Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Hà Nội vun đắp ước mơ tôi

Giang Tâm 15:26 12/04/2024

Ngày còn bé, tôi thường xuyên được mẹ kể cho nghe những chuyện về quê hương. Trong ý thức non nớt của tôi thì quê tôi đẹp vô vàn với ruộng lúa thẳng cánh cò bay, với những con đường uốn lượn như dải lụa đào, với những địa danh và các vị anh tài đi vào lịch sử như bản hùng ca của dân tộc. Quê hương tôi là mảng đất Hà Tây kiên cường “cô gái suối Hai, chàng trai cầu Rẽ” (Hà Tây quê lụa – Nhật Lai). Trong những câu chuyện mẹ kể về quê, đâu đó có hình bóng người Hà Nội thanh lịch tao nhã. Hai tiếng Hà Nội là niềm mơ ước của tôi từ thuở ấu thơ.

van-mieu-quoc-tu-giam-ha-noi-1.jpg
Tìm hiểu, tham quan các công trình kiến trúc trong Văn Miếu tôi càng thêm khâm phục các vị nho sĩ, hiền triết của đất nước thời phong kiến... (Ảnh: Trần Đức Khôi)

Mẹ nói, năm tôi lên ba, toàn bộ lãnh thổ quê tôi được sáp nhập vào Hà Nội. Lúc ấy, mặc dù còn rất nhỏ nhưng trong tôi dấy lên một niềm tự hào lớn. Và từ lúc ấy, bất kể ai hỏi: Quê bạn ở đâu? Tôi đều tự tin trả lời: Hà Nội là quê tôi! Hai tiếng Hà Nội với gia đình tôi trở nên thân thiết như máu thịt ruột già của mình.

Cùng gia đình nhỏ của mình sinh sống trên mảnh đất biên viễn xa xôi của Tổ quốc, mỗi năm một đôi chuyến cả gia đình tôi về thăm quê. Trong mỗi chuyến hành trình từ Lai Châu về quê, gia đình nhỏ của tôi đều được đặt chân trên đất nội thành Hà Nội trước. Bến xe Mỹ Đình ồn ào náo nhiệt, sôi động bởi sự mưu sinh không kể đêm ngày. Những chiếc xe cần mẫn chở khách, chở hàng đi và về từ khắp các tỉnh thành phía Bắc. Xe khách Lai Châu đi xuyên đêm đến khoảng bốn giờ sáng thì về đến bến Mỹ Đình. Mặc dù trời còn rất sớm nhưng cứ vài phút lại có một chiếc xe về bến. Như vậy, không riêng xe khách Lai Châu mà xe khách các tỉnh khác cũng chạy xuyên đêm. Khi xe đã đỗ đúng vị trí được sắp xếp trong bến, bác lái mở cánh cửa xe và gọi hành khách dậy. Quanh mỗi chiếc xe có đến mấy chục hành khách cùng hàng hóa cồng kềnh đổ xuống sân. Trong đêm, tiếng gọi nhau của khách, tiếng mời chào của những người làm nghề chạy grab, taxi, người bốc vác làm huyên náo cả bến. Mẹ sợ tôi lạc nên dù phải mang nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh bên người mẹ vẫn không buông tay tôi cho đến khi cả gia đình an vị trên một chiếc taxi.

Dù phải chen chúc đi lại khó khăn nhưng lần nào về quê tôi cũng rất hào hứng, bởi mỗi lần về quê là một lần tôi được mẹ tặng cho những chuyến đi tham quan trên đất nội thành Hà Nội. Mỗi chuyến đi ấy đều là phần thưởng mẹ dành cho cô con gái sau mỗi kì đạt kết quả cao trong học tập. Thường thì kì nghỉ hè mẹ sẽ cho tôi tham quan lăng Bác Hồ, Quảng trường Ba Đình, gò Đống Đa, cầu Thăng Long, nhà tù Hỏa Lò… Còn ngày Tết, mẹ đưa tôi đến Văn miếu Quốc Tử Giám, hoàng thành Thăng Long, Hồ Gươm… Ở mỗi nơi mẹ đều cho tôi thưởng thức những món ngon, đặc sản của Hà Nội như bún riêu cua, phở, bánh mì pate, kem Tràng Tiền… Đến mỗi địa danh hay ăn một món ngon nào đó mẹ lại kể những câu chuyện lịch sử về địa danh hay sự tao nhã, thanh cao, cầu kỳ trong từng món ăn của người Hà Nội. Tôi ấn tượng nhất về câu chuyện gói/mở nước mắm của người Hà Nội xưa được mẹ giảng giải qua câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Trên mảnh đất Hà Nội, mẹ là một hướng dẫn viên du lịch miễn phí cho cô con gái nhỏ là tôi. Không biết từ lúc nào, Hà Nội đã rất thân thuộc với tôi và cũng không biết tự khi nào tôi có một niềm ao ước góp một phần công sức nho nhỏ của mình để xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Mẹ khuyên tôi nuôi dưỡng ước mơ thành hiện thực bằng việc học tập siêng năng. Vâng! Thưa mẹ kính yêu, con gái bé nhỏ của mẹ sẽ không để mẹ phải thất vọng.

g.tam.jpg
Chân dung tác giả

Trở về quê hương thứ hai là vùng đất biên viễn xa xôi của Tổ quốc sau mỗi kỳ nghỉ, tôi mang theo khát khao chinh phục chính mình. Sau mười hai năm đèn sách, giờ đây tôi đã trở thành tân sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Tôi còn nhớ rất rõ, cách đây vài tháng, sau khi kết thúc những bài thi, mặc dù khá tự tin nhưng tôi vẫn rất hồi hộp, thấp thỏm trông chờ kết quả. Ngày báo điểm, tôi rưng rưng nước mắt với niềm mơ ước - nguyện vọng số một, của tôi thành hiện thực. Những bước chân đầu tiên của tôi trên giảng đường đại học Hà Nội có đầy đủ các thành viên trong gia đình bé nhỏ cùng song hành. Bố mẹ và anh trai tôi đều nghỉ phép đưa tôi về nhập học, anh trai tôi vốn là cựu sinh viên của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, hiện đang là kỹ sư xây dựng, anh làm việc cho một công ty trên đất Hà thành. Cả gia đình dành cho tôi những tình cảm yêu quý nhất trên hành trình vun đắp ước mơ để tôi hiểu từ đây, mỗi bước chân của tôi trên mảnh đất Hà thành có thêm những giọt mồ hôi không chỉ của tôi chong đèn mà còn có cả những giọt mồ hôi mặn mòi của bố mẹ từ vùng biên viễn xa xôi. Trên giảng đường đại học, tôi được tiếp xúc với các thầy cô là giảng viên của trường, được các thầy cô chỉ dạy kho tàng kiến thức chuyên sâu; được tiếp cận với các bạn bè từ khắp các tỉnh thành miền bắc Việt Nam. Cũng trên mảnh đất Hà thành nơi tôi đang học tập, mỗi thầy cô, mỗi người bạn, mỗi góc phố, con đường đều để lại trong tôi những cảm xúc về cuộc sống giúp tôi học tập tốt hơn.

Ngày Chủ nhật, tôi thường dành một buổi tự học, buổi còn lại tôi lên xe buýt thăm lại những địa danh mẹ đã dắt tôi đi qua mỗi kỳ nghỉ thời thơ ấu để vừa ôn lại kỷ niệm xưa vừa khắc sâu hơn nữa trong tim hình bóng quê hương.

Tôi đến trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của Thành phố Hà Nội, trung tâm nội đô lịch sử của đất nước Việt Nam - quận Hoàn Kiếm. Dạo quanh bờ hồ Tả Vọng, ngắm con nước phẳng lặng trong màn sương thu bạc bàng, lắng nghe âm vang tiếng khua chèo nhè nhẹ trên hồ từ mấy trăm năm trước vọng về, tiếng cụ rùa rẽ sóng nước bơi cùng thuyền rồng, rồi cụ nhô cao đầu trước mũi thuyền, vua Lê Lợi cúi mình cung kính trả gươm cho thần rùa.

Tôi dạo trong Văn Miếu Quốc Tử Giám. Nơi này, tôi đã đi lại nhiều lần. Mỗi lần dạo bước trong Văn Miếu là một lần tôi hiểu kỹ hơn về sự nghiệp giáo dục của nước nhà từ thời nhà Lý. Tìm hiểu, tham quan các công trình kiến trúc trong Văn Miếu tôi càng thêm khâm phục các vị nho sĩ, hiền triết của đất nước thời phong kiến. Tôi chợt nhận ra vì sao ngày anh em tôi thơ bé, mỗi dịp Tết Nguyên Đán về, dù bận rộn đến đâu mẹ vẫn sắp xếp thời gian ngày đầu xuân dẫn anh em chúng tôi đến tham quan, “xin chữ” các thầy đồ trong Văn Miếu.

Tôi đi Hoàng thành Thăng Long để được chiêm ngưỡng một di sản văn hóa thế giới với tư cách là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt vùng châu thổ sông Hồng.

Trong không khí trang nghiêm ngày Quốc khánh 2/9, tôi dậy thật sớm, bắt buýt đến Quảng trường Ba Đình để được tận mắt chứng kiến giây phút thượng cờ thiêng liêng được thực hiện bởi 34 chiến sĩ thuộc Bộ Tư Lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, hành quân nghiêm trang tiến tới cột cờ trong tiếng nhạc quân kỳ. Trước Quảng trường lịch sử, chứng kiến giây phút lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, tôi và hàng trăm du khách gần xa đều không khỏi bồi hồi xúc động, biết ơn Đảng, Bác Hồ, biết ơn các anh hùng không tiếc máu xương hi sinh cho nền độc lập của Tổ quốc.

Sau Lễ thượng cờ, cánh cửa Lăng Bác Hồ được mở ra đón du khách vào tham quan. Tôi đã đôi lần đến đây, cùng dòng người vào thăm lăng. Đoàn người cúi đầu bước đi thật nhẹ tỏ lòng thành kính, giữ yên giấc ngủ của Người.

Tôi đi trên cánh đồng bát ngát hương lúa quê tôi, thấy thương sao dòng sông Hồng, sông Đáy, sông Bùi… mấy ngàn năm lịch sử vẫn âm thầm, lặng lẽ bồi đắp phù sa cho lúa, khoai, hoa màu quê tôi tươi tốt.

Ngoài giờ học, tôi lang thang trên khắp phố xá, làng quê, cánh đồng trên mảnh đất Hà Nội. Tôi chợt nhận ra một điều giản dị: Hà Nội đã và đang vun đắp ước mơ tôi!

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Giang Tâm. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Hà Nội mùa sắp xuân
    Đó chưa hẳn là mùa xuân, chỉ là cữ cuối năm, khi trời còn vương chút gió đông ngòn ngọt, nắng tãi đều trên những tàng cây và thi thoảng mưa rắc như gieo bụi ngọc. Tôi thích lang thang trên những quãng đường, con phố của Hà Nội mỗi khi có dịp ngang qua.
(0) Bình luận
  • Nhớ gì khi xa Hà Nội
    Thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi gắn bó cùng Hà Nội. Đó là quãng đời sinh viên tươi vui, hồn nhiên được cùng các bạn đồng trang lứa sinh sống và học tập giữa lòng Thủ đô, dưới mái trường Học viện hành chính Quốc gia. Lần đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa an toàn của gia đình, Hà Nội đã hiếu khách đón nhận, ôm tôi vào lòng, gieo vào tâm hồn thật nhiều kỉ niệm đặc biệt. Để rồi sau khi ra trường, trở về quê hương công tác, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến mỗi khi nhớ về Hà Nội với những hồi tưởng xuyến xao về quãng đời sinh viên.
  • Tô thắm Hà Nội bốn mùa hoa
    Có lẽ hiếm có Thủ đô của đất nước nào trên thế giới lại có đủ thời tiết đặc trưng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng với đó là thiên nhiên tuần hoàn luân chuyển quay vòng bốn mùa như Hà Nội. Để tạo nên diện mạo của Thủ đô, ngoài các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh… thì còn có cả hệ thống cây xanh và hoa cỏ được trồng khắp các nẻo đường của Hà Nội.
  • Một thoáng Thủ đô, một đời vương vấn
    Tôi đến Thủ đô vào một ngày hè chói chang nắng lửa. Cảm giác nóng nực không ngăn nổi sự hiếu kì trong tôi về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về những con người tao nhã, văn minh. Tôi thả hồn phiêu diêu qua từng con phố, lắng tai nghe nhịp thở của Hà thành mà nao nao hồi tưởng về những điều mình đã đọc, đã biết về lịch sử, con người nhân kiệt nơi đây.
  • Giai nhân trong bức ảnh Hà thành bất tử
    Nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô xin được dâng truyện ngắn này như một nén nhang thơm để tưởng nhớ những nghĩa sĩ anh hùng đã dâng hiến đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô. Trong đó có vợ chồng ông Hai Hiên. Hai Hiên - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa “Hà thành đầu độc” năm 1908. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã làm chấn động 3 cõi Đông Dương khiến Paris phải run sợ. Ông Hai Hiên lúc đó mới ngoài 30 tuổi, bị thực dân Pháp xử tử chặt đầu, rồi treo thủ cấp ở Cửa Đông thành, nhằm uy hiếp tinh th
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
  • Cả nhà ước năm mới
    Đêm 30, sau khi tôi và Thạo (con cả của tôi) chuẩn bị xong mâm cúng giao thừa, như đã thống nhất, cả nhà quây quần bên bàn trà để cùng nhau mơ ước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Chân mây” - những vẻ đẹp dung dị của cuộc sống
    Nguyễn Linh Khiếu, thời gian qua đã khẳng định là một nhà thơ đương đại khác biệt. Ở văn xuôi, với tùy văn, ông cũng đang từng bước khai mở một con đường riêng. Với ba tập tùy văn “Beijing lá phong vàng” (2018), “Hoa khởi trinh” (2024) và “Chân mây” (2024), Nguyễn Linh Khiếu đã hé lộ cảm quan nhân sinh và cả tình yêu cuộc sống.
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Công bố khẩn cấp tình trạng sạt lở đê hữu Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ
    Ngày 22/11, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6068/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê hữu Bùi, Bùi 2, Gò Khoăm, sạt lở bờ sông Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
  • Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 tại Hà Nội với 7 môn thi sẽ diễn ra vào tháng 1/2025
    Theo kế hoạch, kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 18/01/2025; với 7 môn thi mỗi môn có thời gian làm bài 150 phút.
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội vun đắp ước mơ tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO