Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Góc Đà Lạt trong lòng Hà Nội

Izerghin 04/07/2023 16:23

Hà Nội vào hè, trời nắng như chảo rang. Cái nắng hút cạn những hồ nước lớn nhỏ giống như người lữ khách dừng chân ở ven đập Đồng Quan hút cạn một ly nước mía mát rượi sau khi đã leo lên đỉnh núi Sóc đến chùng chân, mỏi gối. Hà Nội đâu chỉ có những tòa cao ốc cao chọc trời, những đường cao tốc và hầm xe hiện đại. Tôi biết, còn có một Hà Nội rất khác...

dap-dong-quan-soc-son.jpg
Đập Đồng Quan, Sóc Sơn

Nơi ấy có núi, có hồ, có cả những rừng thông mọc thẳng đứng trông lãng mạn như lạc chân đến thành phố Đà Lạt mộng mơ. Có một Hà Nội như thế. Một Hà Nội cách xa trung tâm thành phố chừng 30 cây số, đầy cảm hứng cho những ai sẵn sàng xách xe máy lên đường để tìm về một nơi chốn bình yên, trong lành và thoáng đãng vào dịp cuối tuần.

Tan làm chiều thứ sáu, tôi và Thảo xuất phát từ chùa Hà xuôi về hướng cầu Nhật Tân đi Sóc Sơn. Đi với Thảo, tôi thấy yên tâm và thanh thản lắm. Cô ấy đích thị là chiếc Google Maps. “chạy bằng cơm” tuyệt vời nhất mà tôi biết. Ngồi phía sau xe một “tổ lái”, tôi thỏa sức đưa mắt nhìn ngắm mọi nẻo đường băng qua.

Cuối chiều, nắng vẫn vàng ươm như màu của muồng hoàng yến vào mùa nở rộ. Cái nóng hầm hập phả vào người khiến mồ hôi chảy ướt đẫm lưng áo, nhuộm màu da thịt chúng tôi đến rát bỏng. Thoát khỏi đoạn tắc đường giờ cao điểm trong trung tâm thành phố, cuối cùng chúng tôi cũng được hít thở bầu không khí trong trẻo của làng quê theo đúng nghĩa.

Qua cầu Nhật Tân chừng 5 cây số, chúng tôi đi theo đường gom rợp mát dưới bóng cây xà cừ đang tuổi lớn và những ruộng hoa màu người dân huyện Đông Anh trồng tưới quanh năm. Từ cây xăng Phù Lỗ về đường huyện, thời tiết dễ chịu hơn rất nhiều. Hai bên đường phủ kín rừng thông chạy dọc suốt đường chúng tôi đi.

Chúng tôi dừng chân ở một homestay thuộc xã Phù Linh rồi thuê xe đạp để ra đập nước. Lúc xe đạp chuyển bánh, cũng là lúc chúng tôi bắt đầu thả mình vào những gì trong trẻo nhất, bình yên nhất của núi rừng. Chúng tôi nghịch ngợm gác chân lên khung xe, mặc cho chiếc xe thả trôi xuống dốc sau một hồi gù lưng, chùng gối để phóng xe lên dốc cao. Từng làn gió mát rượi thổi ù ù hai bên tai, luồn lỏi vào bên trong tay áo khiến toàn thân sảng khoái khi được đánh thức bởi gió rừng.

Ra đến đập nước, mặt đứa nào đứa nấy đều đỏ tía tai vì đã di chuyển đường dài để đến được nơi đây. Bù lại là buổi đạp xe đã đưa chúng tôi qua những cung đường thơ mộng, lại kịp lúc ngắm hoàng hôn rủ bóng xuống hồ nước gợn sóng và cả tiếng náo động bởi tiếng người già, trẻ con nói cười.

Lúc gạt chân chống xe bước xuống, từ bắp đùi xuống đến bàn chân tôi vẫn còn run lên bần bật vì lâu ngày mới đạp xe leo dốc. Tôi vội vàng lấy điện thoại từ trong túi đeo ngang hông ra chụp vài bức ảnh mặt trời xuống núi. Có lẽ, bởi lòng tôi vui sướng đến run người nên khi bấm máy, có khá nhiều ảnh bị rung tay. Mắt tôi cay xè vì mồ hôi từ trên tóc chảy xuống, cũng vì tôi đã quá xúc động trước một cảnh đẹp rất nên thơ. Tôi ôm lấy Thảo, ghì chặt hai vai cô ấy, nghiến răng, rít lên khe khẽ:

Thảo ơi là Thảo ơi. Sao chúng mình không quen nhau sớm hơn nhỉ? Vì biết đâu, em đã mời tôi về quê chơi từ thuở tám hoánh, để tôi được đằm mình dưới nắng sớm bình minh; hoặc khi hoàng hôn xuống, được đứng ngắm nhìn sông, núi mênh mang thế này. Chỉ thế thôi cũng đủ khiến lòng tôi thấy thỏa mãn nhiều lắm.

Có lẽ, Thảo đã quen thuộc với thứ văn nói đầy sến súa đó của tôi rồi nên cô ấy không còn cười ngặt nghẽo như thuở ban đầu mới quen nữa. Thay vào đó, cô ấy vỗ nhẹ vào lưng tôi xoa dịu:

Quen biết muộn thì đi chơi muộn, có sao đâu. Em sẽ bù đắp bằng cách sẽ dẫn Trang đến nhiều điểm ăn chơi thú vị khác ở quanh đất Sóc này.

Lúc này, mặt trời chỉ còn là một quầng sáng nhỏ lấp ló dưới chân núi phía xa. Sau khi hút cạn ly mía đá, chúng tôi gửi xe đạp lại quán nước cạnh hồ để đi dạo xung quanh.

Khi Thảo dắt tay tôi kéo vào khu bãi trong, một mùi hương của rừng núi ùa vào cánh mũi khiến tôi cảm thấy khoan khoái lạ thường. Hai bên bờ đập Đồng Quan về chiều ngày nào cũng đông vui, nhộn nhịp bởi có nhiều người dân trong xã và khách vãng lai đến hóng mát, ngắm cảnh. Người trải bạt, người mắc võng, người bày ghế dù ra để ngồi ăn hoa quả và đồ ăn nhẹ đã chuẩn bị sẵn từ nhà.

Cuối chiều, nắng đã dịu hẳn. Chúng tôi gom lá bạch đàn và lá thông khô trải xuống nền đất, ngồi nhìn xuống hồ nước phía dưới, nơi có nhiều trẻ em mặc áo phao tập bơi dưới sự giám sát của người lớn. Tôi chợt mơ màng nghĩ về một thời rất xa xôi ở quê mình. Cái nơi mà mỗi chiều tôi đều mong được theo bố ra con sông cạn nước trong làng để lặn chai, bắt ốc đem ra chợ bán để đổi lấy tiền mua thức ăn và quà vặt.

Thấy tôi ngồi bần thần một lúc lâu, Thảo huơ tay trước mặt hỏi tôi đang suy nghĩ gì mà mặt thừ ra thế. Tôi lặng im suy nghĩ vài giây rồi mới từ tốn phản hồi:

Tôi đang hồi tưởng lại thuở bé ở quê mình. Cũng thích vầy nước như những đứa trẻ kia lắm. Dù không sinh ra ở đây, nhưng tôi thấy nơi này thật gần gũi. Chắc duyên nợ nhiều lắm nên tôi mới quyến luyến Hà Nội như thế. Nơi này cũng vậy. Chắc chắn tôi sẽ rất nhớ và mong mỏi được quay lại khi bọn mình kết thúc chuyến đi này. Với tôi, Hà Nội 1 hay Hà Nội 2 đều đáng mến, đáng yêu cả. Bởi khi đã yêu mến một thành phố thì cổ kính hay hiện đại tôi vẫn yêu.

***

Tháng sáu là mùa hạ và mùa mưa. Ở lại đất Sóc chưa đầy hai ngày nhưng tôi cũng đã thấm đủ cả cái nắng oi nồng trong xóm làng, và cả những trận mưa xối xả như tiếng thác đổ. Ngày đầu, vừa thức dậy đã thấy nắng như thiêu đốt cả đất trời. Đi trong làng, đường bụi mù đất cát mỗi lần có phương tiện phóng vượt qua trước mặt. Phía xa xa, những đàn trâu nhởn nhơ gặm lá mạ mới nhú lên từ phần gốc rạ thu hoạch tháng trước. Đến giữa trưa quay về, cỏ cây héo úa, không còn đủ sức bay mềm mại, thướt tha như khi cánh lá được uống no căng nước mưa.

soc-son-giong-nhu-mot-da-lat-thu-nho.jpg
Sóc Sơn giống như một Đà Lạt thu nhỏ

Đến giữa buổi chiều, Thảo rủ tôi leo núi lên đền Sóc. Leo một quãng, tôi lại dừng lại thở không ra hơi hỏi xem sắp lên tới đỉnh núi chưa. Câu đáp lại “chưa, còn lâu” của cô ấy khiến chân tôi chùng và mỏi lắm. Thảo khom lưng bẻ một cành khô dọc đường leo lên đỉnh núi, đưa cho tôi rồi bảo:

Cầm lấy “bảo bối trợ lực” này mà leo cho đỡ mỏi nào. Cố lên! Đi Sóc Sơn mà không leo núi lên gặp Thánh Gióng thì có lỗi với lịch sử lắm đấy.

Chúng tôi vừa leo, vừa nghỉ. Phải tốn chừng 40 phút đồng hồ mới đặt chân lên đến đỉnh núi. Leo hết phần bậc thang, tôi ngồi phịch xuống ghế đá trong cái chòi dựng lên cho lữ khách trú mưa, trú nắng. Sau khi ngửa cổ uống hết chai nước khoáng 500ml, mồ hôi toàn thân tôi bắt đầu túa ra như tắm. Chợt nghĩ, ở trên núi, nhiệt độ thấp mà người còn ướt sũng thế này thì ở trung tâm thành phố, khéo nhiệt độ ngoài trời phải xấp xỉ 50 độ.

Chỉ còn một quãng ngắn là lên tới tượng đài Thánh Gióng nhưng chân tôi không nhấc đi nổi. Đúng lúc đó, một bác xe ôm lớn tuổi mời hai chị em lên xe. Cuốc xe ôm 20.000 đồng, kẹp ba lên tận chân tượng đài. Dù đường không quá gập ghềnh, nhưng tôi cảm nhận được bác xe ôm gầy gò đang cố gắng ghì chặt tay lái để xe không bị bốc đầu, vì hai đứa tôi, đứa nào cũng nặng trên 50 cân.

duong-leo-nui-len-tuong-dai-thanh-giong.jpg
Đường leo núi lên tượng đài Thánh Gióng

Vừa lên đến đỉnh, trời bỗng tối sập xuống. Một đám mây xám khổng lồ nhanh chóng kéo đến bao vây bầu trời vừa mới nắng chang chang trước đó ít phút. Mưa đột ngột khiến nhiều người đang leo núi không kịp trở tay. Thật may mắn khi đang đứng gần tượng Thánh Gióng nên chúng tôi đã kịp trú mưa dưới một mái hiên che của người phụ nữ bán nước trên núi.

Những tia chớp cắt rạch như xé rách bầu trời. Ngay sau đó, một tiếng sét lớn làm rung cả đất trời. Trời bắt đầu mưa. Mưa xối xả. Mưa như trút nước. Dòng nước từ những đồi thông, đồi bạch đàn xuôi dòng đổ xuống hồ. Dòng nước như cuốn theo hương phù sa của vùng đất đồi đỏ khiến màu nước đỏ đục tựa dòng sông Hồng trải dài nhiều địa phận thành phố.

Mưa xối xả suốt hai tiếng đồng hồ khiến đường xuống đền trở nên khó khăn. Hàng trăm người vất vả leo núi phải đứng xếp hàng đợi đến lượt được đội xe ôm bản xứ chở xuống chân đền.

Đường về, chúng tôi băng qua cánh đồng nhầy nhụa đất và những hố trũng ngập nước. Trời tối om. Ếch ương, chão chuộc rủ nhau hòa âm dưới những mương nước sát đường đê. Đường làng chưa có đèn đường thắp sáng, lại bị mất điện nên chúng tôi di chuyển rất khó khăn. Tôi ngồi sau xe, tay víu chặt lấy áo Thảo vì sợ xe rê bánh. Thảo quay lại trấn an:

Ngồi thẳng người để em lái xe nào. Ngồi nghiêng xe nếu ngã oạch xuống vũng nước là đi tong bộ quần áo đấy.

Vất vả lắm chúng tôi mới đi hết đoạn đường đất về làng. Dù không bị trơn ngã nhưng lưng áo tôi cũng lấm tấm vết bùn đất bắn lên. Đi qua các nhà chỉ thấy ánh sáng yếu ớt từ ngọn nến cháy héo hắt. Nhà nào nhà nấy đều trải chiếu ra sân ngồi đón gió trời. Đám trẻ con chạy từ nhà sang hàng xóm nô đùa, tiếng cười giòn tan phá vỡ sự tĩnh lặng vốn cỏ ở chốn làng quê.

Cách xa homestay vài chục mét đã nghe thấy tiếng của động cơ máy phát điện. Tôi xuống xe, phụ Thảo đẩy lên dốc cổng rồi hai đứa ngồi bệt xuống nền cỏ, từ từ ngả lưng nằm xuống bên cạnh chiếc bungalow chúng tôi thuê ở lại qua đêm, để mặc cho những hạt mưa đọng lại trên cành lá nhỏ vào mặt, vào tóc và cả quần áo.

Lại thêm một trận mưa rào nữa. Chúng tôi tháo giày, tất để lên mái hiên rồi chạy chân trần trên cỏ mềm, dưới trận mưa rào như những đứa trẻ thuở lên bốn, lên năm. Thuở bé, chỉ mong sau những buổi chạy rơm, chạy thóc bở hơi tai thì được mẹ gật đầu cho đi tắm mưa cùng trẻ con trong xóm. Ngay lúc này, chúng tôi như sống lại những ngày tháng rất xa xôi đó. Mặc cho năm tháng cứ trôi, chúng tôi của giây phút hiện tại giống như những người mang tâm hồn trẻ thơ, trong hình hài của phụ nữ đã ngoài ba mươi tuổi.

***

Có lẽ, tháng sáu của năm này hay nhiều năm sau đó, tôi vẫn sẽ nhớ về những con đường đất mưa trơn trượt; nhớ những chiếc xe bò kéo lăn bánh lọc cọc trên đường quê, những chú bò mệt nhoài vì sức nặng sau những ổ gà, ổ voi lồi lõm; nhớ một chiều đạp xe qua những rừng thông, đi nhanh để kịp đón hoàng hôn ở đập Đồng Đò; nhớ cả trận mưa rào bất chợt đổ xuống từ trên đỉnh núi Sóc linh thiêng,..

Vẫn có một Hà Nội như thế! Một Hà Nội nhuốm màu ký ức từ một thời rất xa xôi - cái thuở cha ông ta vẫn làm nông nghiệp, con trâu đi trước, cái cày theo sau. Chỉ một vài năm nữa, vùng đất này cũng sẽ phát triển và đổi khác, nhưng những ấn tượng ban đầu sẽ luôn khắc sâu trong tâm trí người lữ khách. Đó là một góc của Hà Nội rất khác, một Hà Nội rất trữ tình, mộng mơ.

***

Buổi sáng sớm, chúng tôi tranh thủ đi dạo quanh homestay trước giờ trả phòng. Thảo ngắt một bông sim tím cài lên tóc tôi. Cô ấy cũng đặt vào lòng bàn tay tôi một bức tượng Thánh Gióng mua ở đền khi đi gửi xe máy để leo lên đỉnh núi chiều qua. Trong lúc được cô bạn nhỏ chụp cho vài bức ảnh với hoa sim, tiếng loa phát thanh xã mở khúc hát ngợi ca quê hương như làm bừng dậy một thời dân tộc vùng lên tranh đấu để bảo vệ non sông gấm vóc:

Này đây là nồi cơm mẹ,

Con ăn no mà lớn dậy thành Người.

Này đây là roi sắt, ngựa sắt,

Gióng nhận đi mà cất bước lên đường.

Này đây tre đằng ngà của ngàn trùng nước Việt,

Thánh Gióng nhổ lên mà đánh dẹp kẻ thù…

Đồ đạc đã chất lên xe, chìa khóa cũng đã bàn giao lại cho quản gia, tôi vẫn tiếc nuối đứng nhìn về hướng núi bị phủ kín bởi sương mù. Trên đường quay trở lại thủ đô, tôi đã chẳng ngần ngại víu sau lưng áo Thảo mà thủ thỉ:

Ở đây đã quá! Không ngờ ở Hà Nội cũng có một nơi bình lặng, trong lành đến thế. Lần tới Thảo lại cho tôi theo về Sóc Sơn chơi nữa nhé./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Izerghin. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Check in ở Hồ Tây
    Hồ Tây là một danh thắng nổi tiếng giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Hồ Tây không chỉ hút mọi người đến tập thể dục, đạp xe, hóng mát, hít thở không khí thoáng đãng, trong lành của lá phổi xanh, mà Hồ Tây còn thu hút rất nhiều tín đồ “ăn” ảnh.
(0) Bình luận
  • Nhớ gì khi xa Hà Nội
    Thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi gắn bó cùng Hà Nội. Đó là quãng đời sinh viên tươi vui, hồn nhiên được cùng các bạn đồng trang lứa sinh sống và học tập giữa lòng Thủ đô, dưới mái trường Học viện hành chính Quốc gia. Lần đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa an toàn của gia đình, Hà Nội đã hiếu khách đón nhận, ôm tôi vào lòng, gieo vào tâm hồn thật nhiều kỉ niệm đặc biệt. Để rồi sau khi ra trường, trở về quê hương công tác, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến mỗi khi nhớ về Hà Nội với những hồi tưởng xuyến xao về quãng đời sinh viên.
  • Tô thắm Hà Nội bốn mùa hoa
    Có lẽ hiếm có Thủ đô của đất nước nào trên thế giới lại có đủ thời tiết đặc trưng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng với đó là thiên nhiên tuần hoàn luân chuyển quay vòng bốn mùa như Hà Nội. Để tạo nên diện mạo của Thủ đô, ngoài các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh… thì còn có cả hệ thống cây xanh và hoa cỏ được trồng khắp các nẻo đường của Hà Nội.
  • Một thoáng Thủ đô, một đời vương vấn
    Tôi đến Thủ đô vào một ngày hè chói chang nắng lửa. Cảm giác nóng nực không ngăn nổi sự hiếu kì trong tôi về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về những con người tao nhã, văn minh. Tôi thả hồn phiêu diêu qua từng con phố, lắng tai nghe nhịp thở của Hà thành mà nao nao hồi tưởng về những điều mình đã đọc, đã biết về lịch sử, con người nhân kiệt nơi đây.
  • Giai nhân trong bức ảnh Hà thành bất tử
    Nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô xin được dâng truyện ngắn này như một nén nhang thơm để tưởng nhớ những nghĩa sĩ anh hùng đã dâng hiến đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô. Trong đó có vợ chồng ông Hai Hiên. Hai Hiên - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa “Hà thành đầu độc” năm 1908. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã làm chấn động 3 cõi Đông Dương khiến Paris phải run sợ. Ông Hai Hiên lúc đó mới ngoài 30 tuổi, bị thực dân Pháp xử tử chặt đầu, rồi treo thủ cấp ở Cửa Đông thành, nhằm uy hiếp tinh th
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
  • Cả nhà ước năm mới
    Đêm 30, sau khi tôi và Thạo (con cả của tôi) chuẩn bị xong mâm cúng giao thừa, như đã thống nhất, cả nhà quây quần bên bàn trà để cùng nhau mơ ước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thêm một cuốn sách về tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam
    Để giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ hơn về các tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp” của tác giả Nguyễn Thái Bình và Đỗ Thị Thanh Hương.
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • ‏Sữa thực vật SoyNa - Món quà sức khỏe, Tết trọn niềm vui ‏
    ‏Tết đến xuân về, ngày tết nguyên đán đang ngày một đến gần. Cùng với việc chuẩn bị những món ăn truyền thống, việc lựa chọn quà Tết cũng là một trong những điều mà nhiều người quan tâm. Dạo quanh một vòng thị trường quà tết, ta dễ nhận thấy so với những năm trước, xu hướng lựa chọn quà Tết đã có nhiều thay đổi. Thay vì những giỏ quà truyền thống với bánh kẹo, rượu ngoại hay hoa quả nhập khẩu, người tiêu dùng ngày nay đang dần chuyển hướng sang những món quà mang ý nghĩa thiết thực hơn, đặc biệt là những món quà liên quan đến sức khỏe.‏
  • Hà Nội mở đợt thi đua cao điểm cài đặt, khích hoạt ứng dụng iHanoi
    Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải đã ký Công văn số 4099/UBND-KSTTHC về việc tiếp tục thực hiện đợt thi đua cao điểm hướng dẫn Nhân dân cài đặt, kích hoạt tài khoản và sử dụng các tiện ích ứng dụng iHanoi trên địa bàn thành phố Hà Nội đến hết ngày 31/12/2024.
Đừng bỏ lỡ
Góc Đà Lạt trong lòng Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO