Ký ức phía sau bức ảnh “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản”
Thời khắc các cánh quân của Đại đoàn quân tiên phong từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô năm 1954 mãi mãi đi vào lịch sử và in đậm trong ký ức của bao người Hà Nội. Đã có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh ghi dấu thời khắc hào hùng “đoàn quân kéo về mùa thu ấy/ nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường” ấy trong đó có tác phẩm “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản” của ông Lê Sửu (một người dân Hà Nội). Bức ảnh giản dị, chân thực, có ý nghĩa lịch sử không chỉ với riêng gia đình ông mà còn là khoảnh khắc vô cùng đặc biệt của Thủ đô Hà Nội.
Trước thời khắc lịch sử đó, trong ngày 8/10/1954, quân Pháp làm lễ hạ cờ và ngày 9/10 bắt đầu rút khỏi Hà Nội. Quân Pháp rút đến đâu, bộ đội ta tiến vào tiếp quản tới đó. Đúng 16h30 ngày 9/10/1954, quân Pháp rút hết qua cầu Long Biên, quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Đường phố Hà Nội trước ngày 10/10 vắng lặng, chỉ còn lác đác bóng mấy người lính Pháp trên phố Kim Mã chuẩn bị rút quân. Nhà cửa đóng im ỉm nhưng bên trong thì người dân lại sống trong không khí háo hức, đợi chờ, chuẩn bị cờ, hoa để đón đoàn quân giải phóng. Theo lời kể của ông Lê Sửu, bà Hoàng Lan Hương - vợ ông khi ấy là cô bé hàng xóm mới 12 tuổi, mấy đêm trước khi bộ đội tiến về đã làm rất nhiều dây xích ngũ sắc để trang trí nhà cửa. Ngày 10/10/1954, nhân dân Hà Nội đón những người chiến sĩ anh dũng của quân đội nhân dân Việt Nam trong niềm hân hoan, vui sướng, trong tiếng hoan hô không ngớt “Hồ Chủ tịch muôn năm! Quân đội nhân dân Việt Nam muôn năm!”. Nhà nào nhà nấy đều treo lá cờ đỏ sao vàng, nhiều cánh cửa bấy lâu đóng kín nay được mở toang. “Đúng ngày 10/10/1954, khi đoàn quân xuất hiện, tất cả đều mở cửa rồi chạy ào ra đón Bộ đội Cụ Hồ. Không khí lúc đó vui và nhộn nhịp lắm. Tôi vẫn nhớ bầu trời hôm ấy trong vắt, xanh thăm thẳm” - ông Lê Sửu chia sẻ.
Bức ảnh “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản” ghi lại hình ảnh đoàn quân chiến thắng trở về. Trong không khí tươi vui, náo nhiệt ấy có một cậu bé tên là Lê Bảo Tháp, chính là em trai ông Lê Sửu với ánh mắt hồn nhiên, đứng gọn trong khung hình. Bức ảnh không quá đặc biệt về bố cục, chỉ đơn giản là cú chớp máy của người chụp ảnh trong không khí rực rỡ cờ hoa. Tuy vậy, nhìn vào bức ảnh cũng đủ thấy không khí hân hoan của lòng người, hòa trong ánh nắng thu vàng tươi, hình ảnh chú bé và xa xa là lá cờ đỏ sao vàng… mang đến cho người xem niềm vui và hi vọng về những tháng ngày độc lập của dân tộc, sau thời gian kháng chiến trường kì, gian khổ.
Có một điều đặc biệt về nhân vật chính trong bức ảnh này - ông Lê Bảo Tháp khi 18 tuổi đã lên đường nhập ngũ, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đã hi sinh tại chiến trường Quảng Trị khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông Lê Sửu không ngờ rằng, bức ảnh em trai vẫy cỡ trước cửa nhà mình ở 80 Hàng Đào lại chính là khoảnh khắc lịch sử của gia đình và của Hà Nội trong ngày đặc biệt 10/10/1954. Ngắm nhìn em trai trong khung hình, kỉ niệm tuổi thơ trong những ngày tháng lịch sử lại dội về. Ông cũng không bao giờ nghĩ rằng em trai mình đã hi sinh. Bức ảnh “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản” như một kỷ vật thiêng liêng của gia đình, như nhắc nhớ về “một sớm thu trong đất thắm sao vàng” và em trai ông cũng chính là người góp phần viết tiếp tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Cũng trong ngày 10/10/1954 ấy, ngoài bức ảnh chụp em trai mình cùng đoàn quân chiến thắng trở về, ông Lê Sửu còn chụp được khoảnh khắc đầu tiên khi bộ đội tiến quân vào Hàng Đào. Bức ảnh “Đoàn xe qua phố Hàng Đào” với hình ảnh người dân ai nấy đều vui mừng, hòa cùng những người lính bộ đội cụ Hồ trên phố.
Ông Lê Sửu và em trai là Lê Bảo Tháp vốn là con một gia đình tư sản ở Hà Nội, bố là chủ hiệu tạp hóa Đức Hòa rất uy tín. Gia đình khá giả, lại là người thích chụp ảnh nên ông Lê Sửu đã được bố mua cho máy ảnh và một chiếc xe đạp - vốn là niềm mơ ước của không ít cô cậu thanh niên hồi đó. Với chiếc máy ảnh trên tay, ông đã đi chụp khắp các địa danh, nơi chốn ở Hà Nội để chụp ảnh và tặng lại cho bạn bè. Khi còn làm ở Viện Thiết kế tổng hợp, chuyên thiết kế các công trình thuộc Bộ Công nghiệp nặng, ông Lê Sửu đã có nhiều lần về địa phương công tác. Mỗi khi nhìn thấy những hàng dài các anh bộ đội hành quân lên đường chiến đấu, ông lại đinh ninh lúc ấy em mình cũng có mặt trong đoàn quân ra trận. Những khoảnh khắc đó ông không chụp lại, mãi mãi ở trong kí ức đến giờ.
Tháng 10 năm 2019, cuốn sách ảnh “Chúng ta đem vinh quang, sức dân tộc trở về” tập hợp những tài liệu quý, tái hiện không khí hào hùng của Hà Nội trong thời điểm lịch sử mùa thu năm 1954 được xuất bản. Bức ảnh “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản” của ông Lê Sửu cũng là một trong những hình ảnh tư liệu quý được giới thiệu trong ấn phẩm này. Không chỉ tập hợp tư liệu ảnh của phóng viên cho các hãng thông tấn nước ngoài, các nhà sưu tập, nhà sử học Dương Trung Quốc - chủ biên cuốn sách còn tìm được những nguồn ảnh từ các gia đình- cũng là những nhân chứng lịch sử trong sự kiện ngày 10/10/1954. Ông Dương Trung Quốc cho rằng những hình ảnh trong sách là nguồn tư liệu để bảo tồn một cách trung thực nhất thời khắc lịch sử.
Có những khoảnh khắc đi vào trong ống kính một đi không trở lại. Có biết bao thế hệ đã nối tiếp tinh thần yêu nước, yêu độc lập, tự do của dân tộc để đứng lên bảo vệ hòa bình. Thủ đô Hà Nội những ngày mùa thu tháng mười như bừng sáng sau 9 năm kháng chiến trường kì kháng chiến ác liệt, gian khổ với biết bao hi sinh, mất mát, khẳng định ý chí của quân và dân ta trước một kẻ thù hùng mạnh về mọi mặt. Thủ đô nghìn năm văn hiến đã từng chứng kiến những cuộc “ra đi” và “trở về”, luôn ghi dấu Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội mãi niềm tin về khúc khải hoàn ca./.