Chính sách & Quản lý

Cụ thể hóa 2 Quy hoạch Thủ đô, Hà Nội sẽ có khu công nghệ cao sinh học gần 200ha

Quỳnh Chi 10:16 04/05/2025

Nhiệm vụ Quy hoạch và Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội tỷ lệ 1/2000 tại quận Bắc Từ Liêm, vừa được HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 thông qua tại kỳ họp thứ 22.

Theo đó, Nhiệm vụ Quy hoạch và Đồ án Quy hoạch nhằm cụ thể hóa định hướng Đồ án: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Quy hoạch tổng thể phát triển Khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030...

khu-cong-nghe-cao.jpg
Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội khoảng 199,03 ha được xây dựng tại quận Bắc Từ Liêm. (Ảnh minh họa).

Quy hoạch phân khu chức năng, cơ cấu sử dụng đất hợp lý, đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khớp nối với các dự án đầu tư, hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật và khu vực xung quanh; đảm bảo phát triển đô thị đồng bộ, bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của khu vực và Thành phố. Định hướng phát triển khu công nghệ cao của Nhà nước và Thành phố, trong đó ưu tiên là lĩnh vực công nghệ sinh học với ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, có môi trường nghiên cứu, làm việc và cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đạt tiêu chuẩn cao, góp phần phát triển khoa học công nghệ cao, công nghệ sinh học, phát triển đô thị thành phố Hà Nội.

Nhiệm vụ Quy hoạch và Đồ án Quy hoạch trên cũng nhằm quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ được nghiên cứu khớp nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực trên cơ sở tính toán các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật theo tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội có tổng diện tích đất nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 199,03 ha, thuộc địa giới hành chính của các phường: Tây Tựu, Liên Mạc, Minh Khai, Thụy Phương và Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm), có chức năng thực hiện các hoạt động công nghệ cao phù hợp với xu thế phát triển công nghệ cao trên thế giới và chính sách, định hướng phát triển công nghệ cao của Việt Nam, trong đó ưu tiên là lĩnh vực công nghệ sinh học.

Khu vực các phân khu chức năng chính nằm ở phía Bắc, Tây và Đông Nam khu vực nghiên cứu tiếp giáp các trục đường trục chính từ hướng Bắc, hướng Tây và các trục giao thông chính trong khu vực nghiên cứu, chiếm khoảng 35% ÷ 45% tổng diện tích, gồm các khu vực phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, cung ứng dịch vụ, ứng dụng, sản xuất sản phẩm, giáo dục, đào tạo và ươm tạo công nghệ cao… kết hợp cảnh quan và nhà lưu trú (không phải nhà ở để bán), dịch vụ phụ trợ cho các chuyên gia, người lao động Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội.

Khu vực dịch vụ phụ trợ tập trung ở phía Nam khu vực nghiên cứu, tiếp giáp với tuyến đường Tây Thăng Long và một phần nằm ở phía Đông khu vực nghiên cứu, chiếm khoảng 19% ÷ 24% tổng diện tích, bao gồm các công trình, thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn, bệnh viện … phục vụ các hoạt động cung ứng dịch vụ phụ trợ (bao gồm cả các hoạt động ươm tạo công nghệ cao, triển lãm, trình diễn sản phẩm công nghệ cao) đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia và người lao động.

Khu cây xanh công viên và hồ điều hòa chiếm khoảng 15% ÷ 23% tổng diện tích nghiên cứu, nằm ở trung tâm khu vực nghiên cứu, là khu vực không gian mở tập trung cho toàn bộ dự án. Khu hạ tầng kỹ thuật nằm ở phía Bắc và Đông Bắc khu vực nghiên cứu, chiếm khoảng 1% ÷ 3% diện tích gồm: trạm điện, bể chứa nước, nhà máy xử lý nước thải, khu vực tập trung rác thải tạm thời trước khi đưa đến khu tập trung... Đất giao thông gồm: hệ thống các bãi đỗ xe tập trung và đường giao thông, chiếm khoảng 14% ÷ 16% tổng diện tích đất nghiên cứu.

Định hướng phát triển không gian, thiết kế quy hoạch và kiến trúc

Các ô đất quy hoạch xây dựng công trình đều có phần “lõi” là các không gian mở hình thành bởi cây xanh vườn dạo, đường nội bộ...; liên kết với trục không gian chủ đạo Bắc - Nam của toàn khu hoặc không gian mở của các tuyến đường phân khu vực; định hướng kiến trúc được thiết kế hiện đại, phần cao tầng thống nhất hài hòa với công trình lân cận, phần đế kết hợp với cây xanh và các công trình thấp tầng hợp lý.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, nhấn mạnh, việc triển khai dự án Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội là hành động, việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả để thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành liên quan cần tập trung, quyết liệt chỉ đạo, với tinh thần khẩn trương, nỗ lực hơn nữa, hoàn thành giải phóng mặt bằng chậm nhất trong tháng 8/2025 và phấn đấu khởi công dự án vào ngày 2/9/2025.

Dự án nằm trên trục đường đại lộ lớn Tây Thăng Long (theo trục phát triển kinh tế Hồ Tây - Ba Vì), do vậy, có thể xem xét nghiên cứu quy hoạch các công trình điểm nhấn mang tính biểu tượng của Dự án Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội (quy hoạch một số công trình điểm nhấn quan trọng kết nối từ trục đường Tây Thăng Long đến khu công viên trung tâm: có tầng cao từ 1 tầng đến tối đa 25 tầng) phù hợp chỉ đạo của UBND Thành phố, tạo trục không gian kiến trúc cảnh quan các công trình cao tầng dọc tuyến đường, góp phần tạo điểm nhấn không gian kiến trúc cảnh quan cho khu quy hoạch và khu vực.

quy-hoach-3.jpg
Dự án được thông tin rộng rãi đến nhân dân, nhất là địa bàn mà Thành phố Hà Nội sẽ triển khai quy hoạch, xây dựng Khu công nghệ cao sinh học.

Khai thác sử dụng quỹ đất có hiệu quả, phù hợp xu thế phát triển hiện đại của các Khu Công nghệ cao trên thế giới, tạo thêm các không gian mở, không gian xanh cho Dự án khi bố trí các chức năng công nghệ theo chiều đứng (đảm bảo mật độ xây dựng gộp tối đa 30%), giúp cải thiện chất lượng không khí, giảm hiệu ứng đảo nhiệt, đồng thời tạo ra môi trường vi khí hậu cho Dự án; hình thành khu vực có hệ sinh thái công nghệ cao bền vững, linh hoạt và hài hòa với môi trường tự nhiên, đảm bảo sự phát triển bền vững của đô thị trong tương lai.

Về hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội, gồm hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự và cơ sở hạ tầng thông tin... được quy hoạch, thiết kế và xây dựng hiện đại, đồng bộ, thân thiện môi trường, cung cấp các tiện ích quản lý thông minh và định hướng theo các tiêu chuẩn đô thị thông minh để đảm bảo thuận lợi cho hoạt động của Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ký ức về cha và bản tình ca ngày thống nhất đất nước
    Từ năm 13 tuổi, tôi theo bố (nhạc sĩ Lê Việt Hòa) ra Hà Nội học tại Nhạc viện, trong khi mẹ vẫn dạy học ở quê, chăm lo cho các em và bà ngoại. Hai bố con sống trong căn phòng nhỏ 16m² trên tầng 2 khu nhà lắp ghép E2, Tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam (128 Đại La).
  • Xứ Đoài - miền đất thiêng, vùng đất thơ
    Có những vùng đất chỉ cần thầm nhắc tên đã khơi dậy bao xúc cảm thi ca như sông Hương - núi Ngự, sông Lam - núi Hồng. Và xứ Đoài, với tâm điểm là núi Tản - sông Đà, cũng là một miền đất thiêng, một vùng đất thơ như thế.
  • Tình đất đai xứ sở ngả bóng trong văn chương
    Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền và 21 năm sau (năm 1975) mới tái thống nhất. Tình cảm ấy ngả bóng vào văn chương tạo nên một không gian cảm xúc trùng điệp nỗi nhớ thương đất đai sông núi, chưa từng có trong tiến trình văn chương nước nhà, cả văn xuôi lẫn thơ.
  • Lời cảm ơn của Ban Tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
    Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) đã được tổ chức trọng thể và thành công tốt đẹp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 1/5, Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025 và Thành ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam TPHCM có Lời cảm ơn. Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu toàn văn Lời cảm ơn.
  • 'Lật mặt 8' của Lý Hải vượt 100 tỷ đồng
    Sau chưa đầy một tuần công chiếu, bộ phim 'Lật mặt 8: Vòng tay nắng' của đạo diễn Lý Hải đã vượt mốc doanh thu 100 tỷ đồng phòng vé.
Đừng bỏ lỡ
Cụ thể hóa 2 Quy hoạch Thủ đô, Hà Nội sẽ có khu công nghệ cao sinh học gần 200ha
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO