Vào những ngày trời sương mù dày đặc, nhất là mùa đông, nhìn ra hồ có cảm giác mặt nước và mây trời hoà quyện, bảng lảng, nơi gặp gỡ giao thoa giữa trời và nước, cho ta có cảm tưởng như đang đứng ở chân trời...
Sau khi học xong cấp 3, gia đình tôi được chuyển đến ở sát Hồ Tây, trong khu tập thể số 2 Thụy Khuê (khu tập thể Văn phòng chính phủ). Vì ở cuối khu tập thể nên nhà tôi có vườn ở sát mép hồ. Từ nhà, tôi có thể phóng tầm mắt gần như thấy trọn cảnh Hồ Tây và dòng người tấp nập trên đường Thanh Niên hay trước kia còn gọi là đường Cổ Ngư.
Hồ Tây, lá phổi xanh của thủ đô với rất nhiều cây to râm mát, hàng liễu yểu điệu rủ bên mặt hồ, bằng lăng với sắc tím thơ mộng, vẻ lãng mạn của hoa muồng hoàng yến, vẻ đẹp rực rỡ của hoa phượng mỗi độ hè về. Xung quanh hồ có rất nhiều đình, đền, chùa, di tích văn hóa đã được xếp hạng. Mỗi buổi sáng, khi mặt trời chiếu những tia nắng, mặt hồ sóng nước lăn tăn lấp lánh như dát bạc. Xung quanh hồ cũng được trồng rất nhiều các loài hoa và những bãi cỏ xanh mướt. Các cụ già hay thích ra đây ngồi hóng mát, thể dục hay chơi cờ dưới tán cây râm mát, xoè rộng đung đưa theo làn gió hiu hiu. Thanh niên, học sinh sau mỗi buổi đi làm, đi học về cũng hay rủ nhau lên Hồ Tây chơi, chụp ảnh, ngắm cảnh hay bơi thuyền. Vào những ngày cuối tuần hay dịp lễ tết, các gia đình cũng hay đưa trẻ nhỏ lên đây vui đùa, chạy nhảy, giải trí.
Ở Hồ Tây, nằm cạnh đường Thanh Niên là ngôi chùa cổ Trấn Quốc rêu phong, linh thiêng, nằm nhô ra mặt hồ như một hòn đảo nhỏ. Từ ngoài lan can bao quanh hồ nhìn vào chùa sẽ thấy ngút ngàn cây xanh, thấp thoáng bóng mái chùa, và những ngọn tháp, thỉnh thoảng tiếng chuông chùa vọng lại ngân nga. Nghe tiếng chuông lòng ta cũng lắng lại, thanh tịnh, không còn những sân si... Bên kia đường Thanh Niên là hồ Trúc Bạch, tôi được biết trước kia hồ Trúc Bạch cũng là một phần của Hồ Tây.
Hoàng hôn, mặt trời đỏ ối như lòng đỏ trứng gà, những tia nắng dịu, vàng óng như mật ong rồi chuyển dần sang màu tím huyền ảo. Có lẽ hoàng hôn nơi đây không đâu có được...
Vào những ngày trời sương mù dày đặc, nhất là mùa đông, nhìn ra hồ có cảm giác mặt nước và mây trời hoà quyện, bảng lảng, nơi gặp gỡ giao thoa giữa trời và nước, cho ta có cảm tưởng như đang đứng ở chân trời... Những hôm trời lạnh, nghe rõ cả tiếng gió rít, nhà ai mà quên không đóng cửa phía hồ là gió đẩy cửa đập uỳnh uỳnh. Những ai ở phố khác xa Hồ Tây một chút, đến đây cũng đều tưởng trời hôm nay lạnh và nhiều gió hơn mọi ngày, chỉ có chúng tôi, những người sống cạnh hồ là biết nhiệt độ, thời tiết cũng chẳng khác những ngày trước. Còn những khi trời mưa giông, sóng nước Hồ Tây cũng chẳng thua kém gì sóng biển, sóng nước hồ cũng cuộn vào, chồm lên cao mấy sải tay, tung bọt trắng xóa, đập vào bờ ầm ầm.
Hồ Tây là hồ lớn nhất của nội thành Hà Nội, nói tới Hồ Tây, không thể không nhắc tới món bánh tôm vàng rụm, ăn với nước chấm chua chua, ngọt ngọt, có đu đủ xanh thái lát mỏng và rau sống đi kèm. Nếu muốn có một không gian thật đẹp để ngồi nhâm nhi tách cà phê và chụp ảnh thì đây cũng là điểm đến lý tưởng, quanh hồ có rất nhiều hàng quán hướng về phía hồ. Ngồi trên cao nhìn xuống, quang cảnh đường phố lung linh ánh điện với hồ nước mênh mông, cho ta thấy vẻ đẹp đến nao lòng.
Hồ Tây, một không gian trong xanh, mặt hồ nước thay đổi sắc màu theo thời tiết và ánh nắng mặt trời, với bầu không khí trong lành, thoáng mát, phong cảnh rất hữu tình, nên thơ. Đứng trên bờ ngắm những cặp bơi thuyền và đạp vịt, một cảnh đẹp thơ mộng, một cảm giác bình yên, thư thái. Đây cũng là điểm đến thăm quan không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước.
Giờ đây, tôi không còn ở nơi đó nữa, khu tập thể đã thành vườn hoa. Thỉnh thoảng tôi qua đây cũng ghé ngồi chơi, nhớ về một thời tuổi trẻ với mối tình đầu khờ dại, hay nhâm nhi một tách cà phê. Cả một thời tuổi trẻ của tôi gắn liền với Hồ Tây, có lẽ vì thế mà Hồ Tây đối với tôi thật thân thương, êm ả...
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Cao Thanh Minh. Thông tin về cuộc thi xem tại đây. | |