Tản văn

Hương sen vương vấn sợi trà

Tản văn của Kỳ Giang 06:54 18/07/2024

Những ngày còn công tác ở Hà Nội, ông ngoại tôi đã xin được giống sen Hồ Tây về trồng trong đám ruộng lầy cải tạo thành ao, bờ mòn dần hóa thành đầm sen đầu tiên ở bản. Những nhà hàng xóm ngắm bông sen to, đẹp thơm ngát một vùng thì đến xin vài ngó già.

sen.jpg

Dần dần, sen bén rễ đất lành, bên gò chè sóng xanh được cúp tỉa gọn gàng. Lá sen phơi hãm nước uống hằng ngày, lá còn tươi dùng để gói xôi, bọc gà chạy đồi nướng đất "không lối thoát". Ngó sen trộn gỏi dễ ăn. Từ khi nào, tôi không rõ, người dân quê mình biết dùng những đóa hoa sen Hồ Tây kết hợp với thứ trà cánh hạc một tôm hai lá để làm nên thương hiệu: Trà sen - một món quà hội tụ tinh hoa của thiên nhiên đất trời.

Từ lúc còn mờ đất, một ngày mới đã mọc lên lưng đồi. Nón trắng nhấp nhô, tay thoăn thoắt hái. Búp chè đẫm sương đêm một tôm hai lá thả vào gùi đeo chéo bên hông. Nắng trung du mặn chát mồ hôi người làm chè. Những đôi mắt sáng nhìn nhau nhấp nhánh trong khi nhiệt độ tăng dần trên đỉnh đầu. Cây lá xanh ngắt đằng cánh rừng già, tôi mơ có một bóng râm để ngồi ngả lưng, quạt lấy quạt để. Chè được trồng kín đất, khoảnh nào cũng đều tắp, lựa thế con dốc uốn thành những đoàn tàu quanh năm trả hàng ở sân ga. Chè của các cụ trồng, trở thành của hồi môn cho con, cho cháu. Mùa hè, người hái chè trông thật nhỏ bé, giữa mênh mông đất trời không thấy cánh chim nào cõng ngọn gió đi ngang. Ve sục sôi bên tai, các cuộc vui bên dòng suối mát lành hay bờ biển xa vắng trở thành ước mơ thật xa xỉ. Nhấp một ngụm trà đá ủ trong thùng giấu ở đầu luống chè, công việc của người nông dân lại tiếp tục đến quá trưa, chỉ có trẻ con với người già mới được ưu tiên về nhà trước.

Chẳng ai buồn đo nhiệt độ trong ngày giữa nương chè nhưng tôi biết, so với cái nắng của miền Tây sông nước phơi được con cá biển khô queo, hạt muối diêm dân kết tinh trắng hơn hạt gạo và nắng đổ vai người hái hồ tiêu giữa cao nguyên đất đỏ thì vị chát trung du để có mẻ chè sao suốt cũng bỏng rát tay gầy.

Bố mẹ tôi quanh năm lấm lem bùn nâu, lăn xả, vật lộn với cuộc sống mưu sinh để cho con cái có ngày được “nở hoa” thơm ngát trong đầm. Không có "bùn" làm sao có "sen"? Ngồi lại bên đầm dưới trăng thanh, gió mát mới thổi cho hương sen thơm nhất lúc này. Hoa sen - loài hoa mọc trong hồ nước tượng trưng cho vẻ đẹp, cho sự tinh khiết, phẩm chất cao quý của con người Việt Nam. Vào ban đêm khi mật hoa ở độ thơm nhất, ông ngoại chèo thuyền thúng ra đầm, nơi hoa sen mọc lựa những bông cánh xếp đã căng, đem về nhẹ nhàng bóc từng cánh hoa mỏng manh và đổ đầy trà cánh hạc đã lấy hương gói vào trong từng bông sen. Sau đó, ông khép từng cánh hoa lại, buộc bằng dây cẩn thận để trà không bị rơi ra ngoài. Trải qua một đêm “thức” trong đóa hoa sen, cánh trà sẽ hấp thụ toàn bộ mùi hương, tất cả những vị tinh túy nhất để sáng tinh sương có ấm trà thơm ngọt, dịu nhẹ và đầy sâu lắng. Thưởng trà là một nghệ thuật, ở đó, người thưởng trà tìm được khoảng lặng bên trong mình, có được những giây phút thư thái, an yên trong không gian trong lành. Tìm được những người bạn trà đồng điệu, cùng chia sẻ vui buồn thì không có gì hạnh phúc bằng.

Trước đây, mất cả ngày, nhà tôi mới tưới xong một lô chè. Còn bây giờ, tôi ngồi nhà bật công tắc, thoải mái giới thiệu trà sen với khách, đưa họ đi xem các vòi rồng phun nước trắng xóa khắp đồi cao. Bình yên luôn ở quanh ta, ngồi ngắm chiều tà, pha ấm trà sen uống giải tỏa cái nóng để biết ơn hành trình làm trà dù có nhiều vất vả, mệt mỏi, khó khăn nhưng ông ngoại, cha mẹ tôi đã cố gắng những mẻ trà tốt nhất, đặc biệt hương sen vương vấn sợi trà đến tận mùa đông.

Mùa hoa bưởi, hoa nhài, hoa sói, hoa sen... thường trôi qua nhanh, chén trà cũng chóng nguội nhưng ngoại tôi và bà con trong bản đã dành tâm huyết giữ lại cho đời bí quyết lưu giữ hương thơm của đất trời và góp phần làm nên giá trị văn hóa tinh thần của mảnh đất miền non nước./.

Bài liên quan
  • Yêu một người Hà Nội
    Chuyến bay lúc 4 giờ chiều hạ cánh xuống sân bay Nội Bài với lời chào là bản nhạc "Nhớ về Hà Nội". Trống ngực tôi loạn xạ cứ như đang đến cuộc hẹn đã mong đợi từ lâu.
(0) Bình luận
  • Hương hoa mùa xuân tụ trong chén trà
    Năm nay mọi thứ dường như trôi qua chậm hơn, Lập Xuân rồi mà vẫn cứ rét ngọt và nắng hanh hao mãi. Phải đến qua Nguyên tiêu mới thấy lác đác mưa phùn cùng gió nồm ẩm thổi vào Giêng hai Bắc bộ. Chiều nay trà thất của tôi đón khách quý từ phương xa ghé thăm.
  • Thắp lên cánh đồng mùa xuân
    Ngày Tết, tôi có hứng thú đi tìm miền cỏ nước. Từ thuở bé đến bây giờ vẫn nguyên một mong ước giản dị mà xa xôi ấy. Ví von một chút là được vị thần thiêng liêng của Tết năm đó mừng tuổi cho một hình sắc cánh đồng vào xuân. Ngẫm thế, chợt thấy nếu được trải mình vào cánh đồng đang dâng lên tràn chảy sắc xuân ấy, thật sẽ là một món quà trang trọng, lịch lãm và cải biến diệu kỳ.
  • Nhớ miền tết xưa
    Hương xuân chạm vào cánh cửa thời gian, phố dài lên áo mới cũng là lúc đông rời đi chẳng bỏ quên gót mùa. Trong tiếng cựa mình của chồi non, xuân hòa cùng vào nỗi nhớ, dư âm Tết xưa cất gọi yêu thương. Tôi là đứa trẻ rất thích Tết, thích không khí chộn rộn, tất bật vui tươi những ngày cận Tết. Mùi Tết, hương vị Tết cứ len lỏi vào trong lòng tôi suốt những năm tháng tuổi thơ.
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hương sen vương vấn sợi trà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO