Văn hóa – Di sản

Nguyễn Huệ - một sự nghiệp anh hùng

Phan Huy Lê 27/11/2023 14:57

Nguyễn Huệ sinh năm 1753, mất ngày 16 tháng 9 năm 1792, quê ở đất Tây Sơn, Bình Định.

nguyen-hue.jpg
Tượng đài Hoàng đế Quang Trung- Nguyễn Huệ tại Gò Đống Đa. Ảnh: hanoi.gov.vn

Cuộc đời chỉ có 39 tuổi xuân. Nhưng 21 năm cuối của cuộc đời ấy từ tuổi 18 đến tuổi 39 (1771 - 1792), là cả một bản anh hùng ca tiêu biểu cho khí phách và sức mạnh của dân tộc trong một thời kỳ bão táp của lịch sử, và đây là những mốc lớn trong sự nghiệp anh hùng của Nguyễn Huệ:

- Năm 1771, 18 tuổi, cùng với anh là Nguyễn Nhạc phất cờ khởi nghĩa xây dựng căn cứ đầu tiên ở Tây Sơn thượng đạo.

- Từ năm 1773 đến năm 1783, với chức vụ Tây Sơn hiệu Tiền phong tướng quân, rồi Phụ chính, rồi Long Nhượng tướng quân trong bộ chỉ huy nghĩa quân, đã lập nhiều chiến công oanh liệt trong cuộc đấu tranh lật đổ chế độ chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Đó là trận Phú Yên năm 1775 - 22 tuổi, các trận tiến công vào Gia Định năm 1777 - 24 tuổi, năm 1782 - 29 tuổi, năm 1783 - 30 tuổi.

- Năm 1785, 32 tuổi, lãnh đạo cuộc phản công chiến lược quét sạch 5 vạn quân xâm lược Xiêm ra khỏi Gia Định, lập nên chiến công Rạch Gầm - Xoài Mút nổi tiếng, trong một ngày tiêu diệt gần 4 vạn quân Xiêm cùng hàng ngàn quân Nguyễn Ánh.

- Năm 1786, 33 tuổi, chỉ huy cuộc tiến công ra Đàng Ngoài, phế bỏ chế độ vua Lê chúa Trịnh, chấm dứt tình trạng chia cắt kéo dài trên hai thế kỷ, bước đầu lập lại nền thống nhất quốc gia.

- Năm 1789, 36 tuổi, với cương vị Hoàng đế Quang Trung, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Thanh, đại phá 29 vạn quân xâm lược Thanh cùng vài vạn quân Lê Chiêu Thống, lập nên chiến công Ngọc Hồi - Đống Đa vang dội. Riêng trong trận quyết chiến chiến lược này, dưới sự chỉ huy của Quang Trung, quân Tây Sơn đã tiêu diệt khoảng 5 vạn quân Thanh trong buổi sáng ngày 5 Tết Kỷ Dậu (ngày 30-1-1789). “Trẫm trỏ cờ lệnh, chỉ trong một trận, quét sạch lũ các ngươi như kiến cỏ. Thua một trận, lũ các ngươi bị chết và bị thương hàng vạn” - đó là lời tuyên bố của Quang Trung trong một tờ chiếu gửi bọn tù binh quân Thanh ngay sau khi cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi.

Sau khi thù trong giặc ngoài đã bị đánh bại về cơ bản, Quang Trung lo tập trung mọi nỗ lực của chính quyền mới vào công cuộc xây dựng lại đất nước. Trước hết Quang Trung chủ trương nhanh chóng lập lại quan hệ bang giao với nhà Thanh rồi ban hành nhiều chính sách tích cực nhằm phục hồi nông nghiệp, phát triển kinh tế hàng hóa và mở mang giáo dục, văn hóa. Chiếu khuyến nôngChiếu lập học là hai văn bản nhà nước thể hiện rõ nhận thức và những giải pháp bức xúc của Quang Trung trên hai lĩnh vực trọng yếu này. Đồng thời Quang Trung cũng rất coi trọng việc củng cố quốc phòng và trấn áp các thế lực chống đối ở trong nước. Năm 1791, một âm mưu chống phá của Lê Duy Chỉ ở Cao Bằng được phong kiến Xiêm và Nguyễn Ánh hỗ trợ bị đập tan. Năm 1792, Quang Trung chuẩn bị một cuộc tấn công lớn vào Gia Định nhằm tiêu diệt thế lực Nguyễn Ánh được tư bản Pháp ủng hộ mà ông coi là “cái thây ma Gia Định” và tuyên bố “đánh bại quân giặc dễ như bẻ gãy cành khô củi mục”, thu hồi lại các vùng đất phía nam “trong nháy mắt” (Hịch gửi quan lại và quân dân hai phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn). Ngày 10-7 năm Quang Trung thứ 5 (27-8-1792), Quang Trung đã truyền hịch kêu gọi nhân dân hai phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn tham gia, hưởng ứng cuộc tiến công qui mô lớn này, nhưng chiến dịch chưa kịp thực hiện thì ngày 29-7 năm đó (giờ Tý tức nửa đêm ngày 15 sang ngày 16 tháng 9 năm 1792) Quang Trung từ trần đột ngột. Thời gian canh tân dựng nước quá ngắn ngủi (1789-1792) nên sự nghiệp của người anh hùng đành dang dở, để lại một tổn thất lớn lao cho lịch sử Tây Sơn và cho cả dân tộc.

Người khởi xướng và thủ lĩnh đầu tiên của khởi nghĩa Tây Sơn là Nguyễn Nhạc. Nhưng nhìn toàn bộ lịch sử Tây Sơn thì Nguyễn Huệ là người thủ lĩnh kiệt xuất nhất của phong trào Tây Sơn, tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với quá trình phát triển và thắng lợi của phong trào nông dân và dân tộc rộng lớn đó. Nguyễn Huệ đã đưa phong trào Tây Sơn vượt qua mọi gian nguy, thử thách, đạt đến đỉnh thắng lợi cao nhất của một phong trào nông dân - phong trào dân tộc trong bối cảnh lịch sử cuối thế kỷ XVIII của đất nước. Từ một anh hùng nông dân, Nguyễn Huệ đã trở thành một anh hùng dân tộc có công lớn trong sự nghiệp thống nhất đất nước và bảo vệ độc lập dân tộc.

Quang Trung - Nguyễn Huệ trước hết là một nhà quân sự thiên tài. Cả cuộc đời chiến đấu đánh bại biết bao thù trong giặc ngoài, người anh hùng đó chỉ có thắng, chưa hề thua. Trong bài hịch gửi hai phủ Quy Nhơn, Quảng Ngãi năm 1792, Quang Trung đã từng tự hào nhắc lại những chiến công nối tiếp chiến công: “Nơi đâu ta đã kéo quân đến là kẻ thù đều bị đánh cho thất bại và tan tác. Nơi đâu ta đã mở rộng chinh chiến là quân Xiêm và quân Thanh tàn bạo đều phải quy hàng. Về phận cái triều đình cũ còn rơi rớt kia (chỉ Nguyễn Ánh) thì từ hơn ba mươi năm nay, ta chưa hề thấy chúng làm được điều gì hay. Trong hơn trăm trận giao tranh với ta, binh lính của chúng đều đã bị đánh cho tan tác, tướng tá của chúng đều bị giết chết, đất Gia Định đã đầy rẫy xương khô của bọn chúng. Các ngươi đã từng được chứng kiến những điều ta nói, nếu chưa được nhìn tận mắt thì ít ra cũng được nghe tận tai rồi”...

Phát huy sức mạnh quật khởi của nông dân kết hợp với sức mạnh yêu nước đoàn kết của cả dân tộc, Quang Trung Nguyễn Huệ đã đưa phong trào Tây Sơn đến những đỉnh thắng lợi cao nhất trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó và phát triển nghệ thuật quân sự truyền thống của nước ta lên một trình độ mới. Nét nổi bật nhất trong nghệ thuật quân sự của Quang Trung Nguyễn Huệ là tinh thần tiến công liên tục mãnh liệt và lối đánh hết sức thần tốc bất ngờ. Chính đối phương cũng phải thừa nhận, quân Tây Sơn “hành binh như bay, tiến quân rất gấp…. đi lại mau chóng vùn vụt như thần, chống không thể được, đuổi không thể kịp” và “ẩn hiện như quỷ thần, tướng như trên trời rơi xuống, quân như dưới đất chui lên” (Hoàng Lê nhất thống chí).

Cũng như các anh hùng dân tộc khác của ta, Nguyễn Huệ không chỉ là một thiên tài quân sự đơn thuần. Sự nghiệp và tài năng của Nguyễn Huệ còn bao quát nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao.

Trong khởi nghĩa, Nguyễn Huệ thực hiện khẩu hiệu “lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo” để cổ vũ và tập hợp đông đảo quần chúng nông dân nghèo khổ. Khi tiến quân ra Bắc Hà, ông nêu danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh” để phân hóa và cô lập kẻ thù. Sau khi chính quyền mới được thành lập, Quang Trung đề ra hàng loạt chính sách và biện pháp tích cực nhằm canh tân dựng nước, nhanh chóng phục hồi kinh tế, tăng cường sức mạnh quốc phòng và mở mang văn hóa dân tộc. Trong quan hệ với nhà Thanh, Quang Trung cũng áp dụng nhiều biện pháp ngoại giao mềm mỏng nhưng rất kiên quyết để bảo vệ độc lập, chủ quyền và giữ gìn mối bang giao hòa bình giữa hai nước.

Tất cả những hoạt động đối nội, đối ngoại đó chứng tỏ ý chí độc lập, tự chủ mạnh mẽ, tầm mắt nhìn xa thấy rộng và năng lực tổ chức tài giỏi của Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Từ tuổi 18 đến tuổi 39, Nguyễn Huệ đã cống hiến tất cả tài năng, nghị lực của mình cho cuộc đấu tranh kiên cường vì lợi ích của nhân dân “tưới mưa dầm kẻo cùng dân sa chốn lầm than” (Hịch đánh Trịnh, 1786), “quét trừ loạn lạc, cứu dân trong vòng nước lửa” (Chiếu lên ngôi), vì độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia “bỗng xui thế nước tranh ba, tôi nhà Hạ phải thu hồi hai nước” (Hịch đánh Trịnh, 1786), “đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (Hiệu dụ quân sĩ ở Thọ Hạc). Cuộc đời và sự nghiệp của Quang Trung - Nguyễn Huệ là một bản hùng ca tuyệt vời mà công chúa Ngọc Hân, Bắc Cung hoàng hậu của hoàng đế Quang Trung, một nữ sĩ tài hoa của văn học thế kỷ XVIII, đã hiểu và nhìn nhận rất đúng:

Mà nay áo vải cờ đào,

Giúp dân dựng nước xiết bao công trình.

(Ngọc Hân - Ai tư vãn)

Trong cuộc đời chiến đấu của mình, Nguyễn Huệ có ba lần ra Thăng Long với thời gian rất ngắn nhưng để lại dấu ấn rất sâu đậm trong ký ức và tình cảm của nhân dân kinh thành.

Lần thứ nhất vào giữa năm 1786. Lúc bấy giờ nghĩa quân Tây Sơn đã đánh bại chính quyền chúa Nguyễn, đập tan cuộc xâm lược của quân Xiêm và kiểm soát vùng đất từ Quảng Nam trở vào. Thành Phú Xuân và đất Thuận Hóa do quân Trịnh chiếm đóng. Tháng 6 năm 1786, Nguyễn Huệ được lệnh của Nguyễn Nhạc đem quân ra giải phóng vùng đất phía bắc Đàng Ngoài cho đến sông Gianh và củng cố hệ thống thành lũy phòng vệ ở đây. Quân Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ đã nhanh chóng chiếm lại Phú Xuân và tiến ra bờ nam sông Gianh. Tại đây, sau khi nghiên cứu kỹ tình hình Đàng Ngoài, ông đã quyết định tiếp tục phát triển phong trào Tây Sơn ra Bắc, lật đổ chế độ chúa Trịnh. Đó là một quyết định mang tính lịch sử chứng tỏ tầm mắt nhìn xa thấy rộng và tấm lòng yêu nước thương dân, ý chí thống nhất giang sơn mạnh mẽ của Nguyễn Huệ. Bài Hịch xuất quân đánh Trịnh cho thấy rõ suy tính và tư tưởng của ông:

Quảng Nam đã quét sạch bụi trần,

Thuận Hóa lại đem về bờ cõi.

Nam: một giải tăm kình phẳng lặng, cơ thái bình đứng đợi đã gần,

Bắc: mấy thành tin nhạn chưa yên, bề cứu viện ngồi trông sao tiện.

Vả bấy nay, thần nịnh chúa hôn, mở bình trị lòng người hẳn muốn,

Lại gặp hội binh kiêu dân oán, sửa mối giềng tài cả phải ra.

Từ giới tuyến chia cắt đã kéo dài trên 200 năm, lệnh xuất quân của chủ soái Tây Sơn biểu thị quyết tâm và niềm tin sắt đá:

Chước vạn toàn đã tạc đá Hoành Sơn,

Binh tức khắc lại giương buồm Bắc Hải.

Chỉ trong khoảng 10 ngày, quân đội Tây Sơn dưới danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh” đã đánh tan toàn bộ quân Trịnh, lật đổ nền thống trị của chúa Trịnh. Ngày 21-7-1786, Nguyễn Huệ dẫn đại quân vào Thăng Long và đặt chỉ huy sở ở phủ chúa Trịnh. Nguyễn Huệ đến yết kiến vua Lê Hiển Tông và ngày 30-7, lễ triều kiến chính thức được tổ chức trọng thể tại điện Kính Thiên, tuyên bố công cuộc phù Lê của quân đội Tây Sơn. Sau đó, vua Lê Hiển Tông ban bố Chiếu thư nhất thống, đem niêm yết tại cửa Đại Hưng. Vua Lê phong Nguyễn Huệ làm Nguyên súy Phù chính Dực vũ Uy quốc công và đem công chúa Ngọc Hân gả cho chủ soái Tây Sơn. Ngày 4-8-1786 kinh thành Thăng Long chứng kiến đám cưới của vị anh hùng “áo vải cờ đào” với một công chúa cành vàng lá ngọc. Sau đó, vua Lê Hiển Tông bị ốm nặng và từ trần ở tuổi 70, hoàng tôn Lê Duy Kỳ lên ngôi, tức vua Lê Chiêu Thống.

Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn được tin cấp báo rằng Nguyễn Huệ đã tự đem quân ra Đàng Ngoài và đã chiếm giữ thành Thăng Long, vội vàng ra Bắc và rồi đêm 5-9-1786 cùng em rút quân về Nam. Như vậy là trong cuộc tiến quân ra Bắc lần thứ nhất vào giữa năm 1786, Nguyễn Huệ đã chấm dứt tình trạng phân chia Đàng Trong - Đàng Ngoài, bước đầu thống nhất đất nước và phế bỏ chế độ chúa Trịnh. Thời gian Nguyễn Huệ lưu lại ở Thăng Long chỉ 45 ngày, nhưng đã làm đảo lộn cả trật tự kinh thành và để lại những sự kiện làm kinh ngạc mọi người dân ở đây.

Do sự bất lực của Lê Chiêu Thống, các thế lực chúa Trịnh và quân phiệt lại trỗi dậy, tình hình Thăng Long, Bắc Hà lại lâm vào tình trạng rối loạn và Nguyễn Hữu Chỉnh thâu tóm mọi quyền hành. Phủ chúa Trịnh xây dựng bên bờ phía tây hồ Hoàn Kiếm là một quần thể kiến trúc gồm 52 cung điện lớn, đã bị Lê Chiêu Thống sai người phóng hỏa đốt phá “khói lửa bốc lên ngút trời, hơn mười ngày chưa tắt, thế là một khu lâu đài cung khuyết hơn hai trăm năm trời thành bãi đất cháy sém” (Hoàng Lê nhất thống chí). Cuối năm 1787, Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm cùng Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân đem quân ra Bắc lần thứ hai diệt trừ Nguyễn Hữu Chỉnh. Lê Chiêu Thống bỏ trốn và Sùng Nhượng công Lê Duy Cẩn được lập làm giám quốc trông nom việc nước. Nhưng rồi Vũ Văn Nhậm có ý chuyên quyền nên mùa hè năm 1788, Nguyễn Huệ đem quân ra Thăng Long lần thứ ba diệt trừ Vũ Văn Nhậm. Lần này, Nguyễn Huệ lo sắp xếp bộ máy chính quyền, ổn định tình hình Bắc Hà. Nhiều sĩ phu tiến bộ của Thăng Long và Bắc Hà đã tự nguyện theo Tây Sơn, phò tá Nguyễn Huệ như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch, Trần Bá Lãm, Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn... Ảnh hưởng của Tây Sơn và uy tín của Nguyễn Huệ đã thấm vào các tầng lớp xã hội của đất kinh thành và làm thức tỉnh một số trí thức Bắc Hà.

Cuối năm 1788, lợi dụng sự cầu cứu của Lê Chiêu Thống, nhà Thanh cử Tôn Sĩ Nghị làm thống soái chỉ huy 29 vạn quân Thanh xâm lược Đại Việt và chiếm đóng kinh thành Thăng Long. Thực hiện chủ trương của Ngô Thì Nhậm “nay ta toàn quân rút lui, không bị mất một mũi tên, cho chúng ngủ trọ một đêm rồi lại đuổi chúng đi” (Hoàng Lê nhất thống chí), quân Tây Sơn rút về giữ Tam Điệp - Biện Sơn và cho người cấp tốc về Phú Xuân phi báo cho Nguyễn Huệ biết. Tối ngày 17-12-1788, quân Thanh vượt sông Nhị tiến vào chiếm giữ thành Thăng Long. Nhân dân kinh thành trải qua những ngày tháng đau thương, chứng kiến những tội ác của quân xâm lược và hành động bán nước của bè lũ vua tôi Lê Chiêu Thống.

Ngày 24-11 năm Mậu Thân (21-12-1788), tại Phú Xuân, Nguyễn Huệ nhận được tin cấp báo, ngày hôm sau làm lễ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung rồi lập tức ra lệnh xuất quân, lên đường ra Bắc diệt giặc.

Sau khi tập kết đại quân ở Tam Điệp - Biện Sơn, đúng đêm giao thừa Tết Kỷ Dậu (25-1-1789), cuộc tấn công đại phá quân Thanh của quân Tây Sơn bắt đầu. Đạo quân chủ lực do Quang Trung trực tiếp chỉ huy đánh thẳng vào hệ thống phòng thủ của quân Thanh ở phía nam thành Thăng Long, trong đó đồn Ngọc Hồi giữ vị trí then chốt. Mờ sáng ngày 5 Tết Kỷ Dậu (30-1-1789), quân Tây Sơn mở cuộc công phá đồn Ngọc Hồi. Cùng lúc đó, một đạo quân Tây Sơn khác theo đường “thượng đạo” qua Chương Mỹ (Hà Tây), tiến về Nhân Mục (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) rồi bất ngờ công phá đồn Đống Đa ở phía tây nam thành Thăng Long và thừa thắng thọc sâu vào đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị ở cung Tây Long bên bờ sông Nhị. Hai mũi “chính binh” và “kỳ binh” của Quang Trung tạo thành một thế trận hết sức lợi hại cùng với sức tấn công thần tốc, vũ bão của quân Tây Sơn khiến cho hệ thống phòng ngự của quân Thanh bị sụp đổ tan tành và Tôn Sĩ Nghị “không còn hồn vía nào nữa, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kỵ mã dưới trướng vượt qua cầu phao rồi nhằm hướng bắc mà chạy” (Hoàng Lê nhất thống chí). Quân Thanh đại bại, một bộ phận bị tiêu diệt, số còn lại tháo chạy trong cảnh hỗn loạn, “đói cơm khát nước, không kiếm đâu ra được ăn uống, cứ phải đi suốt bảy ngày bảy đêm mới đến trấn Nam Quan” (An Nam quân doanh kỷ yếu).

Trưa ngày 5 Tết, Quang Trung trong bộ chiến bào sạm màu thuốc súng, ngồi trên mình voi chiến, tiến vào thành Thăng Long giữa sự nỗ nức đón chào của nhân dân kinh thành như nhà thơ Ngô Ngọc Du đã ghi lại trong bài thơ Long Thành quang phục kỷ thực:

Ba quân đội ngũ chinh tề tiến,

Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh.

Mây tạnh mù tan trời lại sáng,

Đầy thành già trẻ mặt như hoa.

Chen vai thích cánh cùng nhau nói:

“Cố đô vẫn thuộc núi sông ta”.

Trong chiến công vang lừng của mùa xuân Kỷ Dậu, nhân dân Thăng Long đã có nhiều đóng góp tích cực tạo nên kỳ tích đại phá quân Thanh. Nhân dân vùng Ngọc Hồi đã đem những tấm phản, cánh cửa để quân Tây Sơn ghép lại những tấm mộc chắn tên đạn khi công phá đồn Ngọc Hồi. Nhân dân sáu làng xã vùng Khương Thượng - Đống Đa dùng rơm rạ bện thành hình rồng, tẩm chất cháy, đốt lửa tạo thành “trận rồng lửa” uy hiếp quân giặc trong đồn Đống Đa... Ngày nay trên đất Hà Nội còn lưu giữ lại biết bao di tích, địa danh gắn liền với chiến công xuân Kỷ Dậu và hàng năm, vào ngày 5 Tết, nhân dân cử hành lễ hội Đống Đa để tôn vinh anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ và tưởng niệm những người đã hi sinh vì độc lập dân tộc, vì sự nghiệp giải phóng kinh thành./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Nguyễn Hiền – trạng nguyên thần đồng
    Nguyễn Hiền sinh ngày 12 tháng 7 năm Ất Mùi (1235), quê ở làng Vương Miện, huyện Thượng Hiền (sau đổi là Thượng Nguyên, phủ Thiên Trường, lộ Sơn Nam), nay là thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Chùm thơ 2 bài: Hà Nội và bạn, Ước của tác giả Ngô Đức Hành
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Ngô Đức Hành.
  • "Bữa tiệc của Elsa"- Vở nhạc kịch đậm tính nhân văn dành cho thiếu nhi
    Đón chào mùa hè 2024, Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng và cho ra mắt vở nhạc kịch dành cho thiếu nhi "Bữa tiệc của Elsa". Vở nhạc kịch do tác giả Trần Lệ Chiến viết kịch bản, NSƯT Lê Ánh Tuyết và Đào Duy Anh đạo diễn.
  • Kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu phát triển Hà Nội của Trung ương
    Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (20/5 đến 8/6 và 17/6 đến 27/6), Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được chỉnh lý, bổ sung sẽ được Quốc hội thảo luận lần 2 và thông qua Dự án Luật. Có thể nói, đây là một sự kiện quan trọng, nhất là Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu phát triển Hà Nội của Trung ương, và để Hà Nội xứng với “trái tim của cả nước”.
  • Làm gì để đảm bảo an toàn PCCC trong hàn cắt kim loại?
    Do kiến thức về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC), đặc biệt là các thợ hàn cắt kim loại còn hạn chế nên trong quá trình hàn cắt kim loại, nhiều vụ cháy, nổ đã xảy ra. Liên quan đến vấn đề này, UBND Thành phố Hà Nội vừa đưa ra khuyến cáo đảm bảo an toàn PCCC trong hàn cắt kim loại.
  • Sân khấu học đường: Hoạt động có ý nghĩa thiết thực đối với ngành Giáo dục của Thủ đô
    Hàng trăm học sinh tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã không rời mắt khỏi 2 vở diễn Sự tích cây nêu ngày Tết và Mồ Côi xử kiện do Nhà hát Kịch Hà Nội tổ chức và biểu diễn; qua đó cho thấy hiệu quả của Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong Chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030” (gọi tắt là Đề án sân khấu học đường).
Đừng bỏ lỡ
  • Quận Thanh Xuân tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, giải pháp cải cách hành chính năm 2024
    Nhằm cải thiện và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (CCHC), chỉ số hài lòng (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI), UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, giải pháp CCHC quận Thanh Xuân năm 2024.
  • “Phá băng” quy định "chung chung" để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
    Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Bộ VH-TT&DL chủ trì xây dựng, dự kiến được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra sắp tới. Việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa được kỳ vọng sẽ “phá băng” các quy định chung chung của Luật hiện hành để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
  • Thăm di tích núi Bân- nơi từng an táng thân mẫu Bác Hồ ở Cố đô Huế
    Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh từng được an táng ở triền núi Bân (phường An Tây, TP Huế) từ năm 1901-1922 và hiện nay là Di tích lịch sử cấp tỉnh Thừa Thiên Huế.
  • [Podcast] Truyện ngắn Hố băng
    Huỳnh Trong Khang được biết đến là cây bút tài năng thuộc thế hệ 9x và là một trong những tác giả trẻ đầy triển vọng. Ngay từ khi xuất hiện trên văn đàm 2016 cây bút trẻ quê gốc An Giang Huỳnh Trọng Khang đã gây ấn tượng với chất văn chương già hơn so với tuổi, cái già trong văn chương của Khang được thể hiện rõ nét trong từng tầng nghĩa. Hầu hết các tác phẩm của Khang mang đến cho bạn đọc mênh mang chữ, sâu thẳm nghĩa.
  • Lấp khoảng trống phát sinh, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam
    Sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật được các chuyên gia đánh giá rất cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội. Quá trình xây dựng Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ VH-TT&DL cũng đã chỉ ra một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được bổ sung mới trong Luật, nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam.
  • Trưng bày, giới thiệu hơn 300 ảnh du lịch “Bình Định – Thừa Thiên Huế - Nghệ An”
    Để tăng cường hoạt động hợp tác và liên kết phát triển du lịch, Sở Du lịch tỉnh Bình Định, Thừa Thiên Huế và Nghệ An tổ chức trưng bày, giới thiệu hơn 300 hình ảnh về các giá trị văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh…
  • “Tình sen” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Bích Vân
    Gần 70 tác phẩm với chủ đề “Tình sen” vừa được NSNA Hoàng Bích Vân giới thiệu tới công chúng tại Trung tâm Giám định và triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh (29 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm cá nhân đầu tiên này là một dấu ấn quan trọng và cũng là một minh chứng cho tình yêu với sen, với nghệ thuật (mỹ thuật và nhiếp ảnh) của nữ nghệ sĩ.
  • Vở xiếc "Giấc mơ tuổi thần tiên" ra mắt phục vụ khán giả nhí dịp 1/6
    Vở diễn “Giấc mơ tuổi thần tiên” do Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng chỉ đạo nghệ thuật, Nghệ sỹ Ưu tú Trương Thị Mai đạo diễn, cùng sự tham gia của các diễn viên, nghệ sỹ xiếc của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
  • Thừa Thiên Huế vinh dự, tự hào có hệ thống di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024), tỉnh Thừa Thiên Huế dâng hoa và triển lãm “Điện Biên Phủ - Quyết chiến, Quyết thắng” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế.
  • "Bảy chuyện kể Gothic" mang đến cho độc giả Việt Nam thể loại văn chương hết sức mới lạ
    Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa trình làng cuốn sách “Bảy chuyện kể Gothic” của tác giả Isal Dinesen. Với thể loại văn chương hết sức mới lạ, tác phẩm mang đến cho độc giả Việt Nam những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn.
Nguyễn Huệ - một sự nghiệp anh hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO