lượng, kịp thời khánh thành ngày 17/5 đúng dịp Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại Lễ khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp nhà lưu niệm Bác Hồ với thôn Lỗ Khê và Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Người, lãnh đạo xã Liên Hà cho biết, nhớ lời Bác căn dặn, 60 năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và các tầng lớp nhân dân xã Liên Hà luôn đoàn kết ra sức thi đua, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của tại địa phương, góp phần chung sức xây dựng huyện Đông Anh ngày càng đổi mới, đi lên.

Từ một xã kinh tế khó khăn, đến nay tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn xã Liên Hà ước đạt trên 1474,1 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 79 triệu đồng/ người/ năm, hiện xã không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 1,14%. Liên Hà cũng là một trong những xã về đích nông thôn mới sớm nhất trong huyện Đông Anh; các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đến nay xã đều đạt.

Lễ khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp nhà lưu niệm Bác Hồ với thôn Lỗ Khê kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 60 năm ngày Bác Hồ về thăm thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà (1964 - 2024) là đợt sinh hoạt chính trị nhằm giáo dục tư tưởng, bồi dưỡng tình yêu đối với quê hương cho cán bộ, nhân dân và thế hệ trẻ tại địa phương nói riêng, Hà Nội nói chung. Qua đây càng quyết tâm thi đua thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, lời căn dặn của Bác Hồ về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực, hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra; đồng thời xây dựng xã Liên Hà sớm trở thành Phường phát triển của quận Đông Anh trong tương lai gần./.

Bài liên quan
  • Khai mạc triển lãm "Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ”
    Sáng 17/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm "Tấm lòng của hoạ sĩ Việt kiều với Bác Hồ”. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Hội Thái Việt tại tỉnh Nakhon Phanom Thái Lan phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890 – 19/5/2024.
(0) Bình luận
  • Thông qua quyết định về bảo tồn Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội tại Kỳ họp thứ 46 của Ủy ban Di sản thế giới
    Hồ sơ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được thông qua mở ra việc khơi thông Trục Hoàng Đạo, tiến tới khôi phục không gian và Chính điện Kính Thiên.
  • Điệu múa trống bồng làng Triều Khúc
    Múa bồng đã xuất hiện ở nhiều nơi tại nhiều lễ hội và mỗi nơi múa bồng lại có dáng vẻ riêng. Tuy nhiên đến nay chỉ duy nhất ở làng Triều Khúc điệu múa này còn giữ được nguyên hồn cốt và thần thái.
  • Làm "sống lại" trò chơi được vua quan triều Nguyễn yêu thích
    “Đầu hồ” trò chơi truyền thống được vua, hạ thần, quan lại thời nhà Nguyễn yêu thích vừa được “Trung tâm Trải nghiệm thực tế ảo (VR) – Đi tìm Hoàng Cung đã mất” ra mắt và du khách có thể trải nghiệm trong Đại Nội Huế.
  • Đề nghị Lễ hội Sayangva vào danh mục Di sản văn hóa
    Lễ hội Sayangva còn gọi là lễ cúng thần Lúa hay là Mừng lúa mới. Đây là lễ hội lớn nhất của người Chơro, thường diễn ra từ rằm tháng 2 đến rằm tháng tư âm lịch hàng năm vào những ngày trời đẹp, đêm có trăng sáng. Lễ hội truyền thống này mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ.
  • Vẻ đẹp của ngôi chùa thờ vị thiền sư đầu tiên được phong hiệu Quốc sư
    Chùa Non Nước tên Hán là Sóc Thiên Vương Thiền Tự, nằm trong quần thể di tích Đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) không chỉ là nơi có cảnh đẹp kỳ vĩ giữa núi rừng mà nơi đây còn lưu giữ những giá trị lịch sử lâu đời của văn hóa Phật giáo Việt Nam.
  • “Bão Thánh Gióng hái cà” ở làng Bẽ
    Nói đến sự tích Thánh Gióng, mọi người đều nhớ chuyện cậu bé làng Gióng ở huyện Gia Lâm. Sau ba năm từ lúc sinh ra, cậu nằm trên chõng tre im lặng, chẳng biết nói cười. Đến một ngày nghe tiếng loa của sứ giả vua Hùng gọi tìm người tài, cậu vươn vai đứng dậy tình nguyện đi đánh giặc Ân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Huyện Đông Anh khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp nhà lưu niệm Bác Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO