Phát hiện nhiều di vật cách đây khoảng 3.800 - 3.000 năm
Bảo tàng Hà Nội cho biết, đợt khai quật di tích đồi Đồng Dâu tại thôn Đoài, thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì, Hà Nội) do đơn vị này phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thực hiện năm 2023, thu được một số lượng di vật khá đa dạng, niên đại của di tích nằm trong thời đại kim khí, với khung niên đại tuyệt đối cách ngày nay khoảng 3.800 - 3.000 năm.
Đợt khai quật này được bắt đầu từ tháng 1/2023, do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với đơn vị liên quan tiến hành trên diện tích 25m2, với địa tầng dày từ 63 đến 98cm, phát hiện được các di tích là hố đất đen cũng như nhiều di vật thuộc văn hoá Phùng Nguyên, văn hoá Gò Mun và một vài mảnh gốm mang yếu tố Đồng Đậu.
Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà, dù diện tích khá hạn chế, song đợt khai quật này vẫn thu được số lượng di vật khá đa dạng, từ di vật đá, di vật đồng đến di vật gốm, chủ yếu là các loại công cụ sản xuất, như rìu, bôn, đục, bàn mài…; đồ trang sức là các mảnh vòng tay bằng đá ngọc màu xanh, màu trắng; cùng nhiều mảnh đồ gốm có trang trí hoa văn khuôn nhạc hình sóng nước, hoa văn chữ S, hoa văn chấm dải, văn in cuống rạ…
Dựa trên di vật có thể thấy niên đại tương đối của di tích nằm trong thời đại kim khí, niên đại sớm thuộc văn hóa Phùng Nguyên giai đoạn điển hình, phát triển qua giai đoạn Đồng Đậu muộn và Gò Mun. Khung niên đại tuyệt đối cách ngày nay khoảng 3800 - 3000 năm. Tính chất của di tích được xác định là di tích cư trú, có hoạt động chế tác công cụ đá. Tuy vậy, tính chất xưởng chưa thực sự rõ ràng.
Như vậy, di tích đồi Đồng Dâu là một trong những di tích khảo cổ học quan trọng ở Hà Nội, góp phần quan trọng chứng minh sự hiện diện, tụ cư và phát triển trong thời đại kim khí ở Hà Nội. Niên đại khoảng 3800-3000 năm cách ngày nay.
Cũng theo Bảo tàng Hà Nội, Di chỉ đồi Đồng Dâu là một trong những di tích khảo cổ học quan trọng ở Hà Nội, góp phần chứng minh sự hiện diện, tụ cư và phát triển trong thời đại kim khí ở Hà Nội.
Đây là di tích có thời gian cư trú dài với tầng văn hoá dày cùng nhiều giai đoạn phát triển liên tục từ Phùng Nguyên đến Gò Mun và có mộ Đông Sơn. Mật độ cư trú dày đặc tập trung ở sườn phía Nam của đồi.