Nữ đạo diễn thiết tha với nghề, với đời
Trong đội ngũ đạo diễn của thời kỳ Đổi mới, Việt Linh nổi lên như một nữ đạo diễn tài năng, bản lĩnh, có chính kiến và cá tính sắc sảo. Nhà nghiên cứu điện ảnh người Anh, Carrie Tarr đã nhận định về Việt Linh rằng: “Có thể coi Việt Linh - nữ đạo diễn, tác giả những bộ phim tầm cỡ quốc tế - là một hiện tượng của điện ảnh Việt Nam. Cuộc đời của bà trải dài theo lịch sử thăng trầm của xứ sở, từ thời kỳ chiến tranh đến khi giành được độc lập”(1).
Dấu ấn sáng tạo
Đạo diễn Việt Linh (Nguyễn Việt Linh) sinh năm 1952, tại Sài Gòn. Việt Linh bắt đầu bước chân vào điện ảnh từ những năm 1970, với vai trò dựng phim tài liệu ở Xưởng phim Giải Phóng. Sau đó, bà theo học khóa quay phim trung cấp ở chiến khu rồi làm biên tập - biên kịch phim tài liệu tại Xí nghiệp phim Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. Bước ngoặt trong sự nghiệp của Việt Linh chỉ bắt đầu khi bà được cử sang Liên Xô (cũ) học đạo diễn tại trường điện ảnh danh tiếng VGIK. Sau 6 năm được đào tạo bài bản về nghề (1979 - 1985), Việt Linh về nước và chỉ năm sau đã cho ra mắt bộ phim đầu tay: “Nơi bình yên chim hót” (1986). Tiếp đó, bộ phim thứ 2 - “Phiên tòa cần chánh án” (1987) bước đầu đánh dấu thành công của Việt Linh bằng giải đặc biệt tại LHP Việt Nam 1987. Nhưng phải đến bộ phim “Gánh xiếc rong” (1988), tài năng của Việt Linh mới được khẳng định cả ở trong và ngoài nước. Bộ phim đã gặt hái hàng loạt giải thưởng trong và ngoài nước.
Đây cũng là bộ phim đầu tiên của Việt Nam được phát hành thương mại chính thức trên thế giới. Sau thành công vang dội ấy, Việt Linh làm tiếp bộ phim video “Một cuộc đời bị đánh cắp” (1989) nhưng không được nhiều người biết đến. Năm 1992 đánh dấu sự trở lại đầy phong độ của nữ đạo diễn bằng bộ phim “Dấu ấn của quỷ”, đoạt giải Đặc biệt LHP Việt Nam 1993 và giải Đặc biệt của Ban giám khảo LHP Châu Á - Thái Bình Dương (Fukuoka - Nhật Bản). Những năm sau này, Việt Linh làm phim thưa hơn nhưng đều là những bộ phim có tiếng vang. Có thể kể tới phim “Chung cư” (1998) “Mê Thảo - thời vang bóng” (2002).
Bên cạnh việc làm phim, Việt Linh còn tích cực tham gia viết và chủ biên ấn bản “Tủ sách điện ảnh” (Nxb Văn hóa Sài Gòn), ra mắt gần chục đầu sách góp phần đáp ứng nhu cầu tìm hiểu môn nghệ thuật thứ 7 của đông đảo người hâm mộ. Chính những cuốn sách, bài báo cũng thể hiện nỗi lòng đau đáu, trăn trở với những khó khăn, bất cập và cả niềm hi vọng vào một sự khởi sắc của điện ảnh nước nhà. Nó như một chiếc cầu nối để Việt Linh san sẻ với độc giả, không chỉ những kiến thức phong phú về điện ảnh mà còn cả tấm lòng thiết tha với nghề, với đời. Việt Linh tâm sự: “Viết báo, làm phim hay làm bất kỳ công việc nào khác với tôi đều giống nhau về ý nghĩa đóng góp cho xã hội. Mỗi bài viết với tôi, dù lĩnh vực nào, đều thể hiện cái nhìn. Ở chỗ này phim và báo giống nhau. Và đó là sự giống nhau căn bản để tôi thấy yêu thích cả hai công việc như nhau”(2).
Dù làm phim hay viết báo, biên soạn sách về điện ảnh, Việt Linh vẫn luôn dồn hết niềm đam mê, nhiệt huyết của mình vào công việc. Nhưng trước hết, Việt Linh vẫn là một đạo diễn, và chỉ ở vai trò này bà mới bộc lộ toàn vẹn và sâu sắc tài năng, tâm huyết của một người nghệ sĩ.
Trăn trở trước đổi thay của con người và thời cuộc
Trong ba bộ phim “Nơi bình yên chim hót”, “Phiên tòa cần chánh án” và “Chung cư”, Việt Linh đã phản ánh trực diện những biến đổi của con người và xã hội Việt Nam thời hậu chiến. Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam sau chiến tranh với nhiều biến động, con người không còn sống vì cái chung mà trở nên ích kỉ, tính toán cho bản thân và vô tâm với người khác. Tác giả nêu lên hiện tượng xã hội như để cảnh tỉnh sự nhen nhóm của thói đạo đức giả và thực dụng ngày càng phổ biến trong thời bình. Đi sâu vào những biểu hiện tinh vi của sự xuống cấp đạo đức cá nhân, tác giả cho thấy những biến chuyển của cả xã hội. Mỗi bộ phim là một góc độ phản ánh, thông qua những số phận, tính cách khác nhau.
Qua những bộ phim trên, Việt Linh đã thể hiện cái nhìn trực diện cũng như nỗi trăn trở trước những đổi thay, xuống cấp của đạo đức con người và những quan hệ xã hội. Bà phát hiện ra những vấn đề bản chất ẩn giấu rất sâu và khó thấy được trong tính cách con người như thói đạo đức giả, sự cơ hội, bàng quan, thực dụng… Những nhân vật của bà có thể là những người có địa vị và rất được trọng thị trong xã hội như cô giáo Thu (Nơi bình yên chim hót), người chồng phó giám đốc của Quỳnh Mai (Phiên tòa cần chánh án) hay những người cán bộ cách mạng mẫu mực đã chiến đấu bao năm trong chiến khu (Chung cư)… Bề ngoài họ là những mẫu người lý tưởng với lý lịch cá nhân hoàn hảo. Nhưng sâu bên trong, tác giả lại cho thấy họ đang bị tha hóa, đục ruỗng tâm hồn mà không hay biết. Nắm bắt được những biến đổi tinh vi của con người, từ đó đạo diễn cũng khái quát được sự vận động, chuyển mình của xã hội từ thời kỳ bao cấp - tập thể sang thời mở cửa - khi chủ nghĩa cá nhân sống dậy.
Định hình một phong cách sáng tác riêng
Việt Linh là một trong số không nhiều các đạo diễn ở Việt Nam hình thành được một phong cách riêng - tạm gọi là dòng “phim tác giả”. Nhà nghiên cứu Carrie Tarr đã nhận định: “Phim của Việt Linh là sự kết hợp độc đáo giữa chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tượng trưng và sự cường điệu”(3). Đây là một nhận xét tham khảo rất đáng suy nghĩ bởi nó đã nhắc tới những đặc trưng cơ bản nhất trong phong cách sáng tác của nữ đạo diễn này.
Sau hai bộ phim đề cập trực tiếp tới thực trạng con người và xã hội Việt Nam thời hậu chiến là “Nơi bình yên chim hót” và “Phiên tòa cần chánh án”, Việt Linh thực hiện tác phẩm thứ ba “Gánh xiếc rong” mang một hơi hướng mới lạ. Đây là một bộ phim “nửa hiện thực” - “một câu chuyện xảy ra từ ngày xửa ngày xưa nhưng được thể hiện dưới cái nhìn đương đại”(4), với bối cảnh là một buôn nghèo ở miền núi đang kỳ đói kém. Một gánh xiếc rong đến đó biểu diễn với mưu đồ kiếm vàng do người dân khai thác. Để lừa mị dân chúng hòng lấy vàng, tên chủ gánh xiếc đã bày ra trò ảo thuật: biến một chiếc gùi không thành một gùi đầy gạo. Những người dân đói khát và thật thà hoàn toàn tin vào trò bịp bợm ấy, ra sức đi tìm vàng nộp cho chúng để được xem “điều kì diệu”. Bộ phim kết thúc bằng cuộc bỏ trốn của gánh xiếc rong và sự tỉnh ngộ của dân bản khi hiểu ra rằng, chỉ có những gì do mình làm ra mới tồn tại lâu bền còn không thể trông chờ vào một phép màu hư ảo. Giá trị của bộ phim được thừa nhận cả ở trong và ngoài nước với hàng loạt giái thưởng cao quý, trở thành bộ phim đạt nhiều thành công nhất của Việt Linh.
Bộ phim “Dấu ấn của quỷ” là câu chuyện mang tính ngụ ngôn, biểu tượng về bi kịch của những người bị cả cộng đồng ruồng rẫy, xua đuổi. Cái “dấu ấn của quỷ” trên mình cô gái đã trở thành một biểu tượng của sự thành kiến, ngăn trở con người được hưởng quyền làm người bình thường, quyền được hạnh phúc. Bất cứ ai mang một dấu ấn khác thường, trái ngược với quan niệm và thói quen của cộng đồng đều bị xua đuổi, trừng phạt. Đó có lẽ cũng là ý nghĩa sâu xa mà tác giả muốn mượn câu chuyện ẩn dụ này để nói đến. Đạo diễn đã nâng tầm bộ phim trở thành một tác phẩm ngụ ngôn, giản dị mà thấm thía.
“Mê Thảo - thời vang bóng” cũng là tác phẩm đậm màu sắc triết lý về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, về sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới… Dựa theo truyện vừa “Chùa Đàn” của nhà văn tài hoa Nguyễn Tuân, các nhà làm phim đã nắm bắt được ý nghĩa sâu xa của nguyên tác để chuyển thành ngôn ngữ điện ảnh sống động. Truyện phim xoay quanh cuộc sống ở ấp Mê Thảo - một lãnh địa trù phú, yên ấm thuộc quyền cai quản của ông chủ Nguyễn. Nhưng sau cái chết của vị hôn thê do tai nạn xe hơi, cậu Nguyễn trở nên điên loạn vì đau khổ và thù ghét, phá bỏ tất cả những vật dụng của đời sống văn minh. Mọi sinh hoạt ở ấp Mê Thảo bị đình trệ, trở về thời kỳ lạc hậu, mông muội. Tất cả những người ở bên ngoài muốn vào ấp Mê Thảo đều bị khám xét và phải bỏ lại hết những đồ đạc “văn minh”. Bởi vậy, Mê Thảo càng thêm cô lập, chậm phát triển, đời sống của nhân dân trở nên khó khăn, túng quẫn. Mọi người dân đều bất bình và oán trách ông chủ ấp, chỉ vì nỗi bất hạnh của cá nhân mà làm cho dân chúng vô tội cũng phải khổ sở. Lời chiêm nghiệm của một người dân như nói hộ triết lý của bộ phim: “Từ xưa đến nay, chưa có ai quay ngược bánh xe mà trường tồn được!”. Qua đó, đạo diễn muốn khẳng định, sự bảo thủ, phủ nhận quy luật phát triển tất yếu của lịch sử sẽ dẫn đến sự huỷ diệt. Đây cũng là lời cảnh báo của tác giả về nguy cơ độc đoán, mù quáng sai lầm của người đứng đầu có thể kéo cả cộng đồng tới bờ vực của sự diệt vong.
“Mê Thảo - thời vang bóng” còn có lớp ý nghĩa khác ẩn chứa trong những câu chuyện tình cảm động được đạo diễn lồng vào phim. Các nhà làm phim đã truyền tải được hàm ý trong nguyên tác của Nguyễn Tuân: “Chỉ có nghệ thuật mới cứu rỗi được tâm hồn con người”. Nhân vật Cam - cô gái câm trong “Mê Thảo - thời vang bóng” lại như chính là hoá thân của tác giả với một tình yêu thuỷ chung, âm thầm, chỉ biết đau đớn nín lặng nhìn người mình yêu hết mực chìm trong u mê, mù quáng. Nỗi lòng của cô câm phải chăng chính là nỗi lòng đau đáu với thời cuộc của đạo diễn, muốn nói nhưng chẳng nên lời? Những triết lý sâu xa, những chiêm nghiệm thâm thúy về cuộc đời, về con người đã được đạo diễn Việt Linh gửi gắm một cách kín đáo trong các tác phẩm giàu màu sắc ẩn dụ.
Việt Linh có những điểm chung của thế hệ đạo diễn thời Đổi mới, đó là sự kế thừa, tiếp nối truyền thống của thời kỳ trước, nhưng với những góc nhìn mới, táo bạo và cách thể hiện tìm tòi sáng tạo. Bên cạnh đó, đạo diễn này cũng có những đặc trưng rất riêng về tư tưởng và phương pháp thể hiện. Sự nghiệp điện ảnh của Việt Linh vừa có sự tiếp nối và kế thừa những giá trị truyền thống của dân tộc, những ảnh hưởng của các thế hệ đi trước, vừa có những bước thử nghiệm mang tính hiện đại, đổi mới theo xu thế cải cách của đất nước.
(1), (3): Carrie Tarr - “Việt Linh”- Điện ảnh kịch trường Việt Nam - 11/2006 - tr.17
(2) Cát Khuê - “Kẻ tạm cư hờ hững”- thanhnienonline- 22/8/2007
(4) Ngô Phương Lan - Về 3 bộ phim đáng giá nhất trong cuộc thi tài ở Nha Trang- Nghệ thuật điện ảnh số Tết Tân Mùi - 1991-tr.8