Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924 - 2024): Nguyễn Đình Thi - một bản lĩnh văn hóa lớn
Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình Thi để giới thiệu trong tập “Lotus en bouton - Éclats de soleil” (Búp sen - Tia nắng) xuất bản tại Pháp tháng 9 vừa qua với phóng viên Tạp chí Người Hà Nội dưới đây, phần nào cho thấy rõ điều đó.
PV: Từng có có thời gian dài làm việc cùng nhà văn Nguyễn Đình Thi, chắc hẳn ông vẫn còn nhớ nhiều kỷ niệm về cố nghệ sĩ?
Nhà thơ Bằng Việt: Tôi được tiếp xúc với nhà thơ Nguyễn Đình Thi từ năm 1966. Hồi đó, chúng tôi dù còn rất trẻ, chưa là hội viên nhưng vẫn được mời đến dự sinh hoạt Hội Nhà văn Việt Nam. Có một số anh chị em, từ mối quen biết đó, đã được Hội Nhà văn giới thiệu vào miền Nam để đào tạo năng lực sáng tác qua thực tế chiến trường là cuộc chiến tranh vì độc lập và thống nhất đất nước. Các anh Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân), Nguyễn Mỹ, Bùi Minh Quốc, chị Dương Thị Xuân Quý... lần lượt được Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu đi vào chiến trường những năm đó. Sau này, còn một số anh chị em, đã đầu quân vào quân đội, như Phạm Tiến Duật, Lê Lựu, Triệu Bôn, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân,... cũng được Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp vào Hội và giao nhiệm vụ hội viên, đi vào chiến trường. Năm 1969, sau khi được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam, tôi cũng được đi vào chiến trường qua con đường đó. Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu và Bảo Định Giang là các nhà văn có trách nhiệm cao nhất, thông qua Ban Thống nhất Trung ương và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, giới thiệu những người đi B. Nguyễn Đình Thi hay dành nhiều thời gian trò chuyện với anh chị em sáng tác trẻ, chỉ bảo rất tận tình qua kinh nghiệm sống và sáng tác của mình. Ông từng hoạt động trong Hội Văn hóa cứu quốc, từng tham gia Quốc dân Đại hội Tân Trào, một trong các sáng lập viên Hội Nhà văn Việt Nam, từng tham gia các chiến dịch Biên giới, chiến dịch Điện Biên Phủ,... nên có vốn sống vô cùng phong phú, đa dạng. Ông có tài kể chuyện rất cuốn hút, giản dị mà sâu sắc, đúc rút bài học qua thực tế, làm người nghe thấm thía, nhớ lâu.
Chính Nguyễn Đình Thi và Chính Hữu là những người đã trực tiếp xin tôi từ Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam về Hội Nhà văn Việt Nam, đưa tôi vào thử thách tại chiến trường Trường Sơn. Sau khi trở về, tôi được vào công tác tại cơ quan xuất bản và Tạp chí Tác phẩm mới của Hội, đi tham dự các kỳ Hội nghị văn học Á - Phi ở trong nước và nước ngoài. Nguyễn Đình Thi có tác phong rất dân chủ, bình đẳng khi bàn luận nhưng có ý kiến quyết định về các tác phẩm xuất bản và đưa in ở Nhà xuất bản hay Tạp chí Hội. Khi có dịp nói chuyện riêng, ông rất cởi mở chia sẻ nhiều cảm nhận riêng tư và sâu sắc về tình hình chính trị - xã hội đất nước, hay những mối quan hệ của ông với các nhà văn thế giới.
PV: Dõi theo chặng đường sáng tác và sự nghiệp nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi, theo ông đâu là dấu ấn riêng của tác giả?
Nhà thơ Bằng Việt: Nguyễn Đình Thi say mê triết học từ rất trẻ. Ngoài hai mươi tuổi, ông đã nghiên cứu và công bố những cuốn chuyên khảo về Kant, Nietzsche hay Descartes. Thơ của ông cũng mang nhiều tính triết lý, nhưng hay để sự việc và hoàn cảnh tự nói ra, chứ ông không nói thay vào đó. Thậm chí ông còn luôn làm đơn giản hóa câu thơ đi, giảm hẳn những suy tư mang tính tư biện nặng nề. Tính triết lý trong thơ ông luôn gắn chặt với những cảm nhận và vui buồn của đời thường. Thơ tình của ông gắn chặt với những xúc cảm rất tự nhiên và cá biệt, không sa vào những cảm quan chung chung hay ca ngợi sách vở.
Trong những bài thơ viết từ những năm 1947-1950, ông đã có những tìm tòi và đổi mới rất riêng, đặc biệt là thơ không vần, những bài thơ tình, những cảm nhận bột phát rất độc đáo về nhân tình thế thái, hồi đó là rất mới mẻ và dũng cảm, khi đã dám bộc lộ cái Tôi ra một cách thành thật và công khai, kẻ cả những yếu điểm. Những điểm mới đó, thời ấy chúng ta còn chưa quen, nên thơ ông có lúc từng bị phê phán nặng nề. Thậm chí, mãi về sau này, khi đưa in vào các tập thơ như “Dòng sông trong xanh”, “Tia nắng”, “Trong cát bụi”, “Sóng reo”,... Nguyễn Đình Thi còn phải tự tay chỉnh sửa lại một số bài ông đã viết từ thời kỳ trước, kể cả một số bài nổi tiếng, đã được nhiều người thuộc lòng. Đấy là lý do vì sao thơ Nguyễn Đình Thi có nhiều dị bản, thậm chí tới giờ, người ta vẫn còn phân vân không biết bản nào mới đích thực là bản chính!
Tuy nhiên, thơ Nguyễn Đình Thi không khó nhận ra và không dễ lẫn với ai. Thơ ông khúc chiết, giản dị và cô đúc, câu chữ được tước bỏ đi sắc thái trang trí hoặc các màu sắc sặc sỡ làm dáng, chỉ giữ lại những gì cốt lõi nhất. Ông luôn muốn trả sự vật về đúng bản chất của nó, gọi sự vật bằng đúng cái tên đích thực của nó. Kỹ thuật tu từ của thơ ông rất cao, nhưng không bị lạm dụng. Ông thường nói rằng, kỹ thuật viết “mộc” của thơ Đường là cái “mộc” chết người đấy, cả đời, có khi chúng ta cũng không với tới nỗi đâu!
PV: Được biết, tháng 9/ 2024, tuyển thơ “Lotus en bouton - Éclats de soleil” (Búp sen - Tia nắng) giới thiệu 50 bài thơ Nguyễn Đình Thi đã xuất bản tại Paris (Pháp) và được phát hành toàn cầu qua mạng sách quốc tế Amazon. Là người lựa chọn và dịch tập thơ này ra tiếng Pháp, đối với ông hẳn là những kỷ niệm khó quên. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc đôi chút về tập thơ dịch này?
Nhà thơ Bằng Việt: Nguyễn Đình Thi và nữ ký giả Pháp Madeleine Riffaud (thời trẻ từng là một nữ chiến sĩ kháng chiến chống phát xít) có một mối tình vô cùng đặc biệt. Họ gặp nhau trong Đại hội Thanh niên Dân chủ thế giới tại Berlin, Đức (năm 1951) khi cả hai cùng vào tuổi 26. Sự đồng điệu, đồng cảm về lý tưởng cũng như phong cách sống qua cuộc kháng chiến của hai dân tộc đã nảy sinh mối tình đặc biệt của hai người, tràn trề vẻ đẹp nhân bản. Đối với M. Riffaud, Nguyễn Đình Thi chính là mối tình trọn đời, cũng là hình mẫu lý tưởng sống của bà.
Tuy không đi tới được hôn nhân, họ vẫn thường xuyên trao đổi thư từ, giao lưu với nhau cho đến khi Nguyễn Đình Thi mất. Những năm cuối đời, sức khỏe rất yếu nhưng Madeleine Riffaud vẫn cố gắng thực hiện sở nguyện của Nguyễn Đình Thi từ những năm 90 của thế kỷ trước mà chưa kịp hoàn thành, đó là ông muốn có tập thơ của ông dịch ra tiếng Pháp và xuất bản ở Pháp.
Bà Madeleine đau yếu đã ủy nhiệm cho bà Dominique de Miscault - người bạn lâu năm của mình tìm cách cho dịch và in tập thơ. Tôi lại là người may mắn có duyên được hai bà tin tưởng, gửi gắm ước nguyện này. Được sự đồng ý của Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, từ cuối năm 2023, tôi đã khởi động việc chọn và dịch tập thơ, kịp ra mắt trước Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố nhà thơ (tháng 12/2024). Tập thơ có nhan đề “Lotus en bouton - Éclats de soleil” (Búp sen - Tia nắng) tên gộp từ hai tập thơ tuyển của Nguyễn Đình Thi.
Tập thứ nhất là “Un jour, un lotus bleu” (Một ngày kia, một chồi sen biếc), đa phần là thơ tình, gồm 20 bài mà bà M. Riffaud đã cẩn thận lưu giữ từ các bản chép tay của nhà thơ Nguyễn Đình Thi tặng bà từ những năm 80 cuối thế kỷ trước. Tập thứ hai chọn từ “Tia nắng”- tuyển thơ Nguyễn Đình Thi, do Nhà xuất bản Văn học in năm 1988, trong Tủ sách tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước; bản này do chính tay nhà thơ Nguyễn Đình Thi chọn, biên tập và chỉnh sửa khi ông còn sống.
Thật may mắn, tập thơ dịch vừa kịp ra mắt tại Thủ đô Paris (Pháp) trong tháng 9/2024 và bà Madeleine Riffaud đã kịp nhìn thấy ấn phẩm này trước khi qua đời vào sáng ngày 6/11/2024, sau một thời gian dài ốm nặng, thọ đúng 100 tuổi. Chắc hẳn bà hài lòng khi đã thực hiện được ý nguyện của nhà thơ Nguyễn Đình Thi gửi gắm từ năm 1991. Nếu như tin rằng hai người giờ đã được đoàn tụ ở thế giới bên kia, chúng ta càng không thể quên những câu thơ tiên tri mà Nguyễn Đình Thi đã viết từ năm 1983, trong bài thơ “Anh tìm em” (cũng được chọn dịch trong tập thơ có thể coi như di cảo này):
Anh tìm em nơi lạ đất trời
Chiều phương Bắc nắng nhòa thành phố
Em đây ư, mắt nhìn bỡ ngỡ
Gặp lại anh, qua cả một đời
Hai chúng ta đã bao nhiêu xa
Bao nhiêu năm lặng im hai ngả
Đường đời - lửa thiêu và băng giá
Hôm nay - bên nhau như trong mơ
Em mang cho anh dáng mây năm xưa
Nước mắt dòng sông Lô tuổi trẻ
Mái nhà lá sơ sài thuở ấy
Một đốm hoa đào giữa núi xanh:
- Đốm sáng nhỏ giữa linh hồn anh...
PV: Trân trọng cảm ơn nhà thơ Bằng Việt!
Nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924 - 2003) thuộc thế hệ các văn nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1945, ông tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, sau đó được bầu làm Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I. Sau Cách mạng tháng Tám, ông từng đảm nhận vai trò Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc, tiếp đó là Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam và sau này là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I năm 1996 với các tiểu thuyết “Xung kích”, “Vào lửa”, “Mặt trận trên cao”, “Vỡ bờ”, các tập thơ “Người chiến sĩ”, “Bài thơ Hắc Hải”.