Nâng cao nhận thức của giới trẻ về bảo tồn, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ và di sản tư liệu
Sáng 27-12, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) phối hợp với Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức tọa đàm “Di sản với giới trẻ”.
Tại tọa đàm, các chuyên gia trong lĩnh vực lưu trữ, giáo dục, quản lý di sản khẳng định, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản là câu chuyện chưa bao giờ cũ, và với nguồn tài nguyên di sản phong phú và đa dạng của Việt Nam thì nâng cao nhận thức trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản đáng trân quý của dân tộc trong bối cảnh hiện nay vô cùng cấp thiết.
TS. Cam Anh Tuấn, Trưởng Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tài liệu lưu trữ là di sản văn hóa đặc biệt của dân tộc, di sản văn hóa của xã hội loài người, của mỗi quốc gia, dân tộc, gồm: di chỉ khảo cổ, hiện vật bảo tàng, công trình khoa học… "Vấn đề cốt lõi là tài liệu đó phải có giá trị thực tiễn, khả năng phục vụ sử dụng thông tin của tài liệu cho các hoạt động hiện hành trong xã hội”.
Các chuyên gia đồng thuận, hiện nay tài liệu lưu trữ rất nhiều, cần có cách tiếp cận, truyền đạt, thuyết phục giới trẻ hiểu về nó, từ đó tìm về văn hóa cội nguồn, là một trong những cách bảo tồn và phát huy giá trị di sản hữu hiệu. Bởi trong lúc tìm hiểu, thực hành di sản, người trẻ sẽ tự tìm ra cách ứng xử phù hợp với di sản.
Tọa đàm cũng nhận được nhiều ý kiến từ sinh viên các trường đại học, học viện, nhà nghiên cứu về cách ứng xử với si sản, như sưu tầm, lưu trữ, truyền đạt tài liệu của gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị phục vụ cho việc học tập, công tác...
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, TS. Đặng Thanh Tùng nhấn mạnh, Tuyên ngôn quốc tế về tài liệu lưu trữ, được thông qua tại phiên họp thứ 36, Hội nghị toàn thể của UNESCO năm 2011, đã ghi nhận vai trò của tài liệu lưu trữ trong việc cung cấp bằng chứng xác thực về mọi mặt hoạt động, bảo đảm nền hành chính minh bạch cũng như gìn giữ ký ức chung của xã hội loài người.
“Chúng tôi hy vọng, việc thay đổi cách tiếp cận, thay đổi nhận thức về di sản nói chung, tài liệu lưu trữ nói riêng và về Luật Lưu trữ sẽ góp phần gợi mở giải pháp và định hướng hợp tác vì mục đích chung là nâng cao nhận thức của giới trẻ về bảo tồn, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ và di sản tư liệu”, TS. Đặng Thanh Tùng nói.
Là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý nhiều phông và khối tài liệu, tư liệu đặc biệt quý hiếm, trong những năm qua, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã tích cực thực hiện các hoạt động nhằm giới thiệu rộng rãi những di sản tư liệu nói trên đến với đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Tại tọa đàm, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I Trần Thị Mai Hương đã chia sẻ những quan điểm và những chương trình mà nhiều năm qua Trung tâm đã thực hiện để nhằm mục đích “đánh thức” di sản đồng thời lan tỏa và phát huy giá trị của di sản đến đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Những ý kiến của các đại biểu và các em sinh viên tại tọa đàm đã gợi mở nhiều giải pháp và định hướng hợp tác vì mục đích chung là nâng cao nhận thức của giới trẻ về bảo tồn, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ và di sản tư liệu./.