Phan Huy Ích – danh sĩ thời Tây Sơn
Trong số các danh sĩ Bắc Hà ra phục vụ triều Tây Sơn và có những đóng góp tích cực cho thời đại thì sau Ngô Thì Nhậm, người ta kể tới Phan Huy Ích.
Phan Huy Ích hiệu là Dụ Am, sinh năm 1751 tại làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, tỉnh Nghệ An. Khi lớn lên, Phan Huy Ích theo cha là tiến sĩ Phan Huy Cận chuyển cư ra làng Thụy Khê, huyện Thạch Thất, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội) và từ đó mở đầu một dòng họ văn chương nổi tiếng Phan Huy.
Phan Huy Ích là học trò Ngô Thì Sĩ, rồi lấy con gái Ngô Thì Sĩ và sau có lẽ vì chịu ảnh hưởng tư tưởng của anh vợ là Ngô Thì Nhậm mà Phan Huy Ích đã đi theo Tây Sơn. Dưới thời Lê - Trịnh, Phan Huy Ích thi Hương, thi Hội, thi Đình đều đỗ đầu và từng được giữ chức Đốc đồng Thanh Hóa, Thiêm sai tri hình ở phủ Chúa, Đốc thị Nghệ An kiêm Tán lý quân vụ Thanh Nghệ. Trong cuộc đời làm quan dưới thời Lê - Trịnh có một sự kiện khá thú vị xẩy ra với Phan Huy Ích. Đó là vào cuối năm 1786, Phan Huy Ích được Án Đô vương Trịnh Bồng cử đánh Nguyễn Hữu Chỉnh, Phan Huy Ích hăng hái sai làm một chiếc trống trận thật to và nói rằng sẽ bắt được Hữu Chỉnh rồi chọc thủng mặt trống nhét Chỉnh vào trống khiêng về. Nhưng kết cục Phan Huy Ích đã bị Nguyễn Hữu Chỉnh bắt sống. May nhờ có người quen xin với Chỉnh, Chỉnh mới tha cho. Nguyễn Hữu Chỉnh bảo: “Cái bộ thầy đồ nói khoác, giết cũng vô ích”.
Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, Phan Huy Ích được tiến cử và ông được Nguyễn Huệ phong chức Tả thị lang Bộ Hộ, tước Thụy Nham hầu. Năm 1789, sau chiến thắng quân Thanh, Phan Huy Ích từ Phú Xuân được gọi ra Bắc thành cùng Ngô Thì Nhậm làm công việc ngoại giao với nhà Thanh. Năm 1790, Phan Huy Ích được cử vào đoàn sứ bộ hộ tống vua Quang Trung giả sang Trung Quốc, khi về, ông được thăng Thị trung ngự sử ở tòa Nội các. Năm 1800, ông và Ngô Thì Nhậm bị Nguyễn Ánh bắt giam rồi cùng bị đem ra Văn Miếu đánh đòn. Sau Phan Huy Ích được tha về. Từ đó đến năm Phan Huy Ích qua đời (1822), ông khi thì ở Sài Sơn, khi thì về Thiên Lộc dạy học...
Phan Huy Ích viết nhiều, để lại một khối lượng tác phẩm khá lớn. Về thơ, ông có các tập Nam trình tạp vịnh, Vân sơn khiển hứng, Cẩm trình kỷ hứng, Thang châu lữ hứng, Tinh sà kỷ hành, Cúc thu bách vịnh, Nam trình tục tập, Vân du tùy bút... Các tập thơ này đến cuối đời được Phan Huy Ích sai con cháu thu thập lại thành một tập đặt tên là Dụ Am ngâm lục. Về văn, Phan Huy Ích viết đủ các loại biểu, chiếu, tấu, thư, trát, văn tế, tựa bạt, văn chuông... được tập hợp trong bộ Dụ Am văn tập khoảng 400 bài, trong đó có hàng trăm bài về bang giao. Phan Huy Ích có bài thơ Tân diễn Chinh phụ ngâm khúc thành ngẫu thuật (Bài thơ ngẫu thuật làm khi mới diễn Nôm xong Chinh phụ ngâm khúc). Một số nhà nghiên cứu cho rằng Phan Huy Ích là một dịch giả của Chinh phụ ngâm khúc.
Trong văn học thời Tây Sơn, sau Ngô Thì Nhậm có lẽ Phan Huy Ích là người viết văn chính luận xuất sắc hơn cả. Những văn kiện bang giao do Phan Huy Ích viết đã phản ánh được đường lối đối ngoại khôn khéo vừa giữ được tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường vừa thể hiện được tính thiện chí, khiêm nhường, yêu chuộng tình hóa hiếu lân bang của triều Tây Sơn đối với nhà Thanh. Cùng với Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích đã góp phần không nhỏ vào những thắng lợi trên mặt trận ngoại giao của triều Tây Sơn, đồng thời với những bài biểu, những thư từ ngoại giao được soạn thảo tinh tế, minh bạch và hùng biện, Phan Huy Ích đã để lại cho đời sau một di sản văn học ngoại giao quý giá.
Phan Huy Ích sáng tác hàng nghìn bài thơ nhưng hiện giờ chỉ còn lưu giữ được khoảng sáu trăm bài. Đề tài trong thơ Phan Huy Ích rất phong phú và thơ ông nói chung có một cốt cách riêng khá rõ, được các danh sĩ đương thời đánh giá cao. Thí dụ trong lời tựa viết cho tập thơ Tinh sà kỷ hành Phan Huy Ích sáng tác trong thời gian đi sứ Trung Quốc, Trần Bá Lãm nhận xét: “Thơ ông ôn hòa, trang nhã, âm tiết thanh tao mà đẹp đẽ, thành phong cách của một đại gia trác việt”.
Tính cách ôn hòa, trang nhã là đặc điểm nổi bật ở thơ Phan Huy Ích. Viết về cuộc đại bại của Tôn Sĩ Nghị năm Kỷ Dậu (1789), Phan Huy Ích không dùng những câu chữ quá mạnh mẽ, mà ông chỉ điềm đạm hạ bút: Sơ văn Tôn Tổng đốc thoái sư Xương Giang ngẫu phú (Mới nghe tin Tổng đốc họ Tôn lui quân về thành Xương Giang, ngẫu nhiên làm thơ) với những câu như:
Vạn lý chinh huy viễn xuất cương,
Phù điên bài nạn điện nam hoang.
Nghĩa thanh trực túc khu xuyên nhạc,
Nhung mạc hà lao ngọa tuyết sương.
Phục quốc quân thần câu ngoạn yết,
Độ kiều nhân mã tối thương hoàng.
Khả lân sổ vạn thành biên cốt,
Oán khí tùy phong quá Thọ Xương.
(Muôn dặm cờ binh trỏ xuất cương,
Rằng phò nguy cấp, định Nam phương.
Nghĩa cao ví đủ kêu sông núi,
Màn soái cần chi giãi tuyết sương.
Phục quốc vua tôi đều biếng nhác,
Qua cầu người ngựa xiết kinh hoàng.
Đáng thương mấy vạn xương ngoài lũy,
Theo gió hồn bay đến Thọ Xương)
(Đào Phương Bình dịch)
Thơ Phan Huy Ích giàu chất “kỷ sử” (ghi việc) và đó cũng là một đặc điểm, một phong cách của ông. Ở mỗi bài thơ, Phan Huy Ích thường có lời “nguyên dẫn” nói rõ hoàn cảnh cụ thể làm bài thơ đó. Vì vậy thơ của ông dù diễn tả một cảnh vật hay một sự việc cũng đều chứa đựng nội dung thực mà nhà thơ từng thấy, từng rung cảm. Qua thơ Phan Huy Ích, chúng ta được biết nhiều điều, nhiều cảnh cách đây hơn 200 năm mà ít sách vở khác nói đến, như kiểu quần áo của phụ nữ Trung Quốc từ Quế Lâm trở xuống mặc rất giống áo phụ nữ nước ta vùng Lạc Sơn (Hòa Bình). Họ không có tục bó chân, thích ngồi câu cá trên sông. Đê ở Thượng Cát (Bắc Từ Liêm) vỡ, nước ngập lụt như thế nào. Nhà ở của Thái sư Bùi Đắc Tuyên nằm tại vị trí nào bên sông Hương, Văn Miếu ở Phú Xuân quy mô và bài trí ra sao...
Khi Quang Trung mất, Phan Huy Ích có làm bài thơ Thu phụng quốc tang, cảm thuật (Mùa thu có quốc tang, cảm xúc thuật lại), trong đó ông giãi bày tình cảm buồn thương của mình:
Hồng thiên thủy dự đăng luân các,
Long khứ hà kham vọng Đinh Hồ.
Tao tế cơ duyên nan tái đắc,
Tùng kim cơ lữ nhạn thần cô.
(Tung mây hồng mới lên hoàng các,
Lánh tục rồng bày ngóng Đỉnh Hồ.
Duyên phận gặp Người khôn thấy nữa,
Đời thần giống chiếc nhạn đơn côi)
(Đào Phương Bình dịch)
Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội