Văn hóa – Di sản

Hội An chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO

Việt Thương 18:52 01/01/2024

Tối 31/12, tại Vườn tượng An Hội, UBND TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) tổ chức lễ công bố "Hội An gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO năm 2023". Đây là hoạt động điểm nhấn trong chuỗi sự kiện khép lại năm 2023 và chào năm mới 2024 của TP. Hội An.

anh_1_lxoa.jpg
Hội An chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO

Đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, người dân thành phố Hội An và đông đảo du khách tham dự sự kiện.

Thành phố Hội An hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công. Thành phố này hiện có 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Ước tính có khoảng 4.000 người lao động trực tiếp có thu nhập trung bình từ 85 triệu đồng đến gần 100 triệu đồng mỗi năm từ nghề thủ công và nghệ thuật dân gian.

Theo Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) Nguyễn Phương Hòa, việc trở thành thành phố sáng tạo của UNESCO không phải là có thêm một danh hiệu quốc tế, Hội An đã đủ danh hiệu và quá nổi tiếng khi sở hữu danh hiệu Di sản văn hóa thế giới và nghệ thuật Bài chòi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều quan trọng khi Hội An trở thành thành phố sáng tạo, chính quyền và cộng đồng dân cư của thành phố đã cùng đồng lòng đặt "văn hóa sáng tạo" vào trọng tâm của các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, coi văn hóa sáng tạo là nguồn lực để phát triển bền vững.

Bà Phương Hòa cho rằng, là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO, Hội An đang đứng trước rất nhiều cơ hội, trong đó không thể bỏ qua những cơ hội giao lưu, trao đổi, hội nhập với 350 thành phố khác đến từ hơn 100 quốc gia, không chỉ trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian mà còn trong cả 6 lĩnh vực sáng tạo còn lại của Mạng lưới, góp phần nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu đưa Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch bền vững, truyền cảm hứng cho các thành phố trong nước và quốc tế.

Ngoài một quần thể kiến trúc Khu phố cổ hết sức đa dạng, độc đáo, Hội An còn có cả một kho tàng các giá trị văn hóa phi vật thể vô cùng đồ sộ, bao gồm các làng nghề, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc, cùng với đó là nếp sống, vốn sống hiền hòa, hiếu khách của người dân Hội An.

Đây chính là nền tảng quan trọng để đưa Hội An trở thành Di sản Văn hóa thế giới của UNESCO vào năm 1999.

Cùng với thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, Hội An lựa chọn sự phát triển bền vững, coi trọng các giá trị sinh thái và nhân văn, luôn tạo cơ hội và ươm mầm cho các giá trị sáng tạo mới trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã được phục hồi, phát huy đưa vào khai thác phục vụ du lịch như: Tái hiện Đêm Phố cổ đầu thế kỷ 20, trình diễn nghệ thuật Bài chòi, hát Hò khoan,… đưa nghệ thuật dân gian vào các chương trình, hội thi, hội diễn, lễ hội, sự kiện.

Bên cạnh đó, thành phố không ngừng chăm lo bồi dưỡng đào tạo lực lượng diễn viên, nghệ sĩ kế cận, đưa nghệ thuật truyền thống vào giảng dạy trong trường học, tổ chức các lớp dạy hát dân ca, đào tạo nghệ nhân hát tuồng hằng đêm tại Khu phố cổ. Ngoài ra, thành phố cũng thu hút và tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp có tâm huyết tham gia đầu tư sáng tạo các giá trị mới hình thành các show diễn độc đáo như: Ấn tượng Hội An, À Ố Show… qua đó, đã góp phần tạo thêm nhiều sản phẩm đặc sắc để phục vụ du khách và nâng cao tầm vóc của văn hóa Hội An.

Thành phố luôn chú trọng bảo tồn các làng nghề truyền thống như: Làng gốm Thanh Hà, Mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, tre dừa nước Cẩm Thanh... và nhiều ngành nghề thủ công. Một số nghề được hình thành từ khai thác giá trị văn hóa và thích ứng nhanh với thời đại như: Nghề làm lồng đèn (ra đời từ Đêm Phố cổ), nghề may đo nhanh, chế tác sản phẩm nghệ thuật từ gốc tre… đã tạo ra giá trị độc đáo và riêng có của nghề thủ công ở Hội An, góp phần giải quyết việc làm và tạo ra thu nhập cao cho người lao động.

Đặc biệt, trong những năm qua, nhiều không gian sáng tạo mới đã được hình thành, từ bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của người Hội An như: Công viên đất nung Thanh Hà, Làng Củi lũ Cẩm An, Trại chế tác Tre Cẩm Thanh,… đã để lại ấn tượng cho nhiều nhà nghiên cứu và du khách đến tham quan.

Hội An đã từng bước trở thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc, một điểm đến ưa thích của du khách trong nước và thế giới. Nhiều năm liền, Hội An được các trang mạng uy tín bình chọn là điểm đến văn hóa hàng đầu, là một trong những thành phố du lịch hàng đầu của châu Á và thế giới.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn, trong năm 2022 và 2023, Hội An lại có vinh dự to lớn là được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lựa chọn cùng với thành phố Đà Lạt để giới thiệu gia nhập vào mạng lưới các Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, một mạng lưới bao gồm những thành phố tiên tiến, đi đầu trên lĩnh vực sáng tạo và phát triển bền vững.

Với nhiều nỗ lực vượt bậc, tháng 7-2023, hồ sơ đăng ký gia nhập của Thành phố Hội An đã thực hiện thành công. Vào ngày 31-10-2023, Hội An đã chính thức được ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo toàn cầu của UNESCO.

Tại buổi lễ, Quyền trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Phạm Thị Thanh Hường nhấn mạnh: Việc trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao vị thế, thương hiệu Hội An, lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc của Hội An với bạn bè trong nước và quốc tế.

Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng là trọng trách to lớn của chính quyền và nhân dân thành phố trong việc nỗ lực thực hiện các chương trình hành động và sáng kiến đã cam kết để mang lại các giá trị, lợi ích cao hơn cho cộng đồng, dân cư Hội An và qua đó góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, con người Hội An - Quảng Nam đến với bạn bè khắp năm châu./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Giang Văn Minh và những giai thoại rạng danh xứ Đoài
    Nằm dưới chân núi Tổ, vùng đất cổ Đường Lâm, xứ Đoài không chỉ nổi tiếng là nơi sinh ra vua Phùng Hưng (cuối thế kỷ thứ VIII) và vua Ngô Quyền (thế kỷ thứ X) mà còn được biết đến là quê hương của Thám hoa Giang Văn Minh - một nhân vật lỗi lạc trong lịch sử ngoại giao của nước nhà, hồi cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII.
  • Tiếp thêm sức sống cho nghề truyền thống Thủ đô
    Là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng các làng nghề truyền thống, các nghệ nhân và người làm nghề truyền thống Hà Nội đang không ngừng sáng tạo trong công tác gìn giữ, bảo tồn các làng nghề. Sự sáng tạo không chỉ mang lại một diện mạo mới, một sức sống mới cho các làng nghề mà còn gợi mở những không gian trải nghiệm văn hóa mới cho người dân Thủ đô và du khách.
  • Khởi công xây dựng đền thờ Đức vua Ngô Quyền
    Sáng 26/6, Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ khởi công dự án xây dựng đền thờ Đức vua Ngô Quyền tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh).
  • Trưng bày “Báo chí Huế trong dòng chảy Báo chí Cách mạng Việt Nam”
    Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo Thành phố Huế phối hợp Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành uỷ, Sở Văn hoá Thể thao tổ chức Triển lãm trưng bày “Báo chí Huế trong dòng chảy Báo chí cách mạng Việt Nam”.
  • Hà Nội: Thêm 9 di tích được xếp hạng cấp thành phố
    Ngày 10/6, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2859/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
  • Công nhận hội Lim ở Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
    Hội Lim là nơi các giá trị lịch sử, tín ngưỡng và đặc biệt là Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thực hành, bảo tồn và lan tỏa, thể hiện tính gắn kết bền chặt và tinh tế giữa các làng Quan họ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hội An chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO