Chính sách & Quản lý

Gỡ điểm nghẽn mạng lưới giao thông, xây dựng đô thị Hà Nội hiện đại

Quỳnh Chi 27/05/2024 16:29

Để phát triển Hà Nội theo định hướng của Trung ương, “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quy hoạch Thủ đô) đưa ra các phương án phát triển mạng lưới giao thông theo hướng hiện đại, đồng bộ, phù hợp với xu thế thời đại.

Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị ngày 24/5 về “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và “Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065”, Bộ Chính trị nhấn mạnh nội dung: “Đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị...; quan tâm hệ thống giao thông kết nối vùng và quốc tế, bao gồm cả đường sắt, đường thủy, đường bộ, hàng không”.

cat-linh-ha-dong.jpg
Tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (13 km) hiện nay vận chuyển khoảng 35.000 hành khách/ngày.

Đáng mừng vì trong Quy hoạch Thủ đô, Thành phố Hà Nội đã cho thấy “tầm nhìn mới - tư duy mới”, tạo ra “cơ hội mới” trong phát triển Thủ đô văn minh - hiện đại khi Thành phố xác định hạ tầng đồng bộ, giao thông hiện đại là 1 trong 5 trụ cột để phát triển Thủ đô.

Trên thực tế, nhiều chuyên gia nhận định, hạ tầng giao thông đường bộ Hà Nội kết nối giữa khu vực nội thành và ngoại thành hiện chưa thuận lợi; hạ tầng giao thông công cộng có khối lượng vận chuyển lớn chậm phát triển, nhất là đường sắt đô thị; hạ tầng giao thông đường thủy chậm được cải thiện, chưa phát huy hiệu quả giá trị của các dòng sông, nhất là sông Hồng.

Giao thông đô thị là huyết mạch quan trọng của mọi Thành phố, đặc biệt là ở những đô thị lớn như Hà Nội - nơi có tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa rất mạnh mẽ. Với Quy hoạch Thủ đô, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo đột phá chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trước mắt ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối cho Thành phố Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải

Gỡ điểm nghẽn này, Quy hoạch Thủ đô đã đưa ra các phương án phát triển mạng lưới giao thông Thủ đô với từng loại hình. Cụ thể:

Về đường bộ

Hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc, gồm 8 tuyến cao tốc hướng tâm, 3 tuyến cao tốc vành đai của thành phố; 2 tuyến cao tốc đô thị; ưu tiên nâng cấp mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ. Từng bước nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ trong phạm vi vành đai 4 đạt tiêu chuẩn đường đô thị. Xây dựng, hoàn thiện 11 tuyến quốc lộ trên địa bàn, nâng cấp các đoạn tuyến đi qua khu vực đô thị theo quy mô đường đô thị.

Xây dựng, nâng cấp, cải tạo đồng bộ, hiện đại hóa 39 tuyến đường tỉnh hiện có, xây mới 7 tuyến đường tỉnh, hệ thống đường liên huyện, đường huyện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển các tuyến trục chính đô thị, trục cảnh quan đô thị và trục phát triển kinh tế xã hội. Xây dựng các nút giao thông khác mức tại các giao cắt của hệ thống đường vành đai, đường trục chính đô thị. Hoàn thiện hệ thống cầu vượt sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, nghiên cứu phương án kết hợp hệ thống cầu đường sắt và cầu đường bộ vượt sông.

Xây dựng trục Hồ Tây – Cổ Loa kết hợp cầu đi bộ và vận tải nhẹ qua sông Hồng, là nơi tổ chức các sự kiện và lễ hội. Hoàn thành các trục Tây Thăng Long, trục Hồ Tây – Ba Vì; đường trục Bắc Nam và đường kết nối khu vực Ứng Hòa, Phú Xuyên. Xây dựng đường trên cầu cạn dọc hai bên sát mép nước sông Hồng làm trục giao thông du lịch và không gian đi bộ ngắm cảnh và tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội.

cau-thuong-cat.jpg
Dự kiến dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Lễ khởi công công trình cầu Thượng Cát kết nối các khu vực quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh.

Quy hoạch Thủ đô đưa ra phương án từng bước chuyển đổi các bến xe trong khu vực vành đai thành bãi đỗ xe hiện đại, thông minh, tiết kiệm quỹ đất; đầu tư hệ thống bến xe liên tỉnh mới phù hợp với quá trình mở rộng và phát triển của đô thị. Bố trí quỹ đất hợp lý để xây dựng các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố phù hợp nhu cầu từng khu vực, gắn với hệ thống công trình dịch vụ, công viên cây xanh. Phát triển hệ thống giao thông tĩnh trên cơ sở khai thác không gian ngầm kết hợp các công trình thương mại, dịch vụ tập trung.

Phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khu vực đô thị để đáp ứng 50-60% nhu cầu của người dân. Thực hiện nâng cấp, chuyển đổi xanh, thông minh đối với các tuyến xe buýt hiện có, mở thêm các tuyến mới, đặc biệt các tuyến liên kết vùng. Quy hoạch các điểm kết nối các phương tiện công cộng: đường sắt đô thị, xe buýt, xe cá nhân công cộng (xe máy, xe đạp). Bố trí quỹ đất tại các khu vực phù hợp để xây dựng các điểm gửi xe máy cá nhân, các trạm xe đạp công cộng phục vụ giao thông công cộng.

Thực hiện lộ trình chuyển đổi giao thông xanh, thông minh; trong đó ưu tiên đầu tư giao thông xanh trong vận tải hành khách công cộng, thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe máy cá nhân sang xe máy điện, xe máy sử dụng năng lượng xanh. Xây dựng và triển khai tiêu chuẩn, quy chuẩn về khí thải các phương tiện giao thông trên địa bàn Thành phố đáp ứng yêu cầu về giao thông xanh.

Về đường sắt

Quy hoạch Thủ đô đưa ra phương án đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị. Ưu tiên hoàn thành hệ thống đường sắt vành đai thành phố và các ga đầu mối trên tuyến vành đai, các tuyến kết nối với thành phố phía Bắc, phía Tây, khu vực Yên Viên, Gia Lâm. Xây dựng mạng lưới đường sắt tại khu vực đô thị trung tâm đảm bảo mật độ các ga tàu có khoảng cách phù hợp dành cho người đi bộ, có thể di chuyển đến mọi vị trí trong thành phố, đủ năng lực thay thế phương tiện giao thông cá nhân; các trung tâm đô thị trong vùng và các huyện ngoại thành, đi ngầm đối với các đoạn tuyến nằm trong Vành đai 3.5, kết hợp điều chỉnh, bổ sung các tuyến xe buýt kết nối đồng bộ, làm cơ sở phát triển mô hình đô thị TOD.

duong-satdo-thi.jpg
Sơ đồ định hướng phát triển giao thông đường sắt đô thị Hà Nội theo Quy hoạch Thủ đô.

Xây dựng đường sắt nhẹ trên cao, chạy ven hai bờ sông Hồng, kết hợp du lịch, cảnh quan và kết nối với khu vực phố cổ. Chuẩn bị các điều kiện để phối hợp với Trung ương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đóng vai trò là trục “xương sống”, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về đường thủy nội địa

Phát triển các tuyến đường thủy nội địa trên hành lang vận tải thủy nội địa Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình và Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai. Nâng cấp, cải tạo các tuyến thủy nội địa có tiềm năng phát triển du lịch. Phát triển 7 luồng thủy nội địa: sông Hồng; sông Đà, sông Cầu, sông Đuống, sông Đáy, sông Công. Đồng bộ các luồng đường thủy nội địa địa phương có quy mô cấp V, bao gồm sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tích, sông Cà Lồ, sông Tô Lịch, sông Thiếp (Ngũ Huyện Khê), chủ yếu phục vụ du lịch địa phương, thoát nước, thủy lợi và cảnh quan môi trường đô thị.

Quy hoạch phát triển cảng khách đồng bộ theo các tuyến vận tải và phù hợp với quy hoạch đô thị của Thành phố, không phát triển cảng hàng hóa tại hữu ngạn sông Hồng trong khu vực Vành đai 3. Phát triển 5 cụm cảng hàng hóa: trung tâm Hà Nội, cảng Bắc Hà Nội, cảng Nam Hà Nội, cảng Đông Hà Nội và cảng Tây Hà Nội. Quy hoạch các cảng, bến khách kết hợp thương mại, dịch vụ nhằm phát triển không gian đô thị trong khu vực vành đai 4; hình thành các cảng, bến khách phục vụ du lịch dọc sông Hồng, sông Đà, sông Đáy… và các khu vực có nhu cầu phát triển du lịch địa phương.

Phát triển hệ thống cảng cạn gắn với các đầu mối vận tải lớn (cảng hàng không, ga đường sắt, cảng thủy nội địa) thành động lực để hình thành các trung tâm logistics cấp vùng và quốc gia tại khu vực phía Đông Nam và phía Tây Bắc.

Về cảng hàng không, sân bay

Nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Nội Bài, giai đoạn đến năm 2030 đạt 60 triệu hành khách/năm và 2 triệu tấn hàng hóa/năm; giai đoạn định hướng đến năm 2050, đạt 100 triệu hành khác/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Quy hoạch phát triển cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô sau năm 2030 với chức năng hỗ trợ cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, phục vụ cho vận tải khách trong vùng Thủ đô; có quy mô cấp 4E, đón khoảng 30 – 50 triệu hành khách/năm và và 1 triệu tấn hàng hóa/năm; bố trí hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ; dự phòng quỹ đất phát triển trong tương lai. Khai thác sân bay Gia Lâm, sân bay Hòa Lạc phục vụ lưỡng dụng dân sự và quân sự.

Giao thông thông minh (ITS)

Từng bước triển khai hoàn thiện hệ thống ITS trên địa bàn thành phố, phục vụ công tác quản lý điều hành giao thông thành phố có hiệu quả, thiết thực... Ban hành Khung kiến trúc, tiêu chuẩn hệ thống ITS đảm bảo khả năng tương thích của các hệ thống được đầu tư từ các dự án khác nhau (có kế thừa các dự án đã triển khai đầu tư). Xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật các thiết bị phục vụ cho xây dựng hệ thống ITS, trước mắt, áp dụng đối với hệ thống camera quan sát. Hình thành Trung tâm điều hành ITS tích hợp (do Thành phố chủ động đầu tư, quản lý, khai thác vận hành kết hợp chia sẻ dữ liệu).

Có cơ chế chính sách đặc thù trong việc khuyến khích thí điểm áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ cũng như nhập khẩu sử dụng các thiết bị hiện đại, chuyên dụng cho hệ thống ITS nhưng ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa làm chủ được công nghệ sản xuất.

Rõ ràng, với phương án phát triển mạng lưới giao thông trong Quy hoạch Thủ đô, Thành phố Hà Nội đã thể hiện khát vọng, tầm nhìn mới và đi đúng định hướng Kết luận số 80-KL/TƯ và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị, đó là “đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại”./.

Bài liên quan
  • Bộ Chính trị: Văn hóa là nguồn lực, động lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô
    “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quy hoạch Thủ đô) được Thành phố Hà Nội triển khai bài bản, công phu, cùng nhiều điểm mới có tính đột phá mạnh mẽ. Trong đó nhấn mạnh Văn hóa và Di sản là 1 trong 5 trụ cột phát triển Thủ đô. Nội dung này cũng đã được Bộ Chính trị thống nhất trong Kết luận số 80 - KL/TƯ về Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Gỡ điểm nghẽn mạng lưới giao thông, xây dựng đô thị Hà Nội hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO