Bí ẩn về nơi yên giấc nghìn thu của quan Thái giám triều Nguyễn
Được vua và thái hậu chấp nhận, các quan Thái giám triều Nguyễn quyên góp mở rộng “Thảo Am đường” để làm nơi yên nghỉ sau khi mất.
“Chùa Thái Giám”, điểm du lịch tâm linh xứ Huế
Chùa Từ Hiếu nằm ẩn mình trong một khu rừng thông rộng lớn trên núi Dương Xuân (phường Thuỷ Xuân, TP Huế) là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng xứ Huế nhưng rất ít người biết đến ngôi cổ tự này còn có tên gọi khác là “Chùa Thái Giám” bởi trong khuôn viên chùa có một khu lăng mộ Thái giám triều Nguyễn.
Theo tìm hiểu, thái giám có từ thời Tây Chu ở Trung Quốc và trước khi đưa vào hoàng cung để hầu hạ các bậc vua chúa thì các thái giám phải bị loại bỏ phần sinh thực khí của đàn ông để nhà vua yên tâm giao cho phục vụ các phi tần cung nữ. Công việc của các thái giám là hầu hạ vua, hoàng hậu và các cung tần mỹ nữ, tuyển lựa và ghi chép tên của các cung phi được vua “sủng ái hằng đêm” rồi báo với quốc sử quán để theo dõi dòng tộc Hoàng gia về sau, một vài thái giám khác được điều sang phục dịch cho các cung phi góa bụa của các đời vua trước.
Theo sử sách, mỗi triều vua có trung bình khoảng 200 thái giám phục vụ và được tuyển chọn là những người “ái nam ái nữ” bẩm sinh (được gọi là “giám sinh”), thời nhà Nguyễn các “giám sinh” được gọi là “ông bộ” và rất được trọng vọng. Tuy nhiên, “giám sinh” rất ít nên triều đình phải tuyển thêm thái giám đó là những người con trai khỏe mạnh có giới tính bình thường tự nguyện tịnh thân (cắt bỏ sinh thực khí làm thái giám) để vào cung hầu hạ.
Tuy là quan thái giám được vua tin tưởng và ban cho bổng lộc nhưng thực tế cuộc đời của họ rất bi kịch, cô đơn bởi các thái giám sẽ sống suốt đời trong cung và khi về già sẽ nằm chờ chết tại tòa nhà phía Bắc Hoàng thành gọi là “Cung giám viện” chứ không được chết ở trong cung.
Tìm nơi yên nghỉ về sau
Về cuối đời, các thái giám đã biết được số phận bi đát của mình nên khi còn khỏe mạnh họ cố gắng dành dụm tiền bạc để tìm nơi chôn cất cho cho chính mình và nơi họ chọn để yên nghỉ chính là chùa Từ Hiếu.
Chùa Từ Hiếu vốn là một am tự để tu tại gia có tên là “Thảo Am đường” do hoà thượng Thích Nhất Định lập ra để phụng dưỡng mẹ già, sau đó vào khoảng năm 1848 “Thảo Am đường” được trùng tu và mở rộng nhờ sự giúp đỡ của một thái giám có tên là Châu Phước Năng. Tận mắt chứng kiến cảnh sau khi về già các thái giám bị đuổi ra khỏi cung, không nơi ở, không người thân, không quê hương và chỉ biết sống qua ngày và chờ chết tại “Cung giám viện” và Châu Phước Năng thương xót các khi các thái giám chết không có nơi chôn cất, không nơi thờ tự, không ai hương khói nên đã kêu gọi các hoạn quan trong triều đình quyên góp và ủng hộ để mở rộng “Thảo Am đường” để có nơi yên nghỉ về sau.
Việc mở rộng “Thảo Am đường” để có nơi yên nghỉ cho các thái giám được vua Tự Đức và thái hậu Từ Dũ chấp nhận, đồng thời cũng quyên góp để mở rộng “Thảo Am đường”, tên chùa Từ Hiếu được vua Tự Đức ban tặng có nghĩa là “hiếu thuận” và có sự đóng góp của các thái giám nên còn có tên gọi khác là “Chùa Thái Giám”.
Khu lăng mộ của các thái giám nằm trong khuôn viên của chùa Từ Hiếu rộng khoảng 1.000m2 có tấm bia đá ở chính giữa khắc ghi công lao đóng góp của các thái giám và có 25 ngôi mộ (trong đó có 2 ngôi mộ gió - mộ không có thi hài) được chia làm thành 3 bậc tương ứng với vai trò và sự đóng góp khác nhau của các quan thái giám. Bậc trên cùng là mộ của thái giám Châu Phước Năng (người đóng góp nhiều nhất cho chùa nên ngôi mộ cũng to hơn những ngôi mộ khác), trong số 25 ngôi mộ thì có 21 ngôi mộ có thể đọc được chữ trên bia và đặc biệt là ngôi mộ số 22 ghi “Hoàng triều cung giám viện, quảng vụ Nguyễn Hầu, quên ở thôn Nhi, Hà Nội, mất tháng giêng năm Khải Định thứ V”.
Thời nhà Nguyễn đã qua đi, du khách đến Cố đô Huế du lịch chỉ hay đi tham quan các lăng tẩm của “9 chúa 13 vua triều Nguyễn” và ít khi nhắc đến thái giám, không nhiều người biết đến. Theo tục lệ, hằng năm cứ đến Rằm tháng 11 chùa Từ Hiếu lại tổ chức ngày giỗ chung để tưởng nhớ những người đã mất và trong đó có Thái giám triều Nguyễn./.