Để sông Hồng trở thành “trục văn hóa”, động lực phát triển của Thủ đô trong thời kỳ mới
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định “Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đặc biệt, Quy hoạch Thủ đô xác định trục sông Hồng là 1 trong 5 trục động lực phát triển; trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là không gian văn hóa di sản, du lịch và dịch vụ, kết nối vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng. Câu hỏi được đặt ra: để cụ thể hóa mục tiêu này, chúng ta cần làm gì?
GS. TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, chia sẻ, trong tương lai, theo tầm nhìn phát triển của Hà Nội thì sông Hồng sẽ là trục chính của Thủ đô Hà Nội, đây là một bước thay đổi căn bản về không gian kinh tế, đồng thời cũng là văn hóa. Bởi như ta biết, theo truyền thống Hà Nội xưa nằm trọn vẹn bên trong ba con sông mà câu ca dao xưa đã khái quát: Nhị Hà quanh Bắc sang Đông/Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này.
Trải qua thời gian, Hà Nội mở rộng ra cả bốn phía, đến hôm nay đã vươn lên một tầm rộng lớn nhiều lần nữa, và lúc này sông Hồng sẽ là trục chính của thành phố. Điều này tạo cho Hà Nội giống nhiều thành phố lớn trên thế giới như Moscow (Nga), Paris (Pháp), London (Anh), Seul (Hàn Quốc)… với một dòng sông lớn là trục chính. Xu thế đô thị hóa sẽ là tất yếu trong tương lai, làng xã sẽ giảm dần, thành phố sẽ mở rộng ra khắp mọi nơi trên diện tích tự nhiên của thành phố. Bộ mặt làng, xã sẽ thay đổi triệt để, đó là xu thế sẽ diễn ra mạnh mẽ của Hà Nội thời gian tới. Vì vậy cần có tầm nhìn trước để chuẩn bị cho những thay đổi triệt để về mặt văn hóa.
Quy hoạch Thủ đô vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt đã tạo ra những “cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trong ngắn hạn và dài hạn, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Trong đó, Quy hoạch nhấn mạnh trục sông Hồng là 1 trong 5 trục động lực phát triển Thủ đô Hà Nội.
Theo quy hoạch hiện nay trục sông này sẽ chia thành ba đoạn: từ Ba Vì đến cầu Hồng Hà dài 90km; từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở dài 40km qua đô thị trung tâm (thuộc địa giới hành chính 13 quận huyện Đan Phượng, Mê Linh, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín) và từ Mễ Sở đến hết Phú Xuyên dài 30km. Đứng từ góc quy hoạch văn hóa, trên trục dòng sông này là những thực thể văn hóa như hệ thống di tích ven hai bên bờ sông từ đầu nguồn thuộc địa phận Hà Nội đến phía Nam.
Theo GS. TS Lê Hồng Lý, hiện tại chúng ta thấy nổi bật là các di tích thờ Hai Bà Trưng, Chử Đồng Tử - Tiên Dung và các vị thần khác. Nếu như khu vực xứ Đoài ven sông Đà là hệ thống di tích thờ Tản Viên Thánh, thì hai bên sông Hồng là các di tích thờ nhị vị Trưng Trắc, Trưng Nhị cùng các vị tướng của Hai Bà và những vị thần khác. Kèm theo các di tích này là hệ thống lễ hội của các làng thờ các vị thần đó. Cùng với các lễ hội là hệ thống phong tục tập quán, nghi lễ, trò diễn của các cộng đồng làng sinh sống nhiều đời tại đây.
Sông Hồng là một con sông cổ, do vậy cư dân sinh sống hai bên từ lâu đời và vốn đã có truyền thống văn hóa kế thừa cư dân của nền văn minh sông Hồng xưa. Đó là các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, quận Hoàn Kiếm, huyện Thanh Trì và Thường Tín bên hữu ngạn và Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm bên tả ngạn.
Cùng với lễ hội, phong tục, diễn xướng dân gian là hệ thống làng nghề hai của các làng hai bên bờ sông Hồng và xa hơn là phần sông Đà thuộc địa phận Hà Nội. Đây là những di sản quý giá cho việc quy hoạch các giá trị văn hóa nhằm phát triển kinh tế của Hà Nội với lụa Cổ Đô, gốm Bát Tràng và những làng nghề khác. “Tóm lại toàn bộ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các làng hai bên sông Hồng sẽ là một phần đóng góp đáng kể vào trục văn hóa sông Hồng trong tương lai cần phải lưu ý”, GS. TS Lê Hồng Lý nhấn mạnh.
Bên cạnh các sinh hoạt văn hóa truyền thống là các hoạt động văn hóa hiện đại trên trục sông Hồng cần được quy hoạch. Đó là xem xét khai thác các cồn, đảo trên lòng sông theo từng đoạn trên toàn hệ thống. Đã có những ý tưởng xây dựng công viên văn hóa, thậm chí đô thị trên những đảo này. Tuy nhiên, trận lũ thế kỷ sau bão Yagi tháng 9/2024 đã cho thấy cần có những suy nghĩ tính toán lại một cách thận trọng.
Một thực tế, dù nhiều chục năm qua không có lũ trên sông Hồng và với hệ thống đập liên tiếp trên các khu vực thượng nguồn, song trận bão Yagi đã cảnh báo lũ lụt vẫn là một nguy cơ tiềm ẩn. Càng rõ ràng hơn và nguy cơ hơn khi mà xu thế biến đổi khí hậu đang và sẽ diễn ra hết sức phức tạp, càng ngày càng nguy hiểm và khốc liệt hơn trong thời hiện đại. Vì vậy, việc khai thác dòng sông rất cần được lưu ý và lường trước những vấn đề này trước khi tiến hành.
Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam Lê Hồng Lý cho rằng, theo từng đoạn đã kể trên có thể tiến hành những hoạt động văn hóa xuyên suốt như du lịch trên sông trên toàn bộ địa bàn Hà Nội và kết nối với các địa phương xung quanh. Có thể thiết kế các tuyến du lịch ngắn trong nội bộ từng đoạn hoặc xuyên đoạn. Các hoạt động văn hóa ở khu vực giữa các cầu khu vực trung tâm như giữa cầu Long Biên và cầu Nhật Tân, Long Biên và Chương Dương, Nhật Tân và Thăng Long…
Giữa hai cầu và trên các cầu có thể tổ chức những hoạt động nghệ thuật ánh sáng, pháo hoa, âm nhạc như ta thấy ở các nước, không gian sông Hồng hoàn toàn phù hợp để thực hiện những ý tưởng đó. Những không gian lòng sông, cồn, đảo và hai bên bờ với những hoạt động khác nhau tùy theo bối cảnh cũng như điều kiện của mỗi đoạn đó với những hoạt động văn hóa phù hợp. Điều này phải được nghiên cứu và tính toán một cách khoa học và hợp lý.
Ngoài trục sông Hồng là chính thì về lâu dài cũng cần tính đến các dòng sông huyền thoại khác của Hà Nội như Kim Ngưu, Tô Lịch, sông Đáy, sông Tích.. Một khi các dòng sông đó được khơi thông, làm sạch môi trường thì không chỉ là giao thông, du lịch và đặc biệt là văn hóa truyền thống của dân cư hai bên bờ từ bao đời nay cũng là những tầm nhìn cần được xem xét. Mặc dù, hai bờ của Kim Ngưu, Tô Lịch tất cả các làng cổ nay đã thành phố thị, văn hóa của họ với các di tích, lễ hội của các làng cổ một thời sẽ là giá trị không nhỏ góp sức cho thành phố.
“Lý tưởng nhất là khi tất cả các dòng sông của Hà Nội được kết nối với nhau thì chắc chắn các hoạt động văn hóa tại đây sẽ vô cùng phong phú và đa dạng, đem lại bộ mặt văn hóa cho Thủ đô vô cùng hấp dẫn đối với người dân thành phố và du khách thập phương. Vì thế, việc quy hoạch văn hóa của các dòng sông với trục chính sông Hồng là vấn đề phải được lưu ý. Kinh nghiệm từ hai dòng Kim Ngưu, Tô Lịch cho thấy, nếu không có sự quy hoạch ngay từ đầu thì việc cắt xén, lấn chiếm, xẻ thịt những không gian quanh những dòng sông này sẽ là bài học đắt giá cho trục sông Hồng trong thời gian tới” - GS.TS Lê Hồng Lý nêu ý kiến./.
Trục sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô, trục kinh tế thương mại, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, trục trung tâm nằm giữa đô thị phía Nam và phía Bắc sông Hồng; là trục không gian văn hóa sáng tạo, con đường di sản tái hiện lịch sử, văn hóa, lễ hội, giới thiệu cảnh quan đất nước con người của mọi miền Tổ quốc hai bên sông, kết nối với khu vực hồ Tây và phố cổ, hình thành không gian phát triển kinh tế ban đêm.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.