Văn hóa – Di sản

Nguyễn Văn Lý – sĩ phu, nhà giáo trung tín

Nguyễn Hải Trừng 19/11/2023 17:15

Nguyễn Văn Lý, tự là Tuần Phủ, hiệu Chí Đình, Chí Am, Chí Hiên, biệt hiệu Đông Khê, sinh năm 1795, là hậu duệ của Đông Tác quốc sư Nguyễn Hi Quang (1634 - 1692). Thừa hưởng truyền thống của dòng họ, ông đã vượt lên hoàn cảnh gia đình sa sút vì cha mẹ ốm nặng kéo dài để học tập. Năm 1825, ông đỗ Cử nhân, năm 1832 đỗ Tiến sĩ. Từ đấy bắt đầu cuộc đời làm quan khá lận đận của ông nhưng lại có nhiều hoạt động văn hóa xã hội đáng trân trọng.

Xuất thân từ đất Phượng hoàng,

Thọ Xương, Đông Tác mơ màng lòng ai...

Câu ca dân gian ở quê hương ông Nghè Nguyễn Văn Lý vừa nêu thế đất, cảnh đẹp nơi sinh ra ông, vừa nói rõ là phường Đông Tác, huyện Thọ Xương của kinh thành Thăng Long. Nếu nói đủ phải thêm tên làng là Trung Tự (nay là một phần của địa bàn của ba phường Phương Liên, Kim Liên và Trung Tự thuộc quận Đống Đa). Tuy vậy, vì Trung Tự là một bộ phận chủ yếu của phường Đông Tác cũ nên xưa kia dân gian quen gọi Trung Tự là Đông Tác. Một số nhân vật có uy tín người Trung Tự cũng quen được gọi gắn học vị với tên Đông Tác. Ví dụ ông Nghè Đông Tác (tức Nguyễn Văn Lý), ông Cử Đông Tác (tức nhà yêu nước Nguyễn Hữu Cầu tham gia Đông Kinh nghĩa thục)...

nguyen-van-ly.jpg
Danh nhân Nguyễn Văn Lý.

Nguyễn Văn Lý, tự là Tuần Phủ, hiệu Chí Đình, Chí Am, Chí Hiên, biệt hiệu Đông Khê, sinh năm 1795, là hậu duệ của Đông Tác quốc sư Nguyễn Hi Quang (1634 - 1692). Thừa hưởng truyền thống của dòng họ, ông đã vượt lên hoàn cảnh gia đình sa sút vì cha mẹ ốm nặng kéo dài để học tập. Năm 1825, ông đỗ Cử nhân, năm 1832 đỗ Tiến sĩ. Từ đấy bắt đầu cuộc đời làm quan khá lận đận của ông nhưng lại có nhiều hoạt động văn hóa xã hội đáng trân trọng.

Lúc này nhà Nguyễn đã xây dựng được bộ máy trung ương tập quyền mạnh và tiến hành cải cách hành chính trên cả nước thống nhất. Nhưng chế độ cai trị quá khắc nghiệt, quan lại lắm kẻ lộng hành làm cho dân khổ cực. Triều đình coi trọng việc giáo dục, khuyến khích trước tác văn hóa nhưng lại quá sùng bái rập khuôn nhà Thanh (Trung Quốc) và có những hành động mất lòng dân như xây lại thành Thăng Long để thấp hơn thành Huế, đời Gia Long xử tội nhiều công thần.

Chắc hẳn những người có lương tri, nhất là những sĩ phu vốn hiểu rõ và tự hào về lịch sử dân tộc và cố đô Thăng Long đã nhiều đời là trung tâm tỏa của nước Đại Việt, không khỏi suy nghĩ. Bài thơ Cung kính viếng thầy Phạm Lập Trai phản ánh một phần những trăn trở của vị tân khoa Tiến sĩ:

Hành tàng để ý y thùy hội,

Sơ văn đường niên thượng hướng luân.

(Ý sâu xa của lẽ hành tàng mấy ai đã hiểu,

Phận trò tới muộn nay vẫn hướng tới thầy mong được luận cho rõ)

Nguyễn Văn Lý đã cùng Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Phạm Sĩ Ái... gặp nhau trong những suy nghĩ về thời cuộc, về lẽ hành tàng và mau chóng thành những bạn chí thiết, cùng chí hướng là làm sao cho ích nước lợi dân, gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc và vai trò trung tâm văn hóa của Thăng Long. Vì vậy, chỉ có mấy tháng vinh qui mà việc thành lập Văn hội Thọ Xương đã hoàn tất, mục đích là tập hợp đông đảo trí thức của một huyện nằm trên gần hết nội thành để thực hiện ý nguyện trên.

Sau thời gian tập sự ở Huế, mùa xuân năm 1833, Nguyễn Văn Lý được bổ Tri phủ Thuận An (nay là vùng Gia Lâm - Thuận Thành). Nơi đây khá gần Thăng Long nên sự liên hệ giữa ông và các bạn tâm giao thật khăng khít, thơ văn còn lại của các ông đã cho thấy rõ. Trên thực tế, Văn hội Thọ Xương đã có một số hoạt động khá rõ. Vũ Tông Phan đang là Đốc học Bắc Ninh cáo bệnh về rồi mở trường Hồ Đình ven hồ Gươm. Nguyễn Văn Siêu mở trường Phương Đình. Cao Bá Quát, Lê Duy Trung, Trần Văn Vi... cũng dạy học. Phải chăng vì các ông cũng cho rằng việc đó sẽ tác động sâu rộng tới sĩ tử và nhân dân để thực hiện chí hướng trên.

Triều đình Huế lo sĩ phu Bắc Hà ở gần nhau dễ có dịp hội tụ nên thường cho họ các chức vụ không trọng yếu và luôn hạ xuống nhấc lên để họ không yên mà mưu tính việc bất lợi. Nguyễn Văn Lý cũng không thoát khỏi vòng xoay đó. Tám tháng sau, ông được triệu về kinh, làm Viên ngoại lang rồi Lang trung Bộ Lại. Hè năm 1838, nhân bị ốm, ông xin nghỉ giả hạn về quê và ngay tháng 5, ông đã dự lễ khánh thành văn chỉ Thọ Xương. Ông chính là tác giả Bài kí ghi trên bia đền thờ các tiên hiền huyện Thọ Xương. Xin trích đoạn nói về mục đích xây dựng văn chỉ: “Trên thì noi theo phong độ và ý chí của tiên hiền, dưới thì khuyến khích thế hệ mau sau trau dồi tiến tới. Trong phạm vi hẹp thì trở thành các vị quân tử trong làng, các vị thầy trong xã. Mở rộng ra sẽ là tôn chúa giúp dân”... Đoạn văn thật ngắn gọn mà nêu rõ mục đích của các ông là sao cho ngày càng có nhiều trường học tốt, nhiều bậc quân tử. Văn hội dưới sự lãnh đạo của nhóm các ông và cả sau khi các ông qua đời, đã gắng sức thực hiện đúng. Một biểu hiện đáng nêu là năm 1873, khi Đốc học Hà Nội Lê Đình Diên bị bọn tay chân Pháp hành hung, Văn hội đã lập ngay nghĩa đoàn 300 người đi đánh chúng.

Với tính năng động và quan hệ bạn bè như thế, ắt hẳn trong hai năm ở Hà Nội, Nguyễn Văn Lý còn có nhiều hoạt động khác, nhất là việc xây dựng Hội Hướng thiện, nhưng khi đại hội thành lập, ông phải trở lại Huế. Dưới sự lãnh đạo của Vũ Tông Phan, sau này là Nguyễn Văn Siêu, Hội đã khuyến khích việc gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc. Đặc biệt Hội đã tôn tạo vùng bắc hồ Gươm thành quần thể kiến trúc Ngọc Sơn, một di tích lịch sử - văn hóa tuyệt đẹp, đầy ý nghĩa giữa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Đầu năm 1841, ông làm Án sát tỉnh Phú Yên và đã làm được khá nhiều việc lợi dân. Người dân tặng quà, ông đều không nhận, nói là để lưu đức trạch với đời và cho con cháu. Có lẽ do quá tự tin ở cái tâm của mình nên có lúc ông bị sơ hở. Tháng 5 năm Giáp Thìn (1844), có kẻ dựng chuyện, vu cho ông nhận hối lộ. Vụ việc được nhào nặn thành án. Hai quan làm ở nội các khi xét án đã lật lại việc định tội vì không có tang vật. Tuy vậy ông vẫn bị cách lưu, vào làm ở Viện Hàn lâm.

Tháng 6 năm Bính Ngọ (1846), ông được khôi phục, làm Hành tẩu ở Nội các. Điều đáng nói là trong mấy năm đó, ông đã hoàn tất việc hiệu đính, bổ sung và năm 1845 viết tựa cho bộ sách giá trị là Bắc thành địa dư chỉ lục do Lê Chất khởi xướng. Hơn nữa trong tựa còn có câu: Ô Ông Lê Chất chi là tướng võ mà chí nghiệp rộng xa như thế đấy ». Nếu biết rằng năm 1835, Lê Chất, nguyên Tổng trấn Bắc Thành đã cùng với Lê Văn Duyệt bị kết tội rất nặng, mộ bị san phẳng và chưa được xá tội (chỉ mới có đại xá trong dịp Thiệu Trị đăng quang năm 1841) thì có thể đánh giá lòng quả cảm và tâm huyết với việc xây dựng nền văn hóa dân tộc của ông Nghè Đông Tác như thế nào.

Cuối năm 1848, ở tuổi 53, ông lại cáo bệnh xin nghỉ giả hạn. Trở lại Thăng Long sau nhiều năm xa cách, ông rất đỗi vui mừng vì được gần nhà, gần các bạn tâm giao và được mở trường dạy học như ông hằng mong ước. Trong một chương của sách Danh nhân Hà Nội, Tập II (1976), Nguyễn Tường Phượng cho biết “hai ông thầy nổi tiếng thời đó ở Hà Nội là Lỗ Am Vũ Tông Phan và Chí Đình Nguyễn Văn Lý”.

Tiếng lành vang xa. Năm 1856, triều đình cử ông làm Giáo thụ phủ Thường Tín rồi làm Đốc học tỉnh Hưng Yên. Sĩ tử nghe danh kéo đến học rất đông và ngày càng tấn tới, các khoa thi đỗ nhiều. Đáng chú ý nữa là khi sắp bước vào tuổi “cổ lai hi” (1854), ông còn hăng hái nghiên cứu cả kinh tế và quốc phòng. Sách Đại Nam thực lục chép việc ông xin đặt viên Điền sứ để khai khẩn 3 vạn mẫu đất mới bồi ở tỉnh Nam Định và đặt 3 đồn binh để ngăn giặc từ biển vào tỉnh Hải Dương. Nhà vua giao cho Bộ Hộ và Quân thứ Hải Dương xem xét thi hành.

Thật đúng là tinh thần vì nước vì dân, không màng danh lợi, không quản tuổi tác (xin mở ngoặc là lúc này ông vẫn chỉ là Hàn lâm viện trước tác, hàm Chánh lục phẩm). Càng thấy con mắt tinh đời của nhà thơ lỗi lạc và anh hùng Cao Bá Quát từ ba chục năm trước đã nhận ra và ca ngợi cái chí khí thanh cao của Nguyễn Văn Lý, ví ông như chim hồng chim hộc, vượt hẳn lên thói tục của lũ chim sẻ tầm thường:

Quân bất kiến? Hồng hộc cao phi thanh văn thượng,

Huyền hạc độc túc thanh sơn bạng,

Hoàng điều hoàng điểu quy thực trường...

(Đông Tác Tuần phủ tịch thượng ẩm)

Nguyễn Quí Liêm dịch:

Chẳng thấy ru ? Hồng hộc bay cao tít tận mây xanh,

Hạc đen ngủ một mình trên núi,

Lũ hoàng điểu kiếm ăn sớm tối...

(Bài ca làm trong tiệc rượu nhà ông Tuần phủ ở Đông Tác)

Hoàn cảnh xã hội đương thời không cho phép ông và nhiều người có chí khác làm được nhiều hơn nữa. Nhưng toàn bộ cuộc đời ông dù gặp nhiều trắc trở (ở đây mới nêu ra một vài phần) vẫn sáng lên hình ảnh đẹp đẽ của một nhân cách và sự nghiệp đáng trân trọng. Việc tên tuổi của ông được ghi trong bộ sách Đại Nam liệt truyện chính biên do Quốc Sử quán triều Nguyễn soạn, cùng câu viết “Văn Lý việc học rất ngay thẳng, dốc đạo lại trung thực” là sự thừa nhận công lao và cuộc đời trong sáng của ông.

Nhưng sự ngưỡng mộ yêu mến của người đời còn nói lên nhiều điều. Ngay khi ông lâm vào vụ án ở Phú Yên cũng như sau đó, nhiều nhân vật tên tuổi và có vị trí cao như Vũ Phạm Khải, Lâm Duy Thiếp... vẫn tìm cách giúp ông. Còn bạn bè thì không chỉ trọng chí hướng mà còn quý mến ông. Bài thơ của Vũ Tông Phan Tiễn ông Tuần phủ, làm Tri phủ Thuận An vào kinh có thể nói lên điều đó (dịch ý) :

Năm ngoái chia tay bên sông Thiên Đức,

Ai ngờ đêm nay lại tiễn biệt tại ngôi lầu bên sông Nhị...

...Chịu sao nổi cảnh tiễn bạn khi xuân tàn,

Đành là nhớ bạn hẹn gặp lại trong giấc mơ...

Chu Thần Cao Bá Quát khi ở Thăng Long nhớ Nguyễn Văn Lý ở Huế tới mức bộc lộ nỗi lòng mình với bạn thắm thiết đến chết không phai trong bài thơ Dư hốt ư mộng trung vãng thám Tuần phủ, ám tưởng kinh trung cố nhân hoặc đương hữu niệm ngã giả, nhân ký Tuần phủ kiêm trình Đôn Nhân Phạm tử (Ngẫu nhiên nằm mơ đến thăm ông Tuần phủ, nghĩ thầm có lẽ các bạn ở kinh cũng có người đang nhớ mình, nhân gửi bài này cho ông Tuần phủ đồng thời gửi ông Phạm Đôn Nhân):

U cư sầu tuyệt cổ thành ôi,

Hốt tác Giang Nam nhất mộng lại.

Lãn ngã dĩ khai cao ngọa kính,

Cố nhân ung thướng vọng hương đài.

Khổ liên thanh nhãn sinh tương hứa,

Độc tín đan tâm tử vị hôi.

Hồi thủ Hải Vân phan bất đáo,

Phiêu phiêu thùy lệ hướng nam mai.

Hoa Bằng dịch thơ:

Buồn tênh ở lủi góc thành xưa,

Bỗng tới Giang Nam một giấc mơ.

Tôi biếng tìm đường nằm khểnh trước,

Bác từng lên gác ngắm quê chưa?

Mặt xanh đã trót sinh cùng hẹn,

Lòng thắm riêng tin chết chẳng mờ.

Ngoái lại Hải Vân không với tới,

Ròng ròng nhỏ lệ nhớ mù u.

Tập thơ của Đôn Nhân Phạm Sĩ Ái cũng có tới 9 bài nói về Nguyễn Văn Lý với tình cảm sâu sắc.

Sự nghiệp của nhà giáo Nguyễn Văn Lý trên phương diện giáo dục qua những chuyện kể ở trên đã khá rõ. Câu viết của Quốc Sử quán trong Đại Nam liệt truyện càng là sự khẳng định thêm: “Ông trước sau làm việc giảng học 20 năm có lẻ, người tới học thành tựu cũng nhiều”. Thật vậy, trong nhiều người thành đạt, chỉ nêu hai người nổi danh sau cũng có thể hiểu sự rèn dạy của ông. Đó là tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp (1834 - 1902) người Kim Lũ, một đại thần tài giỏi và danh nhân văn hóa, và cử nhân Nguyễn Huy Đức (1824 - 1898), người phường Vũ Thạch, Hà Nội, nổi tiếng về tài năng sư phạm và về tiết tháo, có hàng ngàn sĩ tử theo học.

Cùng với việc giáo dục là những hoạt động không mệt mỏi của ông Nghè Nguyễn Văn Lý nhằm gìn giữ, phát triển nền văn hóa dân tộc và sự nghiệp trước tác của ông. Nhiều danh sĩ đương thời đã ca ngợi văn thơ ông. Thi sĩ nổi tiếng Tùng Thiện vương Miên Thẩm nói những lời thật sâu sắc: “Đãi cát mới thấy vàng, đẽo đá mới được ngọc. Đây là người đã suy xét đến cùng cực nên thơ văn mới hay đẹp như thế”..

Xin được kê một số tác phẩm của ông Nghè Nguyễn Văn Lý: Chí Am Đông Khê thi tập, Chí Hiên thi thảo, Đông Khê thi tập, Đông Khê văn tập, các bài tựa cho sách Bắc Thành địa dư chỉ lục, Phượng Sơn từ chí lược... Ngoài ra ông còn làm được điều mà không phải người bận việc xã hội nào cũng làm được là sưu tầm, biên soạn bộ Thế phả dày 418 trang, viết sách Đông Tác Nguyễn thị gia huấn, Tự gia yếu ngữ để giáo dục con cháu hậu duệ, lại còn giúp làng xây dựng Văn hội, Văn chỉ...

Khi ông qua đời năm Mậu Thìn (1868) sau khi nghỉ hưu 3 năm, thi hài phải quàn lại nhà hàng tháng để người các nơi tới viếng. Xin dẫn dưới đây hai câu đối phúng (do Vũ Tuấn Sán dịch):

Bí các thi tài truy Bạch, Phủ

(Tài làm thơ (nơi lưu văn thơ ở triều đình) theo kịp Lý Bạch, Đỗ Phủ)

Đông Khê thư trạch tiếp Hà Phần

(Ơn giảng dạy của Đông Khê tiếp nối Hà Phần)

Ở đây nói tói Đông Khê là biệt hiệu của Nguyễn Văn Lý và điển tích Hà Phần (một trường học nổi tiếng của một đại Nho Trung Quốc, ở giữa hai sông Hoàng Hà và Phần Thủy, nơi đã đào tạo nên nhiều nhân tài).

Một đôi câu đối phúng khác:

Tích tuế tân cần môn hộ lập

(Bao năm gian khổ cần lao, dựng nước nhà hưng thịnh)

Bình sinh trung tín sĩ phu tri

(Suốt đời kiên trung tín nghĩa, nổi tiếng giới sĩ phu)

Người ta thường nói, đánh giá một con người phải khi nắp quan tài đã đóng thì mới đúng. Những câu đối trên phải chăng có thể coi là sự đánh giá chân xác về ông Nghè Đông Tác, người sĩ phu trung tín đức độ nổi tiếng, nhà giáo dục, nhà thơ, nhà văn hóa tài năng đã suốt đời tâm huyết phục vụ, có nhiều cống hiến cho đất nước./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Phạm Ngũ Lão – anh hùng, nhà thơ
    Phạm Ngũ Lão quê làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Ông vừa là môn khách, vừa là con rể của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Con gái của ông được vua Trần Anh Tông nạp vào cung và phong làm Thứ phi. Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, sử gia đầu thế kỷ XIX là Phan Huy Chú, khi lựa chọn các “Tướng có danh tiếng và tài giỏi”, ở đời Trần (1226-1400), có 4 người, Phạm Ngũ Lão, được xếp tề danh với Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật và Trần Khánh Dư.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Trăng thơm
    Thoan ngồi giặt ở cầu ao. Trăng nhấp nhoáng dưới làn nước. Hoa bèo tím thẫm một mảng bồng bềnh trong âm thanh rền rã của bầy ve kêu trên cây nhãn già. Cây nhãn này mấy năm trước đứt hoa, mùa xuân năm nay bung lại, hoa kết từng chùm vàng nhạt, li ti, đậu quả bện trĩu cành. Ngang trưa nay, chị Hà đi lấy hàng về sớm, thấy thằng cu Minh đánh quần đùi, áo ba lỗ, mũ lưỡi trai đội ngược, cầm sào đi bắt ve qua ngõ, bèn vẫy lại: “Cu Minh, trèo cây vặt nhãn hộ cô”.
  • Hội nghị tổng kết các nhiệm vụ của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội thực hiện Chương trình số 06
    Những năm qua, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy (Chương trình số 06) và Kế hoạch 176/KH-UBND ngày 30/7/2021 của UBND Thành phố về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025" quyết liệt, hiệu quả, với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của Thành phố được ban hành, có tác động tích cực đến đời sống nhân dân, được người dân đồng tình, hưởng ứng.
  • Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài: Xây dựng hệ thống chính trị “Tinh- Gọn- Mạnh- Hiệu năng- Hiệu lực- Hiệu quả”
    Sáng 9/12, HĐND TP Hà Nội Khóa 16 đã khai mạc Kỳ họp thứ 20 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 để xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, tài chính ngân sách, đầu tư công năm 2024, kế hoạch năm 2025.
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Văn Lý – sĩ phu, nhà giáo trung tín
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO