Chuyển động Hà Nội

Thủ đô Hà Nội: Văn hóa - con người được quan tâm đầu tư, an sinh xã hội bao phủ toàn diện

Trung Kiên 20:46 09/12/2024

Trình bày Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại kỳ họp thứ 20, HĐND Thành phố khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh, Hà Nội đã đạt nhiều thành tựu nổi bật năm 2024, trong đó văn hóa, con người được quan tâm đầu tư, an sinh xã hội bao phủ toàn diện.

Theo đồng chí Hà Minh Hải, công tác xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển được chú trọng.

Trong đó, Hà Nội tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng yếu, thường xuyên, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024. Thành phố xác định nhiệm vụ cốt lõi là tập trung xây dựng thành phố tiêu biểu về lối sống, phong cách ứng xử có văn hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

anh-hai-pct-hn.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại kỳ họp thứ 20, HĐND Thành phố khóa XVI.

Công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích tiếp tục quan tâm; chú trọng công tác quản lý Di sản văn hóa phi vật thể, đưa di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các hoạt động văn hóa - thể thao diễn ra sôi nổi. Năm 2024, Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền, cổ động trực quan, hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, thể thao chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô.

Đặc biệt, chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024), Thành phố đã ghi dấu ấn với nhân dân Thủ đô, trong nước và bạn bè quốc tế thông qua 2 sự kiến lớn: “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”; Lễ kỷ niệm cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 35 hoạt động có ý nghĩa. Tổ chức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Thủ đô và đất nước; Hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, đảm bảo an sinh xã hội (sửa chữa nhà cho các hộ nghèo, cận nghèo); Khánh thành, khởi công tác công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; tổ chức các cuộc thi văn hóa, văn nghệ, thể thao từ cấp xã, phường, thị trấn; cấp quận, huyện, thị xã…

Cùng đó, hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn ra sôi nổi tạo nên bức tranh phong phú về đời sống tinh thần của nhân dân. Các di tích thu hút đông đảo du khách và nhân dân đến thăm quan với nhiều trải nghiệm độc đáo như: “Đêm thiêng liêng 2” và “Đêm thiêng liêng “3 tại Nhà tù Hỏa Lò; chương trình “Tinh hoa Đạo học” tại Văn Miếu và ra mắt Chương trình “Ngọc Sơn - đêm huyền bí” tại di tích Quốc gia đặc biệt đền Ngọc Sơn...

ngay-hoi-23.jpg
Hình ảnh Thị trưởng Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng trên xe dẫn đầu Đoàn quân Giải phóng tiến vào Hà Nội ngày 10/10/1954 trong sự hân hoan, chào đón của người dân Thủ đô được tái hiện trong Ngày hội Văn hóa vì hòa bình diễn ra sáng 6/10/2024. (Ảnh: HQ).

Chỉ tiêu về doanh thu phí và số lượt khách tham quan tại các di tích tăng mạnh; lũy kế 10 tháng Thành phố đã tổ chức được 1.923 buổi diễn (đạt 84,8% kế hoạch trong đó: 330 buổi diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại; 1593 buổi diễn; tổng doanh thu 10 tháng là 44,6 tỷ đồng (hoàn thành 82,34% kế hoạch), thu hút trên 634.830 lượt khán giả (hoàn thành 92,2% kế hoạch).

Công tác xây dựng nếp sống văn hóa được đẩy mạnh, dự kiến năm 2024 hoàn thành 03 chỉ tiêu quan trọng gồm: Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa” là 88%; tỷ lệ thôn (làng) được công nhận và giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa” là 64,5%; tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa” là 74%.

Thể thao thành tích cao của thành phố Hà Nội luôn duy trì ổn định vị thế dẫn đầu cả nước. Trong năm 2024, lĩnh vực này tiếp tục vững vàng trong vai trò trụ cột của thể thao Việt Nam trên các đấu trường quốc tế, với nhiều thành tích đáng tự hào. Tính đến ngày 15/10/2024 đạt được: 2.914 huy chương các loại, trong đó 2.664 huy chương trong nước; 250 huy chương Quốc tế.

Lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước”, an sinh xã hội được đảm bảo,

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải, cho biết thêm, công tác an sinh xã hội được đảm bảo; chăm lo đời sống cho nhân dân và đối tượng chính sách được thực hiện tốt; các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Thành phố thực hiện quyết liệt các giải pháp tạo việc làm mới cho người lao động, 10 tháng đầu năm, toàn Thành phố giải quyết việc làm cho 196.260 lao động, đạt 118,9 % kế hoạch năm, tương đương tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ có 186.177 lao động được giải quyết việc làm).

ngay-hoi-vieclam.jpg
10 tháng đầu năm 2024, toàn Thành phố giải quyết việc làm cho 196.260 lao động.

Để hỗ trợ hiệu quả cho người lao động tìm kiếm việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 215 phiên giao dịch việc làm, thu hút 15.436 người được tuyển dụng. Đồng thời, công tác tuyển sinh và đào tạo nghề cũng được tăng cường, với 226.500 người được tuyển sinh trong năm nay, đạt 96,4% kế hoạch đề ra, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2023(14). Dự kiến năm 2024 hoàn thành Kế hoạch cả năm về tuyển sinh và chỉ tiêu lao động qua đào tạo đạt 74,2%.

Thành phố chú trọng thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với người có công, thân nhân người có công. 10 tháng đầu năm, toàn Thành phố đã giải quyết trên 9.443 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi với tổng kinh phí là 2.129,5 tỷ đồng (trong đó, thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho 78.678 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 1.812 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần 165 tỷ đồng; chi quà Lễ, Tết 71 tỷ đồng; chi điều dưỡng 81,5 tỷ đồng).

Thành phố tổ chức tốt hoạt động tri ân, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, đã vận động được 33,7 tỷ đồng vào Quỹ Đền ơn đáo nghĩa, đạt 147,6% kế hoạch. Tặng 1.734 sổ tiết kiệm tình nghĩa với kinh phí gần 5,4 tỷ đồng, đạt 139,3% so với kế hoạch; tu sửa nâng cấp 53 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí gần 157,3 tỷ đồng, đạt 171% so với kế hoạch; vận động xã hội hóa cho việc tu sửa nâng cấp 159 nhà ở cho người có công với cách mạng, kinh phí trên 6,5 tỷ đồng đạt 119,5% kế hoạch; 57/57 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan đơn vị nhận phụng dưỡng.

ho-tro-tuyen-quang.jpg
Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh trao ủng hộ tới tỉnh Phú Thọ và tỉnh Tuyên Quang tại Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, hưởng ứng Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước do Thủ tướng Chính phủ phát động, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thống nhất chủ trương hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Phú Thọ xóa nhà tạm, nhà dột nát với tổng kinh phí hỗ trợ là 265,004 tỷ đồng. Thành phố đã thực hiện hỗ trợ 21 tỷ đồng cho 03 tỉnh trong nước thực hiện công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; đồng thời tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công,... trong các chuyến đi thăm và làm việc với các địa phương trong nước.

Công tác vận động, hỗ trợ trẻ em cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, với tổng kinh phí huy động lên tới 8,27 tỷ đồng, đã hỗ trợ cho 4.064 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Thành phố tiếp tục ủy thác hơn 9.500 tỷ đồng (trong đó ngân sách Thành phố: 8.441 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện: đạt 1.042 tỷ đồng) qua Ngân hàng chính sách xã hội cho hơn 96 nghìn hộ khó khăn và các đối tượng chính sách được vay vốn... và là địa phương dẫn đầu cả nước.

Triển khai thực hiện chủ trương hỗ trợ các địa phương trong nước tại các Thông báo kết luận của Thành ủy Hà Nội, UBND Thành phố đã báo cáo HĐND Thành phố xem xét, phân bổ 191,094 tỷ đồng hỗ trợ 5 tỉnh trong nước để thực hiện các công trình/dự án có ý nghĩa thiết thực, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa tỉnh/thành bạn với Thủ đô Hà Nội.

Công tác giảm nghèo được chú trọng, tính đến nay số hộ nghèo đã giảm 55% số hộ nghèo so với đầu năm (tương đương 380 hộ). Dự kiến đến hết năm 2024, giảm 490 hộ nghèo. Đến nay, toàn Thành phố có 19/30 quận, huyện không còn hộ nghèo (có thêm thị xã Sơn Tây so với cuối năm 2023), trong đó có 5 quận không còn hộ cận nghèo. Xây dựng, sửa chữa nhà ở hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Nghị quyết 14/2023/NQ-HĐND: đến nay, đã hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà 714/714 hộ nghèo, hộ cận nghèo, đạt 100% kế hoạch./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Trăng thơm
    Thoan ngồi giặt ở cầu ao. Trăng nhấp nhoáng dưới làn nước. Hoa bèo tím thẫm một mảng bồng bềnh trong âm thanh rền rã của bầy ve kêu trên cây nhãn già. Cây nhãn này mấy năm trước đứt hoa, mùa xuân năm nay bung lại, hoa kết từng chùm vàng nhạt, li ti, đậu quả bện trĩu cành. Ngang trưa nay, chị Hà đi lấy hàng về sớm, thấy thằng cu Minh đánh quần đùi, áo ba lỗ, mũ lưỡi trai đội ngược, cầm sào đi bắt ve qua ngõ, bèn vẫy lại: “Cu Minh, trèo cây vặt nhãn hộ cô”.
  • Hà Nội bước tới kỷ nguyên mới từ tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm
    Thủ đô Hà Nội đã, đang rất quyết tâm thực hiện định hướng, chỉ đạo chiến lược của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Điều này đã được chứng minh bởi Hà Nội đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm...
  • Hội nghị tổng kết các nhiệm vụ của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội thực hiện Chương trình số 06
    Những năm qua, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy (Chương trình số 06) và Kế hoạch 176/KH-UBND ngày 30/7/2021 của UBND Thành phố về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025" quyết liệt, hiệu quả, với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của Thành phố được ban hành, có tác động tích cực đến đời sống nhân dân, được người dân đồng tình, hưởng ứng.
Đừng bỏ lỡ
Thủ đô Hà Nội: Văn hóa - con người được quan tâm đầu tư, an sinh xã hội bao phủ toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO