Văn hóa – Di sản

Phan Huy Thực – người dịch Tỳ Bà Hành , nhà thơ Nôm tiêu biểu của dòng văn Phan Huy

Tạ Ngọc Liễn - Hoàng Thị Ngọ 21/11/2023 16:10

Ở Việt Nam thời xưa, Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị (772 - 816, đời Đường) từng được một số người dịch ra Nôm. Ví dụ, trong thi tập của Phạm Nguyễn Du (1739 - 1788) Thạch Động tiên sinh thi tập, có chép một bản Quốc âm diễn Tỳ bà hành. Hoặc bản dịch Tỳ bà hành của Phan Văn Ái (1850 - ?)... Nhưng bản dịch nổi tiếng, quen thuộc nhất từ trước tới nay vẫn là bản được ghi nhận là của Phan Huy Vịnh. Thực ra, đó là một nhầm lẫn cần được làm sáng tỏ để trả lại cho văn học sử đúng tên tuổi nhà dịch thuật ưu tú kia.

ty-ba-hanh.jpg
Tranh minh họa tác phầm Tỳ bà hành.

Gần đây, trong quá trình tìm hiểu về dòng văn Phan Huy, chúng tôi được đọc một số tài liệu chính xác, như gia phả họ Phan, di cảo thơ văn của Phan Huy Thực... và xác nhận rằng người dịch Tỳ bà hành không phải Phan Huy Vịnh, mà là Phan Huy Thực, thân phụ của Phan Huy Vịnh.

Phan Huy Thực là con trai thứ hai Phan Huy Ích, là anh Phan Huy Chú. Còn Phan Huy Vịnh là con trưởng Phan Huy Thực. Trong cuốn Phan gia thế phả, phần chép về Phan Huy Thực, viết: “Trước tác (của ông) có Hoa thiều tạp vịnh, khúc diễn âm Tỳ bà hành, bài Nhân ảnh vấn đáp. Ngoài ra còn có các bài tấu nghị về việc chế định điển lễ, nhạc khúc và văn chương thù ứng khá nhiều nhưng nay thất lạc không còn”...

Phần chép về Phan Huy Vịnh, Phan gia thế phả viết: “Tự Hàm Phủ, hiệu Sài Phong, sinh ngày 25 tháng giêng năm Tân Dậu (1801), đời Cảnh Thịnh (1793 - 1801), đỗ cử nhân đời Minh Mệnh... Thơ có Nhân trình tùy bút tập”.

Như vậy, ở gia phả dòng họ Phan Huy không nói Phan Huy Vịnh dịch Tỳ bà hành. Cuốn Phan gia thế phả này do Phan Huy Dũng, cháu nội Phan Huy Thực viết (tiếp nối cuốn Phan tộc công phả của Phan Huy Quýnh). Vì vậy Phan gia thế phả là một tài liệu đáng tin cậy. Đi tìm đọc lại các sách, báo trước đây có in bản dịch Tỳ bà hành, chúng ta thấy đều ghi Phan Huy Vịnh dịch, nhưng tất cả không cho biết xuất xứ căn cứ vào đâu để khẳng định dịch giả Tỳ bà hành là Phan Huy Vịnh? Chẳng hạn, trong Văn đàn báo giám, soạn giả Trần Trung Viên viết: “Phan Huy Vịnh... có soạn Sứ trình tùy bút bằng chữ Nôm và dịch bản Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị”.

Trên thực tế, Phan Huy Vịnh không có tập Sứ trình tùy bút bằng Nôm. Ông chỉ có Nhân trình tùy bút tập bằng chữ Hán, làm khi đi sứ sang nhà Thanh năm Tự Đức thứ 6 (1853).

Cụ Trần Văn Giáp trong Lược truyện các tác gia Việt Nam viết: “Tương truyền ông (Phan Huy Vịnh) là dịch giả bài Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị" (1962).

Năm 1971, khi tái bản Lược truyện các tác gia Việt Nam, tác giả viết ở phần nói về Phan Huy Thực: “Ông còn là dịch giả bài hát Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị”. Nhưng ở đây, cụ Trần Văn Giáp cũng không cho biết trên cơ sở nào đã đi tới sự khẳng định khác trước như vậy.

Tóm lại, trong hơn nửa thế kỷ qua, Phan Huy Vịnh mặc nhiên được coi là người dịch Tỳ bà hành, dẫu rằng đó chỉ là sự “tương truyền” không có cơ sở khoa học xác minh. Và chính sự “tương truyền” thiếu cứ liệu này đã đưa đến tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Ngày nay, nhờ có những tư liệu mới được phát hiện, chúng ta đã có thể khẳng định: dịch giả bản dịch danh tiếng Tỳ bà hành là Phan Huy Thực. Đồng thời, cũng qua những tài liệu đó, đặc biệt là một số di cảo thơ văn của Phan Huy Thực còn bảo lưu được, chúng ta biết: ông không chỉ là người dịch Tỳ bà hành, mà còn là một nhà thơ Nôm đáng chú ý trong nền văn học cổ Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX.

Theo Phan gia thế phả, Phan Huy Thực tự là Vị Chỉ, hiệu Xuân Khanh, thụy là Trang Lương. Ông sinh năm Cảnh Hưng thứ 39 (1779), mất năm 1846, thọ 67 tuổi.

Phan Huy Thực ngay từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, học giỏi.

Dưới thời Gia Long, năm 1813, trong khi Phan Huy Thực đang đi thi Hương thì nhờ có Phan Đăng Hưng tiến cử, ông được gọi vào Huế làm ở Hàn lâm viện. Năm 1817 (Gia Long thứ 16), Phan Huy Thực được cử làm phó sứ sang Trung Quốc. Khi trở về làm chức Thiêm sự ở Bộ Lễ rồi được điều làm Hiệp trấn Lạng Sơn. Sau lại được gọi về làm việc trong Bộ Lễ. Dần dần Phan Huy Thục được thăng tới chức Thượng thư (năm 1828). Trong quá trình làm quan, Phan Huy Thực từng được giao việc cai quản Khâm thiên giám (cơ quan làm lịch và thiên văn), làm Tổng tài biên soạn bộ Thực lục. Theo sách Đại Nam thực lục, năm 1833, Minh Mệnh sai Phan Huy Thực làm Tổng tài soạn bộ Thực lục và tới năm 1837 thì ông dâng cho Minh Mệnh bản thảo bộ Thực lục. Đặc biệt, Phan Huy Thực rất giỏi âm nhạc và điển thức nghi lễ. Ông đã có nhiều đóng góp vào việc chế tác nhạc khúc và định ra điển lễ ở triều đình đương thời. Minh Mệnh đã có lần ban dụ khen rằng: “Văn học mạc như Quyền, chính sự mạc như Phiên, quốc gia điển lễ tác nhi Phan Huy Thực bất khả” (Văn học không ai bằng Hà Tông Quyền, chính sự không ai bằng Hà Duy Phiên, còn điển lễ quốc gia nếu không có Phan Huy Thực thì không ai làm nổi)...

Ngoài ra, Phan Huy Thực còn tham gia làm giám thị và đọc quyển một số khoa thi Hương, thi Hội. Nói chung, Phan Huy Thực là người có vốn hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vực tri thức, văn hóa như: âm nhạc, thiên văn, lịch pháp, giáo dục, văn học, điển lễ...

Về đức hạnh, Phan Huy Thực là người thanh liêm, sống giản dị và thẳng thắn. Mặc dù làm quan tới Thượng thư, song Phan Huy Thực vẫn tỏ ra khiêm nhường, có đức độ, tiết tháo. Trong Đại Nam thực lục (chính biên) còn chép lại nhiều cuộc đối thoại giữa Minh Mệnh với Phan Huy Thực, qua đây phần nào đã phản ánh rõ trí tuệ và bản lĩnh của Phan Huy Thực: ông luôn luôn nói thẳng những suy nghĩ của mình đối với vua, không hạ mình cầu cạnh lợi lộc. Chính vì có tài năng và có đạo đức như vậy nên Phan Huy Thực được nhiều người đương thời khen ngợi, trong đó có những danh sĩ như Cao Bá Quát, Hà Tông Quyền...

Trong một bài phú làm tặng Phan Huy Thực khi ông về hưu ở Sài Sơn (Phan Thượng thư qui Sài nham phú), Cao Bá Quát có viết: “Khuê nhạc danh công, văn chương thế mỹ..”. Nghĩa là:

Văn chương làm đẹp cho đời,

Thụy Khuê đất núi có người nổi danh.

Tiếc rằng các tác phẩm văn chương của Phan Huy Thực đã bị mất mát hầu hết, hiện giờ còn lại chủ yếu chỉ có thơ chữ Hán: Sứ trình tạp vịnh, thơ chữ Nôm: Nhân ảnh vấn đáp, Nhân nguyệt vấn đáp và bản dịch Tỳ bà hành. Ngoài ra còn một số bài văn xuôi tấu nghị... nằm tản mát ở một vài văn tập trong kho sách Hán Nôm. Tuy nhiên qua phần thi cảo còn giữ được, chúng ta thấy Phan Huy Thực là một nhà thơ có tấm lòng đằm thắm yêu thương đối với cuộc sống con người, đối với cảnh vật thiên nhiên, nhất là đối với quê hương làng xóm ở Sài Sơn.

Phan Huy Chú, trong Lời bạt viết cho cuốn Sứ trình tạp vịnh của Phan Huy Thực làm khi đi sứ Trung Quốc, có nhận xét: “Thơ của ông anh tôi nói chung tình cảm lâm ly, làm ra trong lúc ngắm nhìn sóng khói trên đầm Vân Mộng, trên sông Hán, sông Tương, cảnh sắc của lầu Hoàng Hạc, lầu Nhạc Dương, cùng với các dấu tích đẹp của cảnh hưng phế ở đất Trung Hoa và chỗ du thắng phồn lệ ở Yên Kinh. Ngọn bút miêu tả (những cảnh vật ấy) cứ như hiện lên trước mắt vậy”...

Nhận xét của Phan Huy Chú rất đúng. Thơ Phan Huy Thực có những bài tả cảnh vừa đẹp vừa sống động. Chẳng hạn trên đường đi sứ, qua sông Lô, Phan Huy Thực làm bài Độ Lô giang, có những câu:

Thiều thiều thư kiếm sự trường chinh,

Tài hưởng Long Biên hựu khởi hành.

Lô thủy đông biên bát thiên lý,

Giang sơn đảo xứ thái quang sinh.

(Gươm, sách rong ruổi phục vụ cuộc trường chinh,

Vừa tới Long Biên đã lại khởi hành.

Nước Lô Giang bên đông đến tám ngàn dặm,

Núi sông tới chỗ này ánh sáng rực rỡ phát ra)

Sở trường thơ chữ Hán của Phan Huy Thực là tả cảnh. Nhưng nói cảnh cũng là để nói tình. Đọc thơ chữ Hán của Phan Huy Thực chúng ta nhận thấy ở ông có một nỗi niềm trăn trở, một sự hoài vọng, với những suy tưởng mênh mang trước bao cuộc biến đổi, phế hưng của lịch sử xưa, sau:

Nhất diệp cô phàm Nhị thủy my,

Du du kim cổ duyệt hưng suy.

Ti đà vãn thụ vân trường miếu,

Thúy yểm tàn hoa my cổ tì (từ).

(Thủy thanh u)

(Một chiếc thuyền cô đơn giữa dòng sông Nhị,

Mênh mang xem sự hưng vong xưa nay.

Tơ buông rủ cây chiều, mây giăng ngang trên miếu,

Màu biếc che hoa tàn làm đẹp ngôi đền thanh thản)

Phan Huy Thực cũng như Phan Huy Chú đều kế thừa được ở Phan Huy Ích khuynh hướng “thơ ghi việc” (kỷ sự). Vì thế trong thơ Phan Huy Thực thường có nhiều chuyện, nhiều cảnh cụ thể. Đó là những chuyện, những cảnh xảy ra trong cuộc đời ông và được ông đưa vào thơ, làm cho thơ ông không rơi vào nhàm chán trong khuôn sáo công thức, ước lệ của lối thơ ngâm vịnh nhàn tản lúc “trà dư tửu hậu”.

Nhưng nói tới Phan Huy Thực, dịch giả Tỳ bà hành, trước hết là nói tới một nhà thơ Nôm.

Chúng ta đều thừa nhận, ngọn bút dịch Tỳ bà hành quả là ngọn bút tài ba về thơ Nôm. Song, chẳng lẽ một người Nôm giỏi như vậy lại chỉ có duy nhất một dịch phẩm trong đời? Với Nhân ảnh vấn đápNhân nguyệt vấn đáp, đã giúp chúng ta xác định rõ ngoài bản dịch Tỳ bà hành, Phan Huy Thực còn sáng tác nhiều thơ Nôm và qua một số ít còn giữ được (như hai tác phẩm vừa kể) đủ chứng tỏ ông là một nhà thơ Nôm có tài.

Nhân ảnh vấn đápNhân nguyệt vấn đáp Phan Huy Thực làm trong thời gian ở trong Kinh giữ chức Hàn lâm.

Nhân ảnh vấn đáp viết theo thể lục bát, dài 190 câu.

Nhân nguyệt vấn đáp viết theo thể song thất lục bát, dài 60 câu.

Nhân ảnh vấn đáp là một cuộc đối thoại giữa người và bóng. Qua cuộc đối thoại tưởng tượng này, Phan Huy Thực bày tỏ những cảm xúc và suy nghĩ của mình về bước đường công danh, về hoàn cảnh sinh hoạt ở nơi lữ thứ và nông nỗi xa cách những người thân trong gia đình. Phần này có nhiều câu thơ rất chân thực, có sức rung động sâu sắc. Nhà thơ nhớ đến cha mẹ già:

Tuổi già đứng cửa xa trông,

Mà ta ngầm ngập bụi hồng bấy nay.

Ngọt bùi biết lấy chi đây,

Chẳng qua thỉnh thoảng đường mây đưa lời....

Nhớ đến vợ:

Sung giền giữ mãi một mùi,

Mà ta kiển bộ lụy người tao khang.

Đìu hiu bốn bức gió sương,

Phòng khuê vò võ tay mang tay bồng...

Đó là người vợ trẻ, người vợ đã từng chia sẻ cơm sung cháo giền với nhau. Ta mải bước vào đường công danh khấp khểnh (kiển bộ) để lụy đến người vợ tấm cám (tao khang), khiến nàng phải sống “đìu hiu”, “vò vỡ”... Lời thơ thương cảm và có phong vị dân gian.

Nhớ đến con, nhà thơ lo lắng “đứa anh” không biết có chăm học hay không. Lại nghĩ đến hình ảnh “đứa em”:

Đứa em măng sữa lại càng,

Khi đi chỉ một lên đường theo cha.

Vó câu khi trở lại nhà,

Ắt nay nhìn mặt nó đà quên tôi.

Tả đứa bé nằng nặc đòi đi theo bố và nghĩ rằng nó có thể quên mặt bố khi bố trở về, thì thơ thực biết bao và mới biết bao.

Nhân nguyệt vấn đáp là cuộc đối thoại giữa người và trăng khá trau chuốt và bay bổng./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Trần Nhật Duật – võ tướng đa tài
    Trần Nhật Duật sinh năm Ất Mão (1255) tại kinh thành Thăng Long trong gia đình hoàng tộc nhà Trần. Ông là con thứ 16 của vua Trần Thái Tông và hoàng hậu Thuận Thiên, em trai vua Trần Thánh Tông và Thượng tướng thái sư Trần Quang Khải.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Chính sách vượt trội đưa Hà Nội trở thành trung tâm của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao
    Một trong những chính sách mới trong Luật Thủ đô (sửa đổi) được nhiều chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao, đó là Luật Thủ đô đã có các chính sách mới, ưu tiên và đặc thù về phát triển giáo dục và đào tạo, từ đó đưa Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.
  • “Chuyện người Hà Nội”: Phác thảo chân dung người Hà Nội tử tế
    Người Hà Nội từ lâu đã trở thành một danh xưng, tuy nhiên hiểu về danh xưng ấy là một điều không dễ. Đã có nhiều tác phẩm đi sâu khai thác, làm nổi bật khái niệm người Hà Nội từ ngôn ngữ ăn nói, nếp sống thị dân lâu đời, cung cách ăn mặc, ứng xử... “Chuyện người Hà Nội” (NXB Văn học, 2024) là một trong số đó. Qua những câu chuyện, ghi chép nhân văn, cuốn sách góp phần phác họa sắc nét bức chân dung về người Hà Nội tử tế.
  • Tạo cơ hội - giá trị - tầm nhìn mới trong phát triển Thủ đô
    Năm 2024 đánh dấu hành trình 70 năm phát triển Thủ đô kể từ ngày giải phóng. Bên cạnh những thành tựu thì những thời cơ và thách thức cũng đã đặt ra những yêu cầu mới đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố. Để tạo cơ hội mới, giá trị mới, tầm nhìn mới trong phát triển Thủ đô, thời gian qua, thành phố đã tập trung cho một trong những nhiệm vụ quan trong là lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với kỳ vọng phác họa rõ nét diện mạo Thủ đô trái tim của cả nước trong tương lai gần và 20 năm tiếp theo. Một quy hoạch chiến lược, hoạch định sự phát triển toàn diện của Thủ đô Hà Nội trong tương lai đã được xây dựng chứa đựng đủ đầy tình yêu, tâm huyết và khát vọng của đất và người Hà Nội hôm nay.
  • Ra mắt sản phẩm Bamboo Pro thân thiện với làn da nhạy cảm của bé
    Công ty Tre Việt chính thức ra mắt dòng sản phẩm bỉm Bamboo Pro. Sản phẩm được chế tạo từ sợi tre kháng khuẩn tự nhiên, thân thiện với làn da nhạy cảm của bé.
  • Sách của nữ nhà văn Han Kang vừa đoạt giải Nobel "cháy hàng"
    Theo Hãng tin Yonhap, các nhà điều hành hiệu sách cho biết kể từ ngày 10/10 đến chiều 13/10, họ đã bán khoảng 530.000 bản sách của tác giả Han Kang.
Đừng bỏ lỡ
  • Đề nghị công nhận ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là bảo vật quốc gia
    UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Bộ VHTT&DL xem xét, báo cáo Hội đồng thẩm định hiện vật trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia cho ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”.
  • Hà Nội nhận giải thưởng “Thành phố ẩm thực hàng đầu thế giới”
    Giải thưởng Ẩm thực thế giới (World Culinary Awards) lần thứ 5 đã chính thức công bố danh sách giải thưởng năm 2024. Thủ đô Hà Nội giành 2 giải thưởng “Thành phố ẩm thực hàng đầu thế giới” và “Thành phố ẩm thực hàng đầu châu Á”.
  • Hơn 100 nghệ sĩ trong nước và quốc tế tham dự "Tuần lễ Múa Việt Nam 2024"
    Diễn ra từ 13 - 15/10, "Tuần lễ Múa Việt Nam 2024" có sự tham dự của 8 đoàn nghệ thuật với hơn 100 nghệ sĩ, trong đó có cả các nghệ sĩ đến từ Thuỵ Điển, Nhật... đây là sân chơi nhằm tôn vinh nghệ thuật múa trong bối cảnh phát triển chung đa chiều và toàn cầu hóa.
  • Bên cây lộc vừng Hồ Gươm
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Bên cây lộc vừng Hồ Gươm của tác giả Nguyễn Thanh Kim nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024)
  • 70 năm văn học Thủ đô nhìn từ thế hệ và thành tựu
    Hội Nhà văn Hà Nội hiện nay có gần 700 hội viên thuộc các ngành sáng tác thơ, văn, lý luận phê bình, dịch thuật và khảo cứu. Chưa có một thống kê cụ thể và đầy đủ số lượng các nhà văn chuyên môn hóa sáng tác khi lựa chọn thể loại văn học nhưng ước tính thì số người làm thơ và viết văn xuôi là không bên nào áp đảo bên nào. Nói hình ảnh thì thơ và văn xuôi là hai dòng chủ lưu thao thiết chảy tạo nên diện mạo cũng như khí sắc văn học Thủ đô trong vòng bảy thập kỷ qua (1954-2024). Đặc điểm của đội ngũ nhà văn Hà Nội thường là “2 trong 1” (vừa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội). Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi Hà Nội là Thủ đô với ưu thế tập trung tinh hoa, hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật của cả nước. Tạo tác nên thành tựu văn học Thủ đô qua các chặng đường văn từ 1954 - 2024 là sự nỗ lực của các thế hệ nhà văn, theo quy luật tre già măng mọc.
  • [Podcast] Ô Quan Chưởng – Cửa ô duy nhất còn lại của kinh thành Thăng Long
    Ô Quan Chưởng là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm ở phía Đông của toà thành đất bao quanh Kinh thành Thăng Long, được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), đến năm Gia Long thứ ba (1817) được xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay. Đây là một trong 21 cửa ô còn sót lại của thành Thăng Long cũ, là di tích đã được xếp hạng năm 1995. Ngày nay hầu hết các cửa ô khác chỉ còn lưu lại địa danh sau này trở thành tên gọi của phường phố như Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Giấy ….
  • Chuyện ở hàng nước mắm
    Những năm 1958 - 1959, Hà Nội chưa bước vào nền kinh tế bao cấp, các cửa hàng tư nhân lâu đời vẫn hoạt động buôn bán ở khắp các phố phường. Dạo ấy, tôi đã bảy, tám tuổi nên thường được bà ngoại và mẹ sai đi mua những đồ lặt vặt cho gia đình.
  • “Hồi sinh” ở di tích lịch sử cấp Quốc gia A So Airport
    Sau khi được khắc phục hậu quả chất độc hóa học, khu vực sân bay A So (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) đã đảm bảo an toàn và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
  • Chiều 14/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội sẽ đối thoại với thanh niên
    Trong các ngày 14 và 15/10 sẽ diễn ra Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Thủ đô Hà Nội lần thứ 8, nhiệm kỳ 2024 - 2029 tại Hà Nội với sự tham dự của 400 đại biểu thanh niên ưu tú đại diện cho các tầng lớp thanh niên.
  • Ba Vì miền mây thẳm
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Ba Vì miền mây thẳm của tác giả Nguyễn Việt Chiến nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Phan Huy Thực – người dịch Tỳ Bà Hành , nhà thơ Nôm tiêu biểu của dòng văn Phan Huy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO