Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội tổng kết 6 tháng đầu năm 2025: Tiếp tục ổn định tổ chức, đẩy mạnh hoạt động chuyên môn
“Đổi mới phương thức hoạt động, phát huy năng lực hội viên, nâng cao chất lượng sáng tác là yêu cầu tất yếu để Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đồng hành cùng Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới”, NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) Hà Nội tổ chức sáng 16/7/2025.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố, cùng đông đảo văn nghệ sĩ là hội viên 9 hội chuyên ngành trực thuộc.
Hoạt động toàn diện, đẩy mạnh hoạt động chuyên môn
Báo cáo kết quả hoạt động của Hội trong 6 tháng đầu năm 2024, NSND Trần Quốc Chiêm – Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn Thành phố tập trung thực hiện chủ đề năm 2025: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, Hội đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành triển khai nhiệm vụ chính trị, khẳng định vai trò tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp đặc thù, tập hợp và phát huy hiệu quả hoạt động của đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô.

Cụ thể, trong 6 tháng qua, Hội đã tập trung triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2025; thưc hiện sửa đổi bổ sung các quy chế, quy định của cơ quan cho phù hợp với tình hình thực tế; xây dựng chương trình công tác và phân bổ dự toán ngân sách năm 2025, đồng thời chỉ đạo các hội chuyên ngành và cơ quan cấp hai xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện nhiệm vụ đảm bảo đúng tiến độ, đạt hiệu quả.
Trên cơ sở thực hiện Quyết định của Thành ủy và hướng dẫn của Đảng ủy cấp trên, Hội đã tổ chức thành công Đại hội Chi bộ Hội Liên hiệp lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030. Hội cũng đã tổ chức hai cuộc họp với các sở, ban, ngành Thành phố nhằm chuẩn bị cho Đại hội các hội chuyên ngành và Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2025–2030).
.png)
Với vai trò trung tâm trong đời sống văn hóa nghệ thuật Thủ đô, Hội đã phát động hội viên tích cực hưởng ứng nhiều phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị, các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phối hợp tích cực với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, ngành văn hóa, giáo dục trong các hoạt động xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh...
Các hoạt động chuyên môn được các hội chuyên ngành tích cực triển khai. Hội Nhà văn tổ chức 2 tọa đàm chuyên đề về văn học Hà Nội sau năm 1975 và nhà văn nữ với ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3; Hội Mỹ thuật tổ chức tọa đàm “Mỹ thuật Hà Nội 50 năm sau ngày đất nước thống nhất”; Hội Nghệ sĩ Múa tổ chức 2 tọa đàm, gồm tọa đàm “Giải mã thành công của vở múa Vương Chiêu Quân” và “Chất liệu múa đương đại trong nhạc kịch Lửa từ đất”; Hội Điện ảnh tổ chức 3 buổi trao đổi kinh nghiệm với các đoàn làm phim Yêu nhầm bạn thân, Địa đạo, tọa đàm bài học từ thắng lợi của điện ảnh Iran tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII; Hội Văn nghệ dân gian tổ chức 2 tọa đàm về phong tục cúng Táo quân và di sản lễ hội Thăng Long – Hà Nội; Hội Sân khấu tổ chức hội thảo “Thành tựu 50 năm sân khấu Thủ đô”…
Các đợt đi thực tế, điền dã được tổ chức thường xuyên và bước đầu huy động xã hội hóa, góp phần quan trọng tạo cảm hứng sáng tác, gắn kết hội viên, đồng thời phát hiện nhiều chất liệu mới cho tác phẩm văn học nghệ thuật đậm hơi thở đời sống. Hội cũng đã tổ chức đoàn văn nghệ sĩ tham gia chương trình giao lưu VHNT giữa Liên hiệp các Hội VHNT TP Hồ CHí Minh, Liên hiệp các Hội VHNT Huế và Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh.
Tạp chí Người Hà Nội – cơ quan ngôn luận của Hội duy trì ổn định chất lượng nội dung, thực hiện tốt vai trò tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Thành phố, là diễn đàn của các văn nghệ sĩ Thủ đô. Tạp chí tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì; đồng thời đã tổ chức thành công Lễ tổng kết, trao giải và giới thiệu tác phẩm Cuộc vận động sáng tác về nghề báo, người làm báo Thủ đô và cả nước năm 2025.
Trong 6 tháng đầu năm, Hội đã gửi 9 tác phẩm đề nghị hỗ trợ và xét giải thưởng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật năm 2024 tới Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương; cử 2 hội viên đi trại sáng tác do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức; chọn 3 bài dự thi Cuộc thi Chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 5 năm 2025; xét chọn và gửi 8 tác phẩm tham dự Giải thưởng sáng tác, quảng bá về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đồng thời, Hội cũng xét chọn giới thiệu 1 hội viên đề nghị phong tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2025.
Đổi mới tư duy sáng tác, nâng cao hiệu quả tổ chức Hội
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại cần khắc phục như: Việc huy động chất xám đóng góp xây dựng Thành phố và phản biện xã hội chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng; hoạt động phối hợp giữa các hội chuyên ngành còn hạn chế; chưa thu hút rộng rãi hội viên tham gia các cuộc thi, vận động sáng tác lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do việc huy động nguồn lực đầu tư cho các dự án văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực văn học nghệ thuật còn nhiều khó khăn; nguồn lực ngoài ngân sách chưa được khai thác hiệu quả để phát triển văn hóa và nâng cao chất lượng nhân lực, dẫn đến kết quả đạt được chưa như mong muốn. Bên cạnh đó, tính chủ động của các hội chuyên ngành và vai trò của từng hội viên vẫn chưa được phát huy đầy đủ.

Từ thực tế đó, BCH Hội xác định một số định hướng quan trọng trong thời gian tới. Về tổ chức sáng tác, tiếp tục tổ chức hiệu quả các đợt sinh hoạt chuyên môn, hội thảo chuyên đề, tọa đàm trao đổi về tác phẩm mới, chú trọng chất lượng tư tưởng, giá trị thẩm mỹ, phong cách thể hiện hiện đại kết hợp với truyền thống. Về đầu tư sáng tác, cần tránh dàn trải, tập trung đầu tư theo hướng đặt hàng tác phẩm có chiều sâu, tạo điều kiện cho những cây bút tài năng phát huy trọn vẹn tâm huyết, trí tuệ. Đồng thời, Hội cũng hướng tới xây dựng thế đứng tài chính vững chắc hơn để có thể tự chủ phần nào kinh phí hoạt động, đóng góp hiệu quả vào tiến trình phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Cụ thể, trong 6 tháng cuối năm 2025, Hội sẽ tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng tới hội viên về Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố và Đại hội XIII Hội Liên hiệp; phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội bàn về công tác sáp nhập các hội quần chúng theo chủ trương chung; tổ chức Hội nghị tổng kết 50 năm văn học nghệ thuật Thủ đô sau Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975–30/4/2025). Hội cũng dự kiến tổ chức đi thực tế sáng tác cho Ban Chấp hành; xét duyệt, hỗ trợ kinh phí sáng tác các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật năm 2025; tổ chức hoạt động chào mừng 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đồng thời chuẩn bị Đại hội các hội chuyên ngành và Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp nhiệm kỳ 2025–2030; tiếp tục triển khai chương trình công tác của Liên hiệp và 9 hội thành viên như tổ chức trại sáng tác, đi thực tế, hội nghị, hội thảo chuyên môn, hoạt động xuất bản, biểu diễn, triển lãm, phát động các cuộc vận động sáng tác hướng tới các ngày lễ lớn.
.png)
Phát biểu tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các hội chuyên ngành, thành viên trong BCH Hội đều ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Hội đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trong việc duy trì hoạt động chuyên môn và thúc đẩy tinh thần sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ hội viên. Một số ý kiến cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại cần được quan tâm khắc phục, nêu rõ khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai hoạt động chuyên môn. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề xuất giải pháp, bày tỏ mong muốn định hình rõ tổ chức, mô hình hoạt động, cơ chế chuyển giao lãnh đạo phù hợp với tình hình mới; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu tăng cường tính kết nối, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ yên tâm sáng tạo, cống hiến, góp phần phát huy dòng chủ lưu sáng tạo của văn học nghệ thuật Thủ đô.
Tiếp thu ý kiến của các thanh viên Ban Chấp hành, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội Trần Quốc Chiêm cho biết: thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục củng cố tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sát thực tiễn, linh hoạt và hiệu quả hơn; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các hội chuyên ngành phát huy thế mạnh riêng, nâng cao chất lượng sáng tác và các hoạt động nghề nghiệp. Hội cũng sẽ chú trọng xây dựng môi trường thuận lợi để mỗi hội viên có thể chủ động đóng góp trí tuệ, tài năng cho sự phát triển bền vững của văn học nghệ thuật Thủ đô./.