Ba Thụy xuất ngũ khi chiến tranh kết thúc. Người ta bảo nếu ông ở lại chắc chắn lên cấp tá. Con cái được nhờ. Anh em họ hàng cũng thơm lây. Nhưng ông chọn cách trở về, bên gia đình nhỏ và nghiên cứu giống cây trồng.
Nhà cạnh con mương nhỏ, hằng ngày ông lấy xẻng múc bùn đắp vào vườn. Đợi bùn khô, ông bắt đầu đào hố trồng chuối. Khu vườn rộng mênh mông, ông trồng thêm vú sữa, chôm chôm, mãng cầu. Nghe chỗ nào cây tốt, quả sai ông lại lọc cọc đạp xe tìm đến, học hỏi bằng được. Má thường cằn nhằn: “Ông thật rỗi hơi. Việc nhà nước lương cao không làm, về hưởng chế độ bệnh binh ba cọc ba đồng, lấy gì mà nuôi con?”. Những lúc như thế ông chỉ ngồi im bên vườn cây, rít một hơi thuốc lào.
Mùa đầu không trúng. Mấy cây con ba ươm chết gần hết. Một số cây phát triển còi cọc và dự báo một kết quả không khả quan. Ba ngồi viết viết vẽ vẽ, nhân chia cộng trừ nhưng có vẻ bế tắc. Má được dịp đá thúng đụng nia. Thỉnh thoảng ngồi nhìn ba đào hố trồng chuối, Thụy cứ hỏi tới hỏi lui:
- Bao giờ có chuối để ăn ba hen?
Ba cười:
- Nhanh lắm con. Một năm thôi à. Chuối lớn vù vù ấy!
Một năm của ba hình như thêm tháng. Tới Tết rồi qua mùa Thụy vẫn chưa được ăn trái chuối nào. Cây chuối mọc xanh rì, cao lêu đêu. Nhưng tuyệt nhiên không có quả. Ba đành chặt bớt cho heo và vịt ăn. Lá gom lại gọn gàng cho anh em Thụy mang ra chợ đổi lấy bánh giò. Năm ký lá chuối mới được hai cái bánh giò. Cỡ tuần là hai anh em lại có hai cái bánh giò ăn. Thấy anh hai khệ nệ bưng xấp lá chuối, lòng Thụy vui như mở hội. Chuyện chuối có ra trái hay không cũng không quan trọng lắm.
Ba bàn với mẹ bán bớt một ít đất, lấy tiền đầu tư cây trồng. Má nhảy dựng lên như đỉa phải vôi:
- Ông bị khùng hả?
Ba năn nỉ:
- Thì bà để tui làm, có nghiên cứu mới có thành công được chớ.
- Nghiên nghiên cái gì? Nghề chính của ông là bác sĩ, ông được đào tạo trường lớp hẳn hoi cơ mà.
Má la cho đã rồi chui vào buồng khóc rấm rứt.
Không khí gia đình nặng nề. Ba hút thuốc lào nhiều hơn. Những lúc như thế Thụy thấy ba tồi tội. Ông hì hụi múc bùn, hì hụi đào hố, trồng thêm chuối.
Lớp chuối đầu tiên bị chặt bỏ. Ba gom cho hết hàng xóm, mấy cây đẹp đẹp cho anh em Thụy mang ra làm bè. Mấy cô chú đi làm đồng, giặt đồ thấy hai đứa nghịch dưới sông còn đùa:
- Ba mày giàu giữ hen, bỏ chuối cho con chơi thuyền bè cơ đấy.
Má đang lúi húi làm cỏ lúa, đứng lên mắng ông ổng:
- Mặc kệ cha con nhà nó. Liên quan gì tới mấy người, sao nhiều chuyện hen?
Đúng là chẳng ai đọ được cái miệng tía lia của má. Kể ra lượng chữ cả nhà nói ra chắc cộng thêm hai lần nữa mới bằng lời má nói một ngày. Thỉnh thoảng anh hai lại ù ra sông ngồi xem người ta thả chài, đỡ phải nghe má la.
***
Thụy lớn lên trong vòng tay yêu thương của ba. Thi thoảng nghe má ca cẩm. Những buổi chiều nghỉ học, Thụy ngồi chăm chú nhìn ba xúc đất, thỉnh thoảng hỏi mấy câu, đủ thứ trên trời dưới đất. Tại sao cây chuối không có hoa trắng như cây mãng cầu? Tại sao ba trồng chuối hoài mà chẳng thấy có trái? Tại sao ba không trồng cho con cây táo, con thích ăn táo. À mà quên, ba để lá chuối cho con đổi bánh giò cũng được, khỏi trồng cây khác...
Ba cười hiền. Những câu hỏi ngây ngô khiến tim ông đau nhói. Ông lặng lẽ lấy sổ đỏ cầm ngân hàng, quyết tâm đầu tư giống cây mới. Ông sang tận tỉnh bạn, mua giống, học kỹ càng cách bón phân, tưới tiêu. Còn nài nỉ người ta qua nhà xem thổ nhưỡng, chất đất... Thấy mấy người từ đâu tới, chỉ chỉ trỏ trỏ bàn ra tán vào, má ngứa mắt đâm sinh nghi. Tối đó má kéo ba ra bờ sông, bảo ba nhảy xuống đó cho tỉnh táo đầu óc rồi lên nói chuyện. Ba hơi hoảng, trấn an má. Má gào toáng lên: “Vậy ông đẩy tui xuống sông đi. Tui chết ông mới hài lòng. Ông giỏi quá mà, nhà này tui đâu là cái gì”.
Má vùng vằng, quày quả thì anh em Thụy chạy ra, đứa ôm chân, đứa ôm tay khóc như mưa. Thụy nháy mắt với ba, ý bảo ba trốn đi để hai anh em lo việc của má. Ba tủm tỉm, lặn mất tăm. Tới mười một giờ đêm mới về tới sân, mặt mày đỏ au. Má đành bó tay.
Ba năm sau mới có kết quả cây trồng. Ba má bán chuối không kịp. Hết buồng này lại tới buồng khác, thi nhau mọc, bói quả. Quả nào quả nấy như cổ tay. Má mừng rơi nước mắt. Ngày má đi lấy sổ đỏ về, hình như ba khóc. Ba bảo may là vụ chuối này nó không ăn mất cả sổ đỏ.
Ba không dừng lại ở đó, tiếp tục mua thêm cây giống và đi tìm giống mới. Má nhì nhằng bảo dừng. Nhưng ba làm sao dừng được. Tiếng tăm của ba bắt đầu có chút chút. Một số người tìm đến ba để học hỏi kinh nghiệm.
Rồi nông thôn mới ập đến. Đi đâu cũng thấy bàn phương án trồng cây, làm đẹp đường làng ngõ xóm, nhân rộng mô hình hay, cách làm mới. Từ ngày có tin xã chuẩn bị lên nông thôn mới, ba chuyển qua nghiên cứu cây bưởi da xanh. Bưởi có chất lượng tốt, ngọt và cách chăm sóc khá đơn giản. Nhưng để bán sản phẩm ra thị trường thì còn cả một vấn đề nan giải. Phải đảm bảo về cả hình thức lẫn chất lượng, nhất là phải đúng tiêu chuẩn VietGap... Ba lại lặn ngụp trong đống tài liệu tham khảo. Đi sang tỉnh bạn học hỏi mô hình. Học cách chiết cành, ghép cây. Tìm đầu ra cho sản phẩm...
Những ngày nắng bỏng rát. Ba leo lên con cúp tám mốt, vi vu chỗ này chỗ nọ. Nói là vi vu, chứ thực ra ông đi vận động bà con đóng tiền xây dựng nông thôn mới, huy động nhân công làm đường... Nom ba có vẻ phấn khởi. Mỗi tội cứ bước chân về nhà là má lại ca bài ca muôn thuở: “Việc nhà không lo, rỗi hơi đi lo chuyện thiên hạ”.
Ba cười hề hề:
- Sao lại chuyện thiên hạ được. Xây dựng nông thôn mới là cho dân, dân làm và dân thụ hưởng. Bà là người dân mà, ít ra bà cũng nên tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho hàng xóm nghe. Bà không thấy xã ta điện đường trường trạm, hệ thống giao thông nông thôn đều thay da đổi thịt à?
Má trề môi:
- Ui dào, chỉ là thành tích. Nông thôn mới nông thôn cũ, dân vẫn là người khổ nhất.
- Ai cũng như bà chắc chẳng có diện mạo nông thôn như bây giờ. Hôm rồi ông chủ tịch xã còn đích thân đi cắt cỏ đậu về trồng hai bên đường kìa. Nay tuyến đường xanh - sạch - đẹp, có điện thắp sáng, được lên ti vi, báo đài rần rần.
Nhắc tới ông chủ tịch xã, má tự nhiên xìu lại. Má bảo, như ông đó thì được, hôm rồi bà con nạo vét kênh mương, ổng cũng tay cuốc tay hái làm nhiệt tình lắm. Ba được thể:
- Thì đó, là đó đó!
***
Dịch bệnh ào tới, mọi người trở tay không kịp. Ba rầu rĩ nhìn vườn xoài trái đang già. Hằng ngày chỉ hái được mấy quả chín má đem ra đầu chợ bán. Số còn lại cứ vất vưởng trên cây. Thương lái không mua. Kêu anh em bà con qua lấy về ăn cũng không hết. Nhìn đống xoài vàng ươm rớt quanh gốc cây, má lượm bỏ vào chuồng cho heo ăn, số còn lại gom làm phân. Ba ngồi trên võng, trầm tư suy nghĩ.
Anh em Thụy ở thành phố cũng không thể về. Ba con nhìn nhau qua màn hình điện thoại. Bao nhớ nhung gạt sang một bên. Má than não nề, chắc lại phải cho sổ đỏ vào ngân hàng. Đợt này là Covid ăn sổ.
Ba tình nguyện vào bệnh viện chống dịch. Ông có chuyên môn dĩ nhiên đảm đương được một số công việc. Nhưng má khăng khăng không cho đi. Lúc cần kíp nhất lại ngồi một xó nhìn ti vi tối ngày, ông thấy ruột gan cồn cào. Nếu nói nề hà, run sợ thì ông không phải là người như thế. Nhưng má cho rằng chỉ cần ở nhà thì đã góp phần phòng chống dịch, như người ta vẫn nói đùa là "ở yên một chỗ là yêu nước".
Ba đem nỗi buồn ra vườn cây. Giống cây ông mang về bây giờ đang cho kết quả rất khả quan. Ông tìm cách dỡ một đường đi bí mật sau nhà. Đợi đêm tối má ngủ o o là ông bò dậy trốn lên bệnh viện. Đồng nghiệp cũ của ba nay là trưởng khoa ngạc nhiên khi thấy ông rón rén ở cửa. Ông cười khượng khùng:
- Tui lên coi giúp được gì không. Đợt dịch này e là kéo dài đó.
Anh em bệnh viện ngạc nhiên lắm, người ta không nghĩ chuyên môn của ba vẫn tốt như ngày nào. Những ngày ở bệnh viện không có ca lây nhiễm nào nhưng ba đã cấp cứu kịp thời cho một ca gãy xương vai, một ca đau bao tử nặng và một ca gãy chân. Ông trưởng khoa gật gù:
- Hay ông trở lại bệnh viện làm việc đi, tui nhận.
Ba cười:
- Đám cây ở nhà tui để cho ai hả ông nội?
- Thì anh em con Thụy. Chả phải một đứa đang học đại học nông lâm sao?
Ba xuề xòa:
- Tụi nó còn non lắm!
Chưa kịp để lại lời dặn thì ba đột ngột ra đi vì đột quỵ. Ngày ông từ bệnh viện về trình diện má, bảo hết giãn cách xã hội rồi cũng là ngày ông rơi vào trạng thái hôn mê sâu và ra đi.
Lúc ngồi bên ba, Thụy thấy ba bỏ vào tay cô một hạt mãng cầu na, béo tròn, đen bóng, như thể đó là di nguyện cuối cùng trước lúc ông rời trần thế. Hạt nhọn đâm vào tay Thụy, đau nhói. Hình như nó đang cựa mình, nảy lên một sự sống.