Văn hóa – Di sản

Đẩy mạnh bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử văn hóa gắn liền với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Ba Vì

Lệ Quyên 08:12 01/01/2024

Di tích lịch sử - văn hóa địa phương là một bộ phận quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa của địa phương. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa địa phương đóng vai trò thiết yếu đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của mỗi địa phương và góp phần vào sự phát triển chung của đất nước

Kho tàng di tích lịch sử, văn hóa đa dạng, phong phú

Ba Vì được biết đến là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vỹ cùng với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, Ba Vì là địa phương đang lưu giữ một kho tàng di tích lịch sử văn hóa đa dạng, phong phú với số lượng di tích lớn của Thành phố Hà Nội.

den-trung-ba-vi-1.jpg
Đền Trung được xếp vào danh sách di tích Quốc gia

Theo kết quả tổng kiểm kê di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội tính đến ngày 31/12/2015, trên địa bàn huyện Ba Vì có 397 di tích, trong đó có 133 di tích đã xếp hạng (chiếm 33,5% tổng số di tích): 01 di tích Quốc gia đặc biệt là đình Tây Đằng, 41 di tích cấp QG và 91 di tích xếp hạng cấp thành phố. Trong 397 di tích đó, có: 113 đình (29%), 112 chùa (28%), 64 nhà thờ họ, nhà thờ danh nhân (16%), 56 đền (14%), 04 khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn lại là các di tích lịch sử CMKC, miếu, văn chỉ, điếm, quán, cổng làng. Trong số các di tích đình - đền thờ thành hoàng làng tại các địa phương có tới hơn 100 di tích thờ Tam vị Tản Viên Sơn Thánh, còn lại là thờ các nhân vật lịch sử, các vị anh hùng có công lao to lớn trong công cuộc đấu tranh bảo vệ dân tộc.

Các di tích nằm dải đều tại 31 xã, thị trấn. Các xã tập trung nhiều di tích nhất như Cổ Đô với 20 di tích, Đồng Thái 26 di tích, Tây Đằng 27 di tích, Cam Thượng di tích, Phú Sơn18 di tích,Tản Hồng với 23 di tích…

Năm 2023, trên địa bàn huyện Ba Vì có 50 lễ hội. Các lễ hội chủ yếu diễn ra vào tháng Giêng, tháng Hai bao gồm cả phần hội và phần nghi lễ truyền thống. Ngoài ra, cũng có nhiều nơi tổ chức lễ hội vào dịp Xuân - Thu để tưởng nhớ đức Thành hoàng làng. Huyện Ba Vì cũng đã phục hồi thành công lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức ngày chính lễ vào 15 tháng Giêng tại cụm di tích Đền Thượng – Đền Trung – Đền Hạ. Mỗi kỳ lễ hội đã thu hút hàng vạn người dân trong vùng và khách thập phương tham dự. Từ năm 2018, Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh tại Ba Vì đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. UBND huyện Ba Vì còn phối hợp với Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội tiến hành kiểm kê di tích trên địa bàn huyện. Theo đó huyện có 394 di tích, có 106 di tích đã được xếp hạng. UBND huyện Ba Vì cũng đã đề nghị Sở VHTT lập hồ sơ trích ngang 12 di tích gồm: chùa Đồng Bảng xã Đồng Thái, đền Vù xã Vật Lại, chùa Ngạch xã Tiên Phong, đình – chùa thôn La Xuyên, xã Vạn Thắng, đình – chùa xóm Bắc, xóm Đông thị trấn Tây Đằng…

Công tác bảo tồn được đầu tư, chú trọng

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII, Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố; Kế hoạch số 139/KH-UBND của UBND Thành phố, số dự án tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn huyện Ba Vì được Thành phố đưa vào danh mục đầu tư giai đoạn 2021-2025 là 73. Trong đó, có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 01 di tích cách mạng kháng chiến, 25 di tích quốc gia, 46 di tích cấp thành phố. Phân loại theo nội dung thì có 38 di tích xuống cấp nghiêm trọng; xuống cấp hạng mục gốc là 25; phát huy điểm đến là 10. Phân loại theo nhiệm vụ chi có 2 dự án di tích thuộc nhiệm vụ chi Thành Phố; 71 dự án thuộc nhiệm vụ chi cấp huyện, thành phố hỗ trợ.

Năm 2021, Thành phố hỗ trợ cho huyện Ba Vì kinh phí đầu tư tu bổ tôn tạo di tích 10 dự án chống xuống cấp nghiêm trọng, tổng mức đầu tư là: 352.264 triệu đồng, trong đó nguồn vốn thành phố hỗ trợ 282.200 triệu đồng. Đến nay, các dự án đã hoàn thành 06 dự án là: Đình Viên Châu, đền Hạ, đình Cộng Hòa, đình Vĩnh Phệ, đình Cao Cương, đình Xóm Thượng.

Năm 2022, Thành phố hỗ trợ cho huyện Ba Vì kinh phí đầu tư 14 dự án tu bổ, tôn tạo di tích (12 dự án xuống cấp nghiêm trọng, 02 dự án xuống cấp hạng mục gồc). Tổng mức đầu tư là: 397.000 triệu đồng, nguồn ngân sách thành phố hỗ trợ là 307.600 triệu đồng. Trong đó có 01 dự án tu bổ, tôn tạo đền Thịnh Thôn đã hoàn thành; 13 dự án còn lại đang thực hiện tu bổ, tôn tạo.

Năm 2023, Thành phố hỗ trợ cho huyện Ba Vì kinh phí đầu tư 07 dự án tu bổ, tôn tạo di tích (04 dự án xuống cấp nghiêm trọng, 03 dự án phát huy điểm đến). Tổng mức đầu tư là: 240.000 triệu đồng, nguồn ngân sách Thành phố hỗ trợ là 172.900 triệu đồng. Các dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư, chuẩn bị đấu thầu thực hiện dự án.

Như vậy, tổng số dự án di tích đã được thành phố hỗ trợ vốn đến tháng 3/2023 là 31 dự án. Công tác triển khai đầu tư, thi công xây dựng đảm bảo theo tiến độ kế hoạch đề ra, theo đúng quy trình của Luật xây dựng, Luật di sản.

khu-i-tich-k9-tai-ba-trai.jpg
Khu di tích K9 nằm ở xã Ba Trại (huyện Ba Vì), gắn với tên tuổi và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Công tác tu bổ các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Ba Vì đều có văn bản thỏa thuận chuyên ngành của Bộ VHTT&DL, của Sở VH&TT, các dự án thực hiện đảm bảo chất lượng, mỹ thuật và đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt, thi công đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch (trừ trường hợp bất khả kháng). Việc đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích một cách đồng bộ và kịp thời đã tạo ra sự bền vững lâu dài cho di tích, đảm bảo an toàn cho việc khai thác và nhu cầu sử dụng của nhân dân. Đến nay, các công trình di tích thành phố hỗ trợ vốn đã đưa vào sử dụng, được nhân dân hài lòng, đánh giá cao, từ đó góp phần làm ổn định, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài huyện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương như di tích Đền Hạ, Đình Đông Viên…

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân

Việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi Hà Nội đang triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-02-2022, của Thành ủy Hà Nội “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025. Hiểu rõ được điều đó, hằng năm, UBND huyện Ba Vì đã triển khai công tác tuyên truyền, quản lý bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa tới các ban ngành và nhân dân trên địa bàn huyện.

Theo phòng văn hóa Ba Vì, công tác tuyên truyền, quản lý, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên; đồng thời được đông đảo nhân dân ủng hộ và đóng góp tâm sức, thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, thực hiện các văn bản của UBND TP Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, nhằm thống nhất quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đối với công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa ở các địa phương trên địa bàn. Đồng thời, xác định việc bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử văn hóa không chỉ là trách nhiệm của ngành văn hóa mà là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân. Chính vì vậy, mà huyện Ba Vì đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng.

Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa Thông tin huyện phối hợp với Phòng Quản lý di sản - Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện việc khảo sát, kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di tích trình cấp có thẩm quyền xếp hạng. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cũng được huyện quan tâm, chú trọng như lễ hội đình Tây Đằng, Mo Mường, Cồng Chiêng…Năm 2018, tục thờ Tản Viên Sơn Thánh huyện Ba Vì được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; năm 2023, Di sản Mo Mường được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần được bảo vệ khẩn cấp…

Nhiều di tích trên địa bàn huyện Ba Vì đã trở thành điểm đến thu hút du khách như: Khu di tích đền thờ Bác, khu di tích Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ vv…Hiện nay, các di tích trên địa bàn huyện chủ yếu là nơi tổ chức lễ hội, một số nơi tổ chức phục vụ du khách đến tham quan, vãn cảnh và chiêm bái. Ngoài những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, hệ thống di tích còn bao hàm cả giá trị về văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.

Việc khai thác và phát huy giá trị di tích phải luôn đi đôi với công tác quản lý, bảo tồn. Mặt khác, phải coi đây không chỉ là công việc của riêng các cơ quan quản lý mà nó là trách nhiệm của cả cộng đồng, từ mỗi người dân, du khách. Có như vậy mới phát huy được hết giá trị của các di tích lịch sử văn hóa và khơi dậy niềm tự hào về đất nước, dân tộc của mỗi người dân./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử văn hóa gắn liền với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Ba Vì
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO