Lần đầu ghép tủy đồng loại thành công cho bệnh nhi tan máu bẩm sinh ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Bệnh viện Trung ương Huế lần đầu tiên triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc đồng loại thành công tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên cho 2 bệnh nhân tan máu bẩm sinh.
Ngày 7/10, tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đơn vị vừa điều trị thành công hai ca ghép tủy đồng loại đầu tiên trên bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Đây là một bước tiến vượt bậc trong việc áp dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc đồng loại và mở ra nhiều cơ hội mới cho các bệnh nhi mắc bệnh di truyền, hiểm nghèo.
Phát huy những thành công từ kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân trong điều trị ung thư, lần đầu tiên Bệnh viện Trung ương Huế triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc đồng loại tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là đơn vị thứ hai trong cả nước. Theo đó, ca ghép đầu tiên là cháu Trần Viết Th. (42 tháng tuổi, trú ở Đà Nẵng) được chẩn đoán mắc bệnh tan máu bẩm sinh từ khi 2 tuổi và phải vào bệnh viện truyền máu hàng tháng, sau khi xét nghiệm HLA cháu Trần Viết Th. được xác nhận phù hợp hoàn toàn với chị gái ruột nên đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế (dưới sự hướng dẫn của GS. Lawrence Faulkner từ tổ chức DKMS, Đức) đã thực hiện ghép tủy thành công.
Mặc dù gặp biến chứng xuất huyết phế nang lan tỏa hiếm gặp nhưng nhờ vào sự chăm sóc và phát hiện kịp thời của đội ngũ y tế, cháu Trần Viết Th. đã hồi phục và hiện nay đã xuất viện, với lịch tái khám định kỳ tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Bệnh nhân thứ 2 là cháu Phạm Lê Hoàng Vương (8 tuổi) được chẩn đoán mắc bệnh tan máu bẩm sinh từ khi 17 tháng tuổi và phải thường xuyên vào viện truyền máu. Sau khi kiểm tra, cháu Phạm Lê Hoàng Vương phù hợp hoàn toàn với chị ruột nên được tiến hành ghép tủy đồng loại thành công.
Theo GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, “Bệnh tan máu bẩm sinh là một bệnh lý di truyền gây thiếu máu hồng cầu nhỏ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ. Với các trường hợp nặng, trẻ phải lệ thuộc vào truyền máu thường xuyên, dẫn đến nhiều khó khăn trong cuộc sống”.
“Ghép tủy đồng loại được xem là phương pháp điều trị tối ưu, mang lại cơ hội phục hồi hoàn toàn cho trẻ, giúp trẻ có thể sống khỏe mạnh mà không cần truyền máu. Thành công trong việc ghép tủy đồng loại tại Bệnh viện Trung ương Huế không chỉ mang lại hy vọng cho các bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh mà còn mở ra triển vọng điều trị cho các bệnh lý khác cần ghép tủy đồng loại như suy tủy, suy giảm miễn dịch bẩm sinh và ung thư tái phát…” - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết thêm.
Được biết, Bệnh viện Trung ương Huế là bệnh viện thực hiện thành công hơn 2.000 ca ghép tạng và trở thành một trong những trung tâm lớn thực hiện thành công bộ ba ghép tạng “tim, gan, thận”, đưa Việt Nam có tên trên bản đồ ghép tim trên thế giới. Với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị hiện đại, trong thời gian đến bệnh viện sẽ tiếp tục phát triển kỹ thuật ghép tủy đồng loại và nhiều phương pháp điều trị hiện đại khác nhằm không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân, mở ra hy vọng mới cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo./.