Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Mùa đi qua đường Phan Đình Phùng

Chung Tiến Lực 17:48 10/07/2023

Khi ngồi tám chuyện với bạn bè, tôi thường hãnh diện: Cơ quan,  nơi tôi làm việc ở phố Cửa Bắc, ngày ngày đi làm qua đường Phan Đình Phùng, một con đường xanh mướt như nhung, tuyệt đẹp.

4.jpg
Mỗi mùa qua đây đều mang một vẻ đẹp riêng, rất đáng yêu. (ảnh: internet)

Đường Phan Đình Phùng, từng được mệnh danh là con đường lãng mạn nhất Hà Nội. Đường chỉ dài khoảng 1,5 ki-lô-mét nối từ đường Mai Xuân Thưởng đến phố Hàng Cót, ngang qua đường Hoàng Diệu, Đặng Dung, Nguyễn Tri Phương, Hàng Bún.

Đường Phan Đình Phùng đặc sắc với bốn hàng cây cổ thụ trồng thẳng hàng trên hè phố hai bên đường thênh thênh, rộng rãi. Tán lá xanh và dầy giao hòa như đan kết vào nhau lợp thành mái vòm râm mát, mộng mơ. Mưa, giọt mưa rơi qua kẽ lá như được giảm thanh, nghe mơ màng, thánh thót như tiếng đàn dương cầm. Nắng, tia nắng len lỏi lọt qua vòm mái lá thêu thùa hoa văn trên mặt đường sống động. Khi nào cũng vậy, trời nắng cũng như ngày mưa đều tạo cho người đi đường một cảm giác dễ chịu, bình an; thư thái như đi trong vườn địa đàng với xôn xao lá vẫy và chinh chích tiếng chim chuyền cành.

Hàng ngày trên đường đi đến cơ quan, bốn mùa qua đây tôi được chiêm ngưỡng những mùa cây thay lá rải thảm vàng xanh xao mặt đường mà thốt lên môi: “Gió đông nam cởi lớp lá già/Che cây bao trận gió mùa qua/Cho nắng mới ngập ngừng thổn thức/Khoác lên cây một chiếc khăn hoa”. Rồi những mùa cây sấu ra hoa thơm ngan ngát. Hoa sấu rơi rụng như rải ngọc trắng làm nền cho những tà áo dài đến đây tạo dáng chụp ảnh, lưu lại những khoảng khắc son trẻ thời nhiều mơ mộng, dễ thương. Và: “…Cây sấu lặng lẽ nở hoa/Như người Hà Nội/Âm thầm hương phố nhỏ”.

Mỗi mùa qua đây đều mang một vẻ đẹp riêng, rất đáng yêu.

Mùa xuân mang theo từng cơn gió nhẹ, dịu dàng mơn trớn chồi non tơ, xanh tươi nõn nà trong mờ đục bụi mưa tạo ra một không gian thanh bình, êm đềm hiếm có giữa phố đông. Trên nền xanh của cây lá và mờ nhòe của mưa xuân giăng mắc, hiển hiện trang nghiêm nhà thờ Cửa Bắc. Nhà thờ Cửa Bắc được xây dựng từ năm 1925. Nhà thờ mang phong cách kiến trúc Roman tuyệt mỹ, kết hợp với đặc trưng Á, Âu đây là nét chấm phá, ấn tượng trên đường Phan Đình Phùng. Nhà thờ có kết cấu không đối xứng với tháp chuông cao bên phải và sảnh chính làm lễ lệch sang một bên. Công trình mang vẻ đẹp hoài cổ này mặc nhiên phụ họa tuyệt vời cho các bộ ảnh tình yêu và hôn nhân hay khoảng khắc bình yên của người đi đường trong một phút ngẫu hứng. Đối diện với nhà thờ Cửa Bắc là Bắc Môn với lõm sâu vết đạn đại bác trên tường gạch rêu phong.

Mùa hè đặc sắc bởi ran ran tiếng ve sôi. Tiếng ve chạm nhớ những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Những đêm hè/Khi ve ve/Đã ngủ/Tôi lắng nghe/…Tiếng chổi tre/Xao xác/Hàng me/Tiếng chổi tre/Đêm hè/Quét rác...”. Mùa hè, nắng chói chang, nắng gắt gỏng, thế mà lòng đường ở đây lại mát như dòng sông rười rượi đang thao thiết chảy. Tôi yêu tháng tư, mùa hoa loa kèn với hương bay ngập phố. Phố Phan Đình Phùng là con phố dài với những gánh hàng hoa thong thả bước trên hè, hay giản dị những chị hàng hoa dắt chiếc xe đạp chở thúng hoa đủ màu sắc tinh khôi. Khi nhìn thấy những hàng hoa này, tự nhiên ai cũng muốn dừng lại để chụp ảnh hay mua một bó để thỏa lòng yêu cái đẹp hồn nhiên. Ở đây, trên phố Phan Đình Phùng có rất nhiều biệt thự Pháp trong sân vườn sầm uất. Những biệt thự đẹp nhất mà người Pháp xây dựng ở Hà Nội hình như đều nằm trên con phố này, với những kiến trúc đa dạng, phong cách cổ điển, phong cách Pháp – Trung Hoa, Pháp - Đông Dương… Trường Phổ thông trung học Phan Đình Phùng là ngôi trường mơ ước của rất nhiều học sinh Thủ đô. Tọa lạc trên con đường đẹp nhất Hà Nội, ngôi trường này được tô điểm với vẻ đẹp nên thơ, vốn có. Áo trắng chỉ cần cầm máy lên là đã có cho mình những tấm ảnh "sống ảo". Không khí ở đây gợi xôn xao ký ức về một thời đi học giống như những trang nhật ký không bao giờ biết đâu là đoạn kết. Ai đã từng đi qua những năm tháng ấy đều không khỏi tiếc nuối khi tuổi học trò đã mãi dần xa... Mùa hè, sân trường Phan Đình Phùng một màu đỏ rực hoa phượng. Chợt hiểu, khi màu hoa tươi, sắc thắm này lại trở thành biểu trưng cho tuổi học trò sôi nổi, rực rỡ. Trước khung cảnh của mái trường sôi động trong tôi lại ngân lên câu thơ thời còn đi học: “Bóng hồng thấp thoáng bên cửa sổ/Ta biết mùa thi đã cận kề/Mối tình đầu ép trong trang vở/Đỏ sân trường, chộn rộn tiếng ve”.

Mùa thu, mùa thu mỏng tang như chiếc khăn voan, những dải sương khói lãng đãng như không như có, tan chảy vào những ánh sáng vàng nhạt qua tán cây trăm tuổi, khung cảnh thật lãng mạn, nên thơ. Con đường hôm nay bỗng nhiên xao xuyến khi “ Mùa thu vào hoa cúc” (thơ Xuân Quỳnh). Những bông cúc đại đóa vàng rực với cánh hoa nhỏ cong cong dễ thương như ngón tay trẻ nhỏ. “Hà Nội ơi mùa thu đẹp vô cùng/Khi buổi sáng một mình lang thang dạo/Ghé đường Phan Đình Phùng mùa này xanh lá sấu/Bình minh lên xuyên vệt nắng ngang đường” (thơ Nguyệt Sương). Người qua đây dường như bước chậm lại, ngơ ngẩn không đâu, trước sự dịu dàng của những cơn gió sớm heo may, mơ hồ cảm nhận hương thơm nồng nàn hoa sữa hay mùi quả sấu chín trên cành. Mùa thu chộn rộn, mùa thu háo hức rộn ràng váy áo cho trai gái trẻ thỏa thích sống ảo với những tà áo dài “nối gió mùa thu” và duyên dáng nón trắng bài thơ. Cũng là sự tạo dáng nhưng có lẽ lãng mạn và thi vị hơn khi tạo dáng trên con đường này, để rồi đây khoe với nhau những ảnh đẹp lung linh dành nuôi “phây”.

Mùa đông ư? Mùa đông qua đây trầm lặng, ưu tư. Mùa Đông cho vẻ đẹp mơ màng khi mỗi trận gió đông bắc se se lạnh ướp mùi ngô nướng trên chậu than hoa. Trong ảm đạm màu chì của trời đất thì hoa cúc họa mi bừng sáng như ngàn sao vào những ngày đầu đông. Nhiều người thích mê thời khắc giao mùa của tháng mười. Hình như tháng mười là độ đẹp nhất, lãng mạn nhất khi những hàng cây ở đây bước vào mùa thay lá. Góc phố thân quen tự nhiên trở lên lãng mạn với vẻ đẹp lạ lùng của con đường trải thảm vàng hoe lá rụng.

Mùa đi qua đường Phan Đình Phùng càng làm khung cảnh ở đây trở lên bâng khuâng u tịch vẻ hoài cổ. Phố Phan Đình Phùng còn có một nét đẹp trang trọng, lịch sử. Con đường, mái phố mang tên người yêu nước, vị lãnh tụ nổi tiếng của cuộc khởi nghĩa Hương Khê trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Ai người đã từng trèo lên mặt thành Cửa Bắc để ngắm toàn cảnh phố Phan Đình Phùng đang nhịp sống chầm chậm. Cả con phố thẳng tắp, xanh ngăn ngắt một màu bởi bóng cây lâu niên. Trên lầu cao Bắc Môn, nơi thờ Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu - Hai danh nhân lẫm liệt tuẫn tiết vì nước. Đặc biệt, khi vào lầu còn được biết Hoàng Diệu trước lúc tự vẫn trong Võ miếu đã để lại lời trối: “Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thân chết có quản gì, nguyện xin theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng...”.

“Đường thơm hương sữa/Níu lòng người xa/Ba mươi sáu phố phường Hà Nội/Lưu luyến/Hào hoa”. Đường Phan Đình Phùng, con đường yên ả, thanh bình trong sự ồn ào, đông đúc, náo nhiệt của Thủ Đô nghìn năm văn hiến. Đi trên con đường này dưới bóng mát của những cây sấu, cây xà cừ cổ thụ, lòng thấy thảnh thơi, thư thái thêm yêu quý những góc phố thân thương giữa lòng Hà Nội./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Chung Tiến Lực. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Góc Đà Lạt trong lòng Hà Nội
    Hà Nội vào hè, trời nắng như chảo rang. Cái nắng hút cạn những hồ nước lớn nhỏ giống như người lữ khách dừng chân ở ven đập Đồng Quan hút cạn một ly nước mía mát rượi sau khi đã leo lên đỉnh núi Sóc đến chùng chân, mỏi gối. Hà Nội đâu chỉ có những tòa cao ốc cao chọc trời, những đường cao tốc và hầm xe hiện đại. Tôi biết, còn có một Hà Nội rất khác...
(0) Bình luận
  • Lấp lánh gốm sứ Bát Tràng
    “Trước khi về, nhớ sang Bát Tràng mua cho mẹ bộ bát đĩa nhé!”. Nghe lời dặn của mẹ, ký ức một thuở hiện về và nỗi nhớ căn nhà kỷ niệm cứ xốn xang trong tôi. Nơi đó có mẹ đang móm mém mỉm cười chờ tôi. Thấy con về, nhất định mẹ sẽ hỏi “Có sang Bát Tràng không?”. Tôi sẽ đùa “Nhà thiếu gì bát đĩa mà mẹ cứ phải Bát Tràng!”. Mẹ sẽ mắng yêu “Đấy là tôi dặn mua sắm cho anh em anh đấy chứ. Thi thoảng các con về đây ăn uống đầy nhà đầy cửa không vui sao!”... Càng nghĩ, ký ức càng cuộn lên khôn nguôi, trong đó có những hình ảnh rất quen thuộc trong nhà tôi – một gia đình miền núi nhưng đậm đặc hơi hướng một miền đất đồng bằng nổi tiếng - Bát Tràng.
  • Nghề thuốc ở xứ Đoài
    Nhắc đến xứ Đoài, trong tâm thức người Việt Nam ta đó là vùng đất cổ, nơi lưu giữ những tầng lịch sử, văn hóa được trầm tích qua hàng ngàn năm. Xứ Đoài, tên gọi quen thuộc, nhưng không dễ để hiểu tại sao lại gọi như vậy.
  • Hà Nội trong trái tim tôi
    Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đã vô cùng yêu thích và thuộc nằm lòng bài hát: “Hà Nội - Một trái tim hồng” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Khi những ca từ trong trẻo cất lên: “Tôi hát bài ca ngợi ca Hà Nội/ Ơi Thủ đô xao xuyến trong trái tim tôi/ Hàng cây xanh bao mùa lá đỏ/ Gió sông Hồng rì rào sóng vỗ…”.
  • Hoài niệm về tàu điện xưa
    Hình ảnh những chuyến tàu điện chở khách hồi xưa: bây giờ chỉ còn trong hoài niệm. Nghe nói, tàu điện do người Pháp đưa sang, có hơn 100 năm (có nhà ga, sửa chữa cho tàu khá lớn, ở đường Hoàng Hoa Thám bây giờ)...
  • Vô định bước chân khi qua chốn cũ
    Một lần tôi âm thầm trở lại Hà Nội. Tôi có hẹn phỏng vấn với một công ty ở đó. Sau bao tháng ngày lăn lội công trường bùn lầy gió bụi, tôi muốn tìm kiếm một công việc mang nhiều yếu tố chuyên môn hơn. Thế nhưng, buổi phỏng vấn hờ hững, kết thúc mà chẳng hứa hẹn điều gì, có lẽ tôi không phải là lựa chọn phù hợp cho vị trí đang tuyển dụng. Chông chênh giữa một thành phố quen mà nay như xa lạ, tôi một mình lang thang qua những con phố cũ, chờ chuyến xe trở về lúc chiều muộn.
  • Sơn Tây, một thoáng thành cổ
    Nằm dưới chân núi Tổ lại ở vị trí trung tâm của xứ Đoài, thành cổ Sơn Tây từng in dấu thời gian và trở thành một chứng nhân của lịch sử trong giai đoạn cuối của thời phong kiến và những năm tháng bi hùng kháng chiến chống Pháp của phe “chủ chiến” và phong trào cần vương trên mảnh đất xứ Đoài.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Mùa đi qua đường Phan Đình Phùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO