Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Vận dụng cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô để tạo đột phá
Ngày 15/9/2025, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 2059/QĐ-UBND về việc Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quyết định này nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời xây dựng lộ trình tổ chức triển khai các chương trình, dự án phù hợp với khả năng huy động, phân bổ các nguồn lực nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch Thủ đô đã đề ra.
Xác định rõ nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm thống nhất từ nhận thức đến hành động trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch Thủ đô. Là cơ sở để các sở, ban, ngành, các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm triển khai Quy hoạch Thủ đô.
Bên cạnh đó là thiết lập cơ sở đánh giá kết quả thực hiện theo từng mốc thời gian cụ thể để tổ chức rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch; làm cơ sở để xem xét điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn nhằm đạt được mục tiêu phát triển và thực hiện các nội dung Quy hoạch theo đúng lộ trình.
Thành phố yêu cầu phân công rõ việc, rõ đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, kết quả nhằm thống nhất về nhận thức và tạo sự chủ động để các cấp các ngành tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, định hướng quy hoạch đề ra; đồng thời, làm cơ sở để giám sát, đánh giá việc tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch Thủ đô theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai các nhiệm vụ được giao.
Đảm bảo tính tuân thủ, tính kế thừa các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện quy hoạch cấp quốc gia, vùng đồng bằng sông Hồng, kế hoạch đầu tư công đã được phê duyệt; đảm bảo tính liên kết, thống nhất giữa các nhiệm vụ, chương trình, dự án của các ngành, các địa bàn.
Đồng thời phải đảm bảo tính hiệu quả, khả thi, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương và khả năng cân đối nguồn lực đầu tư. Xác định rõ các dự án, nhiệm vụ trọng tâm, đơn vị chủ trì, tiến độ và nguồn lực thực hiện các dự án, nhiệm vụ.
Yêu cầu trong tổ chức thực hiện Quy hoạch Thủ đô với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên trong quá trình tổ chức chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm của từng ngành, lĩnh vực và địa phương trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, các nội dung triển khai cụ thể Quy hoạch Thủ đô theo các phụ lục kèm theo Kế hoạch này, bao gồm: 20 chỉ tiêu; 70 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đột phá; 227 nội dung công việc cần triển khai và 201 dự án, nhiệm vụ ưu tiên thực hiện trên địa bàn Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
UBND Thành phố yêu cầu phải hoàn thiện và triển khai đồng bộ hệ thống các quy hoạch, cụ thể là tập trung triển khai rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô;
Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành (thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành Trung ương) thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô, các quy hoạch đô thị, nông thôn và quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành (thuộc thẩm quyền phê duyệt của địa phương) nhằm bảo đảm mối quan hệ giữa các loại quy hoạch theo quy định pháp luật về quy hoạch;
Rà soát, điều chỉnh, bãi bỏ hoặc tham mưu điều chỉnh, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ các quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch, chương trình, đề án, phương án có liên quan cho phù hợp, đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô và tuân thủ theo quy định pháp luật về quy hoạch; đặc biệt bãi bỏ các Quy hoạch (trước đây được ban hành bằng văn bản quy phạm pháp luật) nay không còn phù hợp với thực tế, quy định pháp luật; quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn,...
Về nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch, Kế hoạch nêu rõ: vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù được quy định trong Luật Thủ đô để tạo ra những đột phá tạo sức hút, huy động đa dạng các nguồn lực bên ngoài, các thành phần kinh tế tham gia khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế thành nguồn lực phát triển Thủ đô. Việc sử dụng các nguồn lực cần hướng đến tạo những đột phá và thực hiện các chương trình, nhiệm vụ trọng tâm của Thủ đô;
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chỉ ngân sách nhà nước và đầu tư công. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách; tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, tài sản công ở tất cả các cấp ngân sách gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội về tài chính, ngân sách, đầu tư tại Luật Thủ đô, các Nghị quyết của Quốc hội đối với thành phố Hà Nội;
Quản lý, khai thác có hiệu quả nguồn lực tài nguyên, nhất là nguồn lực tài chính từ đất đai để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển. Thực hiện rà soát, sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô để bố trí, sắp xếp, khai thác, sử dụng có hiệu quả quỹ đất, nhất là ở các vị trí có khả năng sinh lợi cao. Nghiên cứu có cơ chế khai thác giá trị tăng lên từ đất khi đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển đô thị; các chính sách thuế bất động sản, các loại phí đặc thù... để tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng, xây dựng, cải tạo, chỉnh trang đô thị;
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương và các địa phương liên quan thúc đẩy thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách trung ương trên địa bàn thành phố, vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng. Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, tạo tác động lan tỏa, dẫn dắt thu hút vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước và nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đề nghị Trung ương và các bộ, ngành quan tâm để Hà Nội sử dụng các gói vay ODA cho phát triển hệ thống đường sắt đô thị.
Bên cạnh đó phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, nhất là đối với các dự án phát triển hạ tầng đô thị. Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước có công nghệ tiên tiến, có nguồn vốn lớn, có cam kết gắn bó lâu dài với thành phố, nhất là trong những ngành kinh tế trụ cột của Thủ đô. Thu hút đầu tư mạnh mẽ vào các khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm du lịch và dịch vụ, trung tâm logistics, khu đô thị mới và nhà ở xã hội;
Đẩy mạnh chương trình xúc tiến đầu tư và thương mại, cung cấp thông tin rộng rãi đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước về Quy hoạch và các định hướng phát triển của thành phố. Khuyến khích và thu hút các tập đoàn kinh tế lớn, công ty đa quốc gia thành lập, đặt trụ sở hoặc văn phòng cấp vùng, trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội./.